Đội tàu với hàng không mẫu hạm Nimitz thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ hoạt động tại vùng Biển Đông. Ảnh chụp ngày 15/02/2010.
David Mercil/US NAVY
Bên lề hội nghị thượng đỉnh diễn đàn ASEM tại Bruxelles vừa qua, hai thủ tướng Naoto Kan và Ôn Gia Bảo đã có dịp gặp nhau để tạm thời chấm dứt một tháng quan hệ căng thẳng do vụ Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc ở khu vực các đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng nếu như biển Hoa Đông đang dịu trở lại, thì đến lượt biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, có nguy cơ dậy sóng trở lại.
Báo chí quốc tế hôm 06/10/2010 đã đặc biệt chú ý đến giọng điệu rất cứng rắn của phía Việt Nam khi yêu cầu Trung Quốc phải trả tự do « ngay lập tức và vô điều kiện » cho 9 ngư dân và tàu cá bị bắt giữ từ ngày 11/9. Theo Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 5/10 đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc khẳng định tàu cá của Việt Nam đã sử dụng thuốc nổ để đánh cá cho nên họ quyết định xử phạt và chỉ thả tàu và ngư dân một khi họ nộp phạt.
Nhưng đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam xem lý do nói trên là « phi lý », khẳng định rõ là tàu cá nói trên chỉ mang theo các ngư cụ thông thường, tức là họ hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đối với Hà Nội, việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam là « hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ».
Theo nhận định của Ian Storey, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 07/10, vụ này cho thấy cách đối xử nước đôi của Trung Quốc. Ông Ian Storey, việc Trung Quốc bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam trái ngược với thái độ của Bắc Kinh đối với vụ Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc ngày 8/9. Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra những lời đe dọa và cắt đứt các tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Tokyo, đồng thời điều hai tàu ngư chính đến vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù Nhật Bản đã thả thuyền trưởng từ cuối tháng 9, nhưng mãi đến hôm qua, Trung Quốc mới rút hai tàu ngư chinh đi.
Thái độ đạo đức giả của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền
Đụng độ giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên vấn đề biển Hoa Đông chắc chắn đã được Việt Nam theo dõi rất sát và bằng cách làm nổi rõ thái độ đạo đức giả của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền, Hà Nội hy vọng sẽ tạo thêm áp lực lên Trung Quốc. Như nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc trường Đại học New South Wales của Úc, do phản ứng của Trung Quốc về vụ Nhật bắt giữ thuyền trưởng, yêu cầu của Việt Nam sẽ cho thấy Trung Quốc không tỏ ra nhất quán.
Hai vụ ở biển Hoa Đông và Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động nhằm khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu can thiệp vào vấn đề này khi đề nghị giải quyết trên cơ sở đa phương theo công pháp quốc tế.
Xem đây cũng là vấn đề quyền lợi quốc gia của Mỹ, Ngoại truởng Hillary Clinton đã từng tuyên bố chống lại việc sử dụng đe dọa hoặc vũ lực để xác định chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ những yêu cầu nói trên của Washington. Tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào tháng trước ở New York, hai bên cũng đã đồng ý với nhau về sự quan trọng của quyền tự do lưu thông trên biển, kể cả trên Biển Đông.
Như vậy, chắc chắn là vấn đề Biển Đông sẽ bao trùm cuộc họp ngày 12/10 tới tại Hà Nội giữa các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN và các đối tác, trong đó có hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Nhưng trong bối cảnh mà Washington và Bắc Kinh đẩy mạnh trở lại đối thoại về quốc phòng, liệu Việt Nam có thể trông chờ vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ trong cuộc đụng độ có thể nổ ra với Trung Quốc ở Biển Đông ?
No comments:
Post a Comment