Pages

Monday, October 11, 2010

Việc Hoa Kỳ trấn an đồng minh châu Á làm Trung Quốc tức giận

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) đang đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, tại cuộc họp khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội ngày 11/10/2010.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) đang đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, tại cuộc họp khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội ngày 11/10/2010.
Reuters
Đức Tâm
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tới Việt Nam tối qua 10/10, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với 8 nước đối thoại, ADMM+. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có các cuộc gặp với đồng nhiệm Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia khác bên lề Hội nghị ADMM+.
Theo giới phân tích, đây là một chuyến công du đầy tế nhị, khó khăn đối với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Một mặt, ông Gates phải khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á hiện đang cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa. Mặt khác, Washington phải tìm cách thuyết phục Bắc Kinh cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực đối thoại quân sự.
Theo các quan chức Mỹ cùng đi trong phái đoàn, thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ nhắc lại thông điệp, theo đó, Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ vai trò lâu đời của mình như là một cường quốc có ưu thế về quân sự trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, trong bối cảnh các tham vọng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng lớn.
Hoa Kỳ lo ngại là những tranh chấp đang ngày càng gia tăng về chủ quyền đối với một số các quần đảo trong khu vực Biển Đông có nguy cơ cản trở thông thương tại đây, một trong những tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất trên thế giới.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, xin dấu tên, trong phái đoàn Hoa Kỳ nói rằng Bộ trưởng Gates sẽ nhắc lại quan điểm theo đó tự do hàng hải tại Biển Đông là quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Trong cuộc nói chuyện với sinh viên Việt Nam ngày hôm nay ở Hà Nội, Bộ trưởng Gates nhấn mạnh, để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và bảo đảm an ninh, tự do lưu thông trên Biển Đông, thì đàm phán song phương là chưa đủ, cần phải có thể chế đàm phán đa phương.
Lập trường này của Mỹ đã làm Trung Quốc tức giận và tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào công việc của khu vực châu Á, muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh bác bỏ mọi lời kêu gọi đàm phán đa phương và chỉ muốn thương lượng song phương. Như vậy, Trung Quốc, một nước lớn, cường quốc khu vực, sẽ dễ dàng áp đảo những quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé khác.
Trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp đồng nhiệm Trung Quốc tại Hà Nội. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước kể từ một năm nay, bởi vì sau vụ Hoa Kỳ bán 6 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh đã hủy bỏ lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc và hủy bỏ các cuộc đối thoại quân sự song phương.
Tình hình có vẻ lắng dịu đi trong thời gian qua. Trung Quốc đã đồng ý nối lại một vài cuộc thảo luận quân sự ở cấp thấp trong tháng này và lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng đã tuyên bố rằng họ muốn có những tiếp xúc rộng hơn.
Thế nhưng, Washington không mong đợi cuộc gặp ngày hôm nay mang lại những kết quả cụ thể. Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, Geoff Morrell, nói rằng Mỹ không có ý định thuyết phục Trung Quốc là nên tiếp tục quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng, mà chỉ muốn nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng các cuộc tiếp xúc quân sự là cần thiết cho cả hai bên, giúp tránh những hiểu lầm, tức là duy trì một hình thức đối thoại giống như trong thời Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.
Những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông và là nguyên nhân gây ra những vụ đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Mỹ trong thời gian qua, tại những nơi mà Hoa Kỳ coi là vùng biển quốc tế.
Để tránh nguy cơ xảy ra xung đột, Hoa Kỳ ủng hộ việc xây dựng một bộ luật ứng xử ở Biển Đông, mang tính ràng buộc, trên cơ sở Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông, được ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN. Việc Mỹ cam kết quay trở lại Đông Nam Á và có những tuyên bố trấn an các nước trong khu vực có thể tạo sức ép buộc Trung Quốc chấp nhận đàm phán về bộ luật ứng xử ở Biển Đông. Nhóm chuyên gia ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ gặp lại nhau từ nay đến cuối năm để bàn về hồ sơ này, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về vấn đề Biển Đông, tại Diễn đàn khu vực ASEAN, hồi tháng bẩy ở Hà Nội.

No comments:

Post a Comment