Pages

Friday, August 6, 2010

Shawn W. Crispin – Hoa Kỳ có vẻ thua, Trung Quốc có vẻ thắng trong cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan (phần 1)

Trần Ngọc Cư dịch
Lời người dịch: Dù dưới nhãn hiệu dân chủ hay độc tài, Thái Lan cũng nằm trong tầm nhắm của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Âm ỉ bên dưới cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan gần đây là những nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bài viết dưới đây nêu bật sự kiện này: trong khi Hoa Kỳ tập trung vào quyền lực cứng bằng nỗ lực duy trì Thái Lan như một đồng minh quân sự (tàn dư của Chiến tranh lạnh), Trung Quốc đang âm thầm triển khai quyền lực mềm và triển khai khá thành công. Ngoài việc gia tăng mậu dịch giữa hai nước, Trung Quốc đang hâm nóng “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” với 12 triệu người Thái gốc Hoa, gửi hàng nghìn giáo viên tiếng Quan thoại sang Thái Lan, và thiết lập hằng chục “Trung tâm Khổng học” tại các đại học Thái Lan. Vì đại đa số giới tinh anh của Thái Lan là người Thái gốc Hoa và vì sự gần gũi qua tôn giáo và văn hóa, có lẽ Trung Quốc có lợi thế hơn Hoa Kỳ trong việc điều chỉnh chính sách ngoại giao tại Thái Lan. Và người ta không thể loại trừ khả năng Thaksin trở lại chính trường Thái Lan.
Bangkok – Khi thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell, cố gắng dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa các quan chức hàng đầu của chính phủ Thái Lan và các cộng sự thân tín của cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, qua bữa điểm tâm tại thủ đô Bangkok, chính phủ của thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã từ chối lời mời của vị thượng khách.

Các giới chức am tường đề nghị này nói rằng ngoại trưởng Thái Kasit Piromya rất giận dữ trước mưu toan lộ liễu của Washington nhằm can thiệp vào nội bộ Thái Lan ở một giai đoạn nghiêm trọng trong cuộc xung đột đang leo thang bạo động tại nước này. Nhóm chống đối thân-Thaksin, Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (UDD), cuối cùng đã bác bỏ lộ trình hoà giải của chính phủ, trong đó có lời hứa sẽ tổ chức tuyển cử sớm hơn. Vài ngày sau đó, quân đội đã phản ứng bằng vũ lực thô bạo để đập nát cuộc biểu tình.


Sau cuộc đàn áp này và sau khi thủ đô Thái Lan tương đối trở lại yên tĩnh, thủ tướng Abhisit đã cử đặc sứ Kiat Sitheeamorn đến Washington để trao một lời khiển trách có tính ngoại giao hơn và khuyên Washington về sau nên tránh việc làm trung gian trong cuộc xung đột này, một cuộc xung đột mà giới chức chính quyền cho là một việc nội bộ của Thái Lan, nhưng [cựu thủ tướng] bị án hình sự Thaksin đang tìm cách quốc tế hóa vì những mục tiêu riêng của ông.


“Chúng tôi [Thái Lan và Hoa Kỳ] là hai nước bạn và đồng minh lâu đời trong suốt 177 năm nay, và đây là điều rất có ý nghĩa”, Kiat đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Asia Times Online. “Lập trường của Hoa Kỳ xưa nay là, nếu chúng tôi kêu gọi giúp đỡ và hậu thuẫn, người Mỹ sẽ sẵn sàng đưa bàn tay ra yểm trợ. Nhưng còn tùy chúng tôi có yêu cầu hay không, và lần này chúng tôi đã không yêu cầu…Tôi hiểu rằng Washington có ý định tốt, nhưng có lẽ còn thiếu hiểu biết về một tình hình rất phức tạp”.


Hai chính sách ngoại giao đang cạnh tranh nhau


Cuộc đụng độ ngoại giao này đã để lộ sự hờ hững đang diễn ra giữa hai đồng minh có thỏa ước lâu dài và sự vươn dậy tương đối trong vùng của Trung Quốc. Từ góc độ của một cuộc tranh giành ảnh hưởng rộng lớn hơn tại Đông Nam Á, các nhà phân tích thời cuộc và các nhà ngoại giao cho rằng đường lối ngoại giao thực tiễn hơn của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng mới đây tại Thái Lan đã thắng thế so với đường lối can thiệp lộ liễu hơn của Washington.


Trong khi Trung Quốc có ảnh hưởng ngoại giao rất đáng kể tại các nước láng giềng Campuchia, Lào và Miến Điện, Hoa Kỳ đã duy trì những quan hệ chiến lược khá bền vững với Thái Lan và qua quá trình lịch sử đã từng can thiệp vào chính trị nội bộ của Bangkok. Quan hệ chiến lược Mỹ-Thái đạt cao điểm trong Chiến tranh lạnh, nhưng từ bấy đến nay, những ràng buộc giữa hai nước dần dần trở nên lỏng lẻo bởi vì không có một đe dọa chiến lược cho cả hai nước để Washington và Bangkok cùng chung lưng đấu cật. Trong khi đó, một loạt tranh chấp thương mại, bao gồm những vấn đề nóng bỏng chung quanh quyền sở hữu trí tuệ, đã gây căng thẳng cho quan hệ song phương. (Mời đọc “When allies drift apart”, Asia Times Online, February 14, 2009.)


Trung Quốc lặng lẽ gắng khai thác sự thiếu mặn nồng này và hiện đang dấn thân vào một cạnh tranh tế nhị nhưng có cường độ ngày một gia tăng với Hoa Kỳ để giành ảnh hưởng đối với Thái Lan. Một viên chức Trung Quốc, trong khi trả lời Asia Times Online với điều kiện không tiết lộ danh tánh, đã cho rằng Hoa Kỳ “ứng xử vụng về” bằng cách can thiệp quá lộ liễu trong những biến động gần đây tại Thái Lan và ca ngợi toà đại sứ của ông đã sử dụng đường lối ngoại giao tế nhị hơn đối với cuộc khủng hoảng.


Việc Hoa Kỳ gây ảnh hưởng ở đằng sau hậu trường đã bị phơi bày lần đầu tiên khi phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban tiết lộ vào đầu tháng Ba rằng, ông đã nhận tin tức từ Washington cảnh báo có âm mưu phá hoại trong kế hoạch biểu tình của UDD [phe áo đỏ] – một tiên đoán được các biến cố sau này chứng minh. Vì thế, UDD đã biểu tình ngắn ngủi trước Sứ quán Hoa Kỳ để khẳng định mình là một phong trào dân chủ, tranh đấu bằng phương thức hoà bình. Nhưng về sau, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ lên án các lãnh đạo UDD đã tàng trữ vũ khí ở địa điểm biểu tình.


Đồng-lãnh tụ Weng Tojirakarn của UDD, hiện đang ở tù vì bị cáo buộc có tiềm năng gây khủng bố, đã nói với Asia Times Online trước cuộc đàn áp 19 tháng Năm rằng “nếu Hoa Kỳ phân tích các biến cố thận trọng hơn, họ có thể thấy rõ bằng chứng đích thực”. Tuần trước, Sứ quán Hoa Kỳ không chịu tiếp nhận một lá thư từ một tổ chức liên minh với UDD kêu gọi Hạ viện Mỹ xét lại nghị quyết gần đây, một nghị quyết ủng hộ kế hoạch hòa giải của Abhisit.


Trong khi Hoa Kỳ gây bất mãn cho cả hai phe trong cuộc xung đột chính trị tại Thái Lan, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của đồng minh. Viên chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu là sẽ cam kết cộng tác về mặt kinh tế nhiều hơn, bằng cách trở thành quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Thái Lan trong quí đầu năm nay và bằng cách tăng cường mậu dịch song phương, có lúc đã liên tục gia tăng mỗi năm 70% qua cùng một thời gian.


“Lợi ích của chúng tôi và quan hệ quốc tế đang trở nên phức tạp hơn. Chúng tôi thấy lợi thế của mình trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường”, người phát ngôn chính phủ Thái, ông Panitan Wattanayagorn, đã nói như vậy. “Hoa Kỳ đổ ra nhiều vốn liếng tại Thái Lan và họ tích cực theo đuổi lợi ích của mình… Trung Quốc ít năng nổ hơn và sử dụng đường lối gián tiếp, và cách Trung Quốc đối phó với tình hình này cũng không khác”. Ông Panitan nói rằng quan hệ Thái-Trung đang trở nên “ngày càng năng động hơn” và rằng “Trung Quốc có tinh thần thực tiễn, nhưng cũng rất sắc bén trong việc thu lượm tin tức và phản ứng trước tình hình”.


Hằng năm Hoa Kỳ và Thái Lan tổ chức những cuộc tập trận chung rất hùng hậu, mệnh danh là Cuộc thao diễn Cobra Gold. Thái Lan được Hoa Kỳ nâng cấp thành “đồng minh chính ngoài khối NATO” vào năm 2003, một danh xưng cho phép Thái Lan được hưởng thêm ngoại viện và viện trợ quân sự, bao gồm cả những bảo đảm tín dụng để mua vũ khí. Địa vị được nâng cấp này được nhiều giới coi như là một phần thưởng vì Thái Lan đã góp một tay để đẩy mạnh “cuộc chiến tranh chống khủng bố” toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo.


Thái Lan đã cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân U-Tapao để tiếp nhiên liệu cho các máy bay trên đường đi đến các chiến trường của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Bangkok cũng cho phép Hoa Kỳ sử dụng các cơ sở quân sự ít ai biết đến – nơi đó, các nghi can khủng bố bị bắt trong các cuộc hành quân của hai chiến trường nói trên bị gửi đến, bị giam giữ và, ít ra trong một trường hợp, bị nhân viên CIA tra tấn, theo một số bằng chứng được đưa ra trước Quốc hội Hoa Kỳ. (Mời đọc “US and Thailand: allies in torture”, Asia Times Online, January 25, 2008.)


Đồng thời, Thái Lan đã từng bước nới rộng quan hệ giữa hai quân đội (military-to-military relations) với Trung Quốc – nhiều sáng kiến hỗn hợp đã được đưa ra trong nhiệm kỳ của cựu thủ tướng Thaksin. Theo viên chức Sứ quán Trung Quốc nói trên, hai bên đến nay đã tổ chức được 3 cuộc thao diễn hỗn hợp cho các lực lượng đặc biệt và đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận hỗn hợp lần đầu tiên cho hải quân hai nước vào cuối năm nay.


Một viên chức Hoa Kỳ nhận xét rằng Thái Lan đã không nhận tiền Bắc Kinh chi trả cho các cuộc tập trận chung với Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ trả toàn bộ chi phí cho cuộc tập trận Cobra Gold to lớn hơn và tốn kém hơn nhiều – một cuộc tập trận mà Trung Quốc giữ vai trò quan sát viên từ năm 2008. Mặc dù những trao đổi quân sự Trung-Thái vẫn còn tương đối khiêm nhượng về tầm cỡ, nhưng sự hiện hữu của chúng có mục đích tế nhị là làm lung lay một tiền đề của thời Chiến tranh lạnh nằm đằng sau mọi quan hệ chiến lược Mỹ-Thái – tiền đề đó là, Trung Quốc có tiềm năng là một mối đe dọa cho an ninh toàn vùng và an ninh của Thái Lan.


Những người anh em đồng chủng


Viên chức Sứ quán Trung Quốc nói trên tin rằng việc Bắc Kinh tăng cường chính sách ngoại giao bằng thương mại và văn hóa – bao gồm cả việc tăng cường các mối quan hệ với thiểu số người Thái gốc Hoa đang nắm nhiều quyền lực chính trị và kinh tế tại Thái Lan – là có ý nghĩa hơn và phù hợp hơn với lợi ích tương lai của Thái Lan so với sự tập trung vẫn còn mạnh mẽ của Hoa Kỳ vào các vấn đề an ninh.


Viên đặc sứ Trung Quốc ước tính có đến 12 triệu người Thái gốc Hoa trong dân số 65 triệu của Thái Lan, một chỉ dấu tế nhị cho thấy Sứ quán Trung Quốc đã chịu khó nghiên cứu người đồng chủng của họ tại quốc gia này. Các con số thống kê chính thức của Thái Lan không phân biệt người Thái thuần túy với người Thái gốc Hoa, nhưng website của Sứ quán Trung Quốc chỉ liệt kê các dân tộc tại Thái Lan thành hai nhóm là Thái và Hoa, không đếm xỉa đến nhiều bộ lạc khác nhau ở miền núi và các dân tộc ít người khác. Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng ghi nhận rằng 30 trong số 36 bộ trưởng của nội các Abhisit có thể được coi là người Thái gốc Hoa.


Năm nay, Trung Quốc sẽ cử 1.200 giáo viên tiếng Quan thoại đến Thái Lan. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc cũng đã thiết lập trên mười cơ sở gọi là “trung tâm Khổng học” ở nhiều trường đại học và cao đẳng khác nhau tại Thái Lan. Với sự vươn dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, viên đặc sứ trên gợi ý rằng ngày càng có đông đảo người Thái học tiếng Trung Quốc hơn học tiếng Anh để mong thăng tiến nghề nghiệp.


“Sự gần gũi văn hóa của chúng tôi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước”, ông Kiat, người đại diện thương mại Thái Lan, nói. “Tôn giáo cũng đóng một vai trò, nhiều thế hệ Hoa kiều di cư đến đất nước chúng tôi và vai trò của họ trong những giai đoạn khó khăn, tất cả những yếu tố đó đã tạo nên những sợi dây thắt chặt quan trọng. Chúng tôi có cùng những quan hệ như thế với Hoa Kỳ chăng? Không thể gọi là tương tự hay ngang tầm… Chúng tôi rất cảm kích việc chính phủ Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của vấn đề [văn hóa] này, bởi vì đó là một ưu điểm”.


Chính sách ngoại giao dựa vào chủng tộc của Trung Quốc đã cho phép Bắc Kinh đu dây khéo léo hơn Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp chính trị tại Thái Lan. Trong cốt lõi của cuộc tranh chấp này, hai phe thuộc giới tinh anh người Thái gốc Hoa đã đưa ra những dự phóng cạnh tranh nhau cho tương lai Thái Lan sau khi vua Bhumibol Adulyadej, 82 tuổi, qua đời. Mặc dù cả hai phe đã vận dụng những biểu tượng và chủ đề mạnh mẽ, đưa ra những lời kêu gọi trái chiều nhau nhằm bảo vệ chế độ quân chủ và cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng cả hai phe đều không muốn làm nổi bật ảnh hưởng quá to lớn của người Thái gốc Hoa trong việc kiểm soát tài sản và quyền lực tại Thái Lan.


Những đề nghị mang màu sắc chủng tộc mà Trung Quốc đưa ra với Thái Lan gần đây là một biến chuyển ngoại giao mới mẻ. Khi nguyên chủ tịch Giang Trạch Dân viếng thăm Thái Lan năm 1999, ông ta đã gây ra ít nhiều tranh luận vì một số người đã coi việc ông đi tham quan Khu phố Hoa kiều (Chinatown) tại Bangkok là một hiệu triệu công khai dành cho anh em đồng chủng của ông. Vì lịch sử vùng này, kể cả Thái Lan, có những cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với các nhóm thiểu số người Hoa, nên mãi đến gần đây Trung Quốc đã cố tránh những cử chỉ có tính chủng tộc (race-based gestures).


(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment