Pages

Sunday, October 10, 2010

Chuyển hóa dân chủ


Trong nhiều thập niên nay, dân chủ hóa đã trở thành một đề tài nghiên cứu và giảng dậy trong các trường đại học và các viện nghiên cứu, được liên tục củng cố và cập nhật bởi các cuộc nghiên cứu “thực địa”. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị – xã hội chuyên nghiệp của Mỹ và thế giới, theo dõi các biến đổi xã hội từ độc tài sang dân chủ tại nhiều quốc gia kể từ cuộc cách mạng kỹ nghệ lần 1 đến nay, đã cho rằng có 3 trào lưu hay đợt sóng dân chủ hoá đã xảy ra. Đợt thứ 1 từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ 1 (khởi đi bằng trào lưu tư tưởng Ánh sáng ở châu Âu trong thời kỳ Phục hưng), tác động đến các nước kỹ nghệ Âu-Mỹ. Đợt sóng dân chủ thứ 2 xảy ra ngay sau đệ nhị thế chiến với sự sụp đổ của chế độ phát xít Đức-Nhật-Ý, và phong trào giải thực. Và từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, đầu thế kỷ 21 là đợt dân chủ hóa thứ 3, trước và ngay sau sự sụp đổ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, một đợt sóng dân chủ hóa mới đã bắt đầu, cùng với trào lưu toàn cầu hóa toàn diện – toàn cầu hóa từ lãnh vực kinh tế thương mại sang các lãnh vực văn hóa, xã hội (global village) và chính trị. Dân chủ hoá cũng trở thành trào lưu toàn cầu: từ dân chủ hóa tại mỗi xã hội, mỗi quốc gia, sang dân chủ hóa sinh hoạt quốc tế, trong mọi lãnh vực xã hội, từ kinh tế, thương mại, tài chánh, đến văn hóa, chính trị-xã hội. Một xã hội dân sự quốc tế cũng đang hình thành, với tác động và uy tín quốc tế của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, và của các nhân sĩ quốc tế (Havel, Dalai Latma, Mandela…). Quan hệ quốc gia và quốc tế ngày càng trở thành quan hệ mở, thông lưu hai chiều, qua hình thái biên cương mở (open frontier), và trong nhiều lãnh vực, không biên cương (non-frontier), nhất là trong bối cảnh sinh hoạt mạng điện tử toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới mới đó, dân chủ hóa lần này cũng diễn ra dưới một hình thái mới được nhiều học giả gọi là chuyển hóa dân chủ (democratic transformation), và những nhà lãnh đạo CS tại Việt Nam gọi là “diễn biến hòa bình” – mà họ luôn lo sợ và tìm cách chống đối, nhưng trong thực tế nó vẫn cứ “lừng lững” diễn ra, từ kinh tế trước, nay đang đến những lãnh vực ngoài kinh tế thương mại. Đồng thời dưới tác động của toàn cầu hóa, chuyển hóa tại các khu vực và trên toàn thế giới tác động đến tiến trình chuyển hóa tại mỗi quốc gia.
Một yếu tố quan trọng trong làn sóng chuyển hóa dân chủ lần này là tác động của sự “di động toàn cầu”. Nếu trong ba đợt sóng thay đổi xã hội trong nội tại mỗi quốc gia trước đây, sự di động xã hội (“social mobility”) là yếu tố thúc đẩy chuyển hóa từ một xã hội “đóng kín”, độc đoán, bảo thủ, sang một xã hội tự do, cởi mở hơn, “cosmopolitan” hơn, thì vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, hiện tượng toàn cầu hóa tạo ra một tình trạng “di động toàn cầu(global mobility), thúc đẩy sự thay đổi trên toàn thế giới, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ vùng này sang vùng khác. Sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Internet càng thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa tính di động toàn cầu này. Internet, giao thông trên mạng với tốc độ “nháy mắt” (nano, “sát na” –theo nhà Phật), cùng với giao thông sinh-vật lý ngày càng nhanh, tiện và rẻ, rút ngắn thời gian và không gian giao lưu toàn nhân loại, toàn thế giới. Đáng chú ý là trong bối cảnh giao lưu nhân loại mới đó, sự thay đổi không chỉ xẩy ra một chiều, không phải chỉ từ Âu-Mỹ (văn minh da trắng) sang Á-Phi (da vàng, da đen), từ văn minh Thiên Chúa giáo sang văn minh Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo, như trong thế kỷ 19, 20. Hiện nay đang xẩy ra một cuộc giao thoa tự do, hoàn toàn mở – nhiều chiều, đa quốc gia, đa vùng, đa cực (multi-polar), đa văn hóa – giữa Âu-Mỹ da trắng Thiên Chúa giáo, với Á-Phi da mầu, phi Thiên Chúa giáo. Với sự xuất hiện của Internet, vừa toàn cầu không biên giới về không gian, vừa điện tử về tốc độ, và sức chứa thông tin rộng lớn, tiến trình thay đổi trên toàn thế giới cũng như tại mỗi nước có thêm một nhân tố hết sức đặc biệt, khác hẳn những thời kỳ trước đây. Nó mang đến nhiều hiệu quả. Một mặt thì nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, cũng như chính trị trở thành quốc tế, tài sản chung của mọi quốc gia, dân tộc, dù xuất phát từ đâu. Những gì thích hợp và có lợi cho con người thì mọi dân tộc đều có quyền và có điều kiện để tiếp thu, không phân biệt mầu da, ngôn ngữ, phong tục. Mọi dân tộc đều đang có những cơ hội và điều kiện chưa từng có để phát triển đất nước về cả tinh thần và vật chật. Mặt khác, đặc trưng văn hóa, xã hội của mỗi dân tộc, mỗi khu vực, vẫn được tôn trọng và có môi trường để phát huy. Tính lưỡng diện này cũng là đặc tính của tiến trình chuyển hoá xã hội tại mỗi nước. Nếu các nước Âu-Mỹ da trắng đang phải đối diện với sự tràn ngập của con người và lối sống da mầu phi Thiên Chúa giáo, thì tại các nước Á-Phi, lối sống Âu-Mỹ đang trở thành một thách thức nghiêm trọng cho nếp sống cổ truyền dân tộc.   
Hai hiện tượng này có chung một bản chất: đang xuất lộ một cộng đồng nhân loại toàn cầu với thách đố chung cho mọi quốc gia dân tộc – xây dựng được một xã hội vừa thống nhất vừa đa dạng, vừa nhất nguyên vừa đa nguyên. Nhất nguyên trong từng xã hội để toàn xã hội được hài hòa, không xung khắc chia rẽ dù khác biệt thế nào. Nhất nguyên trên toàn thế giới vì dù khác biệt về chủng tộc, mầu da, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng đều là con người, là loài người, chia sẻ những tiêu chuẩn giá trị và nếp sống chung, khác với loài vật. Đa nguyên trong mỗi xã hội, mỗi dân tộc vì các khác biệt địa phương, chính kiến, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xã hội phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển đồng đều. Đa nguyên trên toàn thế giới vì mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, nếp sống, cần được phát huy để đời sống và văn minh của loài người được thêm phong phú, đa dạng. Con người trong bối cảnh toàn cầu toàn nhân loại, và trong các điều kiện di động điện tử nhanh và rộng khắp như thế, đang có cơ hội phát huy đường sống đúng và phù hợp với con người, và với riêng mỗi dân tộc – vừa nhất nguyên vừa đa nguyên. Nhất nguyên vì đều là người. Đa nguyên vì con người luôn khác nhau và luôn có khả năng thích nghi với các điều kiện và môi trường sống đa dạng và phong phú. Nhân loại là một nhưng dân tộc thì nhiều. Dân tộc là một nhưng sắc tộc cũng nhiều.
Giao thoa Đông-Tây, Âu-Á đang tạo môi trường và điều kiện hình thành một cộng đồng nhân loại, và những cộng đồng dân tộc như thế. Nước Mỹ và châu Âu hiện đang là nơi thể hiện rõ nét tình trạng giao thoa mới này, và cuộc chiến khủng bố do Hồi giáo cực đoan phát động là hình thức quá độ của tình trạng giao thoa chưa bình đẳng và chưa tạo được cuộc sống chung hòa bình, cùng có lợi (“win-win”). Toàn cầu hóa toàn diện đem đến các nhân tố vừa tích cực vừa tiêu cực: vừa thúc đẩy tiến hóa đời sống cá nhân và xã hội, vừa là một thách thức hết sức lớn lao đối với toàn nhân loại trước các hiểm họa cũng mang tính toàn cầu không biên giới (khủng bố, buôn người, bệnh truyền nhiễm, sinh thái….). Và thách đố mạnh nhất, đang xẩy ra hàng ngày, ngay trước mắt, chính là thách đố đối với những thế lực cầm quyền tại các quốc gia đang có cơ hội để phát triển nhưng vẫn muốn duy trì chế độ chính trị độc đoán độc quyền như Việt Nam. Họ cố duy trì độc quyền chính trị, ngăn chặn tự do chính trị và văn hóa thông tin, tư tưởng càng lâu càng tốt, trong khi ngày càng phải hội nhập thế giới và mở rộng tự do kinh doanh, mở rộng di động xã hội và cả di động toàn cầu. Mâu thuẫn giữa xã hội tự do và chính quyền độc đoán có thể duy trì ổn định để phát triển bền vững trong thời gian bao lâu nữa, trong bối cảnh chuyển hóa tại mỗi xã hội và trên tòan thế giới ngày một rộng lớn hơn và nhanh hơn? Câu hỏi đó chưa có lời giải đáp và điều chắc chắn là nó chỉ làm cho giới cầm quyền độc tài ngày càng ít chủ động hơn, và do đó, suy yếu đi hơn.
Thách đố này cũng xẩy ra cho chính những cá nhân và lực lượng muốn dân chủ hóa đất nước như Việt Nam. Phía dân chủ có thấy được tính chất và sức mạnh của chuyển hóa dân chủ chưa? Khi đã thấy rồi, có chấp nhận đó như là một phương lược mới để dân chủ hóa hay không? Và có nhận diện ra được những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động vào tiến trình chuyển hóa độc tài sang dân chủ, để từ đó vạch ra các bước đi và các kế họach thúc đẩy tiến trình chuyển hóa đó?
Một điểm quan trọng nữa cũng cần được nêu ra. Trong tiến trình chuyển hóa đời sống toàn nhân lọai và mỗi dân tộc, chuyển hóa dân chủ đương nhiên là một xu thế tất yếu. Nhưng tiến trình chuyển hóa dân chủ đối với các nước hậu Đệ tam Quốc tế Cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc cần được nhìn trong bối cảnh thế giới và nhân loại mới, hậu chiến tranh lạnh. Hơn thế nữa, cần kể đến những đặc tính riêng của các nước cộng sản trong thời kỳ hậu Đệ tam Quốc tế hiện nay. Tiến trình chuyển hóa tại những nước này có những bước đi đặc thù, chuyển từ cộng sản kiểu Leninist, Maoist, sang cộng sản “đổi mới”, và đang chuyển từ đổi mới về kinh tế (đổi mới I), sang đổi mới về văn hóa-thông tin-giáo dục và chính trị-xã hội (đổi mới II – điều mà TNS McCain đã nêu lên trong chuyến thăm Hà Nội gần đây nhất của ông). Tiến trình chuyển hoá này mang tính khách quan, hiện đang được nhiều nhà nghiên cứu theo dõi, mô tả, rút ra các qui tắc, và từ đó đưa ra những đề nghị cho các nhà làm chính sách, và những người hoạt động, nhằm thúc đẩy tiến trình này xảy ra nhanh hơn, đúng hơn, nhưng không đi ngược lại tiến trình và các qui luật khách quan.
Những người dân chủ Việt Nam muốn tác động có hiệu quả vào tiến trình chuyển hóa khách quan này, trước hết cần tìm hiểu về tiến trình chuyển hoá dân chủ nói chung, và tiến trình chuyển hóa dân chủ đặc thù tại Việt Nam và Trung Quốc nói riêng – đặc thù vì vừa mang tính chất và qui luật chuyển hóa chung của các xã hội đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa đầu thế kỷ 21, lại vừa mang tính chất riêng của một chế độ cộng sản đang phải “đổi mới” trong thời kỳ hậu quốc tế Cộng sản. Riêng với Việt Nam, tính đặc thù trong tiến trình chuyển hóa này lại còn khác với Trung Quốc, dù vẫn chung chế độ cộng sản, vì lịch sử, con người và xã hội Việt cận hiện đại tất nhiên khác với Trung quốc. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều yếu tố khác như Việt Nam là thành viên khối ASEAN, quan hệ với Trung Quốc không “bình thường” – vừa thuận, vừa nghịch – và quan hệ với Mỹ và thế giới đã thay đổi… Việt Nam còn khác Trung Quốc vì có một cộng đồng hải ngoại toàn cầu khá rõ ràng, dứt khóat về lập trường chính trị đối với Hà Nội, khác với cộng đồng hải ngoại Trung Hoa và Đài Loan trong quan hệ với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng suy nghĩ và hành động nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển hoá dân chủ tại Việt Nam cần được đặt trong một tầm nhìn toàn cảnh: toàn cầu, toàn dân tộc và toàn diện (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị). Vấn đề chuyển hóa một xã hội không thể là một việc làm theo ý thích riêng mà đòi hỏi nhiều học hiểu, kiên nhẫn, tỉnh táo và khiêm tốn, trong tinh thần “vừa làm, vừa học”, “tri hành đồng tiến”. Và quan trọng là LÀM, thực làm và thực tâm vì dân chủ và vì dân tộc. Chỉ trong thực làm, qua kinh nghiệm thực tiễn, mới có được sách lược, chiến lược, chiến thuật, và phương thức khả thi và hữu hiệu. Làm thực và tỉnh táo cũng đòi hỏi tinh thần uyển chuyển, linh động, nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Nguyên tắc sống “đa nguyên trong nhất nguyên” của con người cũng cần được tuân thủ ở đây: mục đích là một, quyết tâm là một, không gì lay chuyển được, nhưng chiến thuật và phương thức thực hiện phải luôn luôn đa dạng, phong phú và cải tiến, thích hợp từng đối tượng, môi trường và điều kiện khách quan và chủ quan. 
© Đoàn Viết Hoạt

No comments:

Post a Comment