Tích xưa kể lại rằng vài ngàn năm trước, tại văn miếu Quốc Tử Giám, trong một đêm linh thiêng, nhà vua trước khi cho các sĩ tử sờ đầu rùa và phong chức sắc, đã dặn đi dặn lại các bậc quan thần rằng, phải giữ cho được cái giá trị cốt lõi của con dân, một trong những “giá trị” đó là “lòng tin”, vì “Có lòng tin mới có động lực để cống hiến!”
Hãy cùng Tạp Chí Bắp Cải kiểm định lại “giá trị của lòng tin” bằng những câu chuyện của ngày hôm nay…
Chuyện thứ 1: Chuyện rất cũ, nhưng vẫn phải tua lại vài lần.
Hà Nội vừa kết thúc lễ ăn mừng hoành tráng 1000 năm Thăng Long, những gì mà người dân (cả ở Hà Nội lẫn không ở Hà Nội) thấy được là : Rác! – Rác cha rác mẹ rác con thay nhau mọc lên, tràn lan lề đường, tràn xuống lòng sông, mười ngày đại lễ Nghìn năm Thăng Long, không thấy gì phong phú hơn, chỉ thấy một bãi rác khổng lồ, bẩn thỉu, ê chề!
Rồi là: kẹt đường. Trừ các lãnh đạo cấp cao và cấp rất cao, được hộ tống, thì từ 2h chiều tới sáng hôm sau. Các đoàn khách và đại biểu, dù có thẻ Vàng, vé Vip, vẫn phải ngất lên ngất xuống, ngao ngán chen lấn, cuối cùng là chọn án binh bất động, đợi trời sáng để… đi về. Không hề có một biện pháp nào từ các cấp lãnh đạo, không hề có một giải pháp nào từ các nhà chức trách, hay trung ương, hay chỉ đạo từ xa, mọi người cùng nhau… kẹt! Thể diện quốc gia, hình ảnh VN trong du khách quốc tế là rất tệ!
Rồi kể cả việc bị nổ pháo, bốn người chết, mở đầu cho cái đỉnh điểm hoang mang và tang hoang của thủ đô 1000 năm. Mà tiền chi tiêu cho đại lễ, là tiền từ túi dân mà ra. Là tiền thuế của dân đấy. Đã có ai kê khai rõ rang tiền đã được xài như thế nào chưa… Và dân được gì sau đại lễ?
Chuyện thứ 2: Chuyện không mới, nhưng vẫn có người “cố tình” không biết!
Cả triệu người ray rứt khi trận lũ ở các tỉnh miền Trung đã mang đến quá nhiều thiệt hại, chết chóc và tang thương cho người dân. Lũ bất ngờ không kịp trở tay. Ngoài việc động viên tinh thần, chia sẻ niềm tin, thì những ngày chống lũ vừa qua, từng cá nhân, từng đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước đang ra sức quyên góp tiền, lương thực, quần áo gửi về vùng rốn lũ cho đồng bào đang gặp nạn. Trong đó ,Tp. HCM đã trao hơn 12,5 triệu đồng cho 25 hộ dân ở xóm 3, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Cán bộ xã đã gom lại và chia nhỏ cho từng hộ dân. Kết quả cuối cùng: Mỗi hộ được 100.000 đồng!
Những con số tự nhìn nhau ngao ngán..!
Vài hôm trước ngồi xem phóng sự, quay cảnh bà Nguyễn Thị Đề, 83 tuổi, cầm trên tay số tiền bảy mươi nghìn đồng, với bàn tay chai sần, nước mắt tuổi già, bà run rẩy tâm sự với phóng viên rằng, xã đã bớt lại năm mươi nghìn để xây cổng làng, lý do là vì việc xây cổng làng xã đã phát động không lâu trước khi lũ xảy ra, vì không có tiền nên bà chưa đóng, nay tiền về, xã đã cử người xuống để “thu tiền xây cổng”, và đương nhiên là những hộ khác trong xã cũng bị như vậy. Người dân nơi đây đã xin cán bộ xã đừng trừ vào số tiền này vì họ để dành đong gạo sau cơn lũ… Và không- ngạc-nhiên- tí- nào khi xã đã trả lời một cách lạnh lùng rằng: “Không trừ lúc này thì trừ vào lúc nào?”
Niềm tin, niềm hi vọng nhỏ nhoi của người dân vùng lũ, là dùng số tiền ít ỏi được cứu trợ để trang trải qua ngày, hôm nay – là ngay cái phút anh “xã” trả lời đấy, đã bị chà đạp không thương tiếc!!!
Anh “xã” quá to, “niềm tin” quá bé…
Niềm tin giãy đạp, khóc òa…
Lúc đó trong mình dậy lên một mùi mốc meo, cái mùi khinh khỉnh ngai ngái, nghe đâu đó tiếng đập bàn, chửi đổng…
Lương Tâm: Ai đại diên cho cái gọi là “xã” đó? Anh đi thu tiền à?
Hèn Nhát: Không phải, người ta chỉ làm thuê thôi…
Lương Tâm: thế ai, chủ tịch xã à? phó chủ tịch à? bí thứ xã à? hay là cán bộ hộ tịch?
Hèn Nhát: nói bé thôi, mà nói bậy gì đấy, không phải, “họ” là những người mà năm nào cũng được phong “văn hóa” cả đấy… là người của nhà nước “vì dân” đấy. Họ không làm thế đâu…
Lương Tâm: sao mày biết, thế, nếu có, chủ tịch có ‘đút túi’ phần nào không?
Hèn Nhát: Bằng chứng đâu? à há… làm gì có bằng chứng, ai đứng ra làm chứng cho mày, rồi… có người làm chứng rồi, ai xử cho mày… xử như thế nào? thôi câm họng lại…
Anh “Xã” (giọng rất to): Tại lũ, lũ cuốn mất đấy! …tại lũ cả… (nghiến răng, cũng rất to)
Con kiến đi kiện cũ khoai rồi! Bão cấp 17! Bão giận!
Chuyện thứ 3: Chuyện không ngắn không dài, chuyện rất buồn!
Dòng sông ở thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là nơi chứng kiến những em học sinh lội qua để đến được trường học hàng ngày. Quần áo ướt sũng, sách vở thấm nước nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí đến trường của các em. Người dân ở thôn này mong ước được một chiếc cầu bắc qua. Được biết đã có rất nhiều nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tự nguyện xây cầu cho các em học sinh nơi đây nhưng dường như đến giờ chính quyền xã cũng chẳng mảy may bận tâm.
Sông sâu không đo được lòng người!
Quả thực, dòng sông ở thôn Phú Mưa tỉnh Quảng Nam dù có sâu biết mấy nhưng vẫn không đo được sự vô cảm, vô trách nhiệm của chính quyền xã nơi đây. Cần lắm một chiếc cầu nhân ái bắc qua dòng sông này nhưng hình như “quá sức” đối với cấp chính quyền nơi đây!!! Một minh chứng cho sự dâng hiến hôm nay bị quay lưng bởi sự thờ ơ, thiếu tình người của không ít các quan chức.
Mới mấy ngày thôi, cả thế giới chứng kiến hình ảnh vị Tổng thống Chile mừng rỡ và ôm choàng người đầu tiên được cứu ra khỏi hầm mỏ. Cái ôm choàng đó là một cái ôm thật lòng, một cái ôm như người cha ôm người con thân yêu của mình. Phải có tình cảm thực sự sâu thẳm mới có được cái ôm như thế. Cái ôm “ngoại giao” ngày nay không thiếu, nhưng để có được vòng tay chân thành dường như là cả một cuộc đời rèn dũa chữ Tâm không ngừng nghỉ. Thế giới không thiếu hình ảnh các vị lãnh đạo gần gũi sâu sát với đời sống người dân hàng ngày.
Vào thời xưa, nước ta không phải không có những người lãnh đạo như vậy. Còn nhớ một chi tiết trong tập truyện “Con ngựa nhà Phật” trong cuốn tiểu thuyết “Tám triều Vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải kể lại câu chuyện lịch sử thời xưa, có miêu tả hình ảnh vị vua về thăm người dân. Khi về đến làng nhà vua bắt gặp người dân đang cày ruộng. Vua bèn vội xuống kiệu và giành lấy chiếc cày của anh nông dân đang cày. Tất cả các hoạt động của dân làng lúc đó dường như tĩnh lại để dõi mắt theo đức vua cày ruộng. Nhà vua cày một đường thẳng tắp và gọn gàng, cày xong dân tình ai nấy vỗ tay reo hò.
Hình ảnh đức vua cày ruộng là hình ảnh thực, nhưng thông điệp sâu xa của hình ảnh đó là nhà vua đang cày sâu vào lòng dân bằng một niềm tin mãnh liệt nhất.
Niềm tin và sự cống hiến không phải là lí thuyết cao siêu, nó ngự trị trong lòng dân khi niềm tin của dân chúng được cụ thể hóa, là nhu cầu trong đời sống của người dân, là lợi ích của dân chúng, là quyền và lợi của mỗi người được hưởng một cách công bằng tương xứng với sự cống hiến của họ cho dân tộc, cho Tổ quốc.
Quan trọng nhất là người dân sẽ không muốn cống hiến nữa khi những người lãnh đạo không làm gương sống dâng hiến để họ có niềm tin noi theo.
Sẽ là “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” đối với vật chất nhưng sẽ là “nhiều ngàn năm tự hào dân tộc thiêu trong một thế hệ” nếu để mất lòng tin. Lòng tin là một thứ cần được xây dựng lâu dài, bền bỉ và khó khăn.
Xin đừng nhẫn tâm phá nó đi trong lòng dân chúng hôm nay, vì một khi lòng tin đã mất thì khó lòng lấy lại được nữa! Vì…
…Ai có thể hốt lại bát nước đã lỡ hất đi???
No comments:
Post a Comment