Ở Mỹ ông Barack Obama còn lo sang năm có đắc cử hay không. Ông Vladimir Putin biết chắc sẽ trở lại làm tổng thống Nga trong năm tới.
Năm 2008 ông Putin, 58 tuổi, đã làm tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tiếp; theo hiến pháp không được ứng cử nữa. Ông rút xuống, chỉ làm thủ tướng, đưa Dmitry Medvedev lên ngồi thay chỗ của mình. Trong thời gian đó, Quốc Hội Nga sửa hiến pháp, mỗi nhiệm kỳ tổng thống sắp tới sẽ dài 6 năm. Năm nay, Medvedev, 46 tuổi, ngoan ngoãn đề cử ông Putin làm ứng cử viên của đảng Nga Thống Nhất, được tưởng thưởng cho làm thủ tướng, khiến Bộ Trưởng Tài Chánh Alexei Kudrin tức giận tuyên bố sẽ từ chức. Tháng 3 năm tới, chắc chắn ông Putin sẽ thắng và nắm quyền thêm 12 năm, sẽ thành người trị vì ở Ðiện Kremlin lâu nhất, chỉ thua Stalin. Ông được đa số dân Nga ái mộ, họ sẽ bỏ phiếu cho ông. Vì ông kích thích tự ái dân tộc trong lòng dân, những người Nga vẫn tiếc nuối đế quốc cũ. Ông tỏ ra cứng rắn với Tây phương; dùng dầu lửa xuất cảng đe dọa các nước láng giềng đã tách ra từ Liên Bang Xô Viết, đặc biệt là Ukraine; tiến quân qua Georgia giúp hai vùng ly khai; đàn áp các sắc dân nổi dậy đòi tự trị; trong khi kinh tế vẫn phát triển được nhờ giá dầu lửa gia tăng trên thị trường quốc tế. Ða số dân Nga không biết rằng nền kinh tế nước họ hoàn toàn phụ thuộc giá các nguyên liệu, dầu, khí, mà nước Nga xuất cảng. Trong tháng 9, 2011, dầu xuống giá, đồng Rúp của Nga hạ thấp 10%. Trong bảng xếp hạng các nước bị nạn tham nhũng, từ thấp đến cao nhất, nước Nga đứng hàng thứ 154, ngang với Kenya ở Phi Châu. Ông Dmitry Medvedev đã từng tuyên bố việc bài trừ tham nhũng và cải tổ hành chánh là ưu tiên số một của chính phủ. Ông cũng hô hào phát triển tin học, thành lập một khu vực giống như Thung lũng Ðiện tử của Mỹ ở Skolkovo, ngoại ô Moskva. Bây giờ, không ai tin ông sẽ làm được điều nào trong ba ý định đó. Quyền hành lúc nào cũng ở trong tay ông Putin. Năm 2009 tổng sản lượng nội địa (GDP) Nga giảm sút gần 8% vì giá dầu khí hạ khắp thế giới, năm 2010 khi giá ổn định lại, tăng 4% thành 1,477 tỷ Mỹ kim, vẫn thấp hơn 1,667 tỷ năm 2008. Lợi tức theo đầu người của dân Nga, nếu tính tương ứng với giá cả thấp ở Nga (PPP), thì đứng hàng thứ sáu trên thế giới, nhưng vẫn thấp hơn cả Ấn Ðộ lẫn Trung Quốc. Nếu chỉ tính thuần túy bằng đô la Mỹ mà không quan tâm đến giá sinh hoạt, thì đứng hàng thứ 51, mỗi năm một người dân Nga có lợi tức bình quân $15,900 đô la; trong khi dân Mỹ là 47,123 đô la. Ông Putin tập trung tài sản quốc gia vào đám tay chân. Tình trạng đó không giúp cho việc cải tổ cơ cấu để tiến bộ cạnh tranh về lâu dài với các nước khác. Trong bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh trong thị trường thế giới của trung tâm Davos, Thụy Sĩ, Nga đứng hàng thứ 66. Các nhà tư bản Nga, dù được Putin bảo trợ, vẫn tìm cách chuyển tiền ra ngoài để tìm cơ hội. Trong nửa đầu năm 2011, số tiền vốn bỏ đi lên tới 31 tỷ đô la; trong cả năm có thể lên tới 100 tỷ, theo lời cựu Phó Thủ Tướng Boris Nemtsov. Không những tiền, mà cả người cũng ra đi, một hiện tượng “xuất não” (brain drain) nghiêm trọng vì đa số là những người có học. Ông Sergei Stepashin, một nhân viên chính phủ cao cấp, ước tính có hơn một triệu người Nga đã ra đi trong mấy năm qua, trong số 140 triệu dân. Có những nhà kinh doanh nhỏ, các chuyên viên mọi ngành các sinh viên đi du học rồi không về. Phần lớn những người ra đi nói lý do vì ở trong nước họ không thấy có tương lai. Một xã hội khó thở vì nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông; người khác ý kiến với chính phủ bị bắt và bị vu cáo đủ thứ tội; một thiểu số mafia làm giầu nhờ quyền lực; luật pháp không được tôn trọng. Ông Yevgeny Yasin, một cựu bộ trưởng kinh tế, từ 1994 đến 1997, nói rằng “Nước Nga vẫn chưa cải tổ những định chế di sản của thời Xô Viết”. Nhưng di sản nặng nề nhất mà chế độ cộng sản để lại cho nước Nga là một nền tảng tinh thần bại hoại, đồng tiền chi phối ngay cả trong những môi trường như giáo dục, tôn giáo. Trong xã hội Xô Viết mọi người phải tập sống giả dối. Khi chế độ cộng sản tan, nhiều người vốn không có những quy tắc đạo lý để theo nay lại nhiều cơ hội làm giầu bất chính, tham nhũng tung hoành, cảnh đạo đức suy sụp đã tràn ngập. Tháng trước khi chúng tôi đang du lịch ở Nga, các tờ báo đăng tin về những vụ tham nhũng nhơ bẩn ở các đại học y khoa. Ngày 10 tháng 8, Victor Simak, một chuyên viên tin học trẻ tuổi đã tố cáo tại trường Y khoa I.M. Sechenov, quen gọi là Y Khoa Số Một thành phố Moskva có 75% sinh viên nhờ đút lót được nhập học ngay đợt đầu. Các sinh viên này không cần phải qua đợt tuyển chọn khó khăn như người khác. Trong trường này, với số ghi tên 13 đến 14 ngàn người sẽ trở thành các bác sĩ tương lai, các sinh viên thấy cảnh học trò đưa cho ông thầy những đồng bạc 1,000 rúp là chuyện bình thường (mỗi 1,000 rúp tương đương 33 đô la Mỹ). Các báo nêu mối lo lắng không biết các bác sĩ đó sau này sẽ chữa bệnh ra sao? Ông khoa trưởng cùng mười cấp chỉ huy của Ðại Học Y Khoa Số Một phải từ chức. Bệnh viện cũng là một môi trường tham nhũng. Một bà người Nga nằm chờ mổ ở bệnh viện công. Bác sĩ bảo khi mổ xong phải có một món đặt vào đó thì mới lành, mà món này bảo hiểm y tế của nhà nước không trả tiền. Thân nhân hiểu ngay, đồng ý sẽ lấy tiền túi của mình ra mua. Bác sĩ bèn đưa giấy giới thiệu tới một công ty tư, đến đó trả tiền, cầm biên lai trở lại bệnh viện đưa cho bác sĩ, thế là xong. Trong khi ở Moskva tôi đã được nghe chính nạn nhân kể chuyện này. Tất cả hệ thống y tế và bệnh viện đều làm ăn kiểu đó. Nếu bệnh nhân may mắn thì gặp vị bác sĩ biết mổ thật. Quý vị độc giả ở Việt Nam có thể thấy là nước Nga cũng giống nước mình. Lại hỏi: Ông Lê Nin ở nước Nga, tại sao ông...? Báo Esquire trong ấn bản tiếng Nga nói có ít nhất 6 đại học y khoa đầy tham nhũng, 9 sinh viên y khoa mô tả chi tiết các vụ đút lót trong trường. Một sinh viên tên Vladimir nói muốn đậu phải đưa thầy khoảng 400 đô la, muốn được điểm cao thì hối lộ 500. Năm ngoái khi đô la Mỹ xuống giá, nhiều giáo sư đòi hối lộ bằng đồng Euro! Một sinh viên tên Misha kể muốn thi đậu môn cơ thể học phải đi “học thêm” bà giáo một lớp, mỗi lớp 10 bài học, đóng 2,500 rúp, hơn 80 Mỹ kim; trong khi học phí chính thức mỗi lớp là 1000 rúp. “Bà ấy chẳng dậy cái gì mới cả, hỏi chuyện chúng tôi khoảng nửa giờ, rồi mở cái túi áo choàng mầu trắng ra, chúng tôi bỏ những đồng bạc 50 Euro hay 1000 rúp vô đó! Các đại học y khoa công nhận có cảnh hối lộ. Giáo Sư Igor N. Denisov, phụ tá khoa trưởng Ðại Học Y Khoa Số Một cho biết trong 2 năm có hai giáo sư phải từ chức vì bị tố cáo đòi sinh viên hối lộ. Ông giải thích nguyên nhân chính là lương các thầy thấp quá. Lương giáo sư mỗi tháng chỉ có 50,000 rúp, gần 1,800 đô la. Ông lại trách nhiều phụ huynh nuông con, cho chúng tiền đầy túi, chúng mới có tiền hối lộ. Mỗi buổi sáng, ông Denisov nói, ông lái chiếc xe Suzuki cà tàng đến trường, trong khi nhiều sinh viên lái xe Infinity hay Bentley, có đứa còn có tài xế lái xe đưa đón. Một cuộc nghiên cứu dư luận độc lập trong tháng 5 năm 2011 cho biết dân Nga coi ngành giáo dục là nơi tham nhũng trầm trọng bậc nhất, còn nặng hơn các cảnh sát giao thông. Từ khi nước Nga áp dụng lối thi toàn quốc, hiện tượng gian lận đã nổ bùng. Trước kỳ thi tốt nghiệp năm nay, có 20,000 học sinh đọc được các câu hỏi và trả lời trên mạng Vkontakte. Nước Nga trải rộng trên 10 múi giờ, các học sinh Moskva và St. Petersburg, ở các múi giờ trễ phía Tây, có nhiều tiếng đồng hồ ngồi đọc các câu hỏi và học thuộc các câu trả lời trước khi vào phòng thi. Các học sinh gian lận có lỗi, nhưng họ nhìn lên trong xã hội không thấy những tấm gương tốt để theo. Thượng bất chính hạ tắc loạn. Một đài ti vi đã quay trộm những cảnh một giáo sĩ cao cấp trong Chính Thống Giáo sống rất xa xỉ. Ông Mikhail Grigoriev ở Kazan làm chủ một chiếc xe BMW, hai xe Mercedes, ba chỗ ở khác nhau lại thêm một nhà nghỉ ở miền quê. Máy camera chiếu hình ảnh ông tuyên bố rất thích quần áo may từ Ý, ông khoe cái đồng hồ Thụy Sĩ trị giá gần 100,000 Mỹ kim, cái máy điện thoại cũng đáng 20,000 đô la. Ông than phiền mới bị ăn cắp, mất hơn 400,000 đô la trong tủ sắt. Sau xì căng đan này, thượng cấp của ông trong giáo hội đã cách chức ông Mikhail Grigoriev, cho về ở một nhà thờ miền quê cùng một giáo khu. Họ khiển trách ông về tội khoe khoang chứ không đặt câu hỏi tại sao ông giầu như vậy. Giáo phụ Kirill cũng đeo một đồng hồ Thụy Sĩ giá gần 50,000 đô la. Các giáo sĩ khác giải thích đó là do một tín đồ giầu có dâng tặng. Chế độ tư bản hoang dã đã phát triển ở Nga ngay sau khi chế độ cộng sản sập. Từ thời Yeltsin sang thời Putin vẫn như vậy, chỉ có thay thế những tay quả đầu cũ bằng những tài phiệt đàn em của Putin, phần lớn xuất thân từ mật vụ KGB như ông ta. Chế độ Putin là một di sản của 70 năm cộng sản cai trị nước Nga. Mật vụ, công an nắm những đầu mối quyền hành, có cơ hội là họ cấu kết với nhau tìm đường trở lại. Người dân chuyển từ độc tài cộng sản sang một kiểu độc tài khác, tư bản bè cánh thao túng. Nước Nga chưa bao giờ được sống tự do dân chủ, trước năm 1917. Khác Tiệp, Hung, Ba Lan, người Nga thiếu một truyền thống tự do. Dưới thời cộng sản, người dân không được phép cho nên không phát triển những tổ chức tư và độc lập. Thiếu một xã hội công dân năng động, không có thói quen coi tự do như một nhu cầu tự nhiên, thể chế dân chủ khó bám rễ để đứng vững. Các nhà chính trị hoạt đầu, mị dân rất dễ lợi dụng chính các luật lệ dân chủ để tiếm quyền.
Nhưng di sản nặng nề và lâu dài nhất của 70 năm cộng sản vẫn là tình trạng băng hoại xã hội. Chế độ cộng sản đã phá hết các quy tắc đạo lý và tạo thói quen sống không pháp luật. Khi được dịp tư bản hóa, cảnh suy đồi càng bị lòng tham tiền tiếp sức, thành trầm trọng hơn.
No comments:
Post a Comment