Pages

Saturday, October 2, 2010

Cần lắm tinh thần dân tộc

Da Vàng
Dân tộc Việt Nam ta đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã từng bị nghìn năm đô hộ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây. Người dân Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm tăm tối, bị áp bức đọa đày, bản sắc văn hóa đặc trưng tưởng như bị xóa sạch. Nhưng không! Người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, vẫn anh dũng đứng lên đánh tan xiềng xích, thoát ly khỏi những cuộc đồng hóa văn hóa, xây dựng một nền văn hóa riêng, rất Việt Nam. Đó chính là nhờ có một tinh thần dân tộc sâu sắc.
Điển hình cho sự cố gắng thoát ly khỏi những cuộc đồng hóa văn hóa, có thể kể đến việc sử dụng chữ viết của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Trong suốt thời gian từ năm 111 đến năm 939, người Việt Nam nói tiếng Việt, viết chữ Hán. Từ năm 939 đến năm 1651 nói tiếng Việt, viết chữ Hán, Nôm. Từ năm 1651 đến năm 1861 nói tiếng Việt, tiếng Pháp, viết chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt Latinh của giáo sĩ Thiên chúa giáo, chữ Pháp. Từ năm 1945 đến nay, nói tiếng Việt, viết chữ Quốc ngữ (Việt latinh).
Trong những mốc thời gian trên, nước Việt Nam ta đều chịu sự ảnh hưởng và áp đặt những ngôn ngữ ngoại lai là chữ Hán, chữ Pháp. Tuy vậy chữ Nôm là sản phẩm đặc thù của Việt Nam, là sự sáng tạo, thể hiện ước muốn tách rời khỏi những chính sách đồng hóa mà các nước đô hộ Việt Nam ta áp dụng. Chữ Nôm vẫn có sức sống mãnh kiệt, và kéo dài hàng thiên niên kỹ.
Dân tộc Việt nam luôn lấy đức hòa hiếu làm trọng, luôn “lấy chí nhân thay cường bạo”, do đó dù là một dân tộc nhỏ, lượng lượng yếu nhưng vẫn đánh thắng được quân thù mạnh hơn ta nhiều lần. Những chiến thắng quân Mông, Nguyên, Quân Thanh, Quân Pháp, Mỹ với những chiến công lẫy lừng như chiến thắng Bạch Đằng, chiến thắng Đống Đa, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ, ….
Những thành công rực rỡ này là sự cố gắng kiên cường của từng cá nhân, từng thôn xóm và của cả dân tộc. Đó còn là sự trỗi dậy, là sự cộng hưởng của tinh thần dân tộc.
Trên thế giới cũng có một vài ví dụ về tinh thần dân tộc đáng để chúng ta suy nghĩ và học hỏi. Đó là sự hình thành nhà nước Do Thái hiện đại. Những người con Do Thái trên toàn thế giới đã vì tinh thần dân tộc cao cả đã chấp nhận bỏ đi cuộc sống sung sướng, yên bình để quay về xây dựng đất nước trên mãnh đất cằn cổi, và một đất nước Israel hùng mạnh như ngày nay được mọi quốc gia kính nễ, công nhận. Một ví dụ khác là nước Nhật. Sau khi thất bại trong thế chiến thứ II, Nhật Bản là một đất nước điêu tàn với bao nhiêu tan thương, tàn tích chiến tranh, tất cả người dân Nhật Bản bỏ lại sau lưng những đau thương, cùng nhau tiến lên xây dựng đất nước hiện đại, giàu có với vị trí hàng đầu về kinh tế trên thế giới nhiều năm liền.
Dẫn chứng dài dòng như vậy để thấy rằng, chỉ có tinh thần dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới là thứ vũ khí bách chiến bách thắng, không có một thế lực nào có thể đánh bại được.
Tinh thần dân tộc cần có sự trau dồi, cần có sự lan tỏa mới tạo được sức mạnh vô địch.
Cái gốc của tinh thần dân tộc là văn hóa, là bản sắc thiêng liêng của dân tộc ấy. Sự đánh mất văn hóa, văn hóa bị lai căng, bị xem thường là lúc tinh thần dân tộc bị mai một.
Sự kiện bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là một dẫn chứng. Nó thật tai hại nếu được công chiếu rộng rãi. Rất may, nó chưa được phép công chiếu. Đó là công sức của những người có tâm huyết, có tâm với văn hóa, có tâm với dân tộc đã phát hiện và chỉ ra những cái sai, cái thiếu văn hóa, sự nhầm lẫn tai hại về lịch sử, về văn hóa.
Nếu so sánh suốt chiều dài lịch sử thì sự kiện này là rất nhỏ, tuy vậy nó có thể nhăn nhúm tạo nên sự xem thường văn hóa, xem thường lịch sử, rồi dẫn tới những sự việc lớn hơn, hệ trọng hơn.
Tuy nhiên, những phản biện, những chê trách về bộ phim cũng đã nói nhiều, với tinh thần hòa hiếu, đó cũng là bài học của những nhà làm văn hóa. Việc cần thiết nhất lúc này là hòa hợp lại, cùng nhau nghĩ cách xây dựng một nên văn hóa nhân bản hơn, đậm đà bản sắc hơn.
Dân tộc Việt Nam không bao giờ thiếu những con người chân chính, biết tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa, biết nghiên cứu, tu bổ cho kho tàn lịch sử dân tộc. Chỉ có điều, họ chưa có điều kiện, hoặc không muốn nói lên chính kiến của mình.
Dân tộc Việt Nam cũng có rất nhiều người hiểu biết, là những người tâm huyết và đang nắm quyền điều hành nền văn hóa, lịch sử. Nhưng vì một sự mù mờ, lập lững nào đó mà vô tình hay cố ý để lọt những sản phẩm văn hóa “con lai” như vậy.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là còn quá thiếu những hiểu biết về văn hóa và lịch sử của dân tộc, dẫn đến sự dễ dãi, hời hợt của đa số người dân khi gặp một sự liện văn hóa, lịch sử. Ngoài ra còn có sự thiếu trách nhiệm của những nhà nghiên cứu, những nhà quản lý văn hóa.
Làm thế nào để khơi gợi lại tinh thần dân tộc và tạo được sự cộng hưởng nhất định trong đại đa số con người Việt Nam là một vấn đề khó, vấn đề nan giải.
Đó là vấn đề lớn, cần có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng, cả dân tộc. Nhưng trước hết, trách nhiệm thuộc về những nhà nghiên cứu, những nhà quản lý.
Văn hóa bắt nguồn từ giáo dục, dó đó có thể nói rằng sự tồn vong của văn hóa đều bắt nguồn từ giáo dục. Một nền giáo dục phải giáo dục con người hiểu biết về văn hóa và biết yêu thương, nâng niu văn hóa. Từ đó mới mong sự lớn mạnh của tinh thần dân tộc.
Hãy bắt tay ngay bây giờ nếu không sẽ quá trễ.
  • Da Vàng

No comments:

Post a Comment