Hồ Kim Sơn dịch
Triển vọng của một thỏa thuận thương mại có tính bước ngoặt giữa Đài Loan và Singapore – mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được– đang đẩy chú ý tập trung vào một trong những mối quan hệ tam giác nhạy cảm nhất trong khu vực.
Giữa lúc những căng thẳng Trung-Mỹ trong vụ Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) và những vấn đề quân sự khác còn tươi rói trong mấy tuần lễ gần đây, tin tức về khả năng thỏa thuận thương mại Singapore-Đài Loan không thu hút được mấy chú ý của công chúng. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiềm năng của một thỏa thuận như thế đang được xem xét tỉ mỉ tại những văn phòng nghị sự của vùng Đông Á; nó phản ánh cục diện chiến lược đang thay đổi nhanh chóng trong khu vực này.
Hai nhà phân tích về châu Á Ernest Bower và Charles Freeman có trụ sở đóng tại Washington mô tả chính sách của Singapore đối với Đài Loan như một thí dụ của sợi dây đu mà trên đó các quốc gia Đông Nam Á phải bước đi cùng với một Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết liệt trong việc khẳng định “quyền lợi cốt lõi” của họ - tại Đài Loan, Tây Tạng và bây giờ là Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam).Nhưng đồng thời, việc này cũng mang lại cả lợi ích lẫn nguy hiểm tiềm tàng cho Bắc Kinh. Một thỏa thuận nếu được ký kết giữa Singapore và Đài Loan có thể giúp liên kết đảo quốc này với cơ cấu kinh tế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thống lãnh (ASEAN). Bắc Kinh có lẽ thích thấy điều đó xảy ra hơn là thấy nó bị chi phối bởi bất cứ cơ cấu nào do phương Tây thống trị, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương chẳng hạn.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cảm thấy bị thúc ép phải khước từ một thỏa thuận nào trên lộ trình phía trước, điều đó có thể làm tổn hại những tham vọng khu vực đang gặp rắc rối của nó. “Hành động thô bạo của Bắc Kinh cũng góp phần làm tổn hại đến thanh danh của Trung Quốc, nước trong thời gian gần đây đã rải áp lực khắp nơi, làm dấy lên nhiều quan ngại cho những quốc gia lân bang,” cả hai nhà phân tích Bower và Freeman viết trong một báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu về Quốc tế và Chiến lược độc lập.
“Có thể Trung Quốc quyết định vẫn để mắt canh chừng những cuộc đàm phán thương mại bị bưng bít trước công luận giữa Singapore và Đài Loan. Bạn có thể đoan chắc rằng, những nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á cũng đang theo dõi vụ việc nầy, bởi vì những quyền giao thương và bảo vệ quốc gia là nền tảng của chủ quyền.”
Đối với Đài Loan, thỏa thuận này tượng trưng cho một bước đột phá to lớn sau nhiều năm bị phủ đè dưới cái bóng tăng trưởng của lục địa [Trung Quốc]. Việc Đài Bắc ký kết Hiệp định khung hợp tác kinh tế với Bắc Kinh vào hồi tháng Sáu thắp lên biết bao hy vọng cho toàn khu vực về một khả năng những thỏa thuận tương tự có thể ký kết với những quốc gia lân bang khu vực và với Washington – những điều có thể giúp hội nhập cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của hòn đảo này.
Indonesia, Việt Nam, và Philippines cũng đang ngấp nghé muốn có những thỏa thuận tương tự, theo tin của một số phái bộ ngoại giao khu vực.
Hiển nhiên Bắc Kinh ắt cảm thấy dễ chịu khi thấy những thỏa thuận kiểu như thế chắc mẩm nằm trong những nguyên tắc căn bản của chính sách một- Trung Quốc của mình.
Khi Đài Loan và Singapore đưa ra thông báo hồi tháng này tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành những cuộc hội đàm vào cuối năm nay, phản ứng bước đầu được ghi nhận của Trung Quốc là tỏ ra quan ngại.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu đưa ra bình luận tỏ ý rằng Bắc Kinh có thể phản đối bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Singapore và Đài Loan, cho rằng thỏa thuận như thế là công khai thừa nhận chủ quyền của hòn đảo này.
“Lập trường của chúng tôi đối với những hoạt động thương mại và kinh tế giữa những quốc gia ngoại quốc với Đài Loan là luôn nhất quán và rõ ràng,” ông Jiang nói. “Chúng tôi hy vọng những quốc gia liên đới nên tiếp tục bám sát chính sách một-Trung Quốc và thận trọng xử lý những vấn đề liên quan.”
Nhưng khi những náo động lắng xuống, người ta cảm thấy rằng Bắc Kinh đã chính thức bật đèn xanh – miễn là có sự cẩn trọng cần thiết.
Cả hai nhà phân tích Bower và Freeman đều mô tả điều này như một “kiểu bóng gió của Trung Quốc bảo cứ thế mà làm” và “hay nhất thì cũng chỉ là ra dấu bằng ngón cái giơ lên rụt rè.”
Và ở Singapore , người ta cũng cảm thấy Bắc Kinh đã gởi tới một tín hiệu quan trọng.
Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Đại Học Quốc gia Singapore, nói rằng những thảo luận giữa Singapore-Đài Loan hẳn không tiến triển xa đến như thế nếu Bắc Kinh không báo hiệu cho thấy một yếu tố bằng lòng nào đó.
Khi mô tả động thái này như một phát triển quan trọng chưa nhận được sự chú ý đúng tầm mức, ông nói: “Đây thực sự là một động thái rất khôn khéo từ phía Trung Quốc. Trên hết là về việc mở rộng không gian kinh tế của Đài Loan theo chiều hướng rất tích cực cho cả khu vực.
“Họ phải nhốt Đài Loan trong một cái rọ chính trị, nhưng nếu họ cũng nhốt nó trong cái rọ kinh tế thì có nghĩa là họ kìm kẹp nhân dân Đài Loan và tôi không chắc đó là điều Bắc Kinh muốn thực hiện.”
Giáo sư Mahbubani nói rằng có những mối nguy cơ tiềm tàng cho tất cả các bên, nhưng cũng có đủ niềm tin chung để mạnh dạn tiến tới.
“Chúng tôi đang nói tới cấp độ rất cao của tín nhiệm giữa Trung Quốc và Đài Loan và Singapore . Ở đây Singapore đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tư cách là một đối tác được ủy thác.”
“Những ràng buộc và quyền lợi thì rất lớn, nhưng tôi nghĩ các bên đều biết rõ đâu là ranh giới và đâu là giới hạn cấm cản.”
Chắc chắn quan điểm chính thức của chính quyền Singapore rõ ràng đã được điều chỉnh để đối đầu với những quan ngại của Bắc Kinh.
Tuần vừa qua, Bộ Kỹ nghệ và Thương mại của Singapore xác nhận rằng Singapore và “Đài Bắc Trung Hoa” sẽ gặp nhau cuối năm nay để cùng nhau tìm hiểu tính khả thi của một hiệp ước hợp tác kinh tế.
Bộ nầy tuyên bố, “Singapore tôn trọng chính sách một-Trung Quốc. Chúng tôi phải luôn chỉ đạo mối bang giao của chúng tôi với Đài Loan theo đúng khung hình của chính sách một-Trung Quốc và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm như thế”.
Giới chức Đài Loan nói rằng họ sẽ thương nghị trong khuôn khổ qui định của những điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới –cả Đài Loan và Singapore đều là thành viên – trong chiều hướng có khả năng giải quyết các vấn đề về chủ quyền còn tồn đọng.
Nếu Singapore là một “đối tác ủy thác”, thì đây là một đối tác vẫn mang theo tất cả các rắc rối của mình vào trong cuộc nghị chung.
Là quốc gia duy nhất với đa số dân là người Hoa ở Đông Nam Á, giới lãnh đạo Singapore, nổi tiếng với tư duy nhìn xa trông rộng, đã từ lâu đóng vai trò đặc biệt giúp nâng đỡ mọi mặt từ chính trị, văn hóa, và kinh tế của Trung Quốc hòa nhập vào trong khu vực.
Là quốc gia một thành phố rất kiêu hãnh với tính độc lập trong một vùng lân bang không ổn định với những quốc gia to lớn hơn nhiều, Singapore cũng phải tìm cách để giữ cân bằng các mối quan hệ trọng yếu, cũng như những lợi ích chiến lược của mình.
Trong lúc những quốc gia khác – Nhật Bản, Nam Hàn, Thailand, và Australia – có thể có liên kết quân sự với Hoa Kỳ, Singapore vẫn là đồng minh ổn định nhất và mạnh nhất của Washington trong vùng Đông Nam Á.
Và trong lúc nhiều quốc gia Đông Nam Á riêng rẽ thôi thúc Hoa Kỳ tái can thiệp vào khu vực dường như đã bị bỏ quên suốt 8 năm ròng hai nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, Singapore đã tỏ ra công khai hơn tất cả.
Ông Lý Quang Diệu, cố vấn nội các Singapore, nắm bắt được tâm tư của nhiều quốc gia trong vùng hồi tháng Mười năm ngoái khi ông nêu thắc mắc về sự minh bạch trong vấn đề phát triển quân đội của Trung Quốc và hối thúc Hoa Kỳ tham gia can thiệp.
Hoa Kỳ sẽ mạo hiểm đánh mất vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình nếu không “cân bằng được” sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Lý nói. “Tầm kích của Trung Quốc khiến không một quốc gia nào ở châu Á, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, dám so găng với nó về khả năng và sức mạnh trong vòng 20 hoặc 30 năm tới. Vì vậy chúng tôi cần có Hoa Kỳ để duy trì thế cân bằng.”
Thời điểm và địa điểm Lý Quang Diệu đọc diễn văn – ở Washington, và ngay trước chuyến công vụ đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Bắc Kinh – khiến cộng đồng cư dân mạng lục địa [Trung Quốc] nổi cơn thịnh nộ.
Vài tháng sau đó, ông Lý giải thích rõ thêm quan điểm của mình trước một nhóm cử tọa gồm các doanh nhân Singapore, theo tin của báo The Straits Times. Ông nói, dù Singapore cố gắng duy trì một thỏa thuận ngầm với Trung Quốc, theo chiều hướng có lợi cho nước này, nhưng Singapore không bao giờ được phép hạ mình trở thành một vệ tinh cho Bắc Kinh hoặc cho bất cứ cường quốc nào khác.
Singapore duy trì quan hệ quân sự kín đáo với Đài Loan. Đã 35 năm, nhiều binh sĩ của Singapore được huấn luyện tại những doanh trại bộ binh, pháo binh, và thiết giáp hạng nặng tại Đài Loan – một cơ hội ít quốc gia nào khác có thể cung cấp vào thời điểm 1975.
Một học giả về an ninh có văn phòng tại Singapore Tiến sĩ Tim Huxley ghi nhận rằng tính đến giữa thập niên 1990, đã có 150,000 binh sĩ của Singapore được huấn luyện trong những vùng rừng núi của Đài Loan thông qua một chương trình trao đổi hải ngoại qui mô nhất - khai thác không gian mà quốc gia một thành phố không có được.
Kho dự bị chiến lược những xe tăng tác chiến chủ lực Centurion cũng được bí mật cất giữ ở Đài Loan cho đến giữa những năm 1990.
Trong khi các nhà ngoại giao trong khu vực chú ý thấy Bắc Kinh không ngừng lườm nguýt mối liên kết quân sự này - điều hiếm khi thảo luận công khai ở Singapore hoặc Đài Bắc – Singapore đã thành công trụ vững vị thế của mình và duy trì mối quan hệ đó, mặc dù ở một cấp thấp hơn.
Singapore cũng mở rộng đáng kể quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh, kể cả việc đã phái đi 60 nhân viên chống khủng bố để cùng luyện tập với đối tác của họ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân hồi năm ngoái.
Do những vấn đề nhạy cảm với Malaysia đã lắng dịu lại, những xe tăng của nước này – gồm cả xe tăng Leopard 2A4s theo tiêu chuẩn NATO – được đem cất giữ ở Singapore và Australia, theo nguồn tin của những tùy viên quân sự.
Xem xét những khả năng co giãn và uyển chuyển mang tầm chiến lược của Singapore - phẩm chất mà một vài quốc gia trong khu vực cho là cứng đầu –người ta thắc mắc liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh bất ngờ tỏ lạnh nhạt với thỏa thuận sắp ký kết giữa Singapore và Đài Loan. Và, giả dụ, nếu Tổng thống Mã Anh Cửu bất ngờ mất hết hứng thú với Hoa Lục thì sự thể sẽ ra sao?
Huxley, giám đốc điều hành Học viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược châu Á tại Singapore, nói rằng nên tính đến lịch sử bảo vệ chủ quyền của Singapore, và Singapore nên tìm cách thúc đẩy thỏa thuận đó ngay cả khi Bắc Kinh nỗ lực phản đối.
“Thương mại là huyết mạch sinh tồn của Singapore và quan hệ với Đài Loan là rất quan trọng cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.
“Singapore hiển nhiên muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc trên nhiều cấp độ khác nhau, nhưng chắc chắn nó không muốn trở thành sự mở rộng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
“Thái độ khá bình thản một thời của Singapore đối với vai trò và sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực nay trở thành thận trọng đáng kể. Singapore trở nên cứng rắn đến mức độ gần như khiến ta phải ngạc nhiên. Tôi thấy được mối quan ngại thực thụ của Singapore đối với vai trò của Trung Quốc trong khu vực.
“Về mặt này, sẽ thú vị biết bao khi được mục thị điều như thế phô diễn ra. Và chắc chắn có cả vận hội lẫn hiểm họa cho tất cả các bên.”
Nguồn: “Singapore's high-wire walk”, South China Morning Post, Chủ nhật – 22.82010, đăng lại trên Viet-Studies
Bản tiếng Việt © Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © talawas
No comments:
Post a Comment