Tác giả: Trương Nhân Tuấn
Từ đầu năm 2010 đến nay bang giao Trung-Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió, đối đầu nhau trên các lãnh vực như nhân quyền, thuơng mại, vấn đề Đài Loan, về trách nhiệm của nước lớn trước các thử thách quốc tế và nỗ lực gia tăng quốc phòng không có lý do của Trung Quốc.
Về nhân quyền, sau khi bị chỉ trích kịch liệt do bỏ qua vấn đề nhân quyền trong chuyến công du Trung Quốc mà B. Obama đã hứa hẹn sau khi đắc cử, nhất là sau khi lãnh giải Nobel Hòa bình, ông Obama đã cố gắng chấn chỉnh lại uy tín của mình qua việc tiếp đón đức Đại Lai Lạt Ma vào trung tuần tháng 2 năm 2010. Vấn đề Đài Loan, do ràng buộc của kết ước Taiwan Act năm 1979, Hoa Kỳ có cam kết bảo vệ an ninh xứ đảo này, bao gồm việc chuyển giao vũ khí tự vệ dưới hình thức mua bán. Vì thế Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan (một số lượng vũ khí tương đương 6,5 tỉ USD, bao gồm trực thăng, hỏa tiễn phòng không PAC-3 và có thể các thiết kế cho tàu ngầm). Về kinh tế, Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh đã không tôn trọng các luật lệ WTO ràng buộc như trợ giá cho các mặt hàng xuất khẩu hoặc cố giữ tỉ giá đồng Nguyên thấp. Áp dụng các biện pháp này Trung Quốc dễ dàng thúc đẩy được hàng hóa nội địa xuất khẩu nhưng lại ảnh hưởng tai hại đến nhiều kỹ nghệ sản xuất của nhiều nước khác. Về ngoại giao, thực ra là về nghĩa vụ của một nước lớn trước các vấn đề liên quan đến an ninh quốc tế, Trung Quốc luôn ủng hộ Iran và phản đối Liên hiệp quốc khi cơ quan quốc tế này dự định ra nghị quyết trừng phạt Iran trong vấn đề làm giàu chất fissile (chất phân nhân). Riêng vấn đề diệt chủng tại Darfur, Bắc Kinh luôn đứng về phía thủ phạm, vì Trung Quốc cần nguồn nguyên liệu dồi dào và rẻ tại Sudan. Mặc dầu trên quan điểm quốc tế công pháp, đối với chế độ diệt chủng dã man này, Liên hiệp quốc cần phải áp dụng nguyên tắc “quyền và nghĩa vụ can thiệp” (droit et devoir d’ingérance) để bảo vệ sinh mạng cho dân chúng. Nhưng Bắc Kinh lại đứng sau chế độ độc tài khát máu này ở Khartoum, chống lại mọi nghị quyết của Liên hiệp quốc, để hưởng lợi nhuận từ việc mua bán quặng mỏ. Bắc Kinh cũng luôn ủng hộ Bắc Hàn, một chế độ cộng sản sắt máu cuối cùng còn sót lại trên thế giới, nuôi dưỡng chế độ của Kim Jong Il, thường trực đe dọa an ninh toàn vùng Đông Á, như Nhật Bản và Nam Hàn, đồng thời làm khó hội đàm 6 bên về vũ khí hạt nhân và tương lai bán đảo Triều Tiên. Về phương diện nghĩa vụ của nước lớn trước những vấn nạn liên hệ đến cả nhân loại, ta cũng không thể không nhắc thái độ trịch thuợng, vô trách nhiệm của Trung Quốc năm 2009 qua hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen…
Dưới mắt lãnh đạo Bắc Kinh, khi đặt các vấn đề ở các việc trên, Hoa Kỳ (trong một chừng mực Liên hiệp quốc) đã can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng lại bằng nhiều biện pháp, chính đạo cũng có, tà đạo cũng có, nhưng mãnh liệt nhất là những vấn đề liên quan đến Tây Tạng và Đài Loan. Bắc Kinh đơn phương ngưng các trao đổi về quốc phòng với Hoa Kỳ đồng thời đe dọa sẽ sử dụng vũ lực với Đài Loan. Ngoài ra còn điệu võ dương oai thử hỏa tiễn đánh phá các mục tiêu trên biển nhằm ngăn chặn hạm đội Mỹ tiến gần biển Đài Loan hay biển Hoa Nam (tức biển Đông theo Việt Nam), cho tập trận biểu dương lực lượng hải quân, không quân…, cho thử hỏa tiễn chống vệ tinh (làm ô nhiễm vùng không gian, vùng qua lại của các vệ tinh ở quĩ đạo thấp, mặc dầu việc này bị thế giới lên án vì đã quân sự hóa vùng không gian bên ngoài quả đất). Trung Quốc cũng mở các cuộc tấn công tin học (như vụ Google). Nói chung, các phản ứng của Bắc Kinh phần lớn tập trung vào việc biểu dương “cơ bắp” nhằm răn đe hơn là nghiên cứu bề sâu để thay đổi về bản chất. Việc này đã gây nên những sai lầm trong tính toán chiến lược.
Trong khi đó Ngũ Giác Đài thường xuyên bày tỏ quan ngại về khả năng quốc phòng ngày càng lớn mà không có lý do giải thích của quân đội nhân dân Trung Quốc…
Nhưng các vấn đề nổi bật, ảnh hưởng đến việc thay đổi toàn bộ cục diện vùng Châu Á Thái Bình Dương, xảy ra từ đầu năm cho đến hôm nay vẫn là: 1/ biến cố chiếc tuần dương hạm Cheonan của hải quân Nam Hàn bị chìm trong biển Hoàng Hải vào tháng 3 năm 2010, 2/ tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ H. Clinton về chủ trương của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông tháng 7 năm 2010 và 3/ biến cố Nhật-Trung về tranh chấp quần đảo Senkaku tháng 9 năm 2010.
Nói là do các biến cố này, nhưng thực ra là do hậu quả của việc tính toán sai lầm chiến lược của lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nói dưới đây. Việc này đã giúp cho Hoa Kỳ một dịp may hiếm có, củng cố lại vị trí đang lung lay của mình tại Nhật Bản, Nam Hàn. Riêng tại các xứ Đông Nam Á, những sai lầm của Trung Quốc đã giúp Hoa Kỳ trở lại (ở một vài nước), đã được nước chủ nhà tiếp đón long trọng và hoan hỉ chưa từng thấy. Dường như chưa bao giờ danh dự và uy tín của Hoa Kỳ lại được tuyên dương đến mức cao như thế ở khu vực này!
Trong vấn đề chiếc tàu tên Cheonan, một tuần dương hạm thuộc hải quân Nam Hàn, dài 88m, rộng 10m có trọng tải 1.200 tấn, thủy thủ đoàn là 104 người, tàu này đã bị nổ, gãy làm hai, chìm tại Hoàng Hải ngày 26 tháng 3 năm 2010, làm cho 46 người thiệt mạng. Theo tin tức đăng tải thì chiếc Cheonan lúc bị nạn còn đang hoạt động trong vùng biển thuộc kiểm soát của Nam Hàn. Nguyên nhân của vụ chìm tàu, kết quả từ các cuộc điều tra đa quốc gia, trong đó có cuộc điều tra độc lập của Nga, đều đồng ý cho rằng tàu chìm không phải do tai nạn, như vũ khí trên tàu phát nổ, mà do vật nổ (thí dụ: một quả thủy lôi) đến từ bên ngoài. Tuy nhiên độ sâu của vùng biển nơi tàu chìm chỉ có khoảng 20m, là mực nước khó có thể cho một tàu ngầm nào hoạt động. Thật là điều bí ẩn vì vật nổ này (quả thủy lôi) đến từ đâu? Phía Nam Hàn và Hoa Kỳ đều thuyết phục rằng thủ phạm chính là thủy lôi của Bắc Hàn, có thể do cá heo hay một chiếc tiềm thủy đỉnh loại cực nhỏ bắn vào. Vết tích của thủy lôi còn tìm thấy trên xác tàu, các chuyên gia Hoa Kỳ và Nam Hàn khẳng định thủy lôi đó được sản xuất tại Bắc Hàn. Nhưng phía Bình Nhưỡng kịch liệt phản đối, đe dọa sẽ phát động chiến tranh toàn diện. Họ đã phủ nhận mọi kết án từ phía Hoa Kỳ và Nam Hàn. Thái độ của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, triệu tập do yêu cầu của Nam Hàn, cũng tỏ ra thận trọng, không “lên án” Bắc Hàn, vì chưa có bằng chứng cụ thể. Dĩ nhiên Bắc Kinh đứng về phía Bình Nhưỡng trong vụ này. Nhân dịp này các cuộc biểu dương qui mô giữa lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn đã diễn ra, có cả sự tham gia (lần đầu tiên) của Nhật Bản và hải quân nhiều nước khác, như đã thấy vừa qua (tháng 7 và tháng 10) tại vùng biển Nhật Bản hay Hoàng Hải.
Ai là thủ phạm bắn chìm tàu Cheonan, ngoài Bắc Hàn? Trái với khẳng định Hoa Kỳ và Nam Hàn, các chuyên gia Nga thì dè dặt trong kết luận. Từ đầu tháng Mười 2010, Nga cho biết không có gì chắc chắn để kết luận thủ phạm là Bắc Hàn, nhưng họ lại không công bố nội dung kết quả nghiên cứu để biết ai là thủ phạm. Có thể việc không công bố là một lựa chọn mang tính “chiến lược” của Nga.
Biến cố Cheonan tạo nên căng thẳng chưa từng thấy ở hai bên Hàn Quốc từ khi hiệp ước đình chiến 1953 (hiệp ước ngưng bắn nhưng không kết thúc chiến tranh, tức tình trạng chiến tranh ở hai bên vẫn còn tiếp diễn). Ai cũng cho rằng chiến tranh sẽ bùng nổ trở lại vì Nam Hàn không thể ngồi yên không trả đũa (nếu thủ phạm là Bắc Hàn).
Nhưng Bắc Hàn không là thủ phạm thì ai là thủ phạm? Nếu loại bỏ những rủi ro đến từ hành động vô ý, tính toán sai lầm của binh sĩ Bắc Hàn ở các cấp dưới, thủ phạm đánh chìm chiếc tàu Cheonan sẽ phải là phía có lợi nhất, nếu chiến tranh Nam, Bắc Hàn xảy ra.
Phía Bắc Hàn có lợi gì nếu cuộc chiến bùng nổ trở lại? Điều mà lãnh đạo Bình Nhưỡng phải nắm vững là cuộc chiến này họ không thể thắng. Họ có thể gây thiệt hại ghê gớm cho Nam Hàn (và trong chừng mực Nhật Bản) nhưng họ không thể thắng. Từ lâu phía Bắc Hàn đã khai thác tối đa khả năng răn đe (có khả năng gây thiệt hại ghê gớm) này, một mặt nhằm kéo dài chế độ độc tài gia đình trị, một mặt bắt chẹt Nam Hàn và Hoa Kỳ đòi hỏi hàng hóa “viện trợ”. Hơn nữa, với tình hình lãnh tụ Kim Jong Il bệnh tật, (người kế vị chưa ổn định), gây chiến đồng nghĩa với tự sát. Chiến tranh xảy ra, Bắc Hàn sẽ mất hết, vừa mất nước và những cái quí nhất của Kim Jong Il, như tính mạng của cả dòng họ và quyền lãnh đạo.
Như thế Bắc Hàn không có lợi gì nếu chiến tranh bùng nổ trở lại. Trong khi phía chính đáng là Nam Hàn sẽ được sự ủng hộ của thế giới vì là cuộc chiến tự vệ, vì Bắc Hàn khai hỏa trước. Nếu suy luận như thế thì khó có thể kết luận thủ phạm là lãnh đạo Bình Nhưỡng. Trong khi bằng chứng cụ thể thì không có gì chắc chắn.
Vậy thì ai có lợi?
Trong một bài xã luận mới đây đăng trên Đại Công Báo (Hồng Kông), tác giả Giáo sư Trần Khởi Mậu[i], Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Thượng Hải, cho rằng Hoa Kỳ có lợi nhất trong biến cố này:
Nhìn lại diễn biến khu vực thời gian qua có thể thấy rõ, trước khi xảy ra sự kiện tàu Cheonan, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ở một mức độ nào đó, Mỹ đã lâm vào khó khăn chiến lược: việc di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng Nhật Bản; Hàn Quốc cũng không còn hoan nghênh việc đóng quân lâu dài của quân đội Mỹ tại đất nước này và đã đạt được với Mỹ một hiệp định về việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Hàn Quốc trong hai năm tới; chính phủ của cựu Thủ tướng Hatoyama đề xuất việc xây dựng một cộng đồng Đông Á không bao gồm Mỹ trong đó cũng khiến Mỹ cảm nhận được nguy cơ bị đẩy ra khỏi vòng tròn kinh tế Đông Á đang có sức phát triển mạnh…
Sau sự kiện tàu Cheonan, Mỹ nhận thấy đây là cơ hội tôt để củng cố địa vị bá quyền của mình tại châu Á – Thái Bình Dương, lập tức nắm lấy cơ hội này, điều binh khiển tướng, thể hiện sức mạnh, ra sức ủng hộ Hàn Quốc về mặt ngoại giao, thừa cơ tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Mỹ đã đạt được với Hàn Quốc về một hiệp định đóng quân lâu dài tại nước này…
Một vài ý kiến trong bài này cần thảo luận lại, như hiệp định về việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Hàn Quốc trong hai năm tới, hay việc đánh giá quá cao việc xây dựng một cộng đồng Đông Á không bao gồm Mỹ của Nhật
Thực ra các nước Nhật và Đại Hàn là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ từ sau Thế chiến thứ hai. Mặc dầu có nhiều tiếng nói chống đối lại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Okinawa (Nhật) và Nam Hàn, việc này không phải chỉ xảy ra mới đây mà từ trước đến nay đều có những phản đối như vậy. Hai nước này có chế độ dân chủ tự do, người dân có quyền biểu lộ chính kiến, do đó việc phản đối quân đội nước ngoài trên nước mình thường xuyên được giới chính trị sử dụng để kiếm phiếu. Nhưng trên vấn đề an ninh quốc gia, với sự đe dọa ngày một lớn của Trung Quốc ở phía Tây và của Nga ở phía Bắc, hai nước này không có lý do loại Mỹ ra ngoài một cách đơn giản.
Ở Nam Hàn, người viết chưa hề nghe đến một hiệp ước “giảm binh” với Hoa Kỳ trong hai năm tới như bài viết của GS Trần.
Nếu Hoa Kỳ rút toàn bộ quân đội ra khỏi Nam Hàn, chắc chắn Nam Hàn sẽ lọt vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trong một thời gian ngắn. Lãnh đạo ở Hán Thành không đến nỗi suy nhược thần kinh để không biết tầm quan trọng về vị trí chiến lược của bán đảo Triều Tiên, nơi hội tụ các thế lực mạnh (Hoa Kỳ, Nhật Bản) và các thế lực đối chọi, ảnh hưởng chủ nghĩa bành trướng ở cận bên là Trung Quốc và Nga. Nhiều lý thuyết chiến lược đương đại trên thế giới đều đặt bán đảo Triều Tiên ở tầm quan trọng bật nhất (nhất là thuyết Rim land và Heartland của H. Mackinder). Vấn đề là cần phải tìm hiểu sự hiện hữu (nếu có) và nội dung của hiệp định về việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Hàn Quốc trong hai năm tới để có thể có một quan điểm rõ rệt.
Với Nhật Bản, trang nhà của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đăng tải đầy đủ các kết ước giữa Hoa Kỳ và Nhật, ai cũng có thể tham khảo. Ta thấy hiện nay Hoa Kỳ đang thực hiện việc xây dựng lại phi trường để đổi hướng phi đạo ở Okinawa cũng như thay đổi giờ bay của các phi vụ quân sự để không quấy nhiễu sự yên tĩnh của dân chúng. Về các việc vận động tạo vùng thịnh vượng chung không có Mỹ như ASEAN+3, khối Châu Âu v.v… đều không nhằm mục tiêu chống Hoa Kỳ. Trong khi đó quan hệ thuơng mại của Nhật và Trung Quốc năm 2008 lên tới 267 tỉ đô la, vượt qua mọi quan hệ thuơng mại giữa Nhật – Hoa Kỳ (vượt qua từ năm 2004) và Nhật – Châu Âu (vượt qua từ 2003). Trong khi đó, cán cân thuơng mại Nhật-Trung, theo văn bản của Nhật năm 2009, Nhật đã thâm thủng 18 tỉ. Nếu Hoa Kỳ lo ngại hay phản đối thì đã lên tiếng từ năm 2004, chứ không chờ đến việc Nhật xây dựng một cộng đồng Đông Á không bao gồm Mỹ mới bắt đầu lo ngại.
Bài viết của GS Giáo sư Trần Khởi Mậu do đó phải có mục đích khác. Theo tôi, có hai việc, thứ nhất là nhấn mạnh Hoa Kỳ “có lợi” trong biến cố Cheonan, thứ hai là giảm thiểu mọi cảm giác, hay xóa bỏ những hình ảnh một Trung Quốc hung hăng và bành trướng trước cộng đồng quốc tế.
Thật vậy, nếu xem xét lại một cách thận trọng các dữ kiện lịch sử hay các biến cố đương đại liên quan đến Trung Quốc thì ta sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác.
Về tuyên bố “lợi ích cốt lõi” ở biển Đông của một viên chức ngoại giao Trung Quốc với giới có thẩm quyền Hoa Kỳ, dường như khoảng đầu năm 2010, hiện nay đang được Bắc Kinh thẩm định lại. Nhiều tiếng nói trỗi lên cho rằng điều đó không (hay chưa) phải là quan điểm chính thức của Trung Quốc. Nhưng việc này không xóa bỏ được những nghi kỵ của các nước liên quan. Các động thái của Trung Quốc qua các hành vi như đơn phương cấm bắt đánh cá, kể cả trong các vùng biển thuộc hải phận của nước khác, hay là tuyên bố ngoại giao biểu hiện qua tấm bản đồ chín gạch, lần đầu tiên nộp lên Liên hiệp quốc nhân việc nước này phản đối hồ sơ “thêm lục địa mở rộng” của Việt Nam nộp chung với Mã Lai và hồ sơ riêng của Việt Nam, vào tháng 8 năm 2009. Các việc này đã cho thấy ý định rõ rệt của Trung Quốc ở biển Đông là giành gần trọn vẹn vùng biển và các quần đảo ở đây về Trung Quốc. Tuyên bố “lợi ích cốt lõi” ở biển Đông do đó chỉ là cách thể hiện bằng ngôn từ các hành động cấm đánh cá hay tấm bản đồ 9 gạch giành 80% biển Đông về Trung Quốc mà thôi!
Do đó các vận động nhằm điều chỉnh lại tuyên bố “lợi ích cốt lõi” sẽ không thuyết phục được ai, nếu như tấm bản đồ 9 gạch chưa được rút về hay việc cấm đánh cá trên các vùng biển của nước khác chưa được Bắc Kinh bãi bỏ.
Nhưng điều này phản ảnh việc tính toán sai lầm trầm trọng về chiến lược của phía Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Nếu ta ngược thời gian, đến tháng 3 năm 2008, lúc Trung tướng Lương Quang Liệt được phong làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Liền sau đó ông này tuyên bố: “Ba ngày, tôi sẽ lấy xong Đài Loan”[ii]. Điều đáng quan tâm là ông Liệt đã từng biểu lộ trước đó quan điểm quốc phòng của mình: “Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh”[iii].
Điều này không mới mẻ gì, trong sách trắng quốc phòng của Đài Loan đã từng phân tích nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan, việc này sẽ kéo Hoa Kỳ cùng toàn bộ khu vực Đông Á và Đông Nam Á vào cuộc chiến.
Nhưng nó cho ta thấy rõ rệt ý đồ “chiến lược” của Trung Quốc: vấn đề Đài Loan bao gồm luôn Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Về Hoa Kỳ, các viên chức quân đội của Trung Quốc, nhân buổi nói chuyện nhậm chức của Lương Quang Liệt, đe dọa như sau: “Nếu nước Mỹ đánh vào lãnh thổ nước ta, chúng ta sẽ dùng một nửa Trung Quốc kể từ Tây An trở về đông để đổi lấy 400 thành phố của Mỹ.”[iv]
Mặt khác, Trung Quốc cũng vận động để chuẩn bị dư luận cho tính chính đáng của mình. Ta đã thấy Trung Quốc luôn tìm cách đưa các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác vào vấn đề “nội bộ”. Tuyên bố “lợi ích cốt lõi” ở biển Đông vừa xong thì xảy đến biến cố Senkaku[v] với Nhật. Trong các tuyên bố của Trung Quốc về quần đảo Senkaku, về Hoàng Sa và Trường Sa hay về biển Đông…, Trung Quốc luôn cho rằng chúng đều thuộc chủ quyền “bất khả tranh nghị” của Trung Quốc. Như thế, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm vùng biển hay các đảo đó thì họ sẽ hành động dưới hình thức “tự vệ”. Trung Quốc hy vọng làm thế sẽ tránh được mọi sự can thiệp của các nước khác, nhất là Hoa Kỳ. Cuộc chiến xảy ra ít nhất họ tạo được thế “chính nghĩa”.
Các thí dụ sau đây là bằng chứng điển hình về việc vận động dư luận cho các cuộc chiến tự vệ của Trung Quốc:
Nhắc lại lời tuyên bố ngày 20 tháng 1 năm 1974 của Trung Quốc sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi không bao giờ chiếm đóng lãnh thổ của nước khác, nhưng chúng tôi cũng sẽ không để cho các nước khác chiếm đóng lãnh-thổ của chúng tôi… Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa có quyền làm mọi hành vi cần thiết để tự vệ.”[vi]
Trung Quốc cũng tuyên bố tương tự như thế cho cuộc chiến xâm lược vùng biên giới Việt-Trung tháng 2 năm 1979. Và nội dung tuyên bố năm 1988, 1989 sau khi chiếm một số đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không khác.
Với những chuẩn bị như thế, cuộc chiến tự vệ sắp tới (nếu có) sẽ mang tên: giải quyết vấn đề Đài Loan và thâu hồi các vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã bị nước ngoài chiếm đóng. Còn lại chỉ là “thời cơ”, tức thời điểm thuận lợi nhất để Trung Quốc hành động. “Thời cơ” này có thể là “cơ trời” hay sẽ do Trung Quốc tạo nên.
Trở lại biến cố Cheonan, mặc dầu chưa thể quyết đoán ai là thủ phạm, nhưng sự việc biển Đông hay Senkaku đều xảy ra có lớp lang, đều do Trung Quốc đứng chủ động phía sau.
Ai cũng thấy rằng biến cố Cheonan tạo thời cơ cho Trung Quốc.
Nam Hàn đe dọa trả đũa Bắc Hàn bằng vũ lực. Nếu việc này thành hiện thực thì chắc chắn sẽ châm ngòi lại cuộc chiến Triều Tiên (tạm ngưng bắn từ năm 1953). Chiến tranh Nam, Bắc Hàn bùng nổ, Hoa Kỳ và Nhật Bản ban đầu chắc chắn sẽ lúng túng vì phải đối phó tấn công của Bắc Hàn. Việc này sẽ tạo cơ hội bằng vàng để Trung Quốc chiếm toàn biển Đông và quần đảo Senkaku cùng với Đài Loan.
Nếu suy luận như thế, không phải Hoa Kỳ, phía Trung Quốc mới là phía có lợi nhất nếu chiến tranh Nam, Bắc Hàn bùng nổ.
Nhưng Trung Quốc đã tính toán sai lầm về chiến lược. Đối với biển Đông, tuyên bố của Hoa Kỳ qua bà Ngoại trưởng H. Clinton vào tháng 7 năm 2010 nhân hội nghị ASEAN tại Hà Nội cho thấy Hoa Kỳ sẽ không đứng ngoài. Đối với quần đảo Senkaku, Hoa Kỳ đã tái khẳng định khu vực biển và các đảo này nằm trong hiệp ước an ninh hỗ tương giữa Nhật và Hoa Kỳ, tức là Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Tuần vừa qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng một số nước đồng minh của Hoa Kỳ diễn tập trận chiến “chiếm lại Senkaku”, cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ và đồng minh sẽ không nói suông. Phía Trung Quốc phản ứng lại bằng cách biểu dương tập trận bắn rớt chiến đấu cơ Raptor F22 của Hoa Kỳ (nhưng hư thực thì binh bất yếm trá!). Sai lầm của Trung Quốc là không “tính” được phản ứng của Hoa Kỳ và các nước liên quan. Dĩ nhiên thái độ của Hoa Kỳ có được như vậy là do sự vận động kín đáo nhưng có hiệu quả của các nước liên quan.
Về bài viết của GS Trần ở trên, vấn đề chiếc tàu Cheonan còn nhiều uẩn khúc, chưa biết thủ phạm, nhưng ông này đã nói đúng rõ ràng Hoa Kỳ có “lợi”. Nhưng khi tình hình khu vực Đông và Đông Nam Á căng thẳng thì sự có mặt của Hoa Kỳ ở các khu vực này sẽ được hoan nghênh, nhất là sự căng thẳng đó đem lại từ những đe dọa của Trung Quốc, dầu có hay không có biến cố Cheonan.
Đây sự thất bại cho toan tính chiến lược của Trung Quốc. Việc này thấy được qua việc Lương Quang Liệt đã xuống giọng, so với Dương Khiết Trì trước đó, trong các tuyên bố về biển Đông qua buổi họp ADMM + vào đầu tháng 10.2010 tại Hà Nội. Các thất bại từ tính toán chiến lược của Trung Quốc đã để lộ tham vọng của Trung Quốc, đã gây hiệu quả ngược, rất tai hại cho Trung Quốc trên đường dài. Vòng vây bao quanh Trung Quốc sẽ ngày càng chặt chẽ. Các thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc còn phải nghe lời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ẩn nhẫn giấu mình thêm nhiều năm nữa.Và điều không nghi ngờ, sự trở lại (hay việc tái khẳng định sự hiện diện) của Hoa Kỳ tại khu vực Đông và Đông Nam Á, là dấu hiệu của sự việc chuyển trục thế giới từ Châu Âu-Đại Tây Dương sang Đông, Đông Nam Á-Thái Bình Dương.
Riêng về các nỗ lực của Việt Nam, nhất là phe quân đội, đã có đóng góp không nhỏ, đã được thế giới khen ngợi thành quả “ngoại giao du kích” (guerilla diplomacy)[vii] , như nội dung một bài viết trên báo chi nước ngoài gần đây. Thành quả này cần phải được xem xét và đánh giá lại cho đúng mức. Sự “dấn thân” của Hoa Kỳ ở biển Đông chỉ ở mức “tuyên bố”, chưa có gì ràng buộc. Trong khi những vận động của Việt Nam về quốc tế hóa biển Đông thì hình như trụ lại ở ASEAN. Đã có dấu hiệu mâu thuẫn giữa hai phía ngoại giao và quốc phòng. Phe “văn” nói một đường, phe “võ” làm một nẻo. Người viết sẽ trở lại qua bài sau, về chủ đề quốc tế hóa biển Đông, một tranh chấp thuộc phạm vi khu vực được chiếu dưới ánh sáng quốc tế, hy vọng đưa ra một cái nhìn khác.
© 2010 Trương Nhân Tuấn
© 2010 talawas
[i] Xem http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/1099-s-chuyn-dch-ban-c-trung-m-ti-chau-a–thai-binh-dng
[ii] Xem Talawas http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12712&rb=0402 “Vài nét về Bộ trưởng Quốc phòng mới của Trung Quốc” do Tam Dương giới thiệu và chú thích.
[iii] Idem.
[iv] Idem.
[v] Xem “Tìm hiểu sơ lược tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Điếu Ngư” của Trương Nhân Tuấn tại : http://www.x-cafevn.org/node/971
[vi] Xem bài “Vấn-Đề Chủ-Quyền Đối với Hai Quần-Đảo Hoàng-Sa Và Trường-Sa: Vài Nhận-Xét Về Lập Luận Của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan” của Tạ Quốc Tuấn : http://tiengnoitudo.wordpress.com/2008/02/08/l%E1%BA%ADp-lu%E1%BA%ADn-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-kinh-va-dai-loan-v%E1%BB%81-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-hoang-sa-va-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-sa-t%E1%BA%A1-qu%E1%BB%91c-tu%E1%BA%A5n/
[vii] Xem “Vietnam revives guerilla tactics” của Greg Torode trên South China Morning Post ngày 14 tháng 10 năm 2010: http://www.viet-studies.info/kinhte/VN_guerrilla_tactics.htm
No comments:
Post a Comment