Pages

Monday, June 7, 2010

Ai sợ “Bi, đừng sợ!”?



Bên cạnh việc nhắc nhở một số tờ báo như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn vì đã phản ứng dự án đường sắt cao tốc một cách gay gắt, nhắc nhở tờ Tiền Phong do đã xem giáo viên Đỗ Việt Khoa như một người hùng bỏ cuộc, Bộ Thông tin – Truyền thông còn chính thức yêu cầu các báo không được đưa thêm thông tin về vụ Công an Thanh Hóa bắn chết người tại Nghi Sơn, cũng như không thông tin thêm về bộ phim “Bi, đừng sợ!”, bất kể những thành quả mà “Bi, đừng sợ!” đã đạt được…
Tháng trước, “Bi, đừng sợ!” – bộ phim dài đầu tay của một đạo diễn trẻ ở Việt Nam đã được trao hai giải trong “Tuần phê bình quốc tế” – một hoạt động song song với Liên hoan Phim Cannes – của năm 2010.
Tháng này, có tin cho biết, hệ thống truyền thông trong nước vừa được yêu cầu ngưng thông tin về “Bi, đừng sợ!”. Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường thuật thêm.

“Bi, đừng sợ!” và những thành công của một đạo diễn trẻ


Đạo diễn Phan Đăng Di tại Liên hoan Phim Cannes - AFP Photo/Martin Bureau
Cuối tháng 5 vừa qua, trong “Tuần phê bình quốc tế” – một hoạt động song song với Liên hoan Phim Cannes – của năm nay, “Bi, đừng sợ!”, bộ phim dài đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di, 34 tuổi, đã được trao hai giải: “Giải của Hiệp hội các tác giả và các nhà biên kịch SCAD” và “Giải ACID/CCAS dành cho phim độc lập”.
Suốt 48 năm qua, mỗi năm, “Tuần phê bình quốc tế” lựa chọn 7 phim ngắn và 7 phim dài từ các tác phẩm đầu tay hoặc tác phẩm thứ nhì của giới làm phim trên khắp thế giới để trao giải. Nhiều đạo diễn nhận giải từ “Tuần phê bình quốc tế” đã trở thành tên tuổi lớn của làng điện ảnh thế giới.
Trong vài năm qua, có nhiều lý do để Phan Đăng Di được xem là một đạo diễn đầy triển vọng của điện ảnh Việt Nam.
Năm 2006, bộ phim “Sen” của Phan Đăng Di được chọn để chiếu tại Liên hoan phim ngắn Clermont Ferrand. Một bộ phim khác của Phan Đăng Di là “Khi tôi 20” cũng đã nhận được nhiều lời khen tại Liên hoan phim Venise.
Năm 2009, với tư cách tác giả của “Chơi vơi”, Phan Đăng Di được đề cử là tác giả có kịch bản hay nhất trong Giải thưởng điện ảnh châu Á năm 2009.
Trở lại với bộ phim “Bi, đừng sợ!”. Khởi đầu, “Bi, đừng sợ!” chỉ là một đề cương chi tiết và năm 2007, đề cương này được trao giải Dự án châu Á nổi bật, trị giá 10.000 đô la tại Liên hoan phim Pusan.
Sau khi đề cương “Bi, đừng sợ!” được viết thành kịch bản hoàn chỉnh, “Bi, đừng sợ!” được gửi cho L’atelier của Liên hoan phim Cannes 2008 để giúp đạo diễn tìm kiếm cơ hội làm phim. Sau đó, “Bi, đừng sợ!” đã được trao 10.000 đô la từ Ban Quản lý dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất phim Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), 50.000 EURO từ World Cinema Fund của Liên hoan phim Berlin…

Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!". Nguồn Thể thao & Văn hóa Online.
Kế đó, “Bi, đừng sợ!” được đạo diễn Phan Đăng Di dàn dựng, rồi làm hậu kỳ, in tráng tại Pháp. Cho đến Liên hoan phim Cannes 2010 vừa qua, khi được giới tuyển phim của liên hoan này xem, “Bi, đừng sợ!” vẫn còn ở dạng bản dựng cuối, chưa hòa âm và chỉnh mầu.
Người ta bảo rằng, chính những cảm giác mà câu chuyện trong “Bi, đừng sợ!” tạo ra đã thuyết phục giới phê bình của Liên hoan phim Cannes 2010, chọn nó tham dự “Tuần phê bình Quốc tế”.
Vậy “Bi, đừng sợ!” đề cập đến vấn đề gì? Theo báo giới, “Bi, đừng sợ!” xoay quanh câu chuyện của một gia đình ở Hà Nội. Gia đình này có một cậu bé 6 tuổi tên Bi, sống cùng bố, mẹ, một người cô ruột chưa chồng và bà giúp việc. Sinh hoạt trong gia đình của Bi bắt đầu xáo trộn khi ông nội của Bi ở xa đột ngột trở về.
“Bi, đừng sợ!” khắc họa hai thế hệ đàn ông: một đau đớn vì bệnh tật, một say sưa triền miên, bên cạnh những người phụ nữ cố gắng giải thoát chính họ khỏi những ám ảnh từ dục vọng cá nhân. Cứ thế, cả gia đình loay hoay trong một Hà Nội ngột ngạt vì nóng, mỗi nhân vật cố gắng thích ứng để sống trong sự ngột ngạt ấy. Cá nhân cậu bé Bi đã dùng đá để ướp những chiếc lá nhằm giữ chúng bất tử và cũng muốn dùng đá để xoa dịu sự đau đớn của ông, làm tan những ham muốn của người cô ruột và thỏa mãn cơn khát vì say sưa triền miên của bố…

Và “nhắc nhở” về “Bi, đừng sợ!”

Đó là chuyện tháng trước. Theo một vài nguồn thạo tin từ Việt Nam, ở cuộc họp định kỳ giữa Bộ Thông tin – Truyền thông với lãnh đạo các cơ quan truyền thông tại Việt Nam, diễn ra hôm 1 tháng 6, bên cạnh việc nhắc nhở một số tờ báo như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn vì đã phản ứng dự án đường sắt cao tốc một cách gay gắt, nhắc nhở tờ Tiền Phong do đã xem giáo viên Đỗ Việt Khoa như một người hùng bỏ cuộc, Bộ Thông tin – Truyền thông còn chính thức yêu cầu các báo không được đưa thêm thông tin về vụ Công an Thanh Hóa bắn chết người tại Nghi Sơn, cũng như không thông tin thêm về bộ phim “Bi, đừng sợ!”, bất kể những thành quả mà “Bi, đừng sợ!” đã đạt được.
Vì sao “Bi, đừng sợ!” lại bị xếp chung với những vấn đề nhạy cảm về chính trị? Chúng tôi đã gọi cho đạo diễn Phan Đăng Di với hy vọng chính ông sẽ cho câu trả lời:
Fact box
Liên Hoan Phim Cannes
- được tổ chức lần đầu vào năm 1946,
- là một trong những liên hoan phim có uy tín nhất thế giới,
- được tổ chức hàng năm vào tháng 5,
- tại thành phố nghỉ mát Cannes ở miền Nam nước Pháp.
Trân Văn: Chúng tôi được biết là “Bi, đừng sợ!” đã từng được Ban Quản lý dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất phim Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, hỗ trợ 10.000 đô la để thực hiện và nếu chúng tôi không lầm thì trước đây, khi trả lời báo giới trong nước, anh đã từng tỏ ra rất cảm kích về điều đó. Anh xem điều đó như một cú hích quan trọng cho sự nghiệp của anh.
Thế nhưng gần đây, chúng tôi lại được biết, trong cuộc họp giao ban giữa Bộ Thông tin – Truyền thông với lãnh đạo các cơ quan truyền thông hôm 1 tháng 6, Bộ này lại chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong nước không được thông tin, quảng bá về bộ phim “Bi, đừng sợ!”…
Đạo diễn Phan Đăng Di: Không! Không phải đâu anh! Hiện có rất nhiều báo muốn hỏi điều này. Sau liên hoan thì có rất nhiều báo đã nói rồi. Đó là lý do tại sao mà Di không muốn nói thêm thôi.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết thêm: “Bây giờ quyết định của Di là sẽ không trả lời đài, báo nào nữa bởi Di thấy đủ cho việc đó rồi. Từ khi về đến giờ, khoảng một tuần hay 10 ngày. Di không nói nữa, không phát biểu với báo chí nữa. Di thấy đã đủ cho phim đó rồi.”
Lý do đạo diễn Phan Đăng Di thấy đủ được ông giải thích là: “Thực ra Di cũng nói hơi nhiều. Thành ra bây giờ về nước, Di cũng không trả lời phỏng vấn nữa vì bây giờ Di không thích phim đó nữa. Sau một thời gian dài làm, xem nó nhiều lần, theo đuổi nó, bây giờ Di muốn bắt đầu một cái mới.”
Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-06-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Who-was-frightened-about-bi-dont-be-afraid-film-tvan-06062010084500.html

No comments:

Post a Comment