Ngày 8/10/2010, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đã được trao Giải thưởng giải Nobel Hòa bình cho “cuộc đấu tranh bất bạo động vì các quyền cơ bản tại Trung Quốc”.
Là giáo sư văn học Trung Quốc, cũng là nhà văn, ông Lưu Hiểu Ba đang phải chấp hành án phạt 11 năm tù về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Không chỉ với án tù hiện tại, ông Lưu Hiểu Ba đã nhiều lần khác bị giam giữ bởi nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông Lưu Hiểu Ba là đồng tác giả của Hiến chương 08, bản tuyên ngôn kêu gọi xoá bỏ hệ thống độc đảng và thực hiện dân chủ hoá đất nước, được ra đời bởi cảm hứng từ Hiến chương 77.
Hiến chương 77 là nhóm các nhà hoạt động của Tiệp Khắc (cũ) trong những năm 1976 -1992 do các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Václav Havel, Pavel Kohout, Jiří Dienstbier và linh mục Công giáo Václav Malý khởi xướng, với mục đích bảo vệ nhân quyền và dân chủ, chống lại hệ thống toàn trị cộng sản, dẫn đến việc lật đổ chế độ trong năm 1989 bằng cuộc cách mạng bất bạo động được gọi là cuộc Cách mạng Nhung.
Phong trào Hiến chương 77 cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối kháng với chế cộng sản tại Ba Lan như KOR (Ủy ban Bảo vệ Công nhân) và Công đoàn Đoàn kết.
Sau cuộc Cách mạng Nhung, nhà văn Václav Havel trở thành Tổng thống đầu tiên của nhà nước Tiệp Khắc dân chủ, tự do. Chính Václav Havel là một trong số nhân vật có uy tín đã đề nghị ông Lưu Hiểu Ba là ứng viên Giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2010.
Trước đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chính thức cảnh báo Uỷ ban Nobel Na Uy về những hậu quả nếu trao giải thưởng cho ông Lưu Hiểu Ba.
Theo tuần báo Newsweek (8/10), sau phán quyết của Ủy ban Nobel, Trung Quốc đã đe dọa rằng sự kiện này có thể phá hủy mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Na Uy. Tuy nhiên, Thủ tướng chính phủ Na Uy cho rằng, nếu Trung Quốc tìm cách trừng phạt Na Uy, có thể sẽ có tác động tiêu cực tới nhà nước Trung Nam Hải.
Trong xã hội Trung Quốc hiện tại, tư tưởng sô-vanh và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang bị kích động. Nhiều người Trung Quốc có cảm tưởng giải thưởng này như là một cuộc tấn công vào Trung Quốc và là nỗ lực nhằm làm xấu hình ảnh của tổ quốc họ. Sự tức giận của Bắc Kinh sẽ đổ dầu vào lửa và có thể làm tổn thương thêm lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Trung Quốc.
Chúng ta vẫn còn nhớ cơn thịnh nộ của người Trung Quốc lục địa hai năm trước đây khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Cộng đồng mạng Trung Quốc đã gầm lên: “Hãy để cho nước Pháp thấy sức mạnh của nhân dân Trung Quốc và sức mạnh của Internet. Chúng tôi kêu gọi không mua sắm hàng ở Carrefour nữa, mà chọn siêu thị khác… Không được xúc phạm Trung Quốc!”
Tập đoàn siêu thị Pháp Carrefour lúc bấy giờ đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc của cộng đồng mạng về sự hỗ trợ tài chính cho người Tây Tạng, nhưng vẫn bị thất thu nặng vì sự tẩy chay. Chính phủ Trung Quốc không ra mặt ủng hộ cuộc trả đũa này nhưng cũng không làm gì để ngăn chặn.
Bây giờ có thể sẽ khác chăng? Bởi vì giải thưởng cao quý được trao cho ông Lưu Hiểu Ba, người mà lãnh đạo Trung Quốc coi là tội phạm hình sự.
Bắc Kinh cũng như Việt Nam luôn cho rằng khái niệm về quyền con người là một cái gì đó khác trong văn hóa phương Tây, không phù hợp với những nền văn hóa Á châu. Trung Quốc còn xem đây là vấn đề nội bộ, không quốc gia nào có quyền can thiệp vào.
Đặng Tiểu Bình, tác giả của phép lạ kinh tế Trung Quốc, đã từng khẳng định “Trung Quốc cần phải mở cửa sổ, nhưng chỉ một nửa và với tấm rèm kéo dày”.
Trên tinh thần đó, suốt mấy thập niên nay lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện cuộc cải cách bắt đầu vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước với cái gọi là những đặc trưng Trung Quốc: cải cách kinh tế không song hành với cải cách dân chủ và mở rộng hơn các quyền tự do dân sự.
Là nhân chứng của các sự kiện tương tự với bối cảnh Trung Quốc trong thời Ba Lan cộng sản, các nhà bình luận Ba Lan đã đưa ra những nhận định xung quanh Giải thưởng Nobel dành cho ông Lưu Hiểu Ba.
Nhà báo và là chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Helsinki Ba Lan, bà Halina Bortnowska, nói:
“Tôi nghĩ rằng giải thưởng này có thể là chiếc phao cứu nạn. Bây giờ là sự bực tức về việc việc Ủy ban Nobel đã không nghe Trung Quốc. Nhưng ai đó dần dần sẽ nhận ra rằng không phải Giải Nobel Hoà bình tạo ra sự giận dữ, mà là việc tận dụng danh tiếng của con người này có thể mang lại cho đất nước nhiều điều tốt hơn. Có lẽ ông Lưu Hiểu Ba sau giải thưởng, giống như trên các bậc của chiếc thang, từ từ sẽ ra khỏi nơi ông đang phải sống.”
Liên hệ với hai nhà bất đồng chính kiến Ba Lan đã đoạt Giải thưởng Nobel: Nobel Văn học cho Czesław Miłosz (1980) và Nobel Hoà bình cho Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa (1983), bà Halina Bortnowska nói rằng, nhà văn Miłosz là con người của sự phản kháng chống lại chế độ nô lệ và chống lại sự biến mất những giá trị truyền thống của văn hóa Ba Lan. Còn Walesa là người đã quyết định hoạt động chính trị, xã hội. Giải thưởng Nobel Hoà bình dành cho Walesa đã mang lại rất nhiều điều tốt, cũng giống như đối với bà Shirin Ebadi (Iran, 2003). Nhờ Giải thưởng Nobel Hoà bình, bà đã có thể tham dự các hội nghị, hoạt động nhân quyền, trong khi những luật gia khác không có cơ hội đó.
Khi báo chí đưa ra nhận xét rằng, các chính trị gia phương Tây thoạt đầu lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, nhưng sau đó khá nhanh chóng rút lại những lời chỉ trích này, phải chăng họ là những kẻ đạo đức giả, bà Halina Bortnowska nhận định như sau:
“Ở đây nói đến quyền của con người, và là những quyền mang tính phổ quát, chứ không phải của riêng phương Tây. Nếu tôi nói rằng chúng là của phương Tây, sẽ lọt vào bẫy của Trung Quốc. Một mặt chúng ta tiến hành thương mại với Trung Quốc, mặt khác chúng ta biểu thị sự bất bình, và nhắc nhở về nhân quyền. Về điểm này tôi nhìn thấy một số yếu tố của đạo đức giả, nhưng không hoàn toàn. Các yếu tố của đạo đức giả lớn hơn tôi thấy nằm ở sự tham dự trong nhiều thứ không cần thiết, trong các sự kiện hay thi đấu thể thao. Thế vận hội Bắc Kinh 2008 hoàn toàn là miếng bọt biển lớn ướt sũng đạo đức giả. Lẽ ra không thể như vậy. Tất cả điều này không dễ dàng, nhưng có mức độ, và sử dụng thương mại làm ấm lên mối quan hệ là tốt, nhưng không vì thế mà chúng ta phải nghe theo các mệnh lệnh: rằng chúng ta không thể trao giải thưởng này của chúng ta cho người mà chúng ta muốn, chúng ta tôn trọng và công nhận là xứng đáng. Ngược lại sẽ là sự hèn nhát ô nhục. Và như thế chúng ta bác bỏ các giá trị mà chính chúng ta thừa nhận, mặc dù chúng ta không luôn luôn nhất quán.”
Cho rằng châu Âu nên thông qua quan hệ thương mại để tác động tới Trung Quốc, nhưng chỉ có người nào ngu ngốc hay kiêu ngạo mới nghĩ đến tác dụng một trăm phần trăm, bà nói: “Chúng ta phải cố gắng từng bước, nhưng chắc chắn bức tường thành Trung Quốc không giúp đỡ gì. Chúng ta nên có với quốc gia này, với người dân của đất nước này sự tiếp cận hàng ngày, nếu đúng là thương mại thực sự, nhưng dứt khoát nói không với các mánh lới bất lương để hốt bạc nhanh chóng, rồi ca ngợi họ, đồng ý với họ, quên đi những quyền của con người. Loại quan hệ này tôi cho là vô cùng đáng xấu hổ.”
Theo nữ nhà báo Ba Lan, toa thuốc tốt nhất cho sự phát triển quan hệ với Trung Quốc là tính quả quyết. “Bình tĩnh quyết đoán có thể đưa ra rất nhiều và nếu chúng ta phải đối mặt với các vấn đề như sự kiện Tây Tạng, thì sự quyết đoán này có thể không còn bình thản.” – Bà nói.
Ông Adam Pomorski, Chủ tịch Văn bút (PEN Club) Ba Lan phát biểu:
“Lưu Hiểu Ba là một nhân vật cao quý, một nhà hoạt động nhân quyền, nhà bất đồng chính kiến. Ông được nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình là điều rất tốt, nhưng vấn đề nằm ở sức đề kháng của nhà chức trách Trung Quốc trước các ảnh hưởng từ bên ngoài khi nói đến chính trị trong nước của họ. Nói một cách tế nhị, họ hoàn toàn xem nhẹ những gợi ý tinh tế nằm trong việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà văn đang bị cầm tù. Giải thưởng này chắc chắn là bước đi đúng đắn, nhưng hành động đơn lẻ trong trường hợp này không đủ. Điều cần thiết là sự đoàn kết quốc tế, tạo áp lực ngoại giao trong thời gian dài để đạt được mục đích giải thoát nhà văn ra khỏi nhà tù. Thậm chí một Giải thưởng Nobel duy nhất, không làm thay đổi nhiều ở đây.”
Văn bút Quốc tế từ nhiều năm nay có chương trình “Các nhà văn trong nhà tù” (Writers in Prison), chiến đấu cho việc trả tự do hay cải thiện điều kiện đối với những người cầm bút bị ngược đãi chỉ vì có chính kiến khác với nhà cầm quyền. Trên trang web “Writers in Prison“, Lưu Hiếu Ba nằm trong danh sách 50 trường hợp điển hình của những người cầm bút trên thế giới từng hay còn đang bị giam cầm hay quản chế, trong số đó có hai người Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và hòa thượng Thích Huyền Quang. Lưu Hiểu Ba là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Quốc tế độc lập của Trung Quốc và năm 1989 ông từng bị bắt vì tham gia biểu tình chống lại vụ thảm sát tại Thiên An Môn.
Các báo cáo mới nhất của “Writers in Prison” cho thấy một sự gia tăng trên toàn thế giới trong vấn đề đàn áp vì chính kiến. Trong năm 2009, 151 nhà văn và nhà báo đã bị giam giữ (133 trong năm 2008). Đặc biệt đáng lo ngại là sự gia tăng số lượng người cầm bút bị giết hại bởi các cuộc ám sát hoặc các bản án tử hình. Trong năm 2008, 4 nhà văn và nhà báo đã bị chết theo cách này. Trong năm 2009, con số đó là 13.
Văn bút Quốc tế cho hay, các dữ liệu trên có thể chưa đầy đủ so với thực tế, do những khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các nước như Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc.
__________
Chú thích: Bài viết được tổng hợp theo tin tức trên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza và tuần báo Newsweek Ba Lan ngày 8/10/2010 tại các link:
© 2010 Lê Diễn Đức
© 2010 talawas
Hiến chương 08 (零八宪章 Linh Bát Hiến chương)
04/06/2009 | 1:00 sáng | 3 phản hồi
Lời người dịch
Từ Lục Tứ Sự kiện đến Linh Bát Hiến chương
Các nhà chính trị học đương đại đã tổng kết: Các chế độ dân chủ tự do chưa bao giờ đánh nhau. Hi vọng rằng nước Trung Hoa dân chủ tự do trong tương lai cũng sẽ hành động như thế. Vì vậy việc quảng bá cho phong trào dân chủ ở Trung Quốc không chỉ cho ta những bài học kinh nghiệm mà còn là lợi ích cụ thể cho chính những dân tộc láng giềng với Trung Quốc nữa. Với tinh thần như thế và nhân kỉ niệm 20 năm vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, được biết đến dưới cái tên Lục Tứ Sự kiện, tôi mạo muội dịch một văn bản quan trọng của phong trào dân chủ Trung Hoa gần đây nhất, Linh Bát Hiến chương, từ bản tiếng Anh của Perry Link. Bản dịch chắc chắn là còn nhiều thiếu sót, xin được sự lượng thứ của độc giả.
Lời giới thiệu của Perry Link – người dịch từ Trung văn sang Anh văn
Văn kiện dưới đây, được hơn hai ngàn công dân Trung Quốc ký, được ấp ủ và chấp bút với lòng ngưỡng mộ Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc, tức là nơi mà vào năm 1977 hơn hai trăm nhà trí thức người Tiệp và người Slovak đã lập ra một tập hợp công khai, phi chính thức những người gắn bó với nhau bằng ý chí đấu tranh, cá nhân cũng như tập thể, vì nhân quyền và dân quyền ở đất nước chúng ta và trên toàn thế giới.
Hiến chương 08 không chỉ kêu gọi cải tổ hệ thống chính trị hiện hành mà còn kêu gọi loại bỏ một số tính chất chủ yếu của chế độ, trong đó có chế độ độc đảng và thay thế bằng một hệ thống dựa vào nhân quyền và chế độ dân chủ.
Các công dân lỗi lạc, những người ký tên vào bản Hiến chương 08, nằm cả bên trong lẫn bên ngoài bộ máy của chính phủ, đấy không chỉ là các nhà bất đồng chính kiến và giới trí thức khoa bảng nổi tiếng mà còn có cả các cán bộ trung cấp và thành phần lãnh đạo ở nông thôn. Họ chọn ngày 10 tháng 12, dịp kỷ niệm ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát của Liên hiệp quốc, làm ngày để họ bày tỏ quan điểm chính trị và phác thảo ra quan niệm của họ về một nước Trung Hoa dân chủ và hợp hiến. Họ mong muốn Hiến chương 08 sẽ được dùng như một bản thiết kế cho những thay đổi chính trị căn bản ở Trung Quốc trong những năm tới đây. Những người ký vào bản Hiến chương sẽ lập ra một nhóm không chính thức không giới hạn số lượng thành viên nhưng đoàn kết bằng quyết tâm thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc và tại các nơi khác.
__________
I. Lời nói đầu
Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày bản hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc được chấp bút. Năm 2008 cũng đánh dấu dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát của Liên hiệp quốc, kỷ niệm lần thứ 13 ngày xuất hiện Bức tường Dân chủ ở Bắc Kinh và kỷ niệm lần thứ 10 ngày Trung Quốc ký kết bản Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 20 vụ thảm sát các sinh viên ủng hộ dân chủ biểu tình ở Thiên An Môn. Nhân dân Trung Quốc, những người đã trải qua các thảm hoạ về nhân quyền và biết bao cuộc đấu tranh suốt các năm tháng đó, bây giờ nhiều người đã nhận thức rõ rằng tự do, bình đẳng và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại và chế độ dân chủ với một chính phủ hợp hiến là khuôn khổ căn bản để bảo vệ những giá trị này.
Xa rời những giá trị đó, cách tiếp cận đối với chính sách “hiện đại hoá” của chính phủ Trung Quốc đã chứng tỏ là một thảm hoạ. Chính phủ đã tước đoạt các quyền của người dân, chà đạp phẩm giá của họ và làm băng hoại mối quan hệ bình thường giữa người với người. Chúng tôi xin hỏi: Trong thế kỉ XXI nước Trung Hoa sẽ đi về đâu? Đất nước tiếp tục “hiện đại hoá” dưới sự lãnh đạo của chính quyền độc tài hay sẽ đón nhận những giá trị nhân quyền phổ quát, sẽ nhập vào dòng chủ lưu của những dân tộc văn minh và xây dựng chế độ dân chủ? Đấy là những câu hỏi không thể nào bỏ qua được.
Cú giáng bất ngờ của phương Tây lên Trung Quốc trong thế kỉ XIX đã lột trần hệ thống độc tài thối nát và đánh dấu bước khởi đầu của điều thường được gọi là “những thay đổi vĩ đại nhất trong mấy ngàn năm qua” của Trung Quốc. Tiếp theo đó là “phong trào tự lực cánh sinh”, nhưng đơn giản đấy chỉ là nhằm áp dụng công nghệ để đóng tầu chiến và chạy theo những mục tiêu vật chất của phương Tây mà thôi. Thất bại nhục nhã trong trận hải chiến trước Nhật Bản vào năm 1895 một lần nữa khẳng định tính lỗi thời của hệ thống cai trị ở Trung Quốc. Nỗ lực đầu tiên nhằm cải tạo nền chính trị theo hướng hiện đại đã diễn ra cùng với những cuộc cải cách vào mùa hè bất hạnh năm 1898, nhưng những cuộc cải cách này đã bị các lực lượng bảo thủ cực đoan trong triều đình Trung Hoa tiêu diệt một cách tàn nhẫn. Với cuộc cách mạng năm 1911, khởi đầu của nhà nước cộng hoà đầu tiên ở châu Á, hệ thống vương triều độc tài đã tồn tại hàng thế kỉ tưởng như cuối cùng đã đến hồi cáo chung. Nhưng xung đột xã hội bên trong và áp lực từ bên ngoài đã không cho chúng ta làm việc đó, Trung Quốc rơi vào tình trạng cát cứ của các sứ quân và nước cộng hoà mới trở thành một giấc mộng chóng qua.
Sự thất bại của cả “tự lực cánh sinh” lẫn cải cách chính trị đã buộc nhiều bậc tiền bối của chúng ta phải suy tư trăn trở với câu hỏi: phải chăng “căn bệnh văn hoá” là nguyên nhân đưa đất nước đến tình trạng khổ đau. Tâm trạng này đã tạo cơ hội, trong thời gian diễn ra Phong trào Ngũ Tứ hồi cuối thập niên 1910, cho cuộc đấu tranh vì “khoa học và dân chủ”. Nhưng nỗ lực này cũng đã bị nhấn chìm vì loạn sứ quân và cuộc xâm lăng của Nhật Bản (bắt đầu ở Mãn Châu vào năm 1931) đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trên bình diện quốc gia.
Chiến thắng Nhật Bản vào năm 1945 đã tạo cho Trung Quốc thêm cơ hội nữa trên con đường tiến đến một nhà nước hiện đại, nhưng việc cộng sản đánh bại phe quốc gia trong cuộc nội chiến đã đẩy đất nước vào địa ngục của chủ nghĩa toàn trị. Nuớc “Trung Hoa mới” xuất hiện vào năm 1949 tuyên bố rằng “nhân dân là chủ” nhưng trên thực tế đã lập ra một hệ thống trong đó Đảng nắm tất cả quyền lực. Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát tất cả các cơ quan nhà nước và tất cả các nguồn lực chính trị, kinh tế và xã hội và sử dụng các nguồn lực đó để tạo ra một loạt thảm hoạ về nhân quyền, trong đó có Chiến dịch chống hữu khuynh (1957), Đại nhảy vọt (1958-1960), Cách mạng Văn hoá (1966-1969), Thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989 (ở quảng trường Thiên An Môn) và việc trù dập đang được tiến hành đối với các tôn giáo chưa được nhà nước cho phép hoạt động cũng như đàn áp phong trào Duy quyền Vận động [một phong trào với mục đích bảo vệ quyền công dân đã được công bố trong Hiến pháp Trung Quốc và đấu tranh cho nhân quyền đã được các công ước quốc tế mà chính phủ Trung Quốc ký kết, thừa nhận]. Suốt thời gian đó, nhân dân Trung Quốc đã phải trả giá quá đắt. Hàng chục triệu người chết, mấy thế hệ đã chứng kiến quyền tự do, hạnh phúc và nhân phẩm bị chà đạp một cách thô bạo.
Trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, chính sách “cải cách và mở cửa” của chính phủ đã giúp cho người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói triền miên và chế độ toàn trị của Mao Trạch Ðông và làm gia tăng đáng kể của cải và mức sống của nhiều người Trung Quốc cũng như đã khôi phục một phần quyền tự do hoạt động kinh tế và quyền lợi kinh tế. Xã hội dân sự bắt đầu phát triển và những lời kêu gọi đòi có thêm nhiều quyền hơn và nhiều tự do chính trị hơn cũng gia tăng nhanh chóng. Khi đi theo nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân, giới tinh hoa nắm quyền cũng bắt đầu chuyển dần từ hoàn toàn bác bỏ “các quyền” sang công nhận một phần các quyền đó.
Năm 1998 chính phủ Trung Quốc đã ký kết hai công ước nhân quyền quốc tế quan trọng, năm 2004 họ đã sửa đổi hiến pháp để thêm vào câu “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền” và trong năm nay, 2008, họ đã hứa xúc tiến “kế hoạch hành động vì nhân quyền trên toàn quốc”. Đáng tiếc là, sự tiến triển mới chỉ nằm trên giấy mà thôi. Thực tế chính trị, ai cũng dễ dàng nhận ra, là Trung Quốc có rất nhiều luật nhưng lại không được cai trị bằng luật pháp; có một hiến pháp, nhưng không có chính phủ hợp hiến. Giới tinh hoa nắm quyền tiếp tục bám víu vào quyền lực độc đoán và chống lại mọi xu hướng cải cách chính trị.
Kết quả thật khôi hài là nạn tham nhũng của các quan chức địa phương, xói mòn chế độ pháp trị, nhân quyền yếu kém, đạo đức xã hội suy đồi, chủ nghĩa tư bản thân hữu, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo gia tăng, phá huỷ môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân văn và lịch sử và một loạt xung đột xã hội khác, đặc biệt là trong thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa cán bộ và nhân dân ngày càng thêm sâu sắc.
Trong khi những vụ xung đột và khủng hoảng đang ngày càng căng thẳng hơn lúc nào hết thì giới cầm quyền vẫn tiếp tục chà đạp và tước đoạt các quyền tự do, quyền sở hữu tài sản và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân mà không sợ bị trừng phạt, thì chúng tôi đã nhận thấy những người hoàn toàn không có quyền hành gì – tức là những nhóm người dễ bị tổn thương, những người bị đàn áp và theo dõi, những người đã đã bị đối xử tàn tệ, thậm chí là bị tra tấn, những người không có con đường nào để biểu tình, không có toà án nào chịu nghe lời khẩn cầu của họ – đã trở thành quyết liệt hơn và có khả năng tạo ra một cuộc xung đột đầy tai hoạ. Sự suy đồi của hệ thống hiện hành đã đạt đến điểm tới hạn, không thay đổi không xong.
II. Những nguyên tắc cơ bản của chúng tôi
Ðây là thời điểm lịch sử đối với Trung Quốc, tương lai của chúng ta đang bị đe doạ. Nhìn lại tiến trình hiện đại hoá chính trị trong một trăm năm qua hoặc hơn nữa, chúng tôi tái khẳng định và xác nhận những giá trị phổ quát căn bản sau đây:
Tự do. Tự do là cốt lõi của giá trị nhân bản phổ quát. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do cư trú và tự do bãi công, biểu tình và phản đối, bên cạnh những quyền tự do khác, là những hình thức của quyền tự do. Không có tự do, Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ đến gần được những lý tưởng của thế giới văn minh.
Nhân quyền. Nhà nước không ban tặng cho ai quyền con người. Mọi người đều được sinh ra với những quyền bất khả tương nhượng về phẩm giá và tự do. Chính phủ sinh ra là để bảo vệ quyền con người cho các công dân của họ. Quyền lực nhà nước phải được nhân dân uỷ nhiệm. Thảm hoạ chính trị liên tục xảy ra trong lịch sử gần đây của Trung Quốc là hậu quả trực tiếp của việc coi thường quyền con người của chế độ.
Bình đẳng. Lòng trung thực, phẩm giá và tự do của tất cả mọi người – không phụ thuộc vào địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, điều kiện kinh tế, sắc tộc, màu da, tôn giáo, hay lập trường chính trị – đều giống nhau. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về quyền xã hội, kinh tế, văn hoá, dân sự, chính trị, phải được bảo vệ.
Chế độ cộng hoà. Nền cộng hoà, chủ trương rằng quyền lực phải được phân chia cân xứng giữa các nhánh khác nhau của chính phủ và những quyền lợi cạnh tranh với nhau đều phải được đáp ứng, giống như lý tưởng chính trị truyền thống của Trung Hoa “Thiên hạ bình đẳng”. Nền cộng hoà cho phép các nhóm lợi ích, các tổ chức xã hội khác nhau, và những người với những sự khác biệt về văn hoá và tín ngưỡng, được thực thi chế độ tự quản dân chủ và thảo luận nhằm đạt được một giải pháp ôn hoà cho những vấn đề công cộng trên cở sở quyền tham gia một cách bình đẳng vào việc quản lí và cạnh tranh một cách ngay thẳng và tự do.
Chế độ dân chủ. Nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ là chủ quyền thuộc về nhân dân và nhân dân bầu ra chính phủ của mình. Chế độ dân chủ có những đặc điểm: (1) Quyền lực chính trị xuất phát từ nhân dân và tính chính danh của chế độ bắt nguồn từ nhân dân. (2) Quyền lực chính trị được thực hiện bằng những phương tiện do nhân dân lựa chọn. (3) Những người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tất cả các cấp của chính quyền đều được xác định thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh theo định kì. (4) Tôn trọng ý chí của đa số nhưng phẩm giá, quyền tự do và quyền con người căn bản của thiểu số cũng được bảo vệ. Tóm lại, dân chủ là phương tiện hiện đại để cho chính phủ trở thành thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.
Hiến trị. Chế độ hiến trị là cai trị thông qua hệ thống pháp luật và những điều luật nhằm thực thi các nguyên tắc được minh định trong hiến pháp. Hiến trị nghĩa là bảo vệ tự do và quyền của các công dân và định rõ phạm vi quyền lực của chính phủ hợp pháp và qui định bộ máy quản lí cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu đó.
III. Những điều chúng tôi cổ vũ
Khắp nơi, chủ nghĩa toàn trị đang lâm vào tình trạng suy thoái toàn diện, Trung Quốc không phải là ngoại lệ, thời đại của các hoàng đế và lãnh chúa sắp qua rồi. Thời cơ để cho các công dân giành lấy quyền làm chủ đất nước đang ló dạng khắp nơi. Với Trung Quốc, muốn thoát khỏi tình thế khó khăn hiện nay chúng ta phải đoạn tuyệt với niềm tin theo lối toàn trị vào một “minh quân” hay một vị “quan thanh liêm” và hướng đến hệ thống tự do, dân chủ, và pháp trị, thúc đẩy ý thức của người công dân hiện đại, tức là những người coi quyền con người là nền tảng và tham gia là trách nhiệm. Vì vậy, là những công dân có trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chúng tôi đưa ra những đề nghị về quản lí quốc gia, quyền công dân và phát triển xã hội như sau:
1. Một bản hiến pháp mới. Chúng ta phải viết lại bản hiến pháp hiện hành, bãi bỏ những điều khoản trái ngược với nguyên tắc là chủ quyền thuộc về nhân dân và biến bản hiến pháp thành một văn kiện thật sự bảo đảm quyền con người, uỷ quyền việc thực hiện quyền lực công và là nền tảng cho việc dân chủ hoá Trung Quốc. Hiến pháp phải là bộ luật cao nhất ở trong nước, không có cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái chính trị nào được phép vi phạm.
2. Phân chia quyền lực. Chúng ta phải xây dựng một nhà nước hiện đại, trong đó các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp phải được phân chia. Chúng ta cần có một Ðạo luật Hành chính định rõ phạm vi trách nhiệm của chính phủ và ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực hành chánh. Chính phủ phải có trách nhiệm đối với người đóng thuế. Việc phân chia quyền lực giữa chính quyền địa phương và trung ương phải gắn với nguyên tắc quyền lực trung ương là những quyền được ghi một cách rõ ràng trong hiến pháp, tất cả các quyền lực khác thuộc về các chính quyền địa phương.
3. Dân chủ lập pháp. Thành viên của các cơ quan lập pháp tất cả các cấp phải được lựa chọn bằng bầu cử trực tiếp và dân chủ lập pháp phải tuân theo các nguyên tắc công bằng và vô tư.
4. Tư pháp độc lập. Tinh thần pháp trị phải đặt trên quyền lợi của bất cứ đảng phái chính trị nào, các thẩm phán phải là những người độc lập. Chúng ta cần thành lập toà án hiến pháp tối cao và lập ra những thủ tục để xem xét lại hiến pháp. Chúng ta phải bãi bỏ tất cả các ban nội chính hiện đang cho phép các quan chức cộng sản ở mọi cấp được quyết định các vụ án nhạy cảm về chính trị trước khi xét xử và bên ngoài tòa án, càng sớm càng tốt,. Chúng ta phải dứt khoát cấm dùng các công sở vào mục đích cá nhân.
5. Kiểm soát công khai công chức nhà nước. Quân đội phải chịu trách nhiệm trước chính phủ, chứ không phải trước một đảng phái chính trị nào và phải có tính chuyên nghiệp hơn nữa. Quân nhân phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp và phải là người không đảng phái. Phải cấm thành lập tổ chức đảng trong các lực lượng võ trang. Tất cả các quan chức nhà nước, trong đó có công an, phải phục vụ như những người không đảng phái và phải chấm dứt thói quen ưu tiên đảng viên của một đảng trong việc tuyển dụng công chức nhà nước.
6. Bảo đảm quyền con người. Phải có sự bảo đảm tuyệt đối quyền con người và tôn trọng phẩm giá của con người. Phải có Uỷ ban Nhân quyền, chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp cao nhất, để ngăn chặn chính phủ lạm dụng quyền lực công vào việc vi phạm nhân quyền. Nước Trung Hoa dân chủ và hợp hiến phải đặc biệt bảo đảm quyền tự do cá nhân của công dân. Không để người nào bị bắt bớ, giam cầm, buộc tội, thẩm vấn hoặc trừng phạt một cách bất hợp pháp. Hệ thống “Cải tạo lao động” phải bị bãi bỏ.
7. Bầu cử các quan chức nhà nước. Phải thiết lập một hệ thống bầu cử dân chủ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở “mỗi người một lá phiếu”. Việc bầu cử trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp ở các quận huyện, tỉnh, thành phố và toàn quốc phải được thực hiện một cách có hệ thống. Quyền tổ chức và tham gia các cuộc bầu cử tự do theo định kỳ của công dân là bất khả xâm phạm.
8. Bình đẳng giữa nông thôn và thành thị. Chế độ đăng ký hộ khẩu hai bậc phải bị bãi bỏ. Đây là chế độ có lợi cho cư dân thành thị và có hại đối với dân chúng ở nông thôn. Thay vào đó, chúng ta phải thiết lập một hệ thống cho phép mọi công dân đều có quyền hiến định như nhau và quyền tự do như nhau trong việc chọn nơi cư trú.
9. Tự do lập hội. Quyền lập hội của công dân phải được bảo đảm. Hệ thống đăng ký các tổ chức phi chính phủ với yêu cầu tổ chức đó “phải được nhà nước chấp thuận”, phải được thay thế bằng một hệ thống trong đó các tổ chức chỉ cần tự đăng ký là được. Việc thành lập các đảng phái chính trị phải được điều chỉnh bởi hiến pháp và pháp luật, có nghĩa là chúng ta phải bãi bỏ đặc quyền độc chiếm quyền lực của một đảng và bảo đảm cho nguyên tắc cạnh tranh tự do và công bằng giữa các chính đảng.
10. Tự do hội họp. Hiến pháp quy định rằng hội họp, biểu tình, phản đối và tự do bày tỏ tư tưởng một cách ôn hoà là những quyền cơ bản của công dân. Ðảng cầm quyền và chính phủ không được có những hành động can thiệp trái pháp luật hoặc gây ra những cản trở vi hiến.
11. Tự do thể hiện. Chúng ta phải làm cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do học thuật trở thành các quyền tự do phổ quát và bằng cách đó bảo đảm rằng mọi công dân đều được thông tin và có thể thực hiện quyền giám sát chính trị của mình. Các quyền tự do này phải được bảo vệ bằng Luật báo chí, bãi bỏ tất cả các hạn chế chính trị đối với báo chí. Ðiều khoản trong Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan tới “tội kích động nhằm phá hoại quyền lực nhà nước” phải bị bãi bỏ. Chúng ta phải chấm dứt thói quen coi ngôn từ là tội ác.
12. Tự do tôn giáo. Chúng ta phải bảo đảm cho quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng và tách tôn giáo ra khỏi nhà nước. Chính phủ không được phép can thiệp vào các hoạt động tôn giáo ôn hoà. Chúng ta phải huỷ bỏ mọi luật lệ, quy định hoặc qui tắc của địa phương nhằm hạn chế hoặc đàn áp quyền tự do tôn giáo của công dân. Chúng ta phải bãi bỏ chính sách đòi các tổ chức tôn giáo (và nơi thờ phụng của họ) phải được chính quyền chấp thuận trước và thay thế bằng một hệ thống, trong đó việc đăng ký là tự nguyện và nghiễm nhiên được thực hiện đối với những người muốn đăng ký.
13. Giáo dục công dân. Trong các nhà trường, chúng ta phải bãi bỏ việc học và thi các môn chính trị chỉ có mục đích là truyền bá hệ tư tưởng của nhà nước và nhồi sọ sự ủng hộ quyền cai trị độc đảng. Chúng ta phải thay thế các môn đó bằng môn giáo dục công dân nhằm thúc đẩy các giá trị phổ quát và quyền công dân, nuôi dưỡng ý thức công dân và khuyến khích những đức tính có ích cho xã hội.
14. Bảo vệ tài sản tư nhân. Chúng ta phải thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và thúc đẩy hệ thống kinh tế thị trường tự do và công bằng. Chúng ta phải bãi bỏ độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp và bảo đảm quyền tự do thành lập doanh nghiệp mới. Chúng ta phải thành lập uỷ ban quản lí tài sản nhà nước, chịu trách nhiệm báo cáo trước quốc hội, uỷ ban này sẽ giám sát để cho việc chuyển các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sang cho tư nhân quản lí diễn ra trong trật tự, cạnh tranh và công bằng. Chúng ta phải lập ra chính sách cải cách ruộng đất nhằm thúc đẩy quyền tư hữu đất đai, bảo đảm quyền mua bán đất và để giá trị thật của tài sản tư nhân được phản ánh một cách phù hợp trên thị trường.
15. Cải cách tài chính và thuế khoá. Chúng ta phải thiết lập một hệ thống tài chính công có trách nhiệm giải trình và được quản lí một cách dân chủ nhằm vệ quyền lợi của người đóng thuế và hoạt động thông qua các thủ tục hợp pháp. Chúng ta cần một hệ thống, theo đó, tất cả các thu nhập công thuộc về một cấp chính quyền nào đó – trung ương, tỉnh thành, quận huyện hoặc địa phương – được kiểm soát ở cấp đó. Chúng ta cần cải cách thuế khoá một cách toàn diện nhằm bãi bỏ tất cả các khoản thuế bất công, đơn giản hoá hệ thống thuế khoá và phân chia gánh nặng thuế khoá một cách công bằng. Quan chức chính phủ không được tăng thuế hoặc đặt ra những loại thuế mới, nếu chưa có những cuộc thảo luận công khai và được quốc hội dân chủ chấp thuận. Chúng ta phải cải cách chính sách về quyền sở hữu nhằm khuyến khích sự cạnh tranh giữa những người hoạt động khác nhau trên thương trường.
16. An sinh xã hội. Chúng ta phải thiết lập một hệ thống an sinh xã hội công bằng và phù hợp cho tất cả các công dân và bảo đảm mọi người đều được học hành, chăm sóc sức khoẻ, lương hưu và việc làm ở mức tối thiểu.
17. Bảo vệ môi trường. Chúng ta cần bảo vệ môi trường thiên nhiên và khuyến khích phát triển bền vững và có trách nhiệm đối với các thế hệ sau cũng như toàn nhân loại. Ðiều này có nghĩa là đòi hỏi nhà nước và quan chức các cấp không chỉ làm những gì họ phải làm để đạt được những mục tiêu này mà còn chịu sự giám sát và tham gia của các tổ chức phi chính phủ.
18. Cộng hoà liên bang. Nước Trung Hoa dân chủ phải tìm cách hành động như một cường quốc quan trọng có trách nhiệm nhằm góp phần thúc đẩy hoà bình và phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bằng cách tiếp xúc với những quốc gia khác trong tinh thần bình đẳng và thẳng thắn. Tại Hồng Công và Macao, chúng ta phải ủng hộ những quyền tự do đã có sẵn ở đó. Về vấn đề Ðài Loan, chúng ta phải tuyên bố cam kết với những nguyên tắc tự do dân chủ, và sau đó, thương lượng như những thực thể bình đẳng và sẵn sàng thoả hiệp để tìm một công thức cho sự nghiệp thống nhất một cách hoà bình. Chúng ta phải giải quyết các bất đồng trong các khu vực dân tộc thiểu số ở Trung Quốc với một tinh thần cởi mở, tìm cách đạt được một khuôn khổ khả dĩ để cho tất cả các nhóm thiểu số và tổ chức tôn giáo đều có thể phát triển được. Chúng ta phải nhắm vào mục tiêu tối hậu là thành lập một liên bang các cộng đồng dân chủ ở Trung Quốc.
19. Sự thật trong hoà giải. Chúng ta phải phục hồi thanh danh cho tất cả mọi người, kể cả thân nhân của họ, tức là những người đã bị bôi nhọ trong các chiến dịch đàn áp chính trị trong quá khứ hoặc là những người bị gán cho là tội phạm vì tư tưởng, lời nói hoặc niềm tin của họ. Nhà nước phải bồi thường cho những người này. Tất cả các chính trị phạm và tù nhân lương tâm phải được trả tự do. Phải thành lập Uỷ ban Ðiều tra Sự thật với nhiệm vụ tìm kiếm sự thật về những hành động bất công và tàn bạo trong quá khứ, xác định trách nhiệm, duy trì công lý và trên cơ sở này, tìm kiếm sự hoà giải xã hội.
Trung Quốc là một quốc gia quan trọng trên thế giới, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, phải đóng góp vào nền hoà bình của nhân loại và tiến bộ về nhân quyền.
Nhưng đáng tiếc là, ngày hôm nay chúng ta là nước duy nhất, trong các quốc gia quan trọng, vẫn còn sa lầy trong vũng bùn của nền độc tài chính trị. Hệ thống chính trị của chúng ta tiếp tục gây ra những thảm hoạ nhân quyền và khủng hoảng xã hội, vì thế không chỉ bóp nghẹt sự phát triển của chính Trung Quốc mà còn ngăn chặn sự tiến bộ của cả nền văn minh nhân loại. Phải thay đổi tình thế, thực sự là phải thay đổi. Dân chủ hoá nền chính trị Trung Quốc là công việc không thể trì hoãn được nữa.
Vì thế, chúng tôi mạo muội biến tinh thần công dân thành hành động bằng cách công bố Hiến chương 08 này. Chúng tôi hy vọng rằng đồng bào của chúng ta, những người cùng có nhận thức tương tự về cuộc khủng hoảng, về tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh, dù họ đang nằm trong hay ngoài chính quyền, không phân biệt địa vị xã hội, sẽ gạt sang một bên những khác biệt nhỏ để cùng nắm lấy những mục tiêu to lớn của phong trào công dân này. Cùng nhau, chúng ta có thể làm việc vì những thay đổi quan trọng trong xã hội Trung Quốc và nhanh chóng thành lập được một đất nước tự do, dân chủ và hợp hiến. Chúng ta có thể biến những mục tiêu và lý tưởng mà nhân dân ta đã không ngừng tìm kiếm suốt hơn một trăm năm qua thành hiện thực và có thể mang lại một chương rực rỡ mới cho nền văn minh Trung Hoa.
No comments:
Post a Comment