Nguyễn Văn Trần
Cách nay khá lâu, từ Việt Nam (VN), một người quan tâm tới công cuộc tranh đấu cho dân chủ gởi ra hải ngoại đóng góp ý kiến cho một chương trình hội thảo về tình hình việt nam có nhận xét để mô tả quan hệ giữa người tranh đấu với tình trạng xã hội ở VN: “xã hội VN ngày nay như một đống rơm ướt đẩm nước lâu ngày. Những cây diêm quẹt ném vào đống rơm tắt ngay, không đủ sức làm khô hay đốt cháy đống rơm”.
Cây diêm quẹt đốt cháy đống rơm ngụ ý chỉ nhằm giật dậy xã hội về ý thức tranh đấu thay đổi chế độ độc tài toàn trị tiến lên dân chủ tự do. Tiến hành công cuộc tranh đấu mới là đại sự. Là cả chuyện đội đá vá Trời. Mà xưa nay, bắt tay vào làm việc lớn thường lại chỉ với ít người. Những người này thấy trước việc phải làm vì bộn phận đối với đất nước, với dân tộc. Họ là những trí thức, những người ưu tú của xã hội.
Nhưng nếu trí thức tự giam mình trong định kiến mù quáng, sai lầm trong một giai đoạn lịch sử, trong quyền lợi cá nhân, không nhận thấy lẽ phải, tiền đồ dân tộc, thì không có gì nguy hiểm cho bằng. Người trí thức trong trường hợp này tự bóp chết sứ mệnh trí thức ngay ở bản thân mình. Do trí thức mất đi khả năng suy tư. Xã hội vì đó ù lì, không phát triển tiến bộ. Đất nước bị thụt lùi trước những bước tiến của thời đại. Nhưng nếu dân tộc còn chí quật cường, tinh thần dũng cảm do thừa hưởng di sản tinh thần của tiền nhân thì con đường đột biến sẽ xảy ra để khai thông mọi bế tắc. Tức nhân dân đứng lên giành lấy “quyền tự mình cai trị chính mình”. Đã có dấu hiệu cho thấy ngày nay ở Việt Nam, dưới chế độ độc tài toàn trị, xuất hiện nhiều cá nhân, nhiều tập hợp, lên tiếng phê phán chế độ, đòi hỏi chế độ phải thay đổi theo dân chủ tự do. Hiện tượng này đưọc biết rất phổ quát đó là “Những người Dân chủ, Những người Bất đồng chính kiến”.
Nhận diện về những người Dân chủ và Bất đồng chính kiến
Người Dân chủ, trong tình hình Việt Nam ngày nay, là những người, trong đảng hay ngoài đảng, không chấp nhận chế độ cộng sản đang cầm quyền vì đó là một chế độ độc tài toàn trị. Họ dấn thân thật sự tranh đấu để Việt Nam phải có một chế độ Dân chủ Tự do. Mục tiêu tranh đấu của họ đã được xác định.
Về Dân chủ, chắc chắn họ cũng đã có quan niệm cụ thể thế nào là dân chủ? Và dân chủ của họ tranh đấu đem lại cho đất nước sẽ không phải là thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa mà đảng cộng sản đang quyết tâm tiến lên.
Còn những người Bất đồng chánh kiến? Phải chăng đó là những người, phần lớn là đảng viên đang quyền hay hưu trí, vì tự giác và suy tư về quyền lợi đất nước, không đồng ý với đường lối cai trị của đảng cầm quyền, lên tiếng phê phán, yêu cầu sửa đổi cho tốt hơn, nhưng không ra ngoài thể chế hiện tại . Với những người này, dân chủ chưa định hình trong suy tư của họ. Họ vẫn không thấy sự thật là từ cách mạng Tháng Mười tới giờ chưa có một chế độ cộng sản nào đem lại phúc lợi cho nhân dân của họ hết cả.
Tổ chức Dân chủ
Năm 2006 như là một thời điểm ở Việt Nam xuất hiện nhiều Tổ chức tranh đấu cho Dân chủ . Có nhiều tổ chức vẫn còn tồn tại. Trong lúc đó, có Tổ chức vừa ra đời buổi sáng, buổi chiều tự xóa sổ, như Đảng Dân chủ Bách việt.
Về Tổ chức Dân chủ, nguời ta có thể khái quát nhận diện một vài đảng như tiêu biểu. Sự chọn lựa này không tránh khỏi tính chủ quan. Đó là những Tổ chức, trước nhất, mang danh xưng công khai là Đảng, kế tiếp, về mặt chủ trương, có chung những điểm tương đồng với các đảng khác không được giới thiệu ra đây.
- Đảng Dân chủ Việt Nam (DCVN) là Chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản,trí thức yêu nước và tiến bộ, hoạt động từ năm 1944. Từ năm 1954 tới 1975, Đảng DCVN hoạt động ở Miền Bắc Việt Nam. Xứ ủy Miền Nam tham gia Mặt Trận Giải phóng Miền nam. Từ 1975 tới 1988, đảng DCVN hoạt động tên toàn cõi VN.
Năm 2006, ông Hoàng Minh Chính, Tổng Thư ký đảng DCVN, ra tuyên bố phục hoạt đảng DCVN . Ông chủ trương phương pháp bất bạo động, hòa bình đối thoại, bình đẳng, bao dung, cùng nhau xây dựng xã hội tự do dân chủ, an bình hạnh phúc, đích thực của dân, do dân, vì dân.
Ông Hoàng Minh Chính nói rõ không có ý định đánh đổ đảng cộng sản, mà tiếp nối đóng góp của đảng DCVN đối với dân tộc, đồng thời hình thành một không gian chánh trị rộng mở, cân bằng, đa thành phần nhằm hạn chế bảo thủ, cục bộ, lý luận máy móc, tham nhũng. Cụ thể là xã hội đa đảng. Các đảng cạnh tranh lành mạnh vì dân chủ, dân sinh. Đó cũng là xu hướng của hầu hết nền chính trị trong thời đại hội nhập . Đến nay, đảng DCVN vẫn hoạt động, được nhiều thành phần xã hội tham gia và ủng hộ.
Đảng DCVN xem đảng cộng sản là một đối tác chính trị, dự thảo Hiến pháp mới, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, tôn trọng luật pháp, các đảng tồn tại và hoạt động bình đẳng, công khai.
Sức mạnh của đảng DCVN do sự liên kết toàn thể quốc dân trong và ngoài nước, tất cả các đảng phái, hội đoàn, các phong trào dân chủ, các tôn giáo, các sắc tộc thành một Mặt Trận rộng lớn, một sức mạnh tổng hợp hóa giải mọi lực cảng để chấn hưng đất nước .
- Đảng Thăng Tiến (ĐTT) thành hình từ Khối 8406 bao gồm những người đối lập tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu trung tâm của đảng là “Thăng tiến Tổ quốc Việt nam về các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội,văn hóa, tâm linh để dân tộc được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập, tự do ; xã hội đạo đức, văn minh, quốc dân thịnh vượng, hạnh phúc”.
- Đảng Dân Chủ Nhân Dân (DCND) chủ trương sự chuyển hóa từ quản trị độc tài sang quản trị dân chủ, bảo đảm công ăn việc làm cho các viên chức của bộ máy cũ, bảo vệ sở hữu hợp phápvà an toàn của mọi cá nhân, không gây xáo trộn đời sống xã hội . Đảng DCND chủ trương liên kết và phối hợp hành động với tất cả các đảng . Đảng DCND tổ chức trong và ngoài nước để có sức mạnh tổng hợp. Mục tiêu chung của đảng là Tự do, Dân chủ, Công bằng và thịnh vượng cho Việt Nam .
Tranh đấu Dân chủ và nền Dân chủ
Sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông âu sụp đổ trọn vẹn, chấm dứt thế giới phân cực, kết thúc chiến tranh lạnh, người ta nghĩ rằng nhân loại đang sống trong một giai đoạn mà nền Dân chủ, đặc biệt là Dân chủ nghị trường, như sự kết thúc của lịch sử (Francis Fukuyama, La Fin de l’Histoire, Paris, 1989), như chân trời mà trí tuệ không thể vượt qua, như một cái gì đương nhiên. Như thể là xã hội mang tính nhị nguyên. Hễ ra khỏi độc tài thì có ngay Dân chủ. Không có gì khác phải chọn lựa. Nhưng thực tế thì xã hội con người không phải nhị nguyên. Mọi tương lai đều khả hữu. Chúng ta cũng nhận thấy sự thật này một cách cụ thể từ năm 1989, lúc người ta tuyên dương sự chiến thắng vỉnh cữu của chánh thể Dân chủ đại diện và kinh tế thị trường. Từ thời điểm ấy, những xã hội thoát khỏi thế giới lưỡng cực đã tiến bước lên nhiều con đường khác nhau, trong đó dân chủ không phải bao giờ cũng là mối quan tâm chánh yếu. Điều đang ám ảnh mọi nhà lãnh đạo các quốc gia tiên tiến ngày nay là giải quyết nguy cơ tài nguyên khánh tận, môi trường ô nhiểm (ô nhiểm cả dân chủ và độc tài), hố sâu chênh lệch giàu nghèo. Liệu Dân chủ sẽ đủ khả năng giải quyết ba vấn đề chết sống của con người ngày mai này không?
Dân chủ và Bầu cử
Chúng ta thử làm một suy nghĩ nhỏ về Dân chủ, tức quyền làm chủ đất nước của dân . Nhưng khi người dân cầm lá phiếu để chọn lựa người đại diện cai trị mình thì chính là lúc người dân từ bỏ quyền làm chủ thật sự đất nước của mình để trao quyền thiêng liêng đó vào tay một người mà mình chỉ biết qua dư luận hoặc truyền thông . Như vậy vận mạng của người dân đã giao phó cho một nhóm người làm chính trị chuyên nghiệp, phân chia thành đảng phái để thay phiên nhau cai trị xã hội theo suy nghĩ và khả năng của họ.
Bầu cử dù có được thật sự tự do đi nữa thì cũng chỉ phân phát quyền hành vào tay của một nhóm người chuyên nghiệp. Dân chủ vẫn không mang đúng ý nghĩa thiêng liêng là “Người dân tự mình cai trị chính mình”. Lá phiếu rời khỏi tay cử tri không có nghĩa đó là sự quyết định của “nhân dân”, của dân tộc, của toàn xã hội, và cho đó là dân chủ được thực thi. Không, lá phiếu chỉ là phản ánh “sự chọn lựa gọi là” của cá nhân . Tổng hợp các lá phiếu chỉ cho biết quyết định của một thành phần xã hội . Chưa phải của toàn xã hội thì không thể nói của dân tộc hay đồng nghĩa với nhân dân. Xã hội, nhân dân hay dân tộc có nội dung của nó là cá thể riêng biệt, có hồn, hoàn toàn khác với những cá nhân đơn lẻ cộng lại. Nói một cách quá khích sự phát biểu qua lá phiếu mang thêm ý nghĩa cá nhân cử tri phản bội lại chính xã hội của mình, phản bội nhân dân mà mình là một thành phần.
Trên đây là sự suy nghĩ về nền dân chủ tự do thành hình từ cuộc bầu cử hoàn toàn tự do. Còn dân chủ xã hội chủ nghĩa thì cụ thể hơn, rõ ràng hơn bởi người dân cử tri chỉ cần làm theo chỉ thị của công an là phải bỏ phiếu cho những ứng cử viên đã được đảng chọn lựa để có kết quả là họ được số phiếu tối đa. Đó là nền dân chủ do “đảng cử, dân bầu”.
Tocqueville, khi phân tích nguy cơ độc tài và suy thoái trong dân chủ, đã cho rằng dân chủ có khả năng ru ngủ con người, duy trì người dân trong một tình trạng ấu trĩ. Con người trong xã hội dân chủ có khuynh hướng thu mình trong một phạm vi cá nhân, gia đình, hay bè bạn rất hạn chế, và chỉ quan tâm đến những nhu cầu và thú vui nhỏ nhoi riêng tư của họ, bất chấp mọi người, mọi việc chung quanh. Những kẻ này có thể gặp gỡ người khác, nhưng không nhìn thấy bất cứ ai. Họ có thể có nhiều tiếp xúc nhưng không hề ý thức sự hiện diện của tha nhân … Họ chỉ hiện hữu cho chính họ. Tocqueville cho rằng những người ấy nhìn xã hội qua khung cảnh hạn hẹp của gia đình mình. Tâm lý này dễ biến xã hội thành một tập hợp những ích kỷ, khó có được một hướng tiến, một đề án, một viễn tượng chung. Tâm lý ấy cũng thuận lợi cho những kẻ mị dân, lừa gạt dư luận bằng những lời nói vỗ về đường mật, để đưa xã hội vào độc tài toàn trị. Nhưng Dân chủ Tự do dù sao cũng vẫn tốt đẹp hơn thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa cả triệu lần. Chỉ có thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa là cần phải được dẹp bỏ và càng sớm càng tốt.
Những thuận lợi của Phong trào Dân chủ
Những thuận lợi của Phong trào Dân chủ không có nghĩa là Phong trào dân chủ thắng lợi và Chính quyền cộng sản sẽ sụp đổ trước mắt. Tương quan lực lượng giửa phe cầm quyền và phe Dân chủ, phần thua thiệt vẫn nghiêng về phía Phong trào Dân chủ: bị đàn áp bằng đủ cách, kể cả những cách bỉ ổi nhất của nghề công an, bị Tòa án vận dụng pháp luật bỏ tù, bị “cắt bao tử”, bị cô lập,… Nhưng trong lúc đó, phe cầm quyền ngày càng phải thay đổi cách đối phó để giải quyết những khó khăn vừa trong nội bộ, vừa đối với bên ngoài.
Đảng cộng sản ngày nay không còn được một phần nhỏ dân chúng và đảng viên lương thiện xem là đảng cách mạng của những người thật lòng thương nước . Nhiều cấp lãnh đạo TW than phiền uy tín của đảng bị xói mòn . Trong đảng, trên dưới đều quan liêu, tham nhũng, giả dối. Nhiều đảng viên cấp cao đang ray rứt, muốn bỏ đảng. Chưa dám quyết định vì bỏ đảng có nghĩa là mất công ăn việc làm. Là đói. Nhiều người vào đảng, mong được lên chức cao, nắm quyền hành quan trọng là chỉ để làm giàu. Theo kết quả thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận xã hội năm 2009 thì có tới 95 % đảng viên vào đảng chỉ vì quyền lợi cho bản thân và gia đình. Nhiều người thật lòng mong muốn thay đổi để có một xã hội tốt hơn, đạo đức, lương thiện. Nhưng họ lại sợ sự thay đổi. Họ sợ bị trả thù như sau 30-04-75, họ đã trả thù những người trong chế độ Miền nam một cách vô cùng thâm độc. Hơn ai hết, người cộng sản lớn lên bằng hận thù nên họ lo sợ tới phiên họ sẽ là nạn nhân của cuộc thay đổi chế độ. Đảng cho học tập hù dọa thay đổi bỏ chủ nghĩa xã hội là mất nước, mất đảng, mất tất cả.
Từ ít lâu nay, nhà cầm quyền vẫn phải thường xuyên đối phó với phong trào công nhân đình công đòi chủ nhân tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, …Khi đối phó, nhà nước vận dụng ngay bạo lực, nhưng lại không dám sử dụng bạo lực để giải quyết thành công những cuộc biểu tình, đình công mà phải dùng sức mạnh pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ban hành Nghị định phạt công nhân đình công làm thiệt hại chủ nhân phải bồi hoàn . Nhà nước của giai cấp công nhân ngày nay lại chọn đứng về phía chủ nhân tư bản ngoại quốc, đàn áp công nhân vô sản nên tự đánh mất tư cách xã hội chủ nghĩa của mình. Mặt khác, nhà nước lo sợ lực lượng công nhân khi bị đàn áp mạnh sẽ vùng dậy vì công nhân có chung như chủ nghĩa, như ý hệ, như học thuyết để đoàn kết với nhau là “bao tử lép”. Lý tưởng này vượt qua chủ nghĩa Mác-lê và cả tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo cuộc tranh đấu chết sống bảo vệ quyền lợi công nhân.
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp ngày nay có 2, 5 triệu nông dân sống ở nông thôn. Họ sống như công nhân nông nghiệp, canh tác đất đai của chính họ vì nhà nước đã ban cho họ quyền làm chủ tập thể đất đai, ruộng vườn. Sau khi thu hoặch mùa màng, trả nợ vay mượn để làm mùa, nông dân phần đông không còn đủ lúa ăn cho tới mùa sau. Nông dân đói dài. Nhiều gia đình phải đành cho con em đi lấy chồng ngoại quốc để cứu giúp gia đình hoặc cầm thế đất đai cho ngân hàng nhà nước theo chánh sách xóa đói giảm nghèo để đi tìm việc làm ở nước ngoài. Việc làm chưa có, tiền lời ngân hàng không trả được. Đất đai thế chấp bị ngân hàng phát mãi.
Hiện nay có hàng trăm ngàn nông dân đói ngay trên thửa ruộng của mình.
Sinh viên, học sinh cũng chung số phận khó khăn của công nhân và nông dân do chính sách cai trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa: vật giá gia tăng, tiền học cũng gia tăng hằng năm nên nhiều người phải bỏ học.
Con em những nhà có tiền du học ngoại quốc, khi trở về nước có không ít người có cái nhìn mới, theo quan điểm các nước dân chủ tự do nơi họ du học. Số người này khi đông đảo sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng xã hội cho hướng thay đổi.
Bên ngoài, Bắc Kinh đang bành trướng sức mạnh để nhanh chống thôn tính Việt Nam. Hiểm họa này ngày càng cụ thể.
Dân chúng thấy rỏ sự xâm lăng của Tàu, từ hình thức thô bạo như cướp lảnh thổ và lảnh hải tới hình thức mềm dẻo, kín đáo như áp lực kinh tế, khống chế thị trường, khai thác tài nguyên đất đai, nên có phản ứng bảo vệ đất nước, bị Chính quyền đán áp để nhằm bảo vệ quyền lợi của riêng phe cánh cầm quyền. Nhưng chính quyền không dám đàn áp quá thô bạo, triệt để, vì lo sợ sự rạng nức trong hàng ngũ đảng là cơ hội cho phe cánh khác giành quyền và sự phản ứng của dân chúng. Chính quyền của bạo lực mà không sử dụng bạo lực đến nơi đến chốn thì không còn là chánh quyền mạnh nữa.
Không ít đảng viên và dân chúng châm biếm chính quyền khi chánh quyền đàn áp những người biểu tình chống Tàu cướp nước, đổi khẩu hiệu ca ngợi quan hệ hai nưóc: “Láng giềng khốn nạn, cướp biển lâu dài, cướp đất tương lai”.
Họ nhận xét sự kiện Việt Nam bị mất đất mất biển cho Tàu, cốt lỏi chỉ vì Hà Nội đã chọn “đồng chí, vì đồng chí, thay vì phải chọn đồng minh và giữ quan hệ đồng minh”.
Nhưng Nhà nước ngày nay vẫn kiểm soát hữu hiệu được xã hội nhờ vận dụng những điều kiện lịch sử riêng của tình hình VN: lợi dụng được lòng yêu nước của toàn dân làm chiến tranh giải phóng cướp chính quyền, lập chế độ độc tài toàn trị để giữ chính quyền. Vào đầu những năm 80, đảng cộng sản phải chấp nhận từ bỏ đường lối “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, mà “đổi mới” để tránh cho chế độ sụp đổ. Thoát nạn, chính quyền vận dụng công an và quân đội để duy trì quyền lực cho phe cánh cầm quyền. Mở rộng tham nhũng cho đảng viên chức quyền, đồng nhất đảng với Tổ quốc. Và ngày nay, để giữ vững chánh quyền, đảng cộng sản tuyên bố cương quyết giữ con đường xã hội chủ nghĩa vì cho rằng chủ nghĩa xã hội vẫn là “lương tâm của thời đại”.
Phe Dân chủ chưa thành công
Phía cầm quyền từ hơn 30 năm nay gặp phải nhiều khó khăn, có khi tưởng chừng như chế độ đã phải sụp đổ, nhưng họ vẫn vượt qua được. Chế độ tiếp tục tồn tại bằng những nghịch lý như ngoại xâm và nội loạn (diễn biến hòa bình). Trong lúc đó phe dân chủ có sức mạnh vì đại diện cho lẽ phải, cho lương tâm thời đại thật sự, tức tranh đấu cho Dân chủ tự do, mà lại chưa thành công.
Có người cho rằng sở dĩ phe Dân chủ chưa thành công mặc dầu có chính nghĩa nhưng thiếu văn hóa tổ chức. Người khác phản biện, lập luận rằng nếu có đường lối tranh đấu đúng, thích hợp với tình hình chắc chắn sẽ thành công. Bởi có văn hóa tổ chức mà tranh đấu ồn ào, chỉ nhằm ve vãn, hoặc sẵn sàng thỏa hiệp với cộng sản, thì dù có văn hóa tổ chức đi nữa, cũng sẽ không thành công. Chỉ thành tay sai cho cộng sản.
Theo quan điểm này, thì đường lối đấu tranh phải thống nhất cho mục tiêu tối hậu là giành lấy dân chủ để thực hiện “quyền người dân tự cai trị chính mình”.
Cuộc tranh đấu dân chủ là đa dạng, có nhiều mức độ khác nhau. Người tranh đấu phải có cái nhìn toàn diện. Không chỉ thấy sức mạnh bạo lực của cộng sản, mà đồng thời phải thấy xã hội đang có chuyển động thuận lợi.
Tranh đấu dân chủ là nhằm giành lấy lại chủ quyền từ đảng cộng sản độc tài về cho người dân, nhưng người dân lại thiếu hiểu biết về một xã hội dân chủ . Đối với họ, vấn đề dân chủ, Tự do hảy còn quá xa vời . Cho nên người trí thức phải có trách nhiệm can đảm đứng lên nắm lấy vai trò chủ động kêu gọi, vận động, giáo dục, kết hợp dân chúng thành một phong trào quần chúng tranh đấu đòi Dân chủ. Nhưng trước tiên phải biết hướng dẩn phong trào quần chúng nhằm vào những mục tiêu thiết thực đến đời sống của họ để phát triển và củng cố phong trào . Khi phong trào đã mạnh, những mục tiêu thiết thực về đời sống của quần chúng đạt được, thì mục tiêu Dân chủ Tự do ở ngay trước mắt.
Phong trào Dân chủ còn được nhận định sở dĩ chưa thành công vì không khắc phục được một số hạn chế: đa dạng, rời rạc, nên thiếu tiếng nói chung; đa số người tranh đấu dân chủ đều lớn tuổi; thiếu sự ủng hộ của quần chúng; thiếu hiểu biết lý thuyết dân chủ và kinh nghiệm tranh đấu dân chủ của thế giới; mâu thuẫn với nhau vì sự yểm trợ từ bên ngoài …
Có người cho rằng, cũng như Tàu, Việt nam không có văn hóa chính trị, tức không có tư tưởng Dân Chủ rõ ràng, thành hệ thống. Việt Nam dưới thời quân chủ trải dài hàng ngàn năm nên mầm móng dân chủ đó không nảy nở. Nhà vua hiền, biết thương dân,biết trọng ý dân, ý dân là ý Trời, dân thấy là Trời thấy, …nhưng “biết trọng ý dân” đã không được định chế hóa để áp dụng vào xã hội xây dựng thành thể chế dân bản, tức “do dân” thì tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã ào chụp tới bao trùm lên xã hội mà người dân không có quyền khước từ vì không thích hợp .
Nhận xét
Trong một bức thư gởi TW đảng, nhiều nhà cách mạng lão thành nhận định Đảng đang ở vào tình thế hầu như rất khó thoát khỏi thảm trạng đổ vỡ cả về tư tưởng và tổ chức. Uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân, của chính đảng viên đang trong trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng.
Biến chất, tham nhũng, bao che, dung túng tệ nạn tạo thành hệ thống cùng nhau cướp đất của dân, tạo sự đối kháng giữa nông dân với Đảng, chính quyền.
Ở Việt Nam ngày nay, tiền quyết định tất cả. Hố ngăn cách giàu nghèo quá nghiêm trọng. Những người lương thiện cơ hồ như không có đất sống cho mình.
“Vụ án chính trị siêu nghiêm trọng” đã được kết luận từ những nhiệm kỳ Đại hội trước nhưng đến nay đã không xử lý . Tổng bí thư kiêm Bí thư Đảng ủy quân sự TƯ đã bao che. Và một việc đặc biệt lưu ý là Lê Đức Anh được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Gần đây có khá nhiều đảng viên bất mãn tố cáo nó đã liên kết với cơ quan tình báo Trung Quốc để nhằm củng cố phe cánh cầm quyền, không quan tâm tới quyền lợi đất nước?
Những điều kiện khách quan để thay đổi chế độ đã có nhưng phong trào Dân chủ chưa đủ sức đứng dậy làm cuộc thay đổi.
Vậy ở Việt Nam thật sự có Phong trào Dân chủ hay chỉ có những người bất đồng chính kiến?
Phải nói ở Việt Nam chưa có một Phong trào Dân chủ đúng nghĩa của nó. Có đây đó những người lên tiếng phê phán chế độ, đòi hỏi chế độ cải thiện hoặc nhiều lắm là thay đổi chế độ cho dân chủ hơn.
Phần lớn dựa vào đảng đang cầm quyền đòi hỏi thay đổi, loại bỏ người xấu bằng người tốt. Chưa có ai đưa ra đề nghị có giá trị cơ chế thay đổi như thế nào để thuyết phục những người cùng có chung ý muốn thay đổi để tổ chức thành một phong trào rộng lớn.
Còn Đảng? Nên nhớ ở Việt Nam chỉ có một đảng độc nhứt hoạt động hợp pháp. Việt Nam không có qui chế Chính đảng để chấp nhận một đảng thứ hai ngoài đảng cộng sản. Trong tình hình đó, đảng ở Việt Nam chủ trương hoạt động ôn hòa là thế nào? Tranh thủ quần chúng chiếm đa số để cầm quyền hay đối lập đều không được phép. Hoạt động bí mật thì phải võ trang, cướp chính quyền. Lại càng không bị bế tắc.
Thôi thì đảng “đăng ký” đó chờ cơ hội thuận tiện!
Nhưng có điều ai cũng thừa nhận là trong mọi công cuộc tranh đấu, kết quả luôn luôn tùy thuộc ở tương quan lực lượng.
Trong tình hình VN, phe dân chủ cần phải thắng vì đó là nguyện vọng của toàn dân tộc.
Phe dân chủ phải thắng để chấm dứt tham nhũng, sự băng hoại xã hội, tạo điều kiện tốt xây dựng và phát triển đất nước tiến lên với các nước trong vùng . Trước nhất và sinh tử, Việt Nam phải có dân chủ để có thể động viên toàn dân cứu nước và giử nước trước hiểm họa mất nước vì cùng “phe xã hội chủ nghĩa”.
Bài tham luận tại HMDC Hannover. Đàn Chim Việt biên tập và tựa đề. Đầu đề của tác giả: Khuynh hướng và đặc tính của Phong trào Dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày nay
No comments:
Post a Comment