Anh bây giờ làm lớn lắm rồi nhưng với tôi anh vẫn là anh Tư ngày nào. Lâu lắm tôi không được gặp anh nhưng lúc nào tôi vẫn dõi theo từng bước chân anh. Nói có vẻ hơi quá, thực ra ở cương vị của anh mỗi việc anh làm, mỗi bước anh đi đều được đài báo đưa lên không sót nên cứ chú ý đọc báo xem đài có nghĩa là đang dõi theo anh đó thôi.
Nhờ vậy mà tôi biết sau khi nhậm chức, anh hứa kiên quyết chống tham nhũng, kiên quyết loại bầy sâu trong bộ máy nhà nước. Anh đã tránh mặt không thèm tiếp sứ giả đến từ phương Bắc để khỏi phải ôm vào lòng cái bọn đã từng tắm máu nhân dân mình ở biên giới phía Bắc lẫn trên Biển Đông và đang tiếp tục chứa một bồ dao găm để sẵn sàng đâm vào nhân dân ta bất kỳ lúc nào. Chúng nó vấy đầy máu dân mình, ôm chúng nó vào lòng làm gì cho vấy máu theo anh nhỉ.
Nhiều người rất vui khi thấy anh chuẩn bị đi Ấn. Đó là quốc gia kỳ vỹ theo nhiều nghĩa mà Việt Nam rất cần phải chơi thân. Không phải chỉ vì lúc này ta đang khó với bọn bành trướng phương Bắc mà ta cần đến sự giúp sức của họ để quân bình cán cân quyền lực ở Biển Đông. Hơn ai hết, Ấn Độ là quốc gia xứng đáng để về lâu về dài ta nên kết bạn để học hỏi.
Hẳn anh đã biết, Ấn Độ là cái nôi của một nền văn minh lớn của nhân loại, là nơi xuất phát của bốn tôn giáo lớn là Hindu, Phật, Jain và Sykh, trong đó Hindu là tín ngưỡng của gần một tỷ dân Ấn và Phật giáo là tôn giáo ảnh hưởng sâu đậm lên đời sống tinh thần qua hàng 1000 năm của gần 2 tỷ người ở Đông Á, bao gồm Sri lanca, Mianma, Thái Lan, Lào, Kampuchia, Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản.
Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, Ấn độ dành được độc lập từ Đế quốc Anh bằng đường lối vừa hợp tác với người Anh vừa tranh đấu bất bạo động. Đây là cách làm mà đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, Phan Chu Trinh đã đi trước để cổ súy nhưng rất tiếc ông đã đi sớm trước thời đại và những người đi sau ông lại nôn nóng giành độc lập theo kiểu dựa vào Liên Xô và Trung Cộng để đấu tranh bạo lực.
Ấn Độ dành được độc lập sau đó xây dựng thành một quốc gia dân chủ và nền dân chủ đó liên tục và tồn tại bền vững cho đến bây giờ. Nền dân chủ đó ảnh hưởng lên trên 1 tỷ công dân nên trở thành một nền dân chủ lớn nhất thế giới hiện nay.
Khác xa với TQ, nhà nước dân chủ Ấn Độ thực sự bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong hiến pháp và thực sự chăm lo đến sự ấm no và hạnh phúc của toàn dân.. Từ một nước thuộc địa, đông dân, đói nghèo, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, Ấn độ đã nhanh chóng vươn lên giàu mạnh và chiếm lĩnh một số ngành mũi nhọn như công nghiệp chế tạo máy, hàng không vũ trụ, hạt nhân, công nghệ thông tin, công nghiệp Điện ảnh,... Ở Ấn Độ chỉ có cách mạng xanh, cách mạng trắng, cách mạng khoa học kỷ thuật... đem lại no ấm và hạnh phúc cho người dân chứ không hề có cách mạng vô sản, cách mạng văn hóa, đấu tranh giai cấp, đấu tố chủ đất, cải tạo tiêu diệt công thương nghiệp tư nhân, đại nhảy vọt xuẫn ngốc... mà mỗi cuộc nổ ra giết đi hàng triệu dân gây ra bao cảnh tang thương, để lại những di chứng đau đớn kéo dài về tinh thần như ở TQ. Và chắc chắn nhà cầm quyền Ấn Độ không hề mang xe tăng ra cán lên hàng vạn người dân biểu tình bất bạo động ngay giữa trung tâm thủ đô. Họ cũng không xua hàng đàn công an đêm ngày theo dõi, rình rập người biểu tình yêu nước hoặc bắt bớ giam cầm vô tội vạ người dân lành...
Ấn Độ còn những vùng rất nghèo, còn một bộ phận dân chúng có đời sống chưa cao nhưng đâu đâu cũng thấy người dân sống trong tự do hạnh phúc. Vì họ có một nhà nước dân chủ trung thực để tin cẩn và một tôn giáo lớn đầy nhân bản để gửi gấm phần hồn. Tôi đã từng đi qua những làng quê nghèo của Ấn Độ, thấy những nông dân Ấn còn đi chân đất, lưng trống, đầu trần nhưng nét mặt họ vẫn ngời lên rạng rỡ.
Nói như vậy không có nghĩa là không có cảnh oan khiên, bất công ở xã hội Ấn Độ. Vấn đề là những oan khiên bất công ấy là do những viên chức, cá nhân xấu xa cố tình vi phạm luật pháp gây ra (nhưng về sau họ cũng bị luật pháp vạch trần và trừng trị) chứ không phải do nhà cầm quyền nhân danh nầy nọ gây ra như ở Trung Cộng, Triều Cộng...
Người Trung Hoa tàn bạo đến mức người ăn thịt người như ông Lê Duẩn đã từng nói. Mà thực tế những chuyện chém giết không chùn tay hàng triệu người qua các cuộc cách mạng, đấu tố, và thanh trừng nội bộ diễn ra trong thế kỷ 20 cho ta thấy những gì sử sách nói về sự tàn bạo của người Trung Hoa như giết người làm nhân bánh bao là không sai.
Hiểu được bản chất tàn bạo độc ác của dân mình, vua Đường thời đó đã không tiếc tiền của, gởi một đoàn nhà sư vượt hàng vạn dặm đường đến tận Thiên Trúc để thỉnh kinh Phật. Vua Đường đã nhìn xa trông rộng, dẹp bỏ tự ái coi mình là nước văn minh trung tâm của thế giới, khi cho thỉnh cái tinh thần từ bi, hỉ xả, vị tha của Phật giáo Ắn Độ về cải tạo dân mình. Từ đó Đạo Phật từ bi đã ảnh hưởng lên đời sống của hàng trăm triệu dân Trung Hoa rồi lan tỏa ra các nước láng giềng khác. Chắc chắn nhờ vậy mà người Trung Hoa trở nên hiền lành tốt đẹp hơn cho đến khi Mao du nhập một tinh thần bạo lực xa lạ khác về nhồi sọ toàn dân gây ra bao thảm cảnh oán than vượt xa thời Trụ Kiệt.
Trở lại chuyện Ấn Độ. Bề dày văn hóa nhân bản từ ngàn đời, tư tưởng bất bạo động hiền hòa, nền dân chủ lành mạnh đã tạo nên một Tinh thần Ấn Độ trong thời đại mới. Tinh thần đó đang mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân Ấn Độ và giúp Ấn Độ vươn ra chinh phục tình cảm của nhiều nước láng giềng và trên thế giới. Đạo Phật của Ấn Độ thời xưa đâu có cần tấp nập gởi các tu sĩ ra bên ngoài kèm theo tiền nong và súng đạn mà vẫn lan tỏa ra khắp các nước Đông Á đó sao.
Lần nầy anh Tư du Ấn, ngoài việc thúc đẩy tăng cường các mục tiêu hợp tác chiến lược để đối phó với tình hình trước mắt thì cũng nên nghĩ xa hơn cho sự hợp tác lâu dài giữa hai dân tộc là quan tâm đến Tinh Thần Ấn Độ. Và nếu anh “thỉnh” được cái tinh thần ấy về Việt Nam thì hạnh phúc biết bao cho dân ta. Công ơn của anh sẽ được ghi nhớ đến ngàn đời không thua kém gì Đường Thái Tôn và Huyền Trang Bồ Tát.
Chúc chuyến du tây của anh thành công tốt đẹp.
Hùynh Ngọc Chênh Blog
No comments:
Post a Comment