Pages

Friday, August 13, 2010

Đại Vệ Chí Dị

nguoi_buon_gio

Tiết tháng bảy mưa rằm sùi sụt
Toát heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng..
.

Nước Vệ Tháng 7 năm Canh Dần, triều nhà Sản thứ 65
Lúc ấy hạn hán, trời xanh cao vời vợi không chút gợn mây, nắng thiêu xuống đất như đổ lửa. Sức nóng làm chín cả trứng ngỗng để ngoài sân.
Bỗng nhiên có tin đồn máu người tăng giá, khiến người trong thiên hạ xô nhau đi tìm mua máu về đầu cơ kiếm chác. Cảnh hỗn loạn mua tranh bán cướp chưa từng có từ khi triều Sản lấy được thiên hạ đến nay. Những nhà nghèo ở quê nhân cơ hội máu được giá bèn gọi con cái trong nhà rồng rắn, lũ lượt lên  thành để bán lấy tiền đong gạo.
Triều đình lại bày ra lệ để các học trò thi nhau hiến máu. Nói là để triều đình cứu những người bị bệnh hiểm nghèo. Các học trò nghe theo hiến nhiều lắm, nhất là lại được khen ngợi , ca tụng nữa lại càng hứng đi hiến máu cho triều đình.
 Tất cả các nguồn máu dù mua hay trưng thu đều được chở gấp về triều đình cho các quan. Nhất là ở thành Nam nước Vệ nghe đồn quan đầu tỉnh mỗi ngày bỏ vạn lạng ra mua máu đem tích trữ dưới hầm lạnh. Rồi từ quan đầu tỉnh thành nam, các quan đại thần cũng tung tiền bạc sai người đi săn lung máu trong thiên hạ. Cảnh tượng hãi hùng, đâu đâu cũng có người cầm ống chọc hút máu người khác. Máu đỏ loà khắp chốn, lúc mua bán rơi rớt ra xuống đất mùi tanh nồng nặc.
Chẳng hiểu chuyện máu vì sao mà lắm đại thần nước Vệ mua như vậy.
Nguồn cơn là thế này.
Tiến sĩ ở phía Nam thành nước Vệ  họ Cù, người Can Lộc, Hà Tĩnh vốn con nhà dòng dõi nho gia, tướng mạo oai vệ , dáng đi như rồng, ngồi như hổ, giọng sang sảng hào hùng. Thân phụ trước từng nỗi tiếng sĩ phu trong thiên hạ thời tiên đế nước Vệ. Cù tiến sĩ cùng vợ làm nghề thầy cãi. Mấy năm gần đây vợ chồng nhà họ vang danh trong thiên hạ vị chuyên đi kiện tể tướng, vương chí ít cũng là đại thần nước Vệ. Bọn lý trưởng,cường hào thì họ Cù khỏi tốn giấy làm đơn, chỉ quát một tiếng là bọn các bá này rúm ró sợ hãi.
Cù tiến sĩ chuyên bênh vực người bị áp bức, ghét bọn tham tàn, bạo ngược, nhũng nhiễu lương dân. Cái khí can đảm của họ Cù lan toả khắp đất nước, thấm tới tận hang cùng ngõ hẻm. Người người oan ức nườm nượp kéo đến tư gia họ Cù xin giúp đỡ.
Một hôm có người từ phía Nam nước Vệ, đến gặp Cù tiến sĩ khóc thảm thiết đưa đơn nhờ giúp đỡ. Cù tiến sĩ vội vã mời vào thư phòng, rót nước, nhận đơn hỏi nguyên nhân. Người ấy thuật  chuyện bà quả phụ họ Dương  cho Cù tiến sĩ nghe.
Quả phụ họ Dương vốn là một bà mẹ nước Vệ anh hùng, cả gia đình anh, em, chồng, con đều tham gia quân đội nước Vệ, từng chinh chiến đổ xương máu cho triều Sản được vững vàng cai trị đất nước. Trong đó nhiều người đã hy sinh tại chiến trường.
Bà quả phụ họ Dương tưởng được sống an lành, thờ cúng nhang khói cho người thân trong ngôi nhà nhỏ bé. Thế nhưng bỗng một ngày kia, quan quân ùa tới đập phá nhà bà, xua đuổi bà ra đường để em quan đầu tỉnh phía Nam trưng dụng làm khu thương mại.
Mười năm trời bà mẹ nước Vệ anh hùng này lặn lội đi cầu cứu các cơ quan trong triều. Nhưng than ôi, các quan càng ngày càng béo tốt, nhà càng cao, cửa càng rộng. Bạc chất trong nhà phải mong nắng mà phơi cho khỏi mốc. Còn trái lại bà quả phụ họ Dương ốm yếu, héo mòn rồi uất ức lâm bệnh mà chết.
Nghe xong câu chuyện thương tâm, đẫm máu và nước mắt của bà quả phụ họ Dương. Cù tiến sĩ lửa giận bừng bừng, ông đấm mạnh xuống bàn, ngửa cổ thề với trời đất  sẽ đòi tên quan đầu tỉnh phía Nam và bè lũ tội ác của chúng phải đền nợ máu cho hương hồn quả phụ được thanh thản nơi chín suối.
Lời thề  đòi nợ máu của họ Cù vang vọng khắp non sông.
Bọn quan lại nước Vệ nghe thấy hoảng sợ, đua nhau bỏ tiền đi mua bằng được  nhiều máu.  Chúng biết đến ngày trả nợ, dù béo tốt đến đâu chúng cũng không đủ máu để trả nợ cho bao nhiêu nỗi oan khiên như bà quả phụ họ Dương.
Đúng là
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.
Có kẻ thấy vậy, khuyên Lái Gió bỏ nghề mà đi buôn máu kiếm bạc xài. Lái Gió thác rằng
- Xưa nay buôn máu là nghề độc quyền của các quan nước Vệ. Mỗ phận dân hèn vốn mỏng như gió heo may không có gan dám màng chuyện kinh động đất trời ấy 

No comments:

Post a Comment