Pages

Monday, August 16, 2010

Trung Quốc táo bạo từ bỏ chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình

China missile DF-21
Wu Zhong
Trần Ngọc Cư dịch
Lời người dịch: Bài báo này điểm qua một thái độ xét lại đang manh nha giữa một số viên chức quân sự Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, khi họ phê phán lời tuyên bố “Biển Nam Trung Hoa là quyền lợi cốt lõi” do một số viên chức tại Bắc Kinh đưa ra là đe dọa “môi trường hoà bình” tại đây. Thái độ xét lại này sở dĩ có được là do sức ép của việc Hoa Kỳ tìm cách hồi sinh ảnh hưởng quân sự của mình trong vùng Tây Thái Bình Dương với sự đồng tình của một số quốc gia ở trong vùng, trong đó có Việt Nam,Hồng Kông – 
Những cuộc tập trận trên bộ và trên biển gần đây của Quân Giải phóng nhân dân (QGPND) Trung Quốc được thế giới coi như là một phản ứng giận dữ đối với cuộc diễn tập hải và không quân Hoa Kỳ-Hàn Quốc, được cho biết là sẽ diễn ra trong biển Hoàng Hải [Biển Tây, theo Hàn Quốc], và đối với điều mà Trung Quốc cho là âm mưu của Hoa Kỳ nhằm thách thức lời tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông, theo Việt Nam] là “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc”.
Động thái miếng-trả-miếng của Bắc Kinh cho thêm một bằng chứng là Trung Quốc có thể đang từ bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” [che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối] của Đặng Tiểu Bình trong các quan hệ quốc tế – nghĩa là ẩn mình khi tình thế chưa thuận lợi và kiên trì chờ thời cơ để ra tay trong thế mạnh – mặc dù Trung Quốc chính thức tuyên bố đây chỉ là những cuộc diễn tập quân sự bình thường, có định kỳ và không nên diễn dịch ra ngoài ý nghĩa này.
Theo Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc, QGPND đã tổ chức cuộc tập trận hậu cần trong biển Hoàng Hải vào cuối tuần tức ngày 17-18 tháng Bảy. Cụ thể là, Tổng cục Hậu cần và Phòng Quân vận ứng chiến đã tổ chức cuộc thao diễn “ở ngoài khơi Hoàng Hải”. Mang mã hiệu “Chiến trận 2010”, cuộc thao diễn có mục đích cải thiện khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công từ xa, mà trọng điểm là việc vận chuyển quân nhu cho các chiến trường hỗn hợp gồm nhiều binh chủng trong tương lai.
Cuộc diễn tập này được tổ chức một tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ cương quyết phản đối bất cứ tàu chiến hay máy bay nước ngoài nào đi vào biển Hoàng Hải cũng như các lãnh hải lân cận để tham gia các hoạt động có ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích của Trung Quốc, ngụ ý nói đến cuộc tập trận hải quân Hoa Kỳ-Hàn Quốc sắp diễn ra ở trong khu vực, như đã được thông báo.
Rồi vào ngày 26 tháng Bảy, Hải quân Trung Quốc thực hiện một cuộc thao diễn bằng đạn thật trên quy mô lớn tại Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông Việt Nam), theo Nhật báo QGPND. Các chiến hạm lớn, tàu ngầm và máy bay chiến đấu từ ba hạm đội của Hải quân Trung Quốc đều tham dự vào một cuộc diễn tập được coi là lớn nhất từ năm 1950 khi Hải quân Trung Quốc được chính thức thành lập. “Trong cuộc diễn tập này, tàu chiến và tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên biển bằng tên lửa điều khiển từ xa (guided missiles) trong khi các tàu chiến thực hiện các trận phòng không chống tên lửa”, theo nhật báo chính thức của QGPND.
Giám sát cuộc thao diễn, tham mưu trưởng QGPND, tướng Chen Bingde nói rằng Quân đội phải “chăm chú theo dõi các diễn biến của tình hình [quốc tế]” và “chuẩn bị vững vàng phòng khi phải đấu tranh quân sự”. Trong từ vựng Trung Quốc, “đấu tranh quân sự” có nghĩa là chiến tranh.
Theo Tân Hoa xã, ngày 3 tháng Tám, QGPND mở màn một cuộc thao diễn quân sự 5 ngày tại hai tỉnh, trong đó có 12 ngàn binh sĩ và 7 loại máy bay từ Quân khu Tế Nam tham dự. Những cuộc điều binh, thực hiện cùng lúc tại 7 thành phố của tỉnh Hà Nam trong lục địa và tỉnh Sơn Đông trên biển Hoàng Hải, sẽ biểu diễn các cuộc sơ tán khẩn trương, lên kế hoạch tác chiến, thám thính, các hoạt động báo động sớm, phòng vệ địa-không, và di tản các trạm chỉ huy, trong một “môi trường điện từ phức tạp” (complicated electromagnetic environment).
Những cuộc diễn tập này đang diễn ra chung quanh lần thứ 83 kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân, tức ngày 1 tháng Tám. Ở cuộc họp báo trước Ngày Quân lực, Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, nói rằng các bản tường trình thường xuyên về các cuộc thao diễn quân sự gần đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cải thiện tính trong sáng. Vì thế, giới truyền thông không nên diễn giải quá đáng những cuộc tập trận này và đưa ra những suy đoán chủ quan về bất cứ “tình hình căng thẳng nào”.
Tuy nhiên, Đại tá Cảnh cũng nói rõ rằng Trung Quốc chống lại mọi âm mưu “quốc tế hóa” vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai bình luận về một cuộc tranh cãi đang sôi nổi tiếp theo sau một tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khi bà cho rằng những vấn đề trong vùng này nằm trong “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ.
Đại tá Cảnh nói rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) và lãnh hải chung quanh. “Chúng tôi chống lại âm mưu quốc tế hóa biển Nam Trung Quốc”, ông Cảnh tuyên bố và nói thêm rằng Trung Quốc tôn trọng tự do đi lại của tàu bè và máy bay của các “quốc gia liên hệ” trong Biển Nam Trung Hoa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội ngày 20 tháng Bảy, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ “có quyền lợi quốc gia trong việc tự do thông thương, tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế tại Châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trong Biển Nam Trung Hoa”. Bà bày tỏ hậu thuẫn cho một “tiến trình ngoại giao có sự hợp tác đa phương” về các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa.
Lời bình luận của bà Clinton rõ ràng là một phản ứng trước nguồn tin Trung Quốc tuyên bố Biển Nam Trung Hoa là “quyền lợi cốt lõi” của mình. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản vào ngày 3 tháng Sáu đã trích dẫn một vài viên chức Trung Quốc giấu tên đã đưa ra xác quyết như trên với ông Jeffrey Bader thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và ông James Steinberg thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Kinh vào tháng Ba năm nay.
Như vậy, bề ngoài có vẻ như là, cuộc tranh chấp Biển Nam Trung Hoa được khởi động do Trung Quốc tuyên bố vùng này là “quyền lợi cốt lõi” của mình. Nhưng thực chất bên trong là, bà Clinton đã nắm lấy cơ hội này để triển khai một chính sách của Washington nhằm trở lại Châu Á tiếp theo sau việc bành trướng ảnh hưởng quá nhanh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bằng cách nêu rõ Biển Nam Trung Hoa là “quyền lợi cốt lõi” của mình, Trung Quốc đã tự đặt mình vào một vị trí rất bị động, bằng cách thu hẹp tính cơ động chính trị và ngoại giao của mình và tạo ra nguy cơ đối đầu quân sự với các nước láng giềng và Hoa Kỳ.
Đưa ra một tuyên bố quả quyết như vậy có nghĩa là Trung Quốc đang liều lĩnh từ bỏ những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại do cố lãnh tụ vĩ đại Đặng Tiểu Bình đề ra.
Năm 1978, họ Đặng đến thăm Nhật Bản để ký Thỏa ước Hoà bình và Hữu nghị Trung-Nhật. Khi được hỏi về tình trạng đảo Điếu Ngư (người Nhật gọi là Senkaku) mà hai bên đang tranh chấp, họ Đặng trả lời rằng cả hai nước nên gác qua một bên cuộc tranh chấp này: “Thế hệ chúng ta chưa đủ khôn ngoan để tìm một sự đồng thuận về vấn đề này. Các thế hệ tiếp theo chắc chắn sẽ khôn ngoan hơn chúng ta, lúc đó nhất định họ sẽ tìm ra một giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận”.
Tháng Sáu 1979, Bắc Kinh chính thức đưa đề nghị yêu cầu Tokyo cùng hợp tác khai thác các tài nguyên ở vùng tiếp giáp đảo Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tuyên bố lập trường là Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng theo quan niệm “gác tranh chấp qua một bên để theo đuổi việc hợp tác phát triển”.
Khi Trung Quốc mở quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á vào thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, họ Đặng một lần nữa đề nghị gác lại các cuộc tranh chấp về quần đảo Trường Sa sang một bên để theo đuổi việc hợp tác phát triển (joint development). Hai bên tranh chấp có thể tìm kiếm một giải pháp đồng thuận về sau.
Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 1990, họ Đặng đưa ra chính sách “thao quang dưỡng hối” gồm 24 chữ Trung Hoa có nghĩa là: “Bình tĩnh quan sát tình hình; giữ vững lập trường; bình tĩnh đối phó với mọi vấn đề; che giấu tiềm năng của mình để chờ thời cơ; duy trì một lối ứng xử khiêm nhượng; và đừng bao giờ cố gắng đi hàng đầu”. Về sau, một cụm từ 4 chữ nữa được thêm vào chính sách 24 chữ nói trên: “Cố gắng thực hiện cho kỳ được một số việc”.
Nhờ họ Đặng soi đường dẫn lối như vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng bị thế giới cô lập sau vụ đàn áp Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu 1989, bằng cách tiếp tục cải tổ kinh tế và mở cửa thị trường. Nhưng trong thập niên vừa qua, nhờ sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng, dù muốn dù không, Trung Quốc có khuynh hướng nắm vai trò chủ động hơn trong các vấn đề quốc tế. Vì vậy, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang dần dần từ bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình.
Nhưng liệu Trung Quốc đã có đủ điều kiện để giữ một vai trò lãnh đạo nổi bật trong các vấn đề quốc tế chưa? Có lẽ chưa. Trung Quốc cần tiếp tục phát triển thêm nữa, việc này đòi hỏi một môi trường hòa bình. Để duy trì hòa bình, Trung Quốc phải tạm gác một bên các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và duy trì một lối ứng xử khiêm nhượng trong nhiều vấn đề quốc tế.
Việc Trung Quốc tuyên bố rõ ràng Biển Nam Trung Hoa là một “quyền lợi cốt lõi” của mình có thể đã đe dọa nghiêm trọng môi trường hòa bình trong vùng này. Theo định nghĩa, “quyền lợi cốt lõi” là quyền lợi quốc gia cao nhất, một quyền lợi, nếu cần, phải được bảo vệ bằng xương máu của nhân dân. Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong biển Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông Việt Nam] bằng bạo lực hay chưa? Chưa đâu.
“Một số cửa khẩu của đảo Nam Sa [Trường Sa] và Tây Sa [Hoàng Sa] vẫn còn bị các quốc gia khác chiếm đóng” một sĩ quan QGPND đóng tại Quảng Châu, không chịu tiết lộ danh tính, đã nói như vậy. “Ngay bây giờ, hình như không có cách nào khác hơn để giành lại chúng ngoài việc phải sử dụng các lực lượng quân sự. Việc này nhất định sẽ dẫn đến chiến tranh lâu dài. Những đảo nhỏ này lại ở quá xa lục địa Trung Quốc và nhiều đảo không thể cư ngụ được, điều này có nghĩa là nếu có giành lại thì cũng khó mà bảo vệ được chúng”.
Ví như một cá nhân hoặc một số viên chức nào ở Bắc Kinh có thực sự tuyên bố Biển Nam Trung Hoa là một “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc, thì chắc họ chỉ muốn nhắn nhe rằng người Mỹ phải biết ứng xử trong các hoạt động quân sự ở trong vùng, viên sĩ quan nói trên phát biểu. “Nếu chúng tôi thường xuyên gửi các hạm đội đến chạy dọc theo miền duyên hải Hoa Kỳ thì chính quyền Washington sẽ nghĩ sao?”
Một điều kỳ lạ đáng ghi nhận là, một số nhà chiến lược quân sự Trung Quốc chống lại việc tùy tiện sử dụng ý niệm “lợi ích cốt lõi của quốc gia” trong các quan hệ quốc tế.
Chẳng hạn, trang Quan điểm của Tân Hoa xã tuần qua có đăng một bài bình luận nhan đề “Không được lạm dụng cụm từ ‘quyền lợi cốt lõi của quốc gia’” được viết bởi Đại tá Han Xudong, Phó giáo sư chiến lược quân sự tại Đại học Quốc phòng – thường được mệnh danh là “chiếc nôi của những tướng lãnh của QGPND”.
“Gần đây, cụm từ ‘quyền lợi cốt lõi của quốc gia’ đã trở nên rất ‘thời thượng’, được sử dụng thường xuyên, như thể mọi chuyện đang xảy ra đều có liên quan tới ‘quyền lợi cốt lõi của quốc gia’, cơ hồ như ai không dùng tới quan niệm này thì không đủ nhiệt tình yêu nước. Nhưng chúng ta phải biết rằng ý niệm ‘quyền lợi cốt lõi của quốc gia’ không được phép sử dụng một cách quá hời hợt”, bài bình luận đã mở đầu như thế, mặc dù không trực tiếp bàn về lời tuyên bố về Biển Nam Trung Hoa, được tường thuật [là của một số quan chức Bắc Kinh].
Thậm chí sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh quân đội của một nước vẫn đóng một vai trò then chốt trong việc bảo vệ và bành trướng lợi ích quốc gia. Mặc dù đã lớn mạnh rất nhanh, “nhưng cơ bắp quân sự của ta vẫn còn yếu kém so với Hoa Kỳ”, Đại tá Han viết.
Nếu Trung Quốc nhất định tuyên bố một quyền lợi cốt lõi mà nước khác cũng nói là thuộc về họ, thì cuộc xung đột sẽ khó giải quyết bằng đường lối ngoại giao và chiến tranh rất dễ xảy ra.
Ở giai đoạn này, Trung Quốc chưa có đủ khả năng để bảo vệ tất cả mọi quyền lợi cốt lõi của quốc gia. Vì thế, bây giờ chưa phải là lúc để khẳng định các quyền lợi cốt lõi của mình. Một khi đã phát triển hơn nữa sức mạnh quân sự, Trung Quốc mới có thể cân nhắc đến việc dần dần công bố các “quyền lợi cốt lõi” nào mà quốc gia đủ sức bảo vệ, đại tá Han viết trong bài bình luận.
Từ quan điểm này, chính sách “thao quang dưỡng hối” và đề xuất “tạm gác [các tranh chấp lãnh thổ] để cùng hợp tác phát triển với các nước láng giềng” của Đặng tiểu Bình vẫn chưa lỗi thời – chí ít cũng chưa hoàn toàn lỗi thời.
Dịch từ: “A daring departure from Deng”.
Nguồn: talawas 14-8-2010

No comments:

Post a Comment