Pages

Friday, October 8, 2010

Cuộc chiến hối đoái Mỹ-Hoa leo thang

Ngô Nhân Dụng
Chưa bao giờ thấy ông Ôn Gia Bảo nhũn nhặn, ôn hòa như thế. Nhưng ông cũng không chinh phục được trái tim của bà Nancy Pelosi.
Tuần trước, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một dự luật trao thêm cho chính phủ Obama vũ khí mới trong cuộc đấu về tỷ giá giữa đồng tiền hai nước. Từ hàng chục năm qua, Washington vẫn đòi Bắc Kinh phải nâng giá đồng “nhân dân tệ,” để Mỹ giảm được số khiếm hụt vì mua hàng nhiều quá, bán sang Tầu ít quá. Nếu được Thượng Viện thông qua, thì theo dự luật này hành pháp Mỹ sẽ được quyền tăng thuế nhập cảng trên hàng Trung Quốc, cho dân Mỹ sẽ bớt tiêu thụ đồ Made in China. Các đại biểu Quốc Hội hy vọng họ sẽ ép Bắc Kinh phải thả nổi cho giá đồng tiền của họ tăng lên so với đô la Mỹ, hậu quả sẽ giúp cán cân thương mại Mỹ-Hoa cân bằng hơn.
Bắc Kinh biết tình hình đang căng thẳng, đã tìm mọi cách tạo không khí hòa dịu. Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo xuất hiện tại New York nhân dịp họp Liên Hiệp Quốc, nói ông rất lạc quan tin tưởng rằng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể nào xẩy ra “chiến tranh thương mại.” Trước các nhà báo chữ Hoa ở New York và các ký giả Hồng Kông, Ôn thủ tướng báo tin Mỹ và Trung Quốc đang nối lại các cuộc trao đổi quân sự. Những cuộc gặp gỡ này đã bị Bắc Kinh ngưng lại hồi đầu năm khi chính phủ Obama bán hỏa tiễn cho Ðài Loan. Khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đáng lẽ đến thăm Bắc Kinh, đã bị từ chối. Nhưng bây giờ thì chính ông Ôn Gia Bảo đang mời ông Gates qua thăm!
Ông Ôn Gia Bảo còn nhắc đi nhắc lại rằng: “Chúng ta không có một lý do nào để kéo lui mối giao hảo Mỹ-Hoa; trái lại, có hàng vạn lý do để các quan hệ phải chặt chẽ hơn.” Một cách cụ thể, ông Ôn Gia Bảo nói, khi Trung Quốc xuất cảng hàng sang Mỹ thì có hai giới được lợi lộc. Thứ nhất là các công ty Mỹ đã thiết lập nhà máy sản xuất ở bên Tầu sẽ kiếm thêm lời; thứ nhì là người tiêu thụ ở Mỹ được mua hàng hóa với giá rẻ.
Nhiều dân biểu, nghị sĩ Mỹ lại không quan tâm đến hai mối lợi trên. Họ chỉ lo về tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao (9.6%). Họ nghĩ lý do chính khiến nhiều công nhân Mỹ mất việc làm là hàng Trung Quốc quá rẻ khiến cho các xí nghiệp Mỹ không thể cạnh tranh phải đóng cửa. Công việc của người lao động Mỹ vẫn làm cho Dell, Motorola, General Motors đã được đem sang Trung Quốc làm! Có người còn tính toán rằng tình trạng thâm thủng thương mại với Trung Quốc đã khiến 20 triệu công nhân Mỹ mất việc! Một dân biểu đã bác bỏ lời dỗ dành “được mua hàng rẻ” của ông Ôn Gia Bảo, hỏi ngược lại: “Khi bị mất việc rồi thì tiền đâu nữa mà mua hàng rẻ?”
Bà Nacy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện tuyên bố đã đến lúc Quốc Hội phải trao thêm vũ khí cho chính phủ để ép chính phủ Trung Quốc phải thả cho giá đồng tiền của họ lên cao. Vũ khí đó là đánh thuế nhập cảng. Theo quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), một quốc gia mà trợ cấp cho các nhà xuất cảng của họ để có thể xuất cảng hàng giá rẻ thì không công bằng; do đó, nước khác có quyền trả đũa bằng cách đánh thuế trên các món hàng nhập cảng này. Dự luật của Hạ Viện cho phép chính phủ Mỹ “kết tội Trung Quốc đang trợ cấp hàng xuất cảng” vì họ đã “trợ cấp một cách gián tiếp” khi can thiệp vào thị trường hối đoái để giữ không cho giá đồng Nguyên tăng lên theo luật cung cầu.
Lý luận đó rất giản dị: Nếu đồng nhân dân tệ lên giá so với đô la, hàng Trung Quốc bán sang Mỹ giá sẽ đắt hơn, dân Mỹ sẽ nhập cảng ít hơn. Một đô la đang đổi được 6 tới 7 Nguyên thì đồng tiền Trung Quốc rẻ quá. Ðáng lẽ nếu được đổi tự do thì hối suất chỉ là 5 hay 6 Nguyên mà thôi! Vì giá đồng Nguyên rẻ cho nên một món trị giá 7 Nguyên bán sang Mỹ thành một đô la. Nếu đồng Nguyên tăng giá thì cũng 7 Nguyên đó sẽ phải bán thành 1 đô la 20 xu chẳng hạn. Hiện nay giá đồng Nguyên rẻ như bây giờ bởi vì chính phủ Bắc Kinh bỏ tiền ra mua đô la, dìm giá tiền của họ xuống. Rõ ràng, họ đã trợ cấp 20 xu cho các nhà xuất cảng của họ dễ bán hàng! Bà Pelosi nói, nếu đồng Nguyên được tự do lên giá theo thị trường hối đoái, thì “...hàng triệu người Mỹ sẽ có công việc làm, và số thâm thủng về thương mại sẽ giảm được hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.”
Ðại đa số dân biểu cả hai đảng cũng tin như vậy. Khi bỏ phiếu chỉ có 79 phiếu chống lại, trong đó có 74 người thuộc đảng Dân Chủ; trong khi 99 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ. Một cuộc chiến hối đoái và thương mại có thể bắt đầu, nếu Thượng Viện cũng thông qua dự luật này và chính phủ Obama đem ra áp dụng. Nhưng nếu Mỹ đánh thuế nhập cảng trên hàng Tầu nặng hơn, Tầu sẽ đánh thuế trả đũa trên hàng Mỹ nhập cảng; trong khi đi kiện nhau tại WTO. Luật sư hai bên sẽ cãi xem việc can thiệp của Bắc Kinh vào thị trường hối đoái có thể coi là một hành động trợ cấp cho các nhà xuất cảng hay không. Trong khi đó thì cuộc chiến thương mại có thể tiếp diễn.
Tại sao các đại biểu Mỹ chọn lúc này để ồn ào làm dữ với Bắc Kinh? Lý do chính là năm nay có bầu cử Quốc Hội Mỹ. Chưa đầy một tháng nữa dân Mỹ sẽ bỏ phiếu. Các dân biểu đều muốn khoe với các cử tri rằng họ đã cương quyết “đánh Trung Quốc” để bảo vệ việc làm của công nhân Mỹ.
Lý luận của các dân biểu Mỹ rất dễ hiểu, và dễ được dân tin; mặc dù sự thật kinh tế không giản dị như vậy. Nghĩa là không phải hễ đồng Nguyên lên giá thì Mỹ sẽ bớt thâm thủng thương mại, và công nhân Mỹ sẽ có thêm việc làm.
Cán cân thương mại Mỹ thâm thủng vì mua hàng Trung Hoa nhiều gấp 4 lần số bán hàng cho họ, đó là một sự thật. Trong 7 tháng đầu năm 2010, số nhập cảng hàng Trung Hoa trị giá 193 tỷ, trong khi chỉ xuất cảng gần 49 tỷ; trung bình mỗi tháng khiếm hụt 20 tỷ. Riêng trong tháng 6, số thâm thủng mậu dịch lên tới trên 26 tỷ đô la. Nhiều nhà kinh tế tin, như bà Pelosi mới lập lại, rằng nếu chính phủ Bắc Kinh không can thiệp vào thị trường hối đoái để dìm giá tiền của họ, thì cán cân thương mại của Mỹ sẽ cân bằng hơn - và công nhân Mỹ sẽ bớt thất nghiệp.
Nhưng có một sự thật kinh tế khác, là việc tăng giá đồng tiền Trung Quốc không chắc sẽ giúp cho cán cân thương mại của Mỹ cân bằng hơn. Kinh nghiệm đối với đồng Yen Nhật Bản cho thấy như thế. Trong những thập niên 1970, 80, cả nước Mỹ đã nổi giận khi Nhật bán quá nhiều mà mua hàng của Mỹ quá ít. Chính phủ Nhật cũng luôn luôn can thiệp vào thị trường hối đoái, in thêm tiền để đi mua Mỹ kim, giữ giá Mỹ kim cao để cho giá đồng Yen thấp mãi. Hồi đó, các nước kinh tế tiên tiến gọi là G-7 đồng ý với Mỹ, tất cả làm áp lực buộc Nhật Bản phải tăng giá đồng Yen. Một hội nghị quốc tế ở New York năm 1985 đã đưa ra những biện pháp thúc cho đô la Mỹ được giảm giá, và tất cả các nước đều thi hành, kể cả Nhật Bản. Nhưng trong hơn hai chục năm, sau khi giá đồng Yen đã tăng gấp đôi, cán cân thương mại của Mỹ với Nhật Bản vẫn thâm thủng y như cũ! Vì các công ty Nhật thấy hàng của họ tăng giá khi đồng Yen lên, đã tìm cách hạ giá thành bằng cách chuyển các cơ xưởng sản xuất sang các nước khác, thí dụ, sang... bên Tầu! Ở đó, giá đất đai rẻ, lương công nhân cũng rẻ! Khi nâng giá Yen, hạ giá đô la, người ta hy vọng công nhân Mỹ sẽ bớt thất nghiệp,vì các công việc làm ở Nhật sẽ quay trở về Mỹ. Nhưng không, những công việc đó đã chạy sang Ðài Loan, Mã Lai, và... Trung Quốc! Vào đầu tháng 9, khi giá đồng Yen lên cao quá, chính phủ Nhật đã tung ra hàng tỷ để mua Mỹ kim, dìm giá đồng tiền của họ xuống. Chính phủ Mỹ không than phiền một câu nào cả!
Bây giờ nếu đồng Nguyên lên giá, hàng Trung Quốc đắt hơn, thì các nhà nhập cảng Mỹ sẽ đi mua hàng ở các nước khác, thí dụ Việt Nam, Bangladesh, Miến Ðiện, vân vân, nơi lương bổng công nhân còn rẻ hơn bên Tầu,. Nước Mỹ có thể bớt khiếm hụt thương mại đối với Trung Quốc, nhưng sẽ tăng khiếm hụt đối với nước khác! Ðâu lại vào đó!
Mặt xuất cảng cũng vậy. Nếu đồng Nguyên lên giá, món hàng của Mỹ trị giá một đô la sẽ bán sang Tầu với giá 6 Nguyên thay vì 7 Nguyên, sẽ dễ bán hơn. Do đó, các nhà xuất cảng Mỹ sẽ bán được nhiều hơn, các công nhân Mỹ sẽ thêm việc làm. Nhưng khi đồng Nguyên lên giá thì cũng lên giá chung đối với các ngoại tệ khác nữa, hàng hóa của các nước như Ðức, Nhật, sẽ đều được tính giá rẻ hơn, không khác gì hàng của Mỹ. Như vậy thì các công ty xuất cảng của Mỹ bán được nhiều hay không vẫn tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh của họ đối với các công ty Ðức, Nhật, chứ không phải chỉ vì trị giá đồng Nguyên mà thôi!
Tóm lại, việc tăng giá đồng Nguyên có thể giúp cho cán cân thương mại của Mỹ bớt khiếm hụt đối với Trung Quốc, nhưng sẽ rất chậm chạp và không có gì chắc chắn. Nhưng nếu hai nước lâm vào một cuộc chiến tranh mậu dịch thì cả hai sẽ thiệt hại. Ông Ôn Gia Bảo không ngần ngại báo trước rằng nếu Mỹ và Trung Hoa chạy đua đánh thuế hàng nhập cảng nặng hơn thì kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp. Sẽ có thêm hàng chục đến hàng trăm triệu công nhân Trung Hoa thất nghiệp. Những người đó cũng sẽ không có tiền để mua hàng của Mỹ, cũng như của các nước khác. Trung Quốc sẽ ngưng xây cất, ngưng mua máy móc của Mỹ hay Nhật Bản. Kinh tế cả thế giới sẽ kéo nhau xuống cảnh sa lầy.
Phần lớn hàng xuất cảng từ Trung Quốc sang Mỹ lại do các công ty Mỹ hoặc ngoại quốc sản xuất hoặc đặt làm bên đó. Cứ một món hàng bán từ nhà máy sản xuất ở Trung Quốc ra trị giá một đồng thì khi sang đến Mỹ sẽ bán lẻ với giá từ 3 đến 4 đồng. Số chênh lệch đó gọi là “giá trị gia tăng,” (value-added), thuộc về các công ty mẹ và các nhà tiếp thị ở Mỹ. Họ đã đem hàng từ bên Tầu về bán cho dân tiêu thụ, kiếm lời và trả lương cho công nhân ở Mỹ, đóng thuế cho chính phủ Mỹ. Nếu món hàng không còn bán được nữa, người Trung Hoa sẽ bị thiệt một đồng, còn người Mỹ sẽ bị thiệt mất 2 đến 3 đồng! Dân Mỹ có thể chịu bị thiệt thòi như vậy khi cuộc chiến tranh thương mại xẩy ra hay không?
Do đó, không thể tin là chính phủ Mỹ sẽ sử dụng món võ khí mà Quốc Hội sẽ trao cho, là kết án Trung Quốc trợ cấp hàng xuất cảng để đánh thuế nhập cảng từ bên Tầu, gây ra một cuộc chiến tranh thương mại. Việc Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu cho dự luật vừa qua có hậu ý chính trị nhiều hơn là kinh tế. Nói giản dị là để các dân biểu kiếm phiếu. Tại Thượng Viện, chắc sau tháng 11 mới đem dự luật này ra bàn. Lúc đó, không khí tranh cử sẽ nguội đi, các nghị sĩ sẽ bình tĩnh hơn. Dự luật này sẽ khó thông qua Thượng Viện, mặc dù hiện nay có những nghị sĩ đang đưa ra những dự luật tương tự, chưa chắc gì sẽ được biểu quyết thành luật. Tuy nhiên, dự luật được Hạ Viện Mỹ thông qua cũng sẽ có tác dụng là làm cho chính phủ Bắc Kinh phải cảm thấy dân Mỹ đang nóng lòng muốn người Trung Hoa phải hành động mạnh hơn trong vấn đề hối suất. Họ đã tham dự trò chơi đấu trí này từ 5 năm nay rồi.
Năm 2006, cũng trong một năm có bầu cử giữa nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ, khi đó đảng Cộng Hòa đang kiểm soát Quốc Hội, cũng có những dự luật “trừng phạt” Trung Quốc về hối đoái như năm nay. Nhưng chính phủ Gorges W. Bush khi đó đã phản đối các dự luật này; vì đi ngược lại với chủ trương kinh tế của đảng Cộng Hòa, là đề cao tự do thương mại toàn cầu. Phần lớn các công ty lớn ở Mỹ chống lại các biện pháp trừng phạt thương mại bằng cách tăng thuế nhập cảng. Năm nay họ cũng vẫn giữ ý kiến đó. Có 30 nhóm ký chung lá thư gửi cho bà Pelosi xin đừng thông qua dự luật. Trong đó có hội các nhà bán lẻ, hội sản xuất đậu nành, kỹ nghệ thịt, và các nhà sản xuất đang mở nhà máy bên Tầu. Nhưng năm nay Hạ Viện cứ làm dữ, trong khi chính phủ Barack Obama không tuyên bố ủng hộ hay chống đối. Chính quyền Obama cũng muốn hỗ trợ các dân biểu Dân Chủ trong mùa tranh cử rất khó khăn này. Các công đoàn, chỗ dựa của đảng Dân Chủ thì hoàn toàn ủng hộ các biện pháp “trừng phạt” Trung Quốc về hối suất. Mặt khác, khi tranh cử năm 2008, ông Obama đã hứa sẽ mạnh tay hơn khi đối đầu với Trung Quốc!
Có thể ông Obama muốn nhân cơ hội này tạo thêm áp lực khiến Bắc Kinh phải tích cực hơn trong việc nâng cao giá đồng nhân dân tệ của họ, điều mà trước đây ông Bush vẫn kêu gọi. Từ tháng 6 vừa qua, đồng Nguyên đã được thả cho tăng giá 2%, nhưng đối với người Mỹ thì chưa đủ. Tổng thống Mỹ sắp qua Nam Hàn dự hội nghị G-20; khi đó chắc vấn đề hối suất đồng Nguyên sẽ được nêu lên, và nhiều nước sẽ hỗ trợ Mỹ. Nhật Bản ngày càng tỏ ra không thân thiện với Trung Quốc. Khi Bắc Kinh bỏ tiền dự trữ ra mua một số lớn công trái của chính phủ Nhật khiến đồng Yen lên giá, Tokyo đã công khai đặt câu hỏi nghi ngờ: Các anh có ý đồ gì vậy? Tháng 1 năm tới, Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào sẽ thăm Washington. Từ nay tới đó, có thể Bắc Kinh sẽ chịu cho đồng Nguyên tăng giá thêm nữa, một cách vừa phải đủ để làm vui lòng các nhà chính trị Mỹ.
Nhưng vấn đề cán cân thương mại Mỹ mất thăng bằng cũng chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề lớn hơn là kinh tế cả thế giới mất thăng bằng, vì chính sách lệch lạc của chính phủ Trung Quốc. Ðiều này không phải chỉ có nước Mỹ lo mà chính người Trung Hoa còn lo lắng nhiều hơn nữa. Chính ông Ôn Gia Bảo đã bày tỏ mối lo này. Trong một hội nghị kinh tế quốc tế ở Thiên Tân giữa tháng 9, ông nói: “Kinh tế Trung Quốc không thăng bằng, thiếu phối hợp, và công cuộc phát triển không vững chắc lâu dài.” Ðây là mối lo tâm phúc của giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa, nhiều nhà kinh tế đã báo động nhưng đến giờ mới có người lãnh đạo Trung Hoa công khai thú nhận.

No comments:

Post a Comment