Pages

Sunday, October 9, 2011

Liêm sỉ ở đâu khi so sánh nhân quyền Anh- Việt?

    Huỳnh Thục Vy
Bộ trưởng Phạm Bình Minh
Cuối tháng 9 vừa qua, bên lề chuyến đi New York tham dự Hội nghị thường niên của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, khi bị chất vấn  về việc Nhà cầm quyền Việt Nam trấn áp các cuộc biểu tình, trước Hội đồng quan hệ đối ngoại (một tổ chức chức nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ) ông Phạm Bình Minh đã phát biểu: “Hãy nhìn vào nước Anh. Nếu quý vị có lo ngại về an ninh, quý vị phải có biện pháp thôi. Đó là chuyện bình thường”.
Theo lời ông, chúng ta cũng nên nhìn vào nước Anh, phải nhìn thật kỹ để xem hành động trấn áp biểu tình của công an Việt Nam có “bình thường” như lời ông Ngoại trưởng nói hay không, và về bản chất có giống với cuộc trấn áp bạo loạn của cảnh sát Anh hay không!
1/ Đừng nhập nhằng giữa đạo đức cá nhân với tính chất thể chế
Các cuộc bạo loạn cùng với sự trấn áp bạo loạn hồi tháng 8 ở Anh là một ví dụ để những ai ủng hộ Nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng: không chỉ có công an Việt Nam đánh chết người; việc cảnh sát bắn chết người cũng xảy ra ngay tại một quốc gia dân chủ tự do nhất; và việc đàn áp nhân quyền diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trước tiên, ở đây có sự khác biệt giữa việc “đánh chết” và “bắn chết”. Việc đánh chết một người diễn ra trong một khoảng thời gian đủ để người gây tội ác nhận thức được hậu quả hành động của mình mà dừng lại đúng lúc. Còn việc dùng súng bắn chết ai đó là việc chỉ diễn ra trong tích tắc, mà sự nhầm lẫn, bất cẩn hay ức chế tâm lý có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng mà chủ thể không có đủ thời gian để đảo ngược hành động. Việc bắn chết người trong những trường hợp khẩn cấp khác hẳn với việc đánh chết người bí mật ở trụ sở công an vì những lý do rất ngớ ngẩn như không đội mũ bảo hiểm, như trường hợp ở Bắc Giang, Hà Nội cùng nhiều vụ đánh chết người khác xảy ra khắp Việt Nam. Nhưng cứ cho là cảnh sát Anh cũng vì thói hung hăng như công an Việt Nam mà làm chết người, thì cũng không có lý do gì để dựa vào đó mà một Bộ trưởng, hay bất cứ người nào dùng sự việc này để so sánh tình trạng nhân quyền Anh-Việt.
Chúng ta nên có cái nhìn bao quát; không thể ngụy biện nhập nhằng giữa đạo đức cá nhân và phẩm chất của hệ thống chính trị. Một thể chế dân chủ không thể luôn đảm bảo sự lương hảo trong nhân cách và sự nghiêm minh trong hành vi của nhân viên công lực. Sự trục trặc trong nhân cách của một vài cá nhân nhân viên công lực không liên quan trực tiếp đến tính chất của nền chính trị và luật pháp. Nó chỉ có thể là manh mối để chúng ta xem xét những vấn đề lớn hơn. Ở đâu trên thế giới này cũng có những kẻ bất hảo. Tôi luôn nghĩ rất ít người có thể tự thúc ước mình nếu không có một cơ chế ngoại lai hữu hiệu (luật pháp) thúc ước họ. Nên tôi luôn đặt sự trông cậy lớn vào luật pháp chứ không phải đạo đức, trong sự thúc ước hành động tội ác của con người. Ổn định xã hội nên dựa vào luật pháp chứ không dựa vào lòng tốt, dù thiện tâm là điều rất cao quý.
Dù có những vụ bê bối xảy ra, người dân Anh có thể yên tâm và tin tưởng rằng những sự việc đáng tiếc như thế sẽ ít khi xảy ra, nếu có xảy ra thì họ cũng có thể giám sát được thái độ và hành động của chính quyền, rồi người có tội và những người liên quan sẽ bị trừng phạt bởi nước Anh có nền pháp trị nghiêm minh và xã hôi dân sự mạnh mẽ.  Dù cảnh sát Anh trong thời gian gần đây mang nhiều tai tiếng, nhưng đại đa số người Anh  không  dựa vào đó mà khẳng định bộ máy cảnh sát của họ bất hảo và hệ thống chính trị của nước Anh cần phải bị thay đổi như cái cách mà chúng ta nhìn nhận bộ máy công an và chính quyền Việt Nam.
Còn người Việt Nam,  khi nào còn sống dưới chế độ độc tài thì sẽ còn tiếp tục lo sợ những mối “tai bay vạ gió” như thế sẽ thình lình đổ ập lên đầu mình, mà ngoài việc bùng nổ bức xúc ( trong những trường hợp đánh lại công an, đập phá xe công an đã xảy ra) người dân không thể có những hành đồng phản đối hữu hiệu nào khác và cũng không được bảo vệ bởi một cơ chế hữu hiệu nào. Và không có gì bảo đảm những sự việc như thế sẽ không tiếp diễn khi bộ máy công an và chính quyền Việt Nam bao che cho nhau từ trên xuống dưới. Ở đây, có một sự khác biệt lớn giữa hành động mang tính hiện tượng và hành động thuộc về bản chất. Bởi vậy đừng chỉ dừng lại ở hành động làm chết người mà phải tìm hiểu thêm những gì diễn ra sau đó.
2/ Trấn áp tuần hành ôn hòa cũng “cần thiết” và “bình thường” như trấn áp bạo động?
Vụ cảnh sát bắn chết người lái taxi Mark Duggan được coi như là duyên cớ cho các cuộc bạo động ở Anh. Nhưng phải xác định rõ ràng rằng: cuộc biểu tình đòi công lý cho Mark Duggan được tổ chức bởi thân nhân của anh ta và những người lãnh đạo cộng đồng Tottenham chỉ là một cuộc biểu tình phản đối ôn hòa được dự kiến diễn ra trong thời gian ngắn; và người ta đã rút lui nhanh chóng khi cuộc biểu tình biến thành cuộc bạo động của những thanh niên không liên quan. Về bản chất các cuộc bạo động đốt phá và hôi của của thanh niên kéo dài nhiều ngày đã không còn dính dáng gì đến cuộc biểu tình đòi công lý cho Mark nữa. Vì thế, việc cảnh sát Anh dẹp loạn chẳng phải là việc trấn áp một cuộc biểu tình đòi công lý và nhân quyền. Theo BBC Việt ngữ, người dân của thành phố đã vỗ tay hoan nghênh khi xe cảnh sát đến để vãn hồi trật tự sau những cuộc đốt phá.
Chúng ta hãy so sánh để thấy rõ sự khác biệt giữa một bên là những cuộc bạo loạn hôi của, phá hoại của thanh niên và trẻ em vị thành niên quá khích ở Anh với một bên là cuộc tuần hành ôn hòa của những con người yêu nước lương hảo, có tri thức với quan điểm rõ ràng và cao cả là chống ngoại xâm, đấu tranh đòi tự do tôn giáo hoặc đòi đất đai bị cưỡng chiếm như ở Cồn Đầu- Đà Nẵng. Khi đưa ra sự so sánh như thế, ông Phạm Bình Minh đã đánh đồng những người biểu tình yêu nước, những giáo dân, dân oan với những thanh niên gây rối và bất hảo. Đây là một sự sỉ nhục những người trí thức yêu nước và nhân dân Việt Nam đến từ một quan chức cao nhất trong bộ Ngoại giao.
Trật tự công cộng, luật pháp và an ninh quốc gia cần phải được tôn trọng và lập lại ở Anh, nên cảnh sát đã được điều động. Nhưng theo BBC : “Trong những ngày bạo loạn tại London và một số tỉnh hồi đầu tháng Tám, người ta đã thấy cảnh sát Anh kiềm chế và trong rất nhiều trường hợp không chống lại những người biểu tình ném gạch đá hay bom xăng vào họ để tránh căng thẳng leo thang. Ngay cả khi lửa cháy tại nhiều nơi, cảnh cướp phá diễn ra hàng loạt, cảnh sát cũng không được trang bị vòi rồng và đạn thật hay đạn cao su nhằm tránh gây thương vong và đổ thêm dầu vào lửa”. Còn ở Việt Nam, không những trật tự chung và an ninh quốc gia chẳng hề bị xâm phạm khi người dân biểu tình mà chính việc biểu tình này là một hành động cụ thể nhất biểu tỏ tinh thần trách nhiệm của họ đối với cộng đồng xã hội, nền an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Vậy mà lực lượng công an Việt Nam không tỏ ra kiềm chế như cảnh sát Anh, họ đã hung hăng thẳng tay lôi những người biểu tình lên xe buýt, thẳng chân đạp liên tiếp vào mặt một người biểu tình, hăm dọa và liên tục theo dõi người biểu tình. Nói một cách chính xác, trong những cuộc biểu tình vừa qua, bạo động không xuất phát từ phía người dân mà là từ phía lực lực công an.
Tôi không thấy một một sự tương đồng khã dĩ nào ở đây. Chỉ có những người khả năng trí tuệ dưới mức trung bình mới có thể so sánh các cuộc bạo động ở Anh với các cuộc biểu tình ôn hòa của những người Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mùa hè vừa qua; cộng với sự đánh đồng cách hành xử của cảnh sát Anh với công an Việt Nam.  Ấy vậy mà một người đang ở cương vị ngoại trưởng một quốc gia có thể mạnh miệng so sánh hai sự việc ấy với nhau thì nếu đầu óc ông ta không có vấn đề thì liêm sỉ cũng thiếu vắng nghiêm trọng trong nhân cách con người này.
3/ “An ninh quốc gia” là một cụm từ dễ bị lợi dụng
Trong bất nền chính trị nào, đối với bất cứ chính phủ một quốc gia nào, an ninh quốc gia luôn là một vấn đề quan trọng. Nhưng an ninh quốc gia đặt trong mối tương quan giữa tự do của người dân và quyền lực của chính quyền luôn là một vấn đề phức tạp, dễ gây nhầm lẫn và dễ bị lợi dụng, đặc biệt là ở các xứ độc tài. Nhưng dù có những khó khăn như thế, chúng ta luôn có thể suy xét mọi vấn đề chính trị- xã hội một cách đúng đắn và minh bạch nhất trong lương thức của loài người.
Trong một nước dân chủ, người ta, một mặt luôn tìm mọi phương pháp hữu hiệu nhất để duy trì an ninh, bảo đảm sự an toàn của người dân và tạo một môi trường ổn định cho sự phát triển quốc gia; mặt khác, họ luôn thận trọng và cân nhắc để mục tiêu an ninh chung không phải là một vật cản trở sự thăng tiến nhân quyền và tự do dân sự. Nếu không làm được như thế, một chính quyền dân chủ biết được hậu quả mà họ phải lãnh nhận là gì!
Còn ở Việt Nam, vấn đề an ninh quốc gia luôn là cái lý cớ cho chính quyền trấn áp biểu tình, ngăn cấm sự thành lập của các hội đoàn dân sự và đàn áp những nhà bất đồng chính kiến. Trong luật pháp, “an ninh quốc gia” được định nghĩa rất mù mờ, tạo kẽ hỡ lớn cho sự tùy tiện hành động của chính quyền. Mục tiêu “an ninh quốc gia” luôn là phương cách hoàn hảo để họ tước đoạt quyền tự do công dân. Cái gọi là “an ninh quốc gia” trong đất nước này, không phải là sự ổn định chung cho chủ quyền đất nước và trật tự xã hội mà chính là sự vững vàng của chế độ trên sự cam chịu của dân chúng.
Quả vậy, khi xem xét mọi vấn đề, chúng ta nên tập chú vào bản chất hơn là hiện tượng. Mọi cái nhìn phiến diện đều là sự cản trở con đường nhận thức đúng đắn. Đừng ngụy biện và cũng đừng để kẻ ngụy biện dễ dàng lừa dối.
Để kết thúc bài viết này, tôi có một lời nhắn nhủ đến cá nhân ông Ngoại trưởng- ông Phạm Bình Minh và những nhà lãnh đạo giỏi chém gió của chúng ta rằng: Quý vị hãy để người dân Việt Nam được tự do, điều này cũng là để cho quý vị một cơ hội, đừng tự đào một cái hố ở đằng sau mỗi bước tiến của mình để đến một ngày nào đó quý vị sẽ kinh hoàng khi nhân dân Việt Nam nói với quý vị  một câu tương tự: “Các ông hãy nhìn vào nước Lybia. Nếu chúng tôi có lo ngại về chủ quyền quốc gia, về tự do, an sinh và tiền đồ của chúng tôi, chúng tôi phải có biện pháp thôi. Đó là chuyện bình thường”.
Tam Kỳ ngày 8 tháng 10 năm 2011
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment