Pages

Monday, August 2, 2010

Mỹ mạo hiểm xung đột quân sự với Trung Quốc trong vùng biển Hoàng Hải

Nguồn: Rick Rozoff, Eurasia Review       ViAn, X-Cafe chuyển ngữ
         http://www.x-cafevn.org/node/744

Bị trì hoãn mãi cho đến sau khi Hoa Kỳ đạt được một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 09 tháng Bảy lên án vụ đánh chìm một chiến hạm của Nam Hàn vào tháng Ba, kế hoạch diễn tập hải quân của Washington trong vùng biển Hoàng Hải gần lãnh thổ Trung Quốc đang được đẩy mạnh về phía trước.

Các cuộc tập trận chung với Nam Hàn, theo như nguồn tin tức từ quốc gia này gần đây đã tiết lộ, sẽ được tiến hành trên cả hai phía của bán đảo Triều Tiên, chứ không chỉ trong vùng biển Hoàng Hải như kế hoạch trước đây mà còn ở cả vùng biển Nhật Bản. (Được gọi tắt một cách tương ứng trên báo chí Nam Hàn là vùng biển Tây và Đông.) Việc xác nhận rằng chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân USS George Washington của Hoa Kỳ sẽ tham gia, đã làm trầm trọng hơn nữa mối lo ngại ở vùng Đông Bắc Á và nó đã nâng cao những cảnh báo thông qua những ý định của người Mỹ không chỉ chạm trán với Bắc Triều Tiên, mà cũng còn là với Trung Quốc.


Ngày giờ chính xác cho cuộc tập trận chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ được chính thức hóa không muộn hơn khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thủ đô Seoul của Nam Hàn ngày 21 tháng Bảy.


Mấy tuần lễ nay, các quan chức quân sự và bộ ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã lên án Hoa Kỳ cầm đầu các cuộc tập trận hải quân, quy kết những việc này như là một mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia Trung Quốc và cho hòa bình và ổn định trong khu vực.


Tờ Global Times rất có ảnh hưởng của Trung Quốc, hôm 12 tháng Bảy, đã viết rằng "Tình huống có thể xãy ra mà Bắc Kinh đã chuẩn bị sẳn sàng là nằm trong tầm tay. Cuộc tập trận hải quân bị trì hoãn của Mỹ và Nam Hàn trong biển Hoàng Hải hiện đang dự kiến vào giữa tháng Bảy. Theo các báo cáo truyền thông Hoa Kỳ, chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân đã rời căn cứ Nhật Bản và hướng về phía khu vực tập trận." [1]


Đóng đô thường trực tại Yokosuka, Nhật Bản, chiếc USS George Washington là một siêu hàng không mẫu hạm gần 100.000 tấn: "Chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân này, được đặt làm vào năm 1992, là con tàu hạng Nimitz thứ sáu, có thể mang theo một số 6.250 thủy thủ đoàn và khoảng 80 phi cơ, bao gồm các chiến đấu cơ phản lực FA-18 và phi cơ cảnh báo sớm trên không, chiếc E-2C Hawkeye." [2]


Chiếc F/A-18 Hornet là một chiếc chiến đấu cơ phản lực siêu âm, đa chức năng (F / A : Fighter / Attack) và một trong những vai trò chính của nó là phá hủy hệ thống phòng không của kẻ thù. Chiếc Hawkeye E-2C đã được mô tả như là "tai mắt" của các hải đội hàng không mẫu hạm tấn công của Mỹ, được trang bị radar thám sát tầm xa.


Ngoài chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân, "một khu trục hạm trang bị hệ thống AEGIS - hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo (ViAn chú thích), một tàu tấn công đổ bộ, khoảng bốn khu trục hạm 4.500 tấn hạng KDX-II, chiếc tiềm thủy đỉnh Son Won-Il 1.800 tấn và những chiến đấu cơ phản lực F-15K được dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận này." [3] Các tàu chiến Mỹ hạng AEGIS (khu trục hạm và tuần dương hạm) được trang bị với loại tên lửa Standard Missile-3 chống tên lửa đạn đạo, là một phần của liên minh Châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (cho đến nay, cùng với Mỹ, là Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Australia) và hệ thống tên lửa đánh chặn quốc tế sau cùng.


Chiếc F-15K ("Slam Eagle") là một chiến đấu cơ tiêm kích phản lực đa chức năng tối tân (sử dụng cho cả không chiến và tấn công mặt đất) do Mỹ cung cấp cho Nam Hàn.


Sự hiện diện của một chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ và lợi điểm ưu thế về chiến đấu cơ của Mỹ và Nam Hàn ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong vùng biển Hoàng Hải - và gần bờ biển của Nga tại vùng biển Nhật Bản nếu như Washington cũng triển khai ở đó - làm tăng lên một cách đáng lo ngại và hiểm nghèo mức độ "vực thẳm chiến tranh" ở vùng Đông Bắc Á.


Những hồi trống của cuộc đối đầu đã được gia tăng một cách đều đặn cả về âm lượng lẫn nhịp độ kể từ khi vụ đánh chìm một tàu hộ tống Nam Hàn, Cheonan, ngày 26 tháng Ba, với cái chết kết cuộc của 46 thành viên thủy thủ đoàn.


Một cuộc điều tra biến cố này đã được thiết lập bởi Mỹ và bao gồm các chuyên gia từ Mỹ, Nam Hàn, Anh, Úc và Thụy Điển, nhưng lại không có Trung Quốc và Nga, hai quốc gia có chung biên giới với bán đảo Triều Tiên. Vào ngày 20 Tháng Năm, nhóm điều tra gồm 5 quốc gia này đã công bố một báo cáo quy lỗi cho một ngư lôi của Bắc Hàn cho vụ đánh chìm chiếc hộ tống hạm Cheonan. Bắc Hàn đã bác bỏ những lời buộc tội và kể cả Nga lẫn Trung Quốc, bị loại trừ khỏi cuộc điều tra, cũng không đồng tình với lời buộc tội của Mỹ.


Những khiêu khích của người Mỹ đã leo thang một cách đáng kể tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto, ngày 27 tháng Sáu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama (trong lời nói của ông) đã nói "toạt móng heo" trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cáo buộc ông Hồ và đất nước của ông ta về việc cố ý "giả mù sa mưa" trong mối liên hệ đến hành vi hiếu chiến của Bắc Hàn". " Quở trách người đồng nhiệm Trung Quốc, ông Obama nói, "Tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt giữa sự kiềm chế và sự cố ý giả mù đối với những vấn đề nhất quán." (Cũng cùng dịp đó, ông Obama đã ca ngợi Tổng thống Nam Hàn Lý Minh Bác cho "sự kiềm chế phi thường" của ông.)


"Hy vọng của tôi là chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng sẽ nhận ra rằng đây là một ví dụ của Bình Nhưỡng đang đi vượt quá lằn ranh."


Chủ tịch Hồ và chính phủ Trung Quốc nói chung, có lẽ hoàn toàn có lý trong việc nghi ngờ rằng các mối đe dọa đang tăng lên của Mỹ là không chỉ nhắm vào (và có lẽ không nhiều lắm) đối với Bắc Hàn mà còn là chống lại chính Trung Quốc.


Bắc Kinh không phải là đơn độc trong những ngờ vực đầy thú vị mà Washington bị cho là đang sử dụng vụ bắn chìm tàu Cheonan như là cái cớ để đạt được mục tiêu rộng lớn hơn về địa chính trị - geopolitics. Ngày 14 tháng Bảy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong bài phát biểu về sự cố Cheonan và hậu quả của nó, đã biện hộ: "Tôi tin rằng điều (quan tâm) quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay là giảm bớt căng thẳng tình hình này, tránh kích động, tránh leo thang về cảm xúc và bắt đầu chuẩn bị điều kiện để nối lại vòng đàm phán sáu bên [Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản] . " [4]


Miêu tả tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này vào tuần qua (tuyên bố đó đã không phải là bản lên án gay gắt đối với Bắc Hàn như là Washington đã thúc ép) như là một đối trọng cân bằng, ông cũng nói tiếp, "Điều quan trọng là không có ai cố gắng bóp méo những sự đánh giá đã định."


Ngoài ra, đề cập đến việc tái khẳng định mới nhất của Bắc Hàn về sự sẵn lòng, tự nguyện của nó để phối hợp điều tra vụ chìm tàu Cheonan với Nam Hàn, ông Lavrov nói: "Tuyên bố này không phải là mới. Ngay từ khi bắt đầu, CHDCND Triều Tiên đã khẳng định họ muốn tham gia điều tra.


"Tôi nghe thấy, các bên đã đồng ý về một số định dạng tương tác." [5]


Vào khi ngày 27 tháng Sáu Tổng thống Obama tuyên bố "tiêu điểm chính của chúng tôi bây giờ là nằm trong việc Hội đồng Bảo an đảm bảo rằng có một sự thừa nhận tuyệt đối rõ ràng là việc Bắc Hàn đã tham gia vào các hành vi hiếu chiến, là không thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế" [6], thì sự thể hiện (ám chỉ) của ông ở vế sau (cộng đồng quốc tế) đã hoàn toàn loại trừ không chỉ Bắc Hàn, mà còn cả Trung Quốc và Nga nữa.


Mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp về mối đe dọa gia tăng của Mỹ được minh họa trong một mục báo gần đây của Trầm Đinh Lập, viện trưởng điều hành thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải. ý kiến của ông kết thúc với một sự so sánh đáng sợ và một cảnh báo thảm khốc:


"Mỹ và Nam Hàn đang thực hiện các bài tập trận quân sự chung trong tháng này trong vùng biển Hoàng Hải, với khả năng triển khai hàng không mẫu hạm USS George Washington của Mỹ.


"Việc tiến hành cuộc tập trận như vây quá gần vùng biển của Trung Quốc đã để lại cho Trung Quốc sự bất bình mạnh mẽ và chính đáng.


"Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể lập luận rằng việc tập trận không phải là trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, do đó, Trung Quốc không có quyền nhận xét.


"Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc tập trận chung không ở trong vùng biển có chủ quyền thuộc Trung Quốc, chúng có thể diễn ra trong vùng nước lợi ích của Trung Quốc như là vùng biển quốc tế [trong ] biển Hoàng Hải - gần đặc khu kinh tế độc quyền của Trung Quốc - là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích của Trung Quốc.


"Do những thiết bị tinh vi mà nó mang theo, chiếc USS George Washington đặt ra một mối đe doạ tiềm ẩn thật sự đối với lãnh thổ Trung Quốc.


"Ngay cả khi những cuộc tập trận quân sự Mỹ-Nam Hàn ở ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, sức mạnh vượt trội của chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ cũng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những nước láng giềng.


"Mỹ và Nam Hàn đã cho biết các cuộc diễn tập quân sự đang được tổ chức nhằm ngăn chặn Bắc Hàn vì vụ đánh chìm chiếc hộ tống hạm Cheonan và cái chết của 46 thủy thủ của Nam Hàn.


"Thế nhưng chứng cứ của khả năng Bắc Hàn đánh chìm con tầu Cheonan vẫn chưa được thiết lập một cách triệt để.


"Nam Hàn đã từ chối không để cho các quan chức Bắc Hàn trình bày chứng cứ của họ chống lại các bằng chứng cho việc được cho là có âm mưu đồng lõa của họ trong vụ đánh chìm đó.


"Khi Nam Hàn phát động cái gọi là cuộc điều tra quốc tế, nó từ chối sự tham gia của Trung Quốc và các nước khác, những nước đã không tăng độ tin cậy của cái gọi là những phát hiện này.


"Những cuộc tập trận này là khiêu khích vô ích, và cuối cùng sẽ dội hậu quả ngược cho Hoa Kỳ và Nam Hàn.


"Trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Liên bang Xô viết thành lập các căn cứ tên lửa hạt nhân trên đảo quốc này, Mỹ đã phản đối trạng thái cận sát của vũ khí Liên Xô, thậm chí ngay cả khi họ chỉ di chuyển thông qua vùng biển quốc tế để tiếp cận với Cuba, và Hoa Kỳ đã thiết lập một cuộc phong tỏa để ngăn chặn không cho chúng được triển khai.


"Khi Mỹ cân nhắc ý tưởng về việc triển khai hàng không mẫu hạm hạt nhân của họ trong vùng biển Hoàng Hải, rất gần với Trung Quốc, chẳng lẽ Trung Quốc không nên có cảm giác giống y như Mỹ đã làm khi Liên bang Xô viết triển khai tên lửa ở Cuba?


"Trung Quốc có thể không có sức mạnh quân sự để buộc ngăn chặn các cuộc tập trận như bây giờ, nhưng nó có thể làm như vậy để phản ứng lại hành động khiêu khích như thế trong tương lai." [7]


Người đứng đầu nhà nước duy nhất còn sống trong số các quốc gia tham gia vào vụ khủng hoảng tên lửa Cuba, cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro, gần đây đã ban hành một số cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Bắc Hàn (và Iran) có thể sẽ dẫn đến cuộc xung đột lớn trong khu vực và thậm chí chiến tranh hạt nhân.


Một bình luận của Trung Quốc vào tuần qua đã cung cấp thêm chi tiết về mối đe dọa hạt nhân của Mỹ rằng một chiếc hàng không mẫu hạm rời bờ của nó sẽ đặt ra cho quốc gia này và cũng chứa đựng một cảnh báo thẳng thừng, bình luận đó nêu rõ "những lo âu về phía Trung Quốc sẽ rất lớn nếu một hàng không mẫu hạm của Mỹ đi vào vùng biển nối liền bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc - nó sẽ có nghĩa rằng những thành phố lớn như Đại Liên, Thanh Đảo, Thiên Tân và thậm chí cả Bắc Kinh là đang nằm lọt vào trong phạm vi tấn công của Hoa Kỳ.


"Ở giai đoạn kịch tính này, Trung Quốc có lẽ không phản ứng thông qua một sự phô diễn lực lượng đối với hạm đội Mỹ đang tiến vào vùng biển quốc tế của biển Hoàng Hải. Nhưng nó không có nghĩa rằng người Trung Quốc sẽ dung thứ cho điều đó. Bất cứ điều gây tổn hại nào mà cuộc diễn tập của quân đội Mỹ có thể gây ra trong tâm trí của người Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt cho chuyện đó, sớm hay muộn mà thôi. " [8]


Việc triển khai gần đây của Washington về hai chiếc tiềm thủy đỉnh hạt nhân trang bị tên lửa điều khiển đến những quốc gia lân bang của Trung Quốc -chiếc USS Michigan vào Nam Hàn và chiếc USS Ohio đến Phi Luật Tân [9] - chỉ làm tăng thêm mối lo ngại của Trung Quốc.


Những chiếc này thực hiện cuộc tập trận Angkor Sentinel đang diễn ra do Mỹ dẫn đầu ở Campuchia với hơn 1.000 binh lính từ 26 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và NATO như Anh, Pháp, Đức và Italy (cùng với Hoa Kỳ, NATO Quint) và các đối tác châu Á của NATO như Úc, Ấn Độ , Nam Dương, Nhật Bản và Mông Cổ. Quốc gia cuối cùng, nằm giữa Trung Quốc và Nga, đang được tích hợp vào mạng quân sự trên toàn cầu của Mỹ, thậm chí còn cung cấp quân đội để phục vụ dưới trướng NATO tại Afghanistan. [10]


"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của quân đội Campuchia mà chúng ta là nước chủ nhà đang đứng ra tổ chức [cuộc tập trận] với sự tham gia của nhiều quốc gia ... trong đó bao gồm như một căn cứ quân sự đa quốc gia," một viên tướng Campuchia nói về cuộc huấn luyện. [11]


"Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ Carol Rodley nói rằng Washington vẫn cam kết tăng cường mối quan hệ quân sự với Campuchia. Bà nói thêm rằng Angkor Sentinel cung cấp một 'cơ hội độc đáo để tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước. " [12]


Campuchia chỉ một lần bị tách rời khỏi Trung Quốc, hai quốc gia này được kết nối bởi cả Lào và Việt Nam.


Một thông báo từ hãng tin AFP (Agence France-Presse) thuật lại "Hoa Kỳ và Lào đã cam kết đẩy mạnh hợp tác sau khi cuộc đàm phán cấp cao nhất của họ kể từ khi chiến tranh Việt Nam, là quốc gia mới nhất trong một nỗ lực phục hồi của Mỹ để giành lấy Đông Nam Á," sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gặp gở với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith ở Washington, DC, ngày 13 tháng Bảy.


Ông Sisoulith, cũng là Phó thủ tướng của đất nước ông, là viên chức quan trọng đầu tiên của Lào đến thăm Mỹ kể từ trước năm 1975.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philip Crowley nói với các phóng viên "Hoa Kỳ cam kết xây dựng mối quan hệ của chúng tôi với Lào như là một phần của những nỗ lực rộng lớn hơn của chúng tôi để mở rộng các cam kết với Đông Nam Á", và hãng tin AFP thêm rằng "chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đặt trọng tâm mới về Đông Nam Á, nói rằng vùng này đã bị xem nhẹ trong khi chính quyền cũ của George W. Bush của đã trở nên bận rộn với cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. " [13]


Tuần tới bà Clinton sẽ viếng thăm Afghanistan, Pakistan, Việt Nam và Nam Hàn. Ba quốc gia đầu tiên tiếp giáp biên giới với Trung Quốc và Nam Hàn nằm đối diện với nó trên vùng biển Hoàng Hải. Lầu Năm Góc và NATO đã đặt tư thế vững chắc của mình ở Afghanistan, Pakistan và các quốc gia Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, tất cả năm quốc gia đó tiếp giáp biên giới phía Tây Trung Quốc. [14]


Bà Clinton sẽ viếng thăm Việt Nam để tham dự cuộc họp của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Sáng kiến Mekong Hạ (bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).


Viên chức tại Việt Nam thuộc Bô Ngoại Giao, Joe Yun, nói rằng nó sẽ là một phần của "chuyến đi thứ tư của Ngoại trưởng Clinton đến Đông Á trong năm qua.


"Kết ước của bà trong khu vực này chứng tỏ tầm quan trọng sống còn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là Đông Nam Á, cho tương lai của Hoa Kỳ."


Thành viên Đông Nam Á, quốc gia Malaysia vừa công bố việc triển khai quân sự đầu tiên của mình để hỗ trợ cuộc chiến của NATO ở Afghanistan, "như là thắt chặt sâu sắc thêm quan hệ với Hoa Kỳ."


"Trong một cuộc họp vào tháng Tư giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nhà lãnh đạo đồng ý hợp tác về các vấn đề an ninh then chốt để tạo ra một mối quan hệ mạnh mẽ hơn." [15]


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây đã đi kinh lý đến Căn cứ không quân Mỹ Mountain Home ở bang Idaho, nơi mà 400 phi công của đất nước ông và các thành viên phục vụ khác và gia đình họ đang đóng quân tại đó. "Các quân nhân Singapore này sẽ ở tại căn cứ Mỹ trong vòng 20 năm tới hoặc hơn thế." [16] Quân đội Singapore đã được bàn giao cho NATO ở Afghanistan và cũng đang đối mặt với một kỳ trú đóng dài hạn ở đó.


Malaysia và Singapore hiện đang tham gia lần đầu tiên trong cuộc tập trận khổng lồ do Mỹ dẫn đầu Rim of Pacific (RIMPAC) tại Thái Bình Dương sẽ tiếp diễn vào tháng Tám.


Để chỉ ra mục đích gì mà Hoa Kỳ đang "mở rộng sự liên kết" với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, ông Yun nói trên đã tiết lộ rằng "chúng tôi cũng tìm đến Việt Nam như là Chủ tịch của khối ASEAN để thử thách vai trò lãnh đạo, kể cả ở những lĩnh vực nhạy cảm như cuộc tấn công của Bắc Hàn vào tàu hải quân Nam Hàn, Cheonan. Chúng tôi muốn thấy Việt Nam thể hiện ảnh hưởng của nó để gây sức ép cho một cuộc đối thoại thành thật để nhân dân Miến Điện có thể làm việc với chính phủ hiện hữu nhằm tiến về phía trước, và để thúc ép Miến Điện về sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Miến Điện cần phải minh bạch với cộng đồng quốc tế trong các giao dịch với Bắc Hàn. " [17]


Bắc Hàn và Miến Điện (Myanmar), cũng giống như Việt Nam, là những nước láng giềng phía Nam của Trung Quốc cùng với vương quốc riêng biệt Bhutan là những quốc gia duy nhất ở gần Trung Quốc mà Hoa Kỳ hiện đang không vun trồng những mối ràng buộc quân sự gần gủi hơn.


Cũng ở về phía Nam của Trung Quốc, hàng xóm Ấn Độ khổng lồ của nó đã được kéo sâu hơn vào quỹ đạo của Lầu Năm Góc kể từ khi hiệp định Khuôn khổ Mới cho Quan hệ Quốc phòng Mỹ-Ấn (the New Framework For The U.S.-India Defense Relationship) đã được ký kết vào tháng Sáu năm 2005, bao gồm cả việc lưu trú của các chiến hạm, chiến đấu cơ và quân đội Mỹ cho các cuộc tập trận hàng năm Malabar trong vùng duyên hải của nó . Tháng Mười Hai vừa qua, Tư Lệnh Trưởng hạm đội US Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard nói rằng Lầu Năm Góc và Ấn Độ "đang trong cuộc đàm phán để chuyển đổi hàng loạt các cuộc tập trận hải quân Malabar song phương của họ thành một cuộc tập trận chung bao gồm cả hải quân, lực lượng không quân và biệt kích hải của họ." [18) Cuộc tập trận Malabar của năm 2010 này bao gồm một chiếc tuần dương hạm trang bị tên lửa điều khiển, một chiếc khu trục hạm loại nhỏ và hai chiếc khu trục hạm cũng như một chiếc tiềm thủy đỉnh loại tốc kích.


Tháng Mười vừa rồi, hơn 1.000 quân Mỹ và Ấn Độ tham gia vào cuộc tập trận Yudh Abhyas 2009 ở Ấn Độ, đó là lần đầu tiên Lầu Năm Góc triển khai một lữ đoàn chiến đấu thiết giáp Stryker bên ngoài chiến trường Iraq và Afghanistan. "Kích cỡ và phạm vi của cuộc tập trận hổn hợp này là tuyệt vời, vô song" [19], một sỹ quan chỉ huy người Mỹ cho các cuộc tập trận hiện tại này cho biết.


Tổng thống Obama dự kiến sẽ viếng thăm Ấn Độ trong tháng Mười Một và chuyến đi của ông sẽ "đạt kết quả trị giá khoảng 5 tỷ đô la các hợp đồng bán vũ khí Mỹ cho Ấn Độ ....Các nhà quan sát chỉ ra rằng vai trò của nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ đang chuyển từ Nga sang Hoa Kỳ. " [20]


Các giao dịch vũ khí được báo cáo bao gồm các tên lửa đánh chặn Patriot, việc bổ sung như vậy có thể so sánh thoả thuận lá chắn tên lửa mà Mỹ có với Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và Úc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Thỏa thuận dự kiến cũng bao gồm việc Washington cung cấp cho Delhi 10 chiếc vận tải cơ quân sự Boeing C-17: "Một khi Ấn Độ nhận được những chiếc vận tải cơ C-17, khả năng di động của lực lượng đồn trú dọc theo biên giới với Trung Quốc sẽ được cải thiện .... Các giao dịch bán vũ khí này sẽ cải thiện quan hệ giữa Washington và New Delhi, và, dù cố ý hay không, sẽ có tác dụng kiềm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. " [21]


Mới đây Mỹ cũng đã dẫn đầu các cuộc tập trận quân sự chung ở Bangladesh và Đông Timor, và những cuộc tập trận quân sự được Mỹ tổ chức hàng năm mang tên Thành Cát Tư Hãn Quest ở Mông Cổ là sẽ bắt đầu vào tháng tới.


Một bài báo gần đây trong tờ China Times bởi một nhà nghiên cứu ẩn danh với học viện quân sự hải quân Trung Quốc đã quan sát thấy rằng "Hoa Kỳ đã dường như trở nên ít hạn chế trong động thái của mình để thúc đẩy một phiên bản châu Á của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương với các đồng minh trong khu vực.


"Trong khi làm như vậy, Washington đã nuôi dưỡng ý định có tính chiến lược rõ ràng cho việc kiềm hãm Trung Quốc - quốc gia mà ảnh hưởng của nó mang tính kinh tế và tính chiến lược đã tiếp tục tăng trong trường quốc tế...." [22]


Để chống lại bối cảnh đó, trong phạm vi của mình, Washington đang đặt những mối tiếp xúc kết thúc sau cùng để củng cố, thống nhất một khối Á châu tương tự như của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đó chính là vấn đề mà Trung Quốc đang bị thách thức trong vùng biển Hoàng Hải.


Nguồn trích dẫn mới nhất đã trình bày một cách chi tiết sự lấn chiếm của Lầu Năm Góc tới sát biên giới Trung Quốc:


"Bán kính hoạt động của quân đội Mỹ đã mở rộng đến hơn 1.000 cây số, điều đó có nghĩa là một nhiệm vụ quân sự của Mỹ trong vùng nước ngoài khơi ROK [Nam Hàn] vẫn có thể tạo thành một sự răn đe rất lớn cho Trung Quốc và các nước khác dọc theo bờ biển gần đó, kể cả việc tấn công mục tiêu chiến lược sâu bên trong lãnh thổ của họ.


"Với lực lượng vũ trang vô địch vô song, Hoa Kỳ đã chưa bao giờ nhượng bộ trong nỗ lực tiến tới điều chỉnh chiến lược đã được hoạch định lâu dài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Hoa Kỳ đã dần dần gia tăng sự hiện diện và hoạt động của các chiến hạm và chiến đấu cơ trong khu vực cận hải xung quanh Trung Quốc . " [23]


Về cuộc tập trận hải quân với Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Hàn, ông Won Tae-jae gần đây đã khẳng định rằng "Chúng tôi có thể nói rằng nó sẽ diễn ra vào một ngày nào đó trong tháng này. Trong tháng này, có một loạt các lịch trình liên quan đến an ninh song phương và các vấn đề ngoại giao, và quyết định về cuộc tập trận sẽ được thực hiện trong việc xem xét đến những lịch trình đó. " 24


Trung Quốc, đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở vùng biển phía Đông Trung Quốc từ ngày 30 tháng Sáu đến ngày 5 tháng Bảy "trong một show lộ rõ ý đồ phô diễn lực lượng ... đón đầu trước cuộc tập trận của Mỹ - Nam Hàn ... nó có vẻ tức tối, mất bình tỉnh khi mà chiếc hàng không mẫu hạm 97.000 tấn - USS George Washington - có tầm hoạt động lên đến 1.000 cây số và có thể thu thập thông tin tình báo trên các cơ sở, phương tiện quân sự và các phần bộ dọc theo vùng duyên hải phía đông của Trung Quốc một khi nó được triển khai tại vùng biển Hoàng Hải - (biển Tây theo cách gọi của Nam Hàn)." [25]


Tờ báo Stars and Stripes của lực lượng vũ trang Mỹ công bố vào ngày 14 Tháng Bảy rằng "Trong những gì mà Lầu Năm Góc nói là một phản ứng đáp trã trực tiếp tới Bắc Hàn đối với vụ bắn chìm tàu hải quân Cheonan của Nam Hàn, Mỹ và Nam Hàn có thể sẽ đồng ý với một loạt các cuộc tập trận không quân và hải quân mới vào tuần tới, khi mà Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton thực hiện một chuyến thăm chung đến Seoul." [26]


Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Geoff Morrell đã trích dẫn khẳng định rằng "Thông báo này là kết quả của hướng dẫn trực tiếp từ Tổng thống Barack Obama để tìm kiếm những phương thức mới để hợp tác với ...đối tác Hàn Quốc theo sau cuộc tấn công đó ....Ông sẽ không cung cấp các chi tiết cụ thể khác hơn là những gì chúng sẽ diễn ra ở vùng biển Nhật Bản và Hoàng Hải. "


Nói theo cách riêng của mình, Morrell cho biết: "Chúng tôi chưa sẵn sàng để công bố các chi tiết chính xác của những cuộc tập trận nhưng chúng sẽ liên quan đến một phạm vi rộng lớn về ưu thế khí tài quân sự và dự kiến sẽ được khởi sự trong một tương lai gần." [27]


Ông Gates và bà Clinton sẽ gặp gở cho cuộc đàm phán song phương đầu tiên với các đối tác Nam Hàn của họ, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young và Ngoại trưởng Yu Myung-hwan vào ngày 21 tháng Bảy, và theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, họ "sẽ thảo luận và có khả năng phê duyệt một loạt các cuộc tập trận hổn hợp đã được đề xuất của Mỹ và Nam Hàn ." [28]


Đối với mối lo ngại được đánh tiếng bởi Trung Quốc về việc Hoa Kỳ đang thúc tiến quân đội của mình tới gần bờ biển của nó, Morrell đã tuyên bố rằng "Những quyết định này được thực hiện bởi chúng tôi, và chỉ riêng chúng tôi mà thôi ....Nơi nào chúng tôi tập trận, khi nào chúng tôi tập trận, với ai và như thế nào, sử dụng những khí tài, quân cụ gì vv và vv, là những quyết định được thực hiện bởi Hải quân Hoa Kỳ, do Bộ Quốc phòng, bởi chính phủ Hoa Kỳ." [29]


Không thể có cái kiểu ngôn ngữ đối đầu, kiêu ngạo và thô tục như thế mà không được hiểu một cách chính xác theo giá trị của nó đối với Bắc Kinh. Cũng không chỉ là viễn tượng tương lai, theo như trích dẫn của Lee Seok-Su, phân tích gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, về "sự tham gia của một hàng không mẫu hạm Mỹ ở vùng biển Hoàng Hải là dính dáng đến một liên kết có thể có, tới kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ Đài Loan" [30] mà nó có vẻ không được chú ý cho lắm.


Những gì là phản ứng đáp trả đối với chính sách phiêu lưu, mạo hiểm và xấc xược ngày càng tăng nhiều hơn của Mỹ có thể được biểu lộ trong một bài xã luận của Trung Quốc gần đây, được nêu ra trong đoạn:


"Trong phản ứng đáp trả gần đây của họ, một số quan chức cao cấp hải quân Trung Quốc đã làm cho nó rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không ở trong tư thế đứng yên khoanh tay nhìn khi những cuộc tập trận đó được tiến hành. Cho rằng điều đó sẽ làm cho Hoa Kỳ tin rằng phạm vi quốc phòng của Trung Quốc trên biển là nhỏ, và, do đó, hạm đội Mỹ sẽ có thể tự do hành trình trên vùng biển Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông trong tương lai.


"Các chuyên gia quân sự đã cảnh báo rằng nếu cuộc tập trận chung này thực sự diễn ra ngoài khơi vùng bờ biển phía tây của Nam Hàn, chiến đấu cơ và chiến hạm của Trung Quốc rất có thể sẽ đi hoàn toàn ra ngoài để theo dõi sát những cuộc diễn tập chiến tranh đó. Trong cái trạng thái sát gần như thế đối với vùng biển quốc tế không được đánh dấu-một cách thật rõ ràng, bất kỳ động thái nào được xem là thù địch đối với phía bên kia thì dù muốn hay không cũng đều có thể châm ngòi cho một phản ứng khinh suất, dại dột, có thể leo thang thành những điều không thể ngờ hoặc không lường trước.


"Một di chuyển nhầm lẫn, một dịch giải sai lạc, tất cả nó sẽ đưa cuộc tập trận được hoạch định hoàn hảo đi đến chổ thất bại không mong đợi ....Tác động của một cuộc khủng hoảng trên quy mô có thể rất to lớn, nó làm cho bất kỳ cuộc tranh chấp về thương mại hoặc về giá trị của đồng nhân dân tệ giữa hai quốc gia trong những năm gần đây trở nên nhạt nhẻo trong so sánh tương ứng....Căng thẳng hơn là việc gắn kết với cuộc tập trận chung Mỹ - Nam Hàn. Bắc Kinh và Washington vẫn còn có thời gian, và mất nhiều thời gian, để chấm dứt khỏi những động thái dẫn tới một cuộc xung đột có thể có trên vùng biển Hoàng Hải. " [31]


Một cảnh báo tương tự đã được báo hiệu trong một tờ nhật báo lớn của Trung Quốc:


"Nếu Mỹ và Nam Hàn tiếp tục hành động cố ý bằng cách tổ chức cuộc tập trận quân sự gây tranh cãi này, nó sẽ đặt ra một thách thức đối với an ninh của Trung Quốc và chắc chắn sẽ kích động một phản ứng rất lớn từ người dân Trung Quốc.


"Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc của một thế kỷ trước đây, thời mà nó không có sự lựa chọn nào khác ngoài sự gập mình chịu đựng sự xâm lăng của đế quốc. Sau nhiều thập kỷ phát triển, đặc biệt là kể từ khi chấp nhận và thực hiện với chính sách cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới và thủ đắc một khả năng quân sự hiện đại cho bất kỳ nhiệm vụ tự vệ nào. " [32]


Khi ông Robert Gates và bà Hillary Clinton đến Seoul ngày 21 tháng Bảy, ngày sẽ được chính thức kỷ niệm 60 năm cuộc Chiến tranh Triều Tiên, mà chỉ trong vòng ba tháng đã lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến.


Khi hai bộ trưởng Mỹ gặp gở với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nam Hàn, và vào khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philip Crowley gần đây tuyên bố, "có thể chấp thuận một loạt các cuộc tập trận quân sự hổn hợp được đề xuất của Mỹ và Nam Hàn, bao gồm các cuộc tập trận không quân, hải quân mới, trong cả hai vùng biển Nhật Bản và Hoàng Hải"[33], thì thế giới nên chuẩn bị cho mối đe dọa của một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai, một cuộc xung đột vũ trang Hoa Kỳ - Trung Quốc lần thứ hai .

Chú Thích

1) Global Times, July 12, 2010
2) Korea Herald, July 13, 2010
3) Ibid
4) Russian Information Agency Novosti, July 14, 2010
5) Itar-Tass, July 14, 2010
6) White House, June 27, 2010
http://www.whitehouse.gov/the-press-...toronto-canada
7) Global Times, July 14, 2010
8) Global Times, July 6, 2010
9) Pentagon Provokes New Crisis With China
Stop NATO, July 10, 2010
http://rickrozoff.wordpress.com/2010/07/10/2061
10) Mongolia: Pentagon Trojan Horse Wedged Between China And Russia
Stop NATO, March 31, 2010
http://rickrozoff.wordpress.com/2010...ina-and-russia
11) Xinhua News Agency, July 12, 2010
12) Phnom Penh Post, July 13, 2010
13) Agence France-Presse, July 14, 2010
14) Afghan War: Petraeus Expands U.S. Military Presence Throughout Eurasia
Stop NATO, July 4, 2010
http://rickrozoff.wordpress.com/2010...ughout-eurasia
15) Radio Netherlands, July 15, 2010
16) Channel News Asia, July 12, 2010
17) VietNamNet, July 15, 2010
18) Press Trust of India, December 4, 2009
19) Embassy of the United States in India, October 19, 2009
20) Voice of Russia, July 11, 2010
21) Economic Times via Global Times, July 13, 2010
22) China Daily, July 12, 2010
23) Ibid
24) Korea Herald, July 13, 2010
25) Ibid
26) Stars and Stripes, July 14, 2010
27) Ibid
28) Agence France-Presse, July 14, 2010
29) Ibid
30) JoongAng Daily, July 12, 2010
31) Global Times, July 12, 2010
32) China Daily, July 12, 2010
33) Yonhap News Agency, July 15, 2010

No comments:

Post a Comment