Tuesday, June 29, 2010
Đọc bài thơ: "Cõi vô thường" của Hàn Thiên Lương
PSN - 22.6.2010 Nguyễn văn Nhớ
1.
Người ơi trong cõi vô thường ấy
Đại hải dường như chỉ giọt sương
Bão nổi trùng dương cơn quốc biến
Dấu chân sóng vỗ bải cát buồn
Bốn câu thơ trên bắt đầu của bài thơ “cõi vô thường.” Đó là một trong một trăm bốn mươi hai bài thơ trong tập thơ Nhớ nguồn của nhà thơ Hàn Thiên Lương, do Cội Nguồn xuất bản, phát hành trong mùa Vu lan 2007. Bài thơ khởi đi bằng hai chữ “người ơi” thống thiết. “Người ơi trong cõi vô thường ấy.” Xưa nay, cuộc đời biến chuyển, xã hội đổi thay đến đau lòng. Thi hào Nguyễn Du đã xót xa: “Trải qua trong cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Nhà thơ Cao Bá Quát cũng thốt lên. “Thế sự thăng trầm quân mạt vấn.” Chuyện đời lên xuống anh có biết hay không? Vô thường là không chắc chắn, không trường tồn hay thay đổi. Cõi vô thường đã trùm lên kiếp nhân sinh và vạn vật. Từ cái thân vô thường, đến cái tâm vô thường, hoàn cảnh xung quanh cũng vô thường. Bải biển hóa nương dâu. “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”(Trần Tế Xương).
Vô thường bắt nguồn ngay trong tư duy con người. Tư duy con người cũng không bao giờ đứng yên, chuyển động, biến hóa khôn lường. Cuộc sống tồn tại trong tính đa nguyên và luật vô thường. Không vật nào tồn tại độc lập, mà phải cần có nhau. “Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai.” Con người và vũ trụ bao la là một.
2.
Đại hải có khi bình yên, sóng vỗ về nhẹ nhàng, cảm nhận như da thịt người yêu. Nhưng có khi gầm lên dữ dội. Những đợt sóng thần cuốn trôi, tàn phá mà sức người tưởng văn minh cũng chỉ biết cúi đầu lặng yên nguyện cầu hay trốn chạy. Thiên nhiên ôm ấp lấy ta và ta ôm ấp thiên nhiên. Chúng ta tưởng tượng một ngày nào đó nhìn ra không còn thấy thiên nhiên và nhân lọai ! Hãy yêu thương cuộc sống nhiệm mầu bởi trong tôi có anh, trong anh có tôi. Đại hải và giọt sương nhỏ nhoi treo lơ lửng trên cành cũng cùng một chất là nước. “Đại hải dường như chỉ giọt sương.” Ở đây, tôi nghĩ, nhà thơ Hàn Thiên Lương không nói về khối lượng, trọng lượng và hình thức. Thi sĩ nghĩ về bản chất chung của vũ trụ và con người. Đại hải sóng dậy ba đào và giọt sương long lanh dễ rơi rụng trên cành dương liễu cũng cùng chất nước, từ người mẹ vũ trụ sinh ra. Như con người biết bao khác biệt, da trắng da vàng da đỏ da đen. Nhưng tất cả cũng đều là chất người, cùng dòng máu đỏ, làm sao để cùng sống với nhau an lành và yêu thương. Trí tuệ của con người cần phải thực hiện điều đó. Không lẽ con người còn thua động vật đang sống từng đàn an lành với nhau hay sao? Quả đất cần có nhiều thi sĩ để nói về những khổ đau đó. Nhắn nhân loại dành nước mắt mà nhỏ xuống những điều bất hạnh do con người làm ra. Từ đại hải và giọt sương là một, loài người có lúc nào ngẫm nghĩ lại để học cái sinh tồn của các loài động vật khác. Văn minh làm chi mà tàn sát lẫn nhau, và tìm cách chém giết dã man không có dòng giống nào nghĩ tới được. Vô thường đã bày ra trước mắt, trong cơn quốc biến đã bao đổi thay. Kẻ vô học, chăn bò lên làm quan, người làm quan trở thành kẻ khố rách áo ôm, trở thành kiếp tôi đòi nô lệ. Tự do thành nô lệ. Trường học thành nhà tù. Hạnh phúc thành khổ đau:
Ai chẳng ngậm ngùi nhìn dâu bể
Đền đài vùi lấp cõi tang thương
Xa mã khuất mờ đường gió bụi
Lạnh hồn cô quả giữa đêm sương.
Vô thường là đặc tính chung của mọi sự. Chân lý vô thường là hiển nhiên. Thành trụ hoại không. “Đền đài vùi lấp cõi tang thương”, đã chứng nghiệm mọi nơi mọi lúc. Nhưng con người vì vô minh che lấp, vì kiêu căng ngả mạn nên không nhận ra. Từ hình thức xã hội, chế độ, ngay cả đế quốc huy hoàng La Mã của một thời bây giờ còn lại gì ? Những hoàng đế tưởng mình là con trời, như Tần Thủy Hoàng tham lam kiêu mạn, gian ác muốn ngồi vĩnh viễn trên ngai vàng, muốn bất tử cho nên đã quyết tìm thuốc cải tử hoàn sinh. Nhưng, cho dù cố vùng vẫy cũng không thoát khỏi luật vô thường. Phải chết, mà còn chết sớm hơn ai hết. Đời người, khi thành công tưởng là vĩnh viễn, đến khi thất bại mới thấm thía nổi khổ đau. Cuộc đời là sắc không, là giấc mộng dài. Có đó rồi không đó. Cảm nhận cái luật vô thường để thấy mình nhỏ nhoi, bớt tham sân si, mạn nghi tà kiến, mà yêu thương cuộc sống. Đời, không mà có, có mà không. Nhiều sự vật mắt trần chúng ta không thấy được, như trong khoảng không gian bao la tưởng là không có gì, nhưng trong không gian vô tận đó ẩn chứa vô vàn sự vật, muôn chiều ngược xuôi đang chuyển động. Ở đó, có gió lành gió độc. Không khí để thở, bao nhiêu tần số đang nối kết để con người tìm nhau, gần gũi hiểu biết và thương yêu. Vô thường chuyển đổi trong từng sát na.” ngày mai trong đám xuân xanh ấy, Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Gặp gỡ, cách biệt, mong chờ.
Giây phút tao phùng… xa cách biệt
Đắng cay ngày tháng nổi mong chờ.
Tập thơ Nhớ nguồn của Nhà thơ Hàn Thiên Lương là một biển ngôn ngữ thi ca. Ngôn ngữ tràn đầy, phong phú, sâu sắc đầy ắp triết lý cuộc đời.
Trong cõi đời người tan với họp
Vô thường nào biết buổi trùng lai
Nụ cười có lúc pha dòng lệ
Ẩn chứa niềm vui pha đắng cay.
“Nụ cười có lúc pha dòng lệ. Ẩn chứa niềm vui pha đắng cay. “ Với tôi, hai câu thơ này tuyệt hay. Tôi nghĩ, người yêu thơ nên thuộc nằm lòng, coi như mật ngôn trong đời sống để đôi khi cần đọc lên mà cảm nhận thêm sự đời khắc nghiệt, phi lý, đầy bi kịch hạnh phúc và khổ đau mà bớt cố chấp cho an lạc tâm hồn.
Trong nụ cười ẩn tàng dòng nước mắt. Niềm vui vừa đến, đã lóe lên niềm cay đắng. Thân phận con người là một bi hài kịch. Bởi đôi khi trong chia buồn lại ẩn niềm vui. Trong chia vui lại đọng giọt buồn. Điều bi hài đó có thật. Một ai đó mang hoa đến chúc mừng người bạn thành công, miệng nói chúc mừng nhưng trong lòng chớm lên nổi buồn bởi lòng ganh tị. Một ai đó đến chia buồn người bạn thất bại, tai nạn nhưng trong lòng lại thoáng lên một chút mừng vui. Tính chất ma quỷ, bần tiện, sa đoạ của con người đôi lúc vô phương cứu chữa. Kiếp nhân sinh thật bi hài. Thi ca chiếu rọi thâm sâu trong những mặt bi hài đó. Thi sĩ Hàn Thiên Lương đang sống qua tuổi thất thập cổ lai hy, cuộc đời anh đã xê dịch qua nhiều nơi chốn: Nguyên quán Đức Hoà Long An, rồi Saigon, Long Thành, Thủ đức Lào cai Vĩnh phú. Nơi sinh quán thì êm đềm hiền dịu. Nơi lưu đày tù tội Lào cai, Vĩnh phú thì trăm nổi đắng cay. Giờ đây lại tiếp tục lưu vong giữa muôn trùng xa cách. Trong cuộc sống đời thường anh cười vui xuề xoà, nhẹ nhàng như cỏ cây đồng nội ở quê anh. Nhu mì nhả nhặn, chân chất, kiến thức rộng, chánh kiến mà chánh trực cho nên anh khó theo những gì sai trái. Với anh, chất thơ và chất người cùng hoà quyện và lan tỏa trong cuộc sống, nhờ vậy cho nên, ai đó khi gặp anh dễ có cái tin tưởng, thân mật, an lạc và hạnh phúc. Mà, nào ai có hay với con người lặng lẽ đó, anh đã qua biết bao huy hoàng, với sức học Tốt nghiệp Cử nhân văn chương, cử nhân giáo khoa nhân văn của Đại học văn khoa Sàigòn, rồi Tốt nghiệp Học Viện Quốc gia hành chánh. Giáo sư Văn chương của các trường Trung học Sàigòn. Thành phần trí thức đó là tài nguyên đáng trân trọng một thời của đất nước miền Nam tự do. Anh thẩm thấu sâu sắc về văn chương và nhân văn qua trường học và trường đời. Tâm hồn lại dan díu hệ lụy với thi ca, anh làm thơ từ thập niên 60 và thơ đã đăng trên các báo Sài gòn trước năm 1975. Thi tâm thi tứ thi tài kết hợp hoàn chỉnh trong ngôn ngữ thơ của anh. Anh cảm xúc sự đổi thay giữa bốn mùa, ẩn giấu trong đó là kiếp nhân sinh:
Mới thấy vườn xuân hồng rực rỡ
Đào mai thắm sắc đẹp trời thơ
Qua cơn nắng hạ hồng phai nhạt
Sương tuyết thu đông phủ mịt mờ.!
Khi nhận ra cuộc đời là vô thường, Nhiều triết gia từ đông tây kim cổ đã suy ngẫm về triết lý nhân sinh để giải quyết cuộc đời. Một số triết gia phương tây cho cuộc đời là phi lý như Albert Camus, Triết gia Jean Paul Satre đã giải quyết cuộc đời bằng triết lý hiện sinh. Lão Trang thì xuất thế vô vi…
Nhà thơ Hàn Thiên Lương giải quyết cuộc đời vô thường biến đổi theo hướng nhà Phật.
Hãy lái thuyền tâm xa huyễn mộng
Xuôi về bến giác giữa dòng trong.
Trong tâm con người đã có sẳn thiên đàng và địa ngục. Chỉ cần nhìn cho rõ tính vô thường của cuộc sống để con người ngộ ra và hành động, dứt bỏ đừng say đắm vật dục thế gian. Giải quyết cái gánh nặng hồng trần, xa rời khổ ách là đạt đến trạng thái tịnh độ, niết bàn. Đưa ta xuống địa ngục hay lên niết bàn, thiêng đường cũng bởi ta. “Hãy lái thuyền tâm xa hyễn mộng” huyễn mộng là giả danh là vọng tâm là bấn loạn giữa tham lam thù hận si mê. Hãy lái thuyền tâm xa lià bến khổ đó. Hãy gột rữa từ bỏ những xấu ác để chân tâm hiển lộ. Chỉ có một con đường dứt bỏ điều ác, làm những điều lành, giữ tâm ý trong sạch để xuôi đời về bến giác. Bên này là tham lam sân si là vô thường, bên kia là không tham, không sân, không si là thường còn là bến giác. Cầm dao là địa ngục súc sanh, vất dao là sẽ thành phật. Bến giác nằm ngay giữa cõi ta bà oan nghiệt này. Rũ bỏ tham sân si là bến giác. Từ bỏ cái tôi kiêu mạn trở về chân tâm là trở về bến giác. Làm rối lòng là bởi ngụp lặn trong vật dục thế gian. Biển lửa tham lam tự ngã thiêu cháy ta mỗi ngày. Can trường dứt bỏ tham lam thù hận. Can trường dứt bỏ tự ngã kiêu căng để gần gũi và thương yêu con người. Chuyển “cõi vô thường” qua cõi thường còn, vĩnh viễn sống trong cảnh tịnh độ niết bàn an lạc.
Hãy lái thuyền tâm xa huyễn mộng
Xuôi về bến giác giữa dòng trong
Để ta thấy cõi vô thường ấy
Chớ vội đam mê rối cả lòng.
3.
Đọc để cảm thụ và viết về bài thơ mình tâm đắc là mang đến cho mình cảm giác hân hoan và hạnh phúc như mình đi qua, khám phá vùng đất xa lạ và mới mẻ, nhờ đó đã chuyển đổi tâm can của mình. Đọc một bài thơ hay của một người xa lạ đã có cảm giác sung sướng, huống chi đây là bài thơ hay mà tác giả là người anh thân quen của mình. Được hiểu bài thơ qua nội tâm và biết nội tâm để hiểu bài thơ của tác giả là cái may mắn của người viết để biết sâu sắc hơn bài “cõi vô thường.” Ngôn ngữ đời thường trong nói năng hằng ngày là ngôn ngữ nói và nghe. Ngôn ngữ văn chương thi phú là viết và đọc. Với nhà thơ Hàn Thiên Lương, cảm gíac của tôi khi tiếp xúc với anh là hình như ngôn ngữ văn chương và thi ca đã quyện lẫn trong đời sống giao tiếp của anh. Qua đó, tôi nhận ra rằng: Anh Hàn Thiên Lương là một thi sĩ đích thực. Thi ca và đời anh không vô thường mà thường còn. Hồn thi sĩ và con người anh là một.
Văn chương nghệ thuật là thiên hình vạn trạng. Cõi thơ và họa là ngôn ngữ của cảm xúc. Phê bình làm sao mà chính xác. Tôi tâm đắc và viết lại một cách tượng trưng ý của Thi sĩ Phạm Công Thiện, trong quyển sách nào đó: “Thơ không phải để phê bình, anh không thích thì thôi, nếu thích chỉ hết lòng để ca ngợi.” Tôi thích đọc thơ và khi thích bài nào đó tôi cũng chỉ biết ngợi ca. Nhờ ngợi ca tôi sung sướng tìm hiểu thêm dòng thơ đã xuất phát. Dòng thơ anh Hàn Thiên Lương là từ cội nguồn dòng thơ mới ViệtNam, khi đọc thơ anh tôi lại được sống thêm trong dòng thơ mới. Cảm nhận thêm dòng thơ Lưu Trọng Lư. Huy Cận. Đinh Hùng... Ngôn ngữ thơ của thi sĩ Hàn Thiên Lương đầy ẩn dụ, một chữ mang rất nhiều ý, đưa tâm trí tôi đến nhiều cõi lạ. Ngôn ngữ đầy hình tượng thẩm mỹ nên trong thơ anh có họa. Ở đây, một bức tranh hiện thực, ấn tượng đã hiện ra: “Đền đài vùi lấp cảnh tang thương… Xa mã khuất mờ đường gió bụi.” Đẹp quá! Cám ơn anh. Và ở đâu đó chúng ta sẽ thấy dễ dàng bức tranh trừu tượng: “Qua cơn nắng hạ hồng phai nhạt. Sương tuyết thu đông phủ mịt mờ.” Ý thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng dễ chuyển hóa lòng người. Anh sử dụng luật bằng trắc nhuần nhuyễn tạo âm vang, đầy nhạc tính. Với cường độ nhẹ nhàng lên xuống, ngắt nhịp, chuyển hóa âm thanh như những dòng nhạc cổ điển. Từ thanh âm ở thơ anh, người thưởng thức có thể cảm xúc thêm dễ dàng những nhạc khúc vô ngôn nhẹ nhàng của Beethovan, của Mozart. Nhạc tính trong thơ anh âm vang, êm đềm như gió trên cánh đồng, như dòng sông chảy trên quê anh mang nội tâm u buồn man mác của tác giả. Thi sĩ tự do sáng tác thơ. Tôi ngập tràn tự do đọc, tự do vô tư bơi lội trong ngôn ngữ thẩm mỹ mà nhà thơ đã cưu mang và sáng tạo. Từ cái tôi không có gì, tôi đã giàu có và sung sướng thêm lên. Tôi ngập tràn lòng biết ơn. Tôi ngập tràn hạnh phúc bởi “cõi vô thường” đã cho tôi cảm thụ sâu sắc để cảm nhận hạnh phúc vĩnh hằng của đời sống khi cõi lòng trong sạch. Cảm thụ đó đã đưa tôi ” Xuôi về bến giác giữa dòng trong” để trở về với chân tâm, kiến tánh, để lặng lẽ sống hạnh phúc một cách hùng tráng giữa thiên đường sáng tạo.
Cám ơn người anh. Cám ơn thi sĩ đích thực Hàn Thiên Lương.
Nguyễn Văn Nhớ, họa sĩ
Portland, OR. Căn hộ vô thường. Xuân 2010.
Email: nhoart@hotmail.com
Nguyên tác bài thơ: Cõi vô thường.
Người ơi trong cõi vô thường ấy
Đại hải dường như chỉ giọt sương
Bão nổi trùng dương cơn quốc biến
Dấu chân sóng vỗ bải cát buồn
Ai chẳng ngậm ngùi nhìn dâu bể
Đền đài vùi lấp cõi tang thương
Xa mã khuất mờ đường gió bụi
Lạnh hồn cô quả giữa đêm sương
Giây phút tao phùng … xa cách biệt
Đắng cay ngày tháng nỗi mong chờ
Người đi không biết bao giờ lại
Kẻ ở chờ mong vẫn mịt mờ
Trong cõi đời người tan với họp
Vô thường nào biết buổi bồng lai
Nụ cười có lúc pha dòng lệ
Ẩn chứa niềm vui pha đắng cay!
Mới thấy vườn xuân hồng rực rỡ
Đào mai thắm sắc đẹp trời thơ
Qua cơn nắng hạ hồng phai nhạt
Sương tuyết thu đông phủ mịt mờ!
Hãy lái thuyền tâm xa huyễn mộng
Xuôi về bến giác giữa dòng trong
Để ta thấy cõi vô thường ấy
Chớ vội đam mê rối cả lòng!
Hàn Thiên Lương.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment