Lê Minh Nguyên
Kể từ khi anh sinh viên Mohamed Bouazizi tự thiêu ngày 17/12/2010 để phản đối chính quyền độc tài, bất công và tham nhũng của Tổng Thống Zine el Abidine Ben Ali ở Tunisia, một phong trào dân chủ đã bùng lên mãnh liệt ở Bắc Phi và Trung Đông và hiện đang tiếp diễn, còn được gọi là Mùa Xuân Á Rập. Nó đã thành công một cách ôn hòa và vẻ vang ở Tunisia, Ai Cập. Nó diễn biến tương đối ôn hòa dù có đàn áp ở Jordan, Bahrain, Algeria, Sudan, Mauritania. Nó đẩm máu ở Lybia, Syria và Yemen. Tuy đẩm máu nhưng nó đã thành công ở Lybia, có lẽ kế tiếp sẽ là Syria với sự hình thành Hội Đồng Quốc Gia ở Istanbul, và Yemen với sự bị thương của tổng thống Saleh và áp lực quốc tế buộc ông từ chức.
Mùa Xuân Á Rập đến khá bất ngờ cho các chế độ độc tài ở Trung Đông, và nó cũng bất ngờ cho Hoa Kỳ đến độ Thượng Viện Hoa Kỳ mở cuộc điều trần và khiển trách hai vị lãnh đạo tình báo quốc gia và CIA, họ nhận lỗi, hứa làm tốt hơn trong tương lai và CIA lập toán đặc nhiệm gần 40 người để chỉ lo nghiên cứu về phong trào cách mạng tương tự như vậy trong tương lai.
Nhưng nếu chúng ta nhìn bức tranh toàn cảnh của thế giới và thời đại thì dễ thấy được sự xuất hiện tự nhiên của nó. Cuộc cách mạng về truyền thông đã đưa nhân loại từ Thời Đại Kỹ Nghệ sang Thời Đại Thông Tin tương đối khá nhanh chóng, nó làm cho các dân tộc có thể tương tác vượt biên cương, sự hiểu biết vượt thời đại, cấu trúc mới của xã hội vượt các định chế chính trị cứng ngắc không thích ứng kịp với sự thay đổi của môi trường. Do đó, nó tạo ra một hiện tượng tức nước ở khắp nơi nào trên thế giới mà các tổ chức chính trị xã hội không thích ứng được với môi trường mới. Cho nên hiện tượng vỡ bờ chỉ chờ cơ hội để xảy ra, ở đâu và lúc nào chỉ là sự tuần tự mà thôi. Nó được thể hiện dưới hai dạng: cách mạng và diễn biến hòa bình.
Nét chung của các quốc gia này là sự lầm than của dân chúng về cả hai phương diện kinh tế và chính trị, và quan trọng hơn hết là ý chí cương quyết muốn thay đổi của họ. Trong thời đại mới, họ vận dụng được những kỹ thuật và phương tiện mà bộ máy đàn áp của các chính quyền được dựng lên trong Thời Đại Kỹ Nghệ chưa bắt kịp. Họ đấu tranh ôn hòa và với một tinh thần kỹ luật cao độ. Sự kết nối có tính cách nhu nhuyển với tất cả các thành phần xã hội đều tham gia. Tất cả đều gặp sự đàn áp mạnh mẽ của công an, nhưng bù lại các quốc gia tây phương đều ngã theo ý chí đã được chứng tỏ của đại khối quần chúng.
Về các nét đặc thù của mỗi quốc gia trong Mùa Xuân Á Rập, ta thấy mức độ đàn áp của an ninh và quân đội có khác nhau trong mỗi quốc gia và cung cách hành xử của quân đội cũng khác nhau trong mỗi quốc gia. Ở Tunisia và Ai Cập quân đội tự kềm chế, giữ tư thế trung dung và vị trí chuyên nghiệp là bảo vệ tổ quốc, tức bảo vệ lãnh thổ và nhân dân, không làm công cụ cho các lãnh tụ độc tài. Trái lại, ở Lybia, Syria, Yemen thì quân đội được dùng để đàn áp phong trào dân chủ và gây nên thảm cảnh máu đổ thịt rơi. Ở Yemen có những vị tướng và tộc trưởng bộ lạc đã đứng về phía cách mạng vì không chấp nhận sự đàn áp dã man của chính quyền.
Mức độ phản ứng của các lãnh tụ độc tài cũng khác nhau, ở Bahrain nhà vua tháo ngân quỹ để cho mỗi gia đình $2,660 đô la. Ở Lybia, ông Gadhafi thẳng tay bắn giết. Ở Yemen, tổng thống Saleh vừa đàn áp vừa hứa hẹn từ chức. Ở Syria, tổng thống Assad vừa thẳng tay đàn áp vừa cải tổ nội các và hứa hẹn những cải tổ khác như đảng phái được tự do hoạt động.
Sự chuẩn bị và tổ chức của các lực lượng cách mạng ở các nước cũng khác nhau, như ở Tunisia và Ai Cập được lãnh đạo bởi giới trẻ, không có lãnh tụ và tổ chức rõ ràng hay nổi bật mà dựa nhiều vào internet và các mạng xã hội. Ở Lybia và Yemen vai trò của các lãnh tụ ly khai từ phía chính quyền và các tộc trưởng khá nổi bật. Ở Syria thì vai trò của tôn giáo lại mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, phản ứng đầu tiên của cộng đồng quốc tế cũng khác nhau. Liên Hiệp Quốc, NATO và Hoa Kỳ can thiệp mạnh mẽ vào Lybia, tuy muộn. Ở Syria Hoa Kỳ và Âu Châu can thiệp ngoại giao và kinh tế tài chánh, nhưng Trung Quốc và Nga lại phủ quyết sự trừng phạt ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ chế độ của tổng thống Assad. Ở Yemen thì Liên Phi đứng ra làm trung gian giải quyết, trong khi ở Tunisia và Ai Cập thì Tây Phương gần như đứng bên lề.
Bài học đầu tiên mà chúng ta rút ra được từ Mùa Xuân Á Rập là phải kiên trì tranh đấu cho đến khi đạt được mục tiêu, và trong sự kiên trì này thái độ ôn hòa, tinh thần kỹ luật cao độ và các biện pháp để bám trụ trường kỳ như vệ sinh, y tế, thực phẩm, an ninh v.v.. cần được đặc biệt quan tâm, giúp cho cuộc cách mạng chóng được thành công. Sự tổ chức và chuẩn bị của lực lượng cách mạng để huy động được đại khối quần chúng và giảm thiểu tối đa sự đàn áp hay phá vỡ từ trong trứng nước của lực lượng an ninh, qua việc tận dụng cell phone và các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube v.v.. Các lực lượng cách mạng qua thuyết phục, đã tranh thủ sự trung lập hay ủng hộ của các lực lượng đàn áp như công an và nhất là quân đội. Song song với điều này là tranh thủ sự ủng hộ và yểm trợ của quốc tế. Ngoài ra, quan trọng không kém là ngòi lửa để cho các bổi đã chuẩn bị được cháy phừng, dựng lên được các biểu tượng và thông điệp để phản ảnh thực tế thảm cảnh xã hội, gây sự phẩn uất trong tâm lý quần chúng.
Điều kiện môi trường chính trị thế giới ngày càng trở nên thuận lợi cho cuộc cách mạng ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Miến Điện. Có lẽ vì vậy mà Miến Điện như có vẽ muốn chủ động thay đổi ôn hòa trong thời gian vừa qua, khi chính quyền tỏ ra hòa dịu với dân chúng, thả trên 200 tù chính trị, ngưng dự án xây đập Myitsone trên sông Irrawaddy mà Trung Quốc đầu tư 3.6 tỷ đô la, mở cửa cho báo chí và bỏ lệnh cấm các trang webs nước ngoài, Quốc Hội công khai thảo luận cải cách dân chủ, thông qua luật cho phép tự do thành lập công đoàn, công nhận quyền đình công ngày 11/10/2011, và tiếp xúc bà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Ông David Ching, một chuyên viên về vấn đề Trung Quốc nhận định rằng việc Osama bin Laden bị loại trừ là một điều lo ngại cho TQ, bởi vì trong cả một thập niên qua kể từ ngày 11/9/2001 đến nay Hoa Kỳ bị xao lãng trong vấn đề phát triển kinh tế ở Châu Á Thái Bình Dương, nơi mà HK xem là sự giàu thịnh của họ trong Thế Kỷ 21, chứ không phải là sa mạc ở Iraq hay núi rừng ở A Phú Hãn. Nhà bình luận chính trị Fareed Zakaria của CNN cũng nhận định tương tự. Bin Laden bị loại thì HK sẽ tập trung nhiều hơn về Châu Á. Lẽ tự nhiên TQ độc tài cộng sản, thiếu trách nhiệm với cộng đồng nhân loại và bành trướng bá quyền, bất chấp luật lệ quốc tế sẽ lọt vào tầm nhấm của HK. Một TQ độc tài đe dọa hòa bình thế giới cần được thay thế bằng một TQ dân chủ để cùng phát triển thịnh vượng.
Trong bài diễn văn của Tổng Thống Obama ngày 19/5/2011 ở Bộ Ngoại Giao, ông đã dứt khoát khẳng định là HK đứng về phía những dân tộc đứng lên vì dân chủ. Theo báo Economist, các nhà tư bản lâu nay đầu tư ở TQ giờ đây cũng đang từ từ khăn gói trở lại HK, cho nên áp lực của họ trong quá khứ lên chính quyền HK để bênh vực TQ ngày nay cũng đã giãm nhiều. Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã mạnh mẽ chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của TQ, không nâng niu TQ như trong thời gian đầu sau khi TT Obama đắc cử.
Thái độ của Liên Hiệp Quốc cũng thuận lợi cho phong trào dân chủ ở cả hai mặt chính trị và pháp lý. Về mặt chính trị, LHQ có thái độ công khai yểm trợ dân chủ, xóa bỏ độc tài. Hội Đồng Bảo An đã quyết nghị cho dùng vũ lực để ngăn chận độc tài. Về mặt pháp lý, LHQ ủng hộ việc đưa ra tòa án quốc tế để xét xử và trừng trị những thủ phạm đã đàn áp dân chủ với tội ác chống nhân loại (crime against the humanity).
Cộng Đồng Âu Châu, Liên Hiệp Phi Châu, khối G8 cũng có thái độ tích cực và hành động thiết thực để giúp các dân tộc dám đứng lên đòi dân chủ. G8 trong tháng 5/2011 đã cam kết giúp $40 tỷ đô la cho các nước trong Mùa Xuân Á Rập. Cộng Đồng Âu Châu đã chủ động giúp người dân Lybia, và đang trừng phạt Syria. Liên Hiệp Phi Châu tích cực đứng ra làm trung gian để dàn xếp cho Tổng thống Saleh ở Yemen rút lui.
Trong khi đó làn gió cách mạng của Mùa Xuân Á Rập đang thổi đến TQ và VN. Chính quyền TQ sợ đến độ xóa bỏ các chữ “hoa lài” trên mọi văn bản, trên Internet, những lễ hội hay sinh hoạt gì có liên quan đến hoa lài. Trong khi đó thì giới trẻ càng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thông tin toàn cầu, hiểu được sự thật những gì đang xảy ra trên thế giới, về luồng chuyển động và tiến hóa của nhân loại, những động tính mà các chính quyền độc tài sợ hãi. Họ muốn tình trạng xã hội tiếp tục sơ cứng để họ tiếp tục cai trị nên chống lại sự thay đổi. Trong khi ngay cả các nước tiến bộ như Singapore, Hoa Kỳ v.v.. chính quyền luôn hô hào “thay đổi hay là chết” để duy trì sự tiến bộ trong một thế giới đầy chuyển động và tranh đua.
Có ba điều kiện tiên quyết cho một cuộc cách mạng dân chủ ôn hòa tiến tới thành công. Điều kiện thứ nhất là cần phải có một sự xuống đường qui mô để phản đối. Sự phản đối này thường có chủ đề lớn là bất công xã hội, tham nhũng, thất nghiệp, lạm phát, cuộc sống khó khăn. Nói chung là một sự khó thở về môi trường chính trị xã hội được đi kèm với một sự đói khát của dạ dày. Sự khó thở về môi trường chính trị xã hội là yếu tố chính vì như ta thấy các quốc gia của Cách Mạng Mùa Xuân có cuộc sống và lợi tức đầu người cao hơn Việt Nam. Điều kiện này hiện nay ở VN đã có, nhưng chưa đạt được tầm vóc qui mô, như 11 cuộc xuống đường trong 3 tháng mùa hè năm 2011. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo thêm môi trường thuận lợi để mức độ quan tâm và tham gia xuống đường của quần chúng trong nước được đông đảo hơn. Điều này có nghĩa là sự thông tin trung thực và đầy đủ của hải ngoại đến hạ tầng cơ sở quần chúng ở trong nước qua các kỹ thuật của Thời Đại Thông Tin ngày hôm nay, cùng những hỗ trợ phương tiện để người trong nước khi đã xuống đường thì có thể trụ được.
Sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của CS thì thời nào cũng có, nhưng điều quan trọng là nó sẽ dẫn tới sự nổ bùng để làm tung hệ thống, thay vì nổ nhỏ ở bên trong hệ thống như đã thường xảy ra trong các nước cộng sản. Nếu nổ nhỏ bên trong hệ thống thì sẽ làm cho hệ thống được củng cố và vững chắc hơn như Stalin tiêu diệt Trosky ở Nga, Mao Trạch Đông tiêu diệt Lưu Thiếu Kỳ ở Trung Quốc, hay Lê Duẫn chặt vây cánh và hạ nhục Võ Nguyên Giáp ở VN. Trong thời gian qua, ta thấy có sự tranh chấp quyền lực giữa Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang cũng như những các sự chia rẽ khác của các phe nhóm trong đảng CSVN vì tranh giành quyền lợi và quyền lực. Dũng đã thắng thế và hiện nay là siêu tổng bí thư với sự hình thành hệ thống công an trị của ông ta trong chính quyền, trong đảng, trong Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Viện Kiểm Sát và Quốc Hội. Tuy nhiên Sang vẫn chưa hoàn toàn bị hạ và đang dựa vào thế quần chúng và thế quốc tế. Câu hỏi được đặt ra là nó sẽ nổ trong (implosion) hay nổ ra ngoài (explosion). Có nhiều chỉ dấu cho thấy là nó sẽ nổ ra ngoài, bởi các yếu tố như lòng yêu nước và sự bất mãn của người dân, sự hoang mang của đảng viên CS trung và hạ tầng, ý thức hệ đã mục rữa mà không có cái nào khác để thay thế, sự dính dự càng ngày càng nhiều của HK vào VN, sự xâm lược của Trung Quốc, Thời Đại Thông Tin không cho phép chế độ tuyên truyền một chiều và bưng bít, xu hướng dân chủ của thế giới và quan trọng hơn hết là người dân càng ngày càng không sợ dù chế độ đàn áp khắc nghiệt hơn.
Sự mất ý chí đàn áp của an ninh-quân đội là yếu tố cần thiết thứ ba để cuộc cách mạng chóng thành công và không đẫm máu. Nhìn qua các cuộc cách mạng của Mùa Xuân Á Rập ta thấy sự đổ máu xảy ra nhiều ở Libya và Syria vì hệ thống an ninh-quân đội đồng sàng với độc tài, nó dồn những người dân ôn hòa đến chân tường và buộc họ phải tự vệ chánh đáng bằng vũ trang mà thế giới cuối cùng phải ủng hộ. Tình trạng VN hiện nay, công an thì Nguyễn Tấn Dũng đã nắm chặt, với lực lượng cảnh sát cơ động trang bị tận răng để chuyên môn đàn áp biểu tình khoảng gần 50,000 người của trung ương và địa phương. Tuy nhiên phía quân đội thì có ba yếu tố có vẽ tích cực, đó là họ bất mãn với sự xâm lược của TQ và sự quá sức yếu đuối của lãnh đạo trước ngoại bang, sự không ưa và hay đối chọi với phía công an, và không ai nắm được toàn lực của quân đội mà chỉ nắm một phần. Trong trường hợp cách mạng xảy ra, công an sẽ ra tay đàn áp nhưng quân đội vẫn là một dấu hỏi lớn, họ có thể đứng về phía cách mạng để bảo vệ đất nước, vì họ biết rằng chế độ hiện tại đang mang những gánh nặng quá khứ đối với Trung Quốc mà không thể nào trút xuống được như công hàm Phạm Văn Đồng 1958, hội nghị Thành Đô 1990 và các viện trợ để đánh chiếm Miền Nam trong quá khứ, họ mang vòng kim cô và đã bị TQ khóa miệng. Nếu có được một chế độ mới thì đất nước sẽ không còn bị rơi vào thế kẹt như hiện nay.
Những yếu tố đòn bẩy cho cách mạng Việt Nam hiện nay đã có, vấn đề là chúng ta cần phải làm cho nó thể hiện ra được. Phong trào dân chủ trong nước tuy chưa bùng phát mạnh nhưng đã có và đang âm ỉ ở hạ tầng quần chúng. Sự yểm trợ phong trào dân chủ ở hải ngoại càng ngày càng tích cực hơn, điển hình là những sinh hoạt hỗ trợ quốc nội và vận động quốc tế. Sự bất ổn tiềm ẩn của xã hội như bất công, tham nhũng, công nhân đình công, nông dân bị tư bản đỏ dìm giá thu mua, ngư dân mất ngư trường, sinh viên thất nghiệp, tôn giáo bị kiểm soát và hạn chế, dân oan bị mất đất, kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã, mậu dịch khiếm hụt, dự trữ ngoại tệ bị khô cạn, TQ phá hoại, hiện tượng cướp ngày là quan của các cán bộ chức quyền, sự chia rẽ và mất phương hướng trong Đảng CSVN và sự uất ức của quần chúng đối với TQ v.v..
Những yếu tố mà chúng ta cần có và cần làm là tạo được một tâm lý cách mạng trong quần chúng, bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng cho nên chính quần chúng phải đứng lên thì mới giải quyết được. Thứ đến là chúng ta phải tạo được sự trưởng thành về tổ chức và tinh thần đấu tranh, ở trong và ngoài nước, và sau đó là một mồi lửa cách mạng. Trong khi tiến đến cách mạng thì chúng ta thúc đẩy cho sự phát triển một xã hội dân sự và chuẩn bị sự lãnh đạo thích ứng cho công cuộc cách mạng.
Trở lực mà chúng ta sẽ phải đương đầu thì nhiều, nhưng hai trở lực lớn nhất là sự đàn áp của chính quyền CSVN và sự tiếp tay đàn áp của TQ. Ngoài ra, qua kinh nghiệm của LHQ vừa qua trong việc Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu cho vấn đề Syria, Nga sẽ không ủng hộ cho dân chủ VN. Tuy nhiên, nhìn qua Yemen và Syria thì chúng ta thấy rõ là sự kiên trì của quần chúng là yếu tố nồng cốt cho sự thành công. Hơn nữa chính sự kiên trì này làm cho HK và thế giới tây phương phải ra tay giúp đỡ, như lời của cựu tổng thống George W. Bush và tổng thống Obama đã nói.
Tuổi thọ của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20 và 21, cho dù có thọ nhất như PRI ở Mexico, LDP ở Nhật, hay Đảng Cộng Sản Liên Sô, thường trong khoảng 70, và chế độ CSVN đã gần kề lứa tuổi này. Ông Rupert Mudoch của công ty News Corporation nhận xét rằng dân tộc VN là một dân tộc năng động, yêu chuộng kiến thức, không thể nào chịu đựng lâu trong một chế độ chính trị độc tài được, họ phải thoát ra, nhưng thoát ra bằng cách nào thì ông không biết. Với sự quan tâm và tham dự vào vấn đề đất nước và tương lai của dân tộc, bên trong nước và ở hải ngoại, công cuộc tranh đấu cho dân tộc chúng ta chắc chắn sẽ thành công.
No comments:
Post a Comment