Pages

Sunday, October 9, 2011

Liệu có thể trông đợi ở con cháu các cụ?

Hai Ủy viên dự khuyết TW trẻ nhất:
Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Xuân Anh
Mạc Việt Hồng
 Con cháu các cụ hay còn gọi là C.C.C. C hoặc 4C đang là một nhóm người hưởng những đặc quyền đặc lợi của đất nước, có lẽ chỉ sau một tầng lớp, đó là “các cụ”. Họ là con cái của các quan chức lớn, thường là từ hàng tỉnh, tới trung ương, bộ Chính trị…
Không mang một kiến thức chắp vá, vay mượn, bằng cấp mù mờ về nguồn gốc như phần lớn lớp cha ông mình, những 4C ngày nay, nhiều người được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, ở các nước phương Tây. Và tất nhiên, sau đó là những vị trí trọng yếu trong cơ cấu quyền lực của đất nước.
Đi ‘tiên phong’ trong chuyện gửi con cái ra nước ngoài du học phải kể tới thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông có 3 con ăn học ở nước ngoài, từ bậc phổ thông, tới cao học, rồi tiến sĩ. Các con của ông, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Minh Triết, sau khi tốt nghiệp, về nước, lần lượt được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong các ngành nghề khác nhau.
Nghị với tuổi đời ngoài 30 đã là hiệu phó trường Đại học Kiến trúc Tp. HCM, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành trung ương Đảng. Phượng ở tuổi 25-26, kinh nghiệm cuộc sống lẫn kinh doanh chưa có bao nhiêu nhưng đã điều hành quỹ đầu tư với số vốn trên 100 triệu đô la. Triết vừa tốt nghiệp ở Anh về, đã chiếm ngay một ghế ở bộ Quốc phòng.
Có thể kể rất nhiều tấm gương ‘tuổi trẻ tài cao’ của nhóm con ông cháu cha ở Việt Nam hiện nay. Ví như tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976 vừa được ‘bầu’ vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành trung ương Đảng và giữ chức vụ phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, một trong những thành phố lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam trong những năm qua. Xuân Anh là con của nguyên Chủ nhiện UB Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi.

Hai Ủy viên dự khuyết TW trẻ nhất:
Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Xuân Anh
Vị bộ trưởng Ngoại giao trẻ, sinh năm 1959, Phạm Bình Minh, người vừa có những phát biểu gây tranh cãi về vấn đề nhân quyền của Việt Nam khi ông so sánh với bạo động ở Anh cũng có 2 con trai du học ở Mỹ. Ông Minh kế nghiệp cha mình là ông Nguyễn cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) để trở thành bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam. Sẽ không có gì lạ, nếu nay mai, 2 cậu công tử tiếp tục truyền thống gia đình, nắm giữ những trọng trách trong lĩnh vực Ngoại giao của nước nhà.
Giữ cương vị Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam trong 10 năm, từ 2001 tới 2011, trước khi về hưu, tổng Mạnh cũng đã thu xếp cho con trai trưởng là Nông Quốc Tuấn chức vụ Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cháu nội của tổng Mạnh, theo một nguồn tin khá tin cậy, cũng đang du học chuyên ngành an ninh tại Anh quốc.
Đó là con các quan to, còn nhỏ hơn chút xíu, mới đây báo chí Úc đã tốn bao giấy mực về chuyện học hành của Lê Đức Minh, con cựu Thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy, mà người ta ngờ rằng học phí cho Minh là một khoản tiền hối lộ.
Nhưng chuyện học phí, không liên quan gì, ít nhất, ở bài viết này. Xét trên góc độ học thức, bất kỳ ai, con quan hay con dân, nếu được đi học, mở mang đầu óc, đem kiến thức phục vụ đất nước thì đều tốt cả. Và nếu như, các cô chiêu cậu ấm thực sự giỏi giang, trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì cũng không có điều gì đáng bàn. Nhưng môi trường như thế không tồn tại ở bất kỳ quốc gia độc tài nào, dù cộng sản hay không cộng sản.
Rất nhiều người, trong đó có cả một số nhà hoạt động dân chủ kỳ vọng vào sự thay đổi về nhận thức, sự hình thành xã hội dân sự, hay thúc đẩy nền dân chủ đa nguyên từ lớp trẻ được học hành bài bản ở những quốc gia phương Tây. Cựu đại sứ Mỹ, Micheal Michalak trong một phát biểu vài năm trước cũng tỏ ý hy vọng ở lớp du sinh này, cái mà người Mỹ cho là “chuyển hóa bằng giáo dục”.
Theo thống kê, lượng sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ năm 2010 vào khoảng 13 ngàn, chiếm vị trí thứ 9 trong số sinh viên nước ngoài đang theo học tại Hoa Kỳ.
Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền kỳ vọng vào tầng lớp tinh hoa, những người được ăn học đàng hoàng tử tế, và Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng kỳ vọng đó có thể đặt vào nhóm con cháu các cụ hay không?
Để trả lời câu hỏi này, xin hãy nhìn qua một số sự kiện diễn ra gần đây trên thế giới.
Trong trát truy nã của Interpol hôm tháng trước đối với nhà độc tài Libya, Gadhafi, có tên người con trai của ông ta là Saif al-Islam. Nhìn vô ‘lý lịch trích ngang’ của công tử này, người ta có thể thấy, anh ta đã tốt nghiệp đại học Tổng hợp Al Fateh ở thủ đô Tripoli (Libya), sau đó theo học MBA tại một đại học ở Viên (Áo) và tiếp đến lấy bằng tiến sĩ tại trường Kinh tế London.
Rõ ràng Saif al-Islam được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo. Nhưng những hành xử của anh ta đã không khác gì một tên bạo chúa.
Cùng với cha mình, Saif al-Islam đã gây ra nội chiến ở Libya nhằm cứu vãn quyền lực và núp sau nó là tài sản kếch xù của gia đình, dẫn tới cái chết của khoảng 50.000 người. Và giờ đây, Saif al-Islam trở thành một kẻ phạm tội ác chống lại nhân loại.
Làn sóng đòi dân chủ hóa cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại Syria, đất nước được lãnh đạo bởi vị tổng thống trẻ, sinh năm 1965 và mang học hàm tiến sĩ là Bashar al-Assad. Bashar là con trai của cựu tổng thống Hafez al-Assad. Ông ta trở thành lãnh tụ của đất nước theo một thể thức gần như cha truyền con nối, được đảm bảo bằng cách sửa đổi hiến pháp quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối, tương tự như hiến pháp Việt Nam hiện nay.
Dù mang dáng dấp của một chính trị gia Tây phương, nhưng Bashar đã từ chối tất cả những đòi hỏi cải cách dân chủ của phe đối lập và không ngần ngại ném những người bất đồng chính kiến vào tù với những bản án hết sức nặng nề. Dưới bàn tay sắt máu của ông ta, hàng ngàn thường dân Syria đã ngã xuống trong các cuộc biểu tình khi phải đối chọi với dùi cui và súng đạn của lực lượng an ninh. Thế giới, trong đó có nhiều nước thuộc khối Ả Rập, đang lên án mạnh mẽ và tẩy chay chính quyền của Bashar.
Nhìn qua Á châu, con trai út của Kim Chính Nhật là Kim Jong Un mới 27 tuổi nhưng đã được đặc cách phong hàm Đại tướng và chuẩn bị bước vào ngai vàng nối ngôi cha và ông nội. Chàng công tử 27 tuổi này từng học trường Quốc tế ở Berne, Thụy Sĩ và nói tốt tiếng Anh, tiếng Đức. Dự kiến, Kim Jong Un sẽ bắt đầu việc điều hành đất nước vào mùa xuân tới. Dù trẻ tuổi và được ăn học ở phương Tây, nhưng tương lai của Bắc Triều Tiên chắc không có gì sáng sủa hơn, khi mới đây, cha con họ Kim đã ra quyết định đóng cửa hàng loạt trường đại học và cao đẳng và tống sinh viên đi lao động ở nông thôn. Một kiểu sỉ nhục trí thức không khác gì cuộc cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc hồi thế kỉ trước!
Trong bài viết cách đây vài tháng, nhà báo nước ngoài Stephen Kinzer đã thống kê hàng loạt con cái của các nhà độc tài từ Saddam Hussein tới cựu tổng thống Ai Câp Hosni Mubarak, qua đó, cho thấy rằng, con cái các nhà độc tài thậm chí còn đam mê quyền lực, ham hố địa vị và tiền bạc hơn cả cha chúng. Các ông ‘con trời’ đã không ngán bất kể thủ đoạn nào từ đàn áp, tra tấn tới thủ tiêu để kéo dài quyền lực và vơ vét cho đầy túi tham.
Sự độc tài ở Việt Nam hiện nay, tất nhiên, mang một sắc thái khác, không cha truyền con nối trắng trợn, lộ liễu như ở mấy nước Bắc Phi. Nhưng nhìn vào thế hệ lãnh đạo ở nước ta hiện nay, người ta có điểm mặt ra rất nhiều vị là con cháu các lãnh đạo cộng sản tiền bối, và một thế hệ kế tiếp rất có thể lại chính là con cháu của những người này.
Học thức hoàn chỉnh hơn, diện mạo sáng sủa hơn cha ông mình, nhưng hy vọng ở sự thay đổi từ họ có lẽ sẽ là hão huyền.
Sinh thời, Marx – ông tổ của chủ nghĩa cộng sản – đã nói đại khái rằng, nếu lợi nhuận lên tới 200% thì nhà tư bản sẵn sàng treo cổ cả bố đẻ hắn lên. Lợi nhuận thời Marx nếu so sánh với lợi nhuận của đám quan chức tư bản đỏ ngày nay chắc chỉ đáng mấy đồng bạc lẻ. Địa vị, chức vụ đã gắn liền với tiền bạc, với nhà cửa đất đai, dự án và vô sồ tài khỏan chìm nổi trong các nhân hàng. Rồi vì khối tài sản hàng triệu, hàng tỉ đô la đó, những 4C liệu có treo cổ cả cái dân tộc này lên không?
© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment