Nguoibuongio
Các nhà viết sử thường né tránh những sự kiện nhục nhã . Người viết sử thường chỉ nhắc đi nhắc lại những chiến thắng nào đó của chính quyền. Những sự kiện nhục nhã ít khi nào được nhắc tới ở một thể chế chính trị độc đoán. Việt Nam là nước điển hình như vậy.
Người Việt Nam thời kỳ CNXH chỉ quen với tự hào và biết đến tự hào, thời đại của người Việt huy hoàng và rực rỡ trong những chiến thắng, thành công, kết quả tốt đẹp…hàng hà đa số những lời chỉ đến sự tự hào được liên tục nhắc đi nhắc lại trên báo chí, truyền hình….đã là người dân Việt phải tự hào về cái gì đó, nhất là người dân Việt thời CNXH càng phải biết tìm cái gì đó để tự hào. Cho dù cái đó xa tít tắp chả ăn nhập gì đến đất nước, xã hội, đời sống cũng cân phải tự hào. Một thằng Tây balo ngáo ngơ sang Việt Nam khen lấy lệ Việt Nam đẹp cũng đủ là cái cớ để báo chí dựa vào đó tung hô đất nước ta đang ngời ngời ánh dương. Nhân dân ta đang sung sướng tột đỉnh.
Thế nên ai mà trót dại nhắc đến chữ ‘’ nhục’’ nhất là nhục nước nhà thì đúng là vuốt râu hùm. Hàng loạt ý kiến nhâu nhâu phản đối, bức xúc, phẫn nộ đáp trả. Thời kỳ CNXH Việt Nam đâu có cái gì phải nhục, cái gì cũng tốt đẹp. Một cán bộ hưu trí, một bà bán rau cũng tót được lên báo để đưa ra những chứng cứ rằng đất nước, con người, cuộc sống ở Việt Nam đang rất đáng tự hào, bao nhiêu thành tựu này nọ đạt được một cách vanh vách bài bản. Nào là Việt Nam có bác Hồ vĩ đại danh nhân thế giới, có Đảng CS sáng suốt, tài tình có em bé đánh giày tẩm xăng lao vào kho đạn địch, có Phạm Tuân đi dép lốp bay vào vũ trụ , có đội bóng đá đoạt giải nhì khu vực vv
Người ta xúm lại bĩu môi chê trách kẻ nào dám nói ở Việt Nam có điều gì đáng nhục nhã, họ viện đủ lý do phản bác như là xấu thì ở đâu cũng thế thôi, nào là khách quan là vậy, đây chỉ là một hiện tượng nhỏ không phản ánh hết sự thật, nào là phải biết nhìn những cái tươi sáng thành tựu để mà lạc quan.
Nói xấu quá có khi còn bị bỏ tù. Chả thế mà toà án Việt Nam nhiều lần tuyên án bị cáo thế này.
- Bị cáo lợi dụng vào những sai sót nhỏ của một số cán bộ mà quy chụp là bản chất của chế độ, động cơ xuất phát từ bất mãn cá nhân, bị cáo cố tình không nhận thấy những thành tựu mà đất nước ta đạt được, bị cáo cố ý bôi xấu …làm xói mòn lòng tin của xã hội..
Sự tự hào ăn sâu dần vào trong máu người Việt Nam một cách tinh vi, bài bản. Qua những ngợi ca dồn dập của giới truyền thông nước nhà. Ở Việt Nam tự hào cũng là cách bảo vệ mình an toàn. Vì tự hào có nghĩa là anh bằng lòng, mà bằng lòng thì anh không bức xúc, bất mãn không có thái độ phản kháng. Tự hào là yêu nước, là yêu chế độ, là yêu cả đường lối chính sách đã mang lại những kết quả tự hào….
Nhà viết sử Việt Nam có trách nhiệm phản ánh tâm trạng xã hội đúng với yêu cầu chính trị hơn là đúng với bản chất sự việc vì người ta đòi hỏi họ như vậy.
Khi thấy Việt Nam có nhu cầu sống còn phải lập quan hệ ngoại giao với mình . Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi những bước mang đầy tính phong kiến truyền thống của nước lớn đối với chư hầu. Đó là đòi lễ vật và hiến tế.
Tháng 4 năm 1988 tại quần đảo Gạc Ma, như các nghi lễ truyền thống mà nước lớn đòi hỏi nước bé thể hiện sự thần phục toàn tâm có từ thời xa xưa của Trung Hoa. Người Trung Quốc đã dùng 74 chiến sĩ Việt Nam và đảo Gạc Ma của Việt Nam làm máu tế và đồ hiến dâng. Sau đó quan hệ hai nước liên tiếp được ca ngợi là hoà bình, hữu nghị, láng giếng tốt. Người Việt Nam vốn dĩ không biết nhục mà chỉ biết tự hào, do đó họ tự hào ca ngợi là quan hệ tốt đẹp cho hai bên. Cuộc tế lễ này được thực hiên chu đáo đến mức người Trung Quốc còn mang cả máy quay phim. Chứng tỏ họ rất tin tưởng sự sắp đặt chu đáo sẽ khiến buổi hiến tế có kết quả thành công như vậy.
Người ta bắn giết người mình, cướp đất mình và điềm nhiên quay phim nhưng chả thấy người Việt Nam nào cảm thấy nhục cả. Thậm chí có kẻ còn bàng quan, thản nhiên phát biểu khi xem đoạn phim đó
- Ở chắc gì là thật, bọn nào đó dựng lên để kích động , phá hoại quan hệ giữa ta và Trung Quốc thôi.
Đến khi tàu lạ bắn ngư dân Việt Nam chết ngoài khơi, những kẻ này vẫn nói
- Ờ chắc ngư dân mình kém hiểu biết đi sang nước khác mới vậy thôi, mà ngoài khơi thiếu gì tàu đánh cá các nước đi qua lại. Tai nạn như giao thông là chuyện thường. Bọn thù địch lợi dụng thông tin chưa rõ ràng để kích động.
Trước sự kiện đẫm máu như thế, mà người ta lạnh nhạt, dửng dưng, còn làm ra vẻ hoài nghi. Chẳng qua thực chất là bản chất vốn tự hào quen rồi,, giờ thấy nhục không dám nhìn nhận mà thôi. Câu Tiễn bị thua, bề ngoài khiếp sợ. Nhưng còn biết luyện quân, tìm người giỏi, hàng đêm năm gai , nếm mật tự mắng mình. Việt Nam đâu có ai gào lên
- Mày quên cái nhục ở Gạc Ma rồi sao
Vì như đã dẫn trên, người Việt thời kỳ XHCN làm gì có biết đến nhục đâu, họ chỉ biết đến tự hào mà thôi. Người Việt vì thế mau chóng quên sự kiện Gạc Ma.
Người Việt không phản ứng, không nhắc đến, lờ đi biển Đông đến nỗi người Trung Quốc cũng tin biển Đông là của họ. Trong tâm tưởng của người Trung Quốc họ đinh ninh người Việt sẽ không bao giờ phản ứng trước những hành động bạo lực mà Trung Quốc gây ra. Người Trung Quốc cứ ung dung tàn bạo như lẽ tự nhiên.
Báo chí Việt Nam mải mê với những tự hào đâu đó, dường như cả dân tộc Việt say đắm trong ánh hào quang tự tô vẽ. Những sự hy sinh cao cả của những người lính hải quân Việt Nam năm 1988 không ai muốn nhắc đến, cả đảo Gạc Ma bao đời cha ông tốn công khai phá giờ trong tay giặc cũng không ai nghĩ tới.
Sự tự hào không đúng với thực tế, cũng như sự trốn tránh nhìn nhận cái hèn kém, nhục nhã là kẻ nội thù lớn nhất tiếp tay cho ngoại bang thôn tính đất nước. Hết đất liền rồi đến đảo, hết rừng đến đồng bằng bị mất vào tay ngoại bang. Thế nhưng người Việt vẫn không thức tỉnh, họ lại biện minh đủ lý lẽ nào đất liền thì là do mong muốn biên giới rõ ràng pháp lý . Rừng, núi, tài nguyên thì do phát triển kinh tế. Biển, đảo thì đàm phán hoà bình. Mọi cái đều êm ấm đâu vào đó cả, đất nước không có gì đáng lo ngoài những sự kiện đang tới phải tập trung chào đón với lòng tự hào, hãnh diện.
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/152
No comments:
Post a Comment