Pages

Tuesday, October 25, 2011

Từ Gadhafi tới chiến lược của Hoa Kỳ phòng thủ biển Đông

Bản đồ các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên thế giới
Nguồn: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ,  năm 2008
Lời tác giả: Gadhafi, dù phải đi trốn, nhưng đoàn xe hộ tống ông ta trên đường bôn tẩu vẫn còn 80 chiếc với trang bị vũ khí đủ mạnh để không một đoàn quân nổi dậy nào dám theo sát. Vậy thì tại sao đoàn xe bôn tẩu của ông ta lại tan rã? Do oanh kích của các phi cơ chiến đấu của NATO. Đúng! Nhưng câu trả lời chưa trọn vẹn. Độc giả có thể tìm thấy câu trả lời lý thú mở ra một hướng nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ phòng thủ Biển Đông ở bài dưới đây.

Nhà đại độc tài Gadhafi đã chết. Gọi ông ta là nhà đại độc tài vì ông ta tàn sát quá nhiều sinh mạng. Ông ta chết. Ông ta bị giết. Ông ta bị bắn bởi một người dân nổi loạn bằng chính khẩu súng cold báng vàng của ông ta. Ông ta bị bắn chết sau khi bị đám đông hành hạ. Đám đông uất ức. Ông ta bị bắn chết sau khi bị lôi ra từ một miệng cống bên đường. Nhưng tại sao ông ta lại phải chui vào chốn dưới một miệng cống bên đường? Tại sao giây phút cuối của ông ta lại thảm hại như vậy? Ông ta đã không chết một cách oai hùng như hình ảnh một chiến sĩ mà ông ta thường tỏ vẻ. Ông ta chết như một con chuột cống bị truy đuổi tới đường cùng.

Nhưng tới những giờ cuối của nhà độc tài lực lượng dân chúng nổi dậy vẫn không đủ mạnh để truy đuổi ông, dù rằng lúc đó lực lượng dân chúng nổi dậy có mạnh hơn lúc khởi đầu. Gadhafi, dù phải đi trốn, nhưng đoàn xe hộ tống ông ta trên đường bôn tẩu vẫn còn 80 chiếc với trang bị vũ khí đủ mạnh để không một đoàn quân nổi dậy nào dám theo sát. Vậy thì tại sao đoàn xe bôn tẩu của ông ta lại tan rã? Do oanh kích của các phi cơ chiến đấu của NATO. Đúng! Nhưng câu trả lời chưa trọn vẹn. Nếu chỉ có hỏa lực mạnh mà không có tin tức tình báo chính xác thì vẫn chỉ là một đoàn quân hùng hổ mà thiếu khả năng chiến đấu. Và nhất là không thể chiến thắng.
Điều này đã được một số sĩ quan Hoa Kỳ từ chiến trường Iraq tham gia hội thảo tại đại học Stanford ở miền bắc California cách nay vài năm nêu lên. Các sĩ quan trong cuộc hội thảo đó nói rằng, tại Iraq, quân lực Hoa Kỳ thiếu tin tức tình báo nhân sự vì thiếu hợp tác của dân chúng cho nên gặp khó khăn trong việc tiễu trừ nhóm dân chúng có tinh thần hồi giáo quá khích và quốc gia cực đoan chống Hoa Kỳ sau khi chính Hoa Kỳ trước đó không lâu đã lật đổ nhà độc tài Sadam Hussein để giải phóng họ. Vai trò quan trọng của tình báo chiến đã được binh gia Tôn Tử nêu lên từ lâu. Trong mười ba thiên của bộ Binh pháp Tôn Tử, thiên cuối đề cập đến chiến tranh gián điệp với tiêu đề “Phép dụng gián”. Tình báo chiến không xa lạ gì với những người đã từng chỉ huy trong quân đội, và những ai quan tâm tới chiến thuật chiến lược. Vậy tin tức tình báo ở đâu cho biết có một đoàn xe đông đảo đang trên đường bôn tẩu giữa vùng sa mạc mênh mông không người của Libya?
Chi tiết này đã bị chìm đi trong hàng ngàn tin tức nóng bỏng truyền đi khắp thế giới từng giờ, thậm chí từng phút về sự sôi động của chiến trường Libya. Bởi vì nguồn tin đó chỉ chiếm có một đoạn ngắn ngủi trong hàng ngàn bản tin dài dằng dặc đầy hấp dẫn loan báo về cái chết của Gadhafi.  Đoạn tin của ABC News như sau: “Khi quân nổi dậy hạ được thành phố Sirte, cứ điểm cuối cùng của Gadhafi, thì một chiếc phi cơ trinh sát không người lái của Hoa Kỳ được điều khiển vô tuyến từ Las Vegas, tiểu bang Nevada Hoa Kỳ, đã báo động cho NATO biết có một đoàn xe 80 chiếc đang trên đường bôn tẩu. Ngay lúc đó các chiến đấu cơ của Pháp đã đáp ứng bằng một cuộc không kích, tiêu diệt hai chiếc trong đoàn xe này. Người ta chưa rõ liệu các chiến đấu cơ của Pháp có đánh trúng xe của Gadhafi không, nhưng khi quân nổi dậy tràn tới thì họ cho phóng viên Gabriel Gatehouse của đài BBC biết rằng họ đã lôi được Gadhafi ra từ một lỗ cống bên đường.” (1)
Điều này cho thấy, mặc dù chỉ nhận giữ vai trò yểm trợ, nhưng thực ra Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong chiến dịch quân sự của NATO tại Libya.
Tin tức này cũng cho thấy tại sao ngay từ đầu NATO đã nhất định yêu cầu Hoa Kỳ lãnh đạo chiến dịch. Giới lãnh đạo quân sự của NATO đã tự biết rằng thiếu phương tiện thu thập tin tức tình báo kỹ thuật của Hoa Kỳ thì lực lượng không quân hùng hậu của NATO, mà bản doanh đóng bên ngoài đất nước Libya, tận bên kia bờ Địa Trung Hải, cũng sẽ vô dụng. Vì biết vai trò quan trọng của mình và biết rằng sự đóng góp về tin tức tình báo là quá đủ để chiến dịch quân sự của NATO thành công nên Hoa Kỳ đã chỉ nhận vai trò lãnh đạo trong giai đoạn khởi đầu, là giai đoạn phá hủy hệ thống phòng không của Libya. Đây là giai đoạn quan trọng nhất và cũng là giai đoạn Hoa Kỳ có khả năng hữu hiệu nhất. Công tác này đòi hỏi có phương tiện tình báo kỹ thuật phát hiện vị trí các hệ thống phòng không của Libya mà chỉ các trinh sát cơ không người lái được điều khiển từ Hoa Kỳ và các vệ tinh do thám mới có thể thực hiện được. Sau khi đã phá hủy toàn bộ hệ thống phòng không của Libya, tạo một an toàn trận địa cho không quân NATO, thì Hoa Kỳ rút về vị trí yểm trợ thông tin kỹ thuật. Đó là một chiến lược mà với kinh nghiệm của một sĩ quan tác chiến và tham mưu trong chiến tranh Việt Nam, tôi cho là khôn  ngoan của giới lãnh đạo Hoa Kỳ cả trên phương diện quân sự lẫn chính trị: Vừa tránh thương vong cho binh sĩ của mình, vừa tránh sự chống đối chiến tranh có thể phát khởi từ dân chúng Hoa Kỳ, vừa tránh sự chống đối của dân chúng địa phương hay thế giới Hồi giáo, hay lục địa Phi châu, nổi lên bởi vì tình tự dân tộc và lại rất “dị ứng” với Hoa Kỳ.
Khả năng thu thập tin tình báo kỹ thuật của Hoa Kỳ có tính cách quyết định cho khả năng chiến thắng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ lại được trang bị vũ khí tối tân được điều khiển vô tuyến tấn công chính xác các mục tiêu ở xa với sức tàn phá khốc liệt. Hiện nay, với hai khả năng vũ khí và tình báo kỹ thuật đó, Hoa Kỳ có khả năng toàn thắng một cách chớp nhoáng trong mọi cuộc chiến tranh qui ước trong tương lai nếu Hoa Kỳ phải đối diện ở bất cứ chiến trường nào trên thế giới. Một sĩ quan trẻ gốc Việt trở về với thương tật từ chiến trường Iraq đã cho người viết biết rằng hành quân ở Iraq không có gì đáng sợ, vì đối phương chưa thấy mình thì đã bị tiêu diệt rồi. Chỉ ngại là xe quân xa cán phải mìn thôi. Nhưng đáng sợ nhất là khi tuần tiểu trong thành phố, không biết đối phương là ai, sẽ tấn công lúc nào; và thường xuyên có những tay bắn sẻ.
Kỹ thuật tình báo và vũ khí hiện đại giúp nâng cao khả năng phòng thủ từ xa của Hoa Kỳ mà hiện nay không một quốc gia nào trên thế giới sánh bằng. Phòng thủ từ xa vốn dĩ là một chiến lược phòng thủ quân sự hữu hiệu nhất, rất cổ điển và quen thuộc đối với giới chỉ huy quân sự mọi cấp, ở mọi quốc gia. Hiện nay khả năng phòng thủ từ xa mang lại một an ninh diện địa tuyệt đối cho lãnh thổ Hoa Kỳ. Cho tới còn rất lâu trong tương lai, chưa biết tới bao giờ, không một hỏa lực mạnh mẽ nào từ ngoại biên Hoa Kỳ có thể tấn công đất nước này. Bởi vì với phương tiện thu thập tin tức tình báo kỹ thuật như hiện nay, một hỏa tiễn của đối phương được bắn đi nhắm vào Hoa Kỳ, dù phát xuất từ mặt đất, trên không, trên biển, hay từ tầu ngầm đều sẽ bị phát hiện ngay khi vừa rời giàn phóng và sẽ bị hỏa tiễn liên lục địa của Hoa Kỳ tiêu diệt trên không phận ngoài Hoa Kỳ. Bởi thế thỉnh thoảng Bắc Triều Tiên đe dọa đã thử nghiệm thành công loại hỏa tiễn có khả năng bắn tới lục địa Hoa Kỳ thì đó chỉ là lời đe dọa của con trẻ.
Với hỏa lực có sức tàn phá mãnh liệt và chính xác một mục tiêu từ xa và phương tiện thu thập tin tức tình báo kỹ thuật nhanh chóng và chính xác, Hoa Kỳ hiện đang là một cường quốc đầy đủ khả năng răn đe bất cứ một quốc gia nào có ý tưởng dùng vũ lực gây bất ổn tại bất cứ vùng nào trên thế giới. Chính khả năng phòng thủ hay cũng gọi là tấn công từ xa đã khiến Hoa Kỳ từ cách nay khoảng 20 năm đã có chiến lược tái phối trí lực lượng ở vùng Ven Thái Bình Dương (Pacific Rim), bao gồm các căn cứ trú quân tại Nam Hàn, Nhật và Philipines. Các lực lượng đông đảo quân sĩ đóng tại các quốc gia này từ sau Thế chiến Thứ 2 đã được tái phối trí lui về phía nam xuống tận Singapore và Malaysia mà vẫn bảo vệ một cách hữu hiệu an toàn cho các quốc gia này và vùng biển đông ngăn chặn nguy cơ gây hấn của Trung quốc và Bắc Triều Tiên.
Tuy rằng sự rút toàn bộ hay một phần lực lượng phòng thủ diện địa của Hoa Kỳ tại ba nước này bề ngoài, theo các nghiên cứu chính thức, là do những chống đối chính trị của dân chúng bản xứ hay do ngân sách thiếu hụt, nhưng thực chất vẫn là nhờ khả năng tấn công từ xa của lực lượng quân sự của mình. Khả năng tấn công từ xa đã giúp giới lãnh đạo quân sự thấy không cần thiết phải duy trì nhiều quân tại khu vực nguy hiểm, gần với Bắc Hàn và Trung quốc. Do đó lực lượng quân sự Hoa kỳ đã rút bỏ hoàn toàn các căn cứ quân sự tại Philipines, rút bỏ một phần lực lượng ra khỏi Nhật Bản và Nam Hàn. Đặc biệt tại Nam Hàn lực lượng quân sự Hoa Kỳ trước kia thường trực ở đường ranh giới tuyến ngăn cách Nam Bắc Hàn, đã được di chuyển ra khỏi Nam Hàn một phần, phần còn lại đa số được di chuyển lui về phía nam, kể cả phía nam của thủ đô Seoul, xa vùng giới tuyến nhiều đe dọa.
Theo một bản tin ngày mùng 9/4/2003 của BBC, “Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld trước đó một tháng đã nói rằng một số trong 37 ngàn quân Hoa Kỳ hiện trú đóng tại Nam Hàn có thể được cho lui xuống sâu hơn về phía nam, cách xa biên giới với Bắc Hàn. Một số sẽ được tái phối trí tại các quốc gia lân bang, hoặc ngay cả hồi hương.” (2)
Tại Philipines, từ năm 1992, hàng tấn trang thiết bị và các kho hàng, bến bãi của các căn cứ hải quân Hoa Kỳ đã được rời sang các quốc gia Á châu khác trong đó có Nhật bản và Singapore. Cuối cùng thì vào ngày 24/11/1992, cờ Hoa Kỳ đã được hạ xuống tại căn cứ hải quân Subic lần cuối cùng. Đồng thời 1,416 quân nhân Thủy quân lục chiến và hải quân, thủy thủ cuối cùng tại căn cứ hải quân Subic Bay Naval Base đã rời nước này bằng phi cơ và chiến hạm Hoa Kỳ USS Belleau Wood.” (3)
Theo một bài báo của Viện Cato ngày 29/7/1991, ông Galen Carpenter, giám đốc nghiên cứu chính sách ngoại giao của viện này nhận định rằng “ Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Philipines là quá tốn kém và không cần thiết.” Ông viết rằng “Mục tiêu chính yếu của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Philipines (đặc biệt là căn cứ Subic Bay) lâu nay là cung cấp yểm trợ tiếp vận quan trọng cho sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ ở Ấn độ dương và vùng Vịnh Persian (Persian Gulf regions).
Nhưng vai trò đó cũng được căn cứ trên tình huống tệ hại nhất đó là tình huống lực lượng Hoa Kỳ cần tung ra một sự can thiệp hỗ trợ mạnh mẽ trong vùng Nam Á và vùng Vịnh Persic (South Asia or the Persian Gulf).” Ông viết tiếp, “Có người cho rằng các căn cứ Hoa Kỳ tại Philipines cũng cần thiết để phòng thủ khối ANZUS (gồm Australia và New Zealand).” Tuy nhiên ông nhận định, “Khả năng của các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Philipines hiện nay kém quan trọng.” (4)
“Tại Nhật bản, vào năm 2003, Hoa Kỳ đã xem xét việc di chuyển hầu hết 20,000 Thủy quân lục chiến trên đảo Okinawa tới các căn cứ mới sẽ được lập tại Australia; gia tăng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Singapore và Malaysia; và tìm kiếm thỏa thuận cho căn cứ tầu hải quân tại vùng biển Việt Nam và binh sĩ bộ binh tại Philipines (…and seeking agreements to base Navy ships in Vietnamese waters and ground troops in the Philippines.)”  (Xin xem ghi chú quan trọng liên quan tới Việt Nam ở dưới bản đồ ở cuối bài.)
“Vào năm 2006, khoảng 8,000 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được di chuyển ra khỏi đảo Okinawa, Nhật bản và tái phối trí tại đảo Guam (của Hoa Kỳ).” “Tháng 11/2008, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là Đô Đốc Timothy Keating nói rằng việc di chuyển về Guam sẽ không thể hoàn tất trước năm 2015.”
Sau khi tái phối trí, Singapore đã trở nên một tổ hợp căn cứ quan trọng yểm trợ cho lực lượng hỗn hợp của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ chịu trách nhiệm an ninh vùng Biển Đông. “Tại Singapore Bộ Tư Lệnh Căn cứ tiếp vận Miền Tây Thái Bình Dương (Commander, Logistics Group Western Pacific) được thành lập tại Sembawang Terminal, thuộc Singapore vào tháng 7/1992, sau khi bộ tư lệnh được tái phối trí từ căn cứ hải quân Subic Bay của Philipines.”.
Bộ tư lệnh này trực thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ chịu trách nhiệm tiếp tế lương thực, săng dầu và đạn dược và sửa chữa cho các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội bên ngoài Nhật bản. Hạm đội này hoạt động trong khu vực rộng 52 triệu dặm vuông (52 million square miles). Bộ tư lệnh này cũng phối hợp hoạt động cho vùng Đông Nam Á, cũng như phối hợp các hoạt động huấn luyện chung với Brunei, Indonesia, Malaysia, Thailand, Philipines và Singapore. www.clwp.navy.mil/ (http://www.themilitaryzone.com/bases/singapore).
Với hai khả năng quân sự và tình báo kỹ thuật hiện đại, lực lượng Hoa Kỳ tại chiến trường ngoại biên đã an toàn hơn trong thời chiến tranh Việt Nam. Số lượng tổn thất nhân mạng ít hơn rất nhiều. Lữ đoàn 3 nhảy dù [Third Brigade Combat Team (3BCT), 101st Airborne Division (Air Assault)] với trên 9,000 quân (6 tiểu đoàn trực thuộc) dưới quyền điều khiển của đại tá Lương Xuân Việt trong 13 tháng hành quân tại Afghanistan chỉ tổn thất có 17 nhân mạng (http://lxvnkt.blogspot.com/ Monday, June 6, 2011). Đó là con số quá ít cho một chiến dịch quân sự lớn và lâu dài như vậy, theo tiêu chuẩn quân sự truyền thống. Điều đó khiến giảm nhẹ nguy cơ chống đối chiến tranh của dân chúng Hoa Kỳ.
Sở dĩ lực lượng quân sự Hoa Kỳ có tổn thất quá nhẹ như vậy là vì trên chiến trường diện địa, tức là không phải chiến tranh trong thành phố, đối phương chưa phát hiện ra lực lượng quân sự Hoa Kỳ thì đã bị Hoa Kỳ tiêu diệt tập thể rồi. Số tổn thất binh sĩ rất thấp, và số tổn thất đó lại không phải do chạm súng tại trận địa, mà hoàn toàn là do mìn gài bên đường, hay bắn sẻ trong thành phố hoặc rơi phi cơ vì lý do kỹ thuật. Một sĩ quan trẻ đã từng bị thương tại Iraq cho biết đi hành quân không sợ mà chỉ sợ lúc đi tuần trong thành phố. Còn đi hành quân thì chỉ sợ xe quân sự cán phải mìn mà thôi. So với thời chiến tranh Việt Nam thì mạng sống của người lính Hoa Kỳ trên chiến trường hiện nay an toàn gấp bội. Công tác quan trọng nhất của lực lượng Hoa Kỳ khi tới vùng hành quân hiện nay là thiết lập trung tâm thông tin. Đó là tai mắt mà cũng là hệ thống thần kinh điều khiển mọi hoạt động khác của các đơn vị trực thuộc.
So với thời chiến tranh Việt Nam cách nay 39 năm (1973-2011), thì vũ khí của Hoa Kỳ đã tiến bộ vượt bực. Có thể nói ngoài sức tưởng tượng. Trước 1973 Hoa Kỳ cũng có hệ thống tự động báo động khi có pháo kích của cộng sản. Tức là ngay khi hỏa tiễn 122 ly của cộng sản rời dàn phóng để hướng vào thành phố thì hệ thống báo động tự động cũng đã phát hiện và hú còi. Nhưng thành quả phát hiện pháo kích không cao. Tức là khi phát hiện khi không. Bởi vì hệ thống lúc đó còn trong giai đoạn thử nghiệm. Trang cụ hồng ngoại tuyến, dùng ánh trăng để phát hiện sự di động của đối phương lúc đó cũng còn yếu: Nhìn không rõ như bây giờ, lại chỉ phát hiện khi đối phương di động. Ngay hệ thống hồng ngoại tuyến mạnh thiết trí ở các căn cứ lớn (cấp tiểu đoàn) cũng chỉ phát hiện đối phương đang di chuyển ở cách xa căn cứ khoảng 2 cây số trở lại. Hệ thống này được thiết trí tại ba căn cứ lớn nằm trong hệ thống hàng rào điện tử MacNamara ở dọc sông Bến Hải ngăn chặn quân cộng sản xâm nhập từ phương bắc. Không ảnh chụp các hoạt động của đối phương vẫn phải xử lý bằng tay và truyền đi theo hệ thống truyền tin cổ điển cho nên nhanh nhất cũng chỉ hữu dụng 24 tiếng đồng hồ sau. Ví dụ khi không ảnh phát hiện một sự tập trung đông đảo của đối phương tại một địa điểm nào đó thì tin tức này chỉ có thể dùng để xin pháo đài bay B-52 từ Thái Lan sang oanh kích cho ngày hôm sau. Trong hành quân, 24 tiếng đồng hồ chậm trễ thì đối phương có thể đã không còn ở đó nữa. Do đó kết quả của các phi vụ B-52 tại chiến trường Việt Nam không nhiều, trong khi rất tốn kém. Trên trang mạng “U.S. Centennial of Flight Commission), người ta viết rằng, “Oanh tạc cơ khổng lồ B-52 lần đầu tiên tham chiến ở Việt Nam năm 1965…Chiến dịch này thực hiện việc trải thảm bom chiến thuật tại Nam Việt Nam, một nhiệm vụ mà loại phi cơ này không được trang bị và phi hành đoàn không được huấn luyện; hậu quả là kết quả không được tốt. Tất cả các yếu điểm này hiện nay không còn nữa. Các tin tức tình báo kỹ thuật hiện nay được đơn vị tại chiến trường xử dụng để có giải pháp đối phó ngay tức khắc cho nên kết quả hành quân rất là hữu hiệu mà rất ít khi gặp thương vong. Tóm lại, trong chiến tranh qui ước, hiện nay Hoa Kỳ là vô địch.
Nhưng trong chiến tranh trong thành phố thì tính ưu thế của vũ khí và khí tài của Hoa Kỳ mất đi nhiều tác dụng. Người ta không thể tiến chiếm một thành phố bằng cách san bằng thành phố đó. Như vậy thì trong thành phố vẫn còn dân chúng. Các kiến trúc và dân cư trong thành phố đã là nơi trú ẩn an toàn cho các toán địch quân bắn sẻ hay đột kích chớp nhoáng rồi lại chôn dấu vũ khí và lẩn vào dân chúng. Đa số thương vong của binh sĩ Hoa Kỳ ngày nay tại Iraq và Pakistan là do mìn gài bên đường, lính bắn sẻ hay máy bay trực thăng chuyển quân rớt vì trục trặc kỹ thuật. Cũng có vài trường hợp trực thăng bị bắn sẻ rơi. Ngoài ra chiến đấu trong thành phố thì vũ khí có khả năng tàn phá mạnh sẽ không thể dùng được vì sẽ gây nhiều thương vong cho dân thường, một nguyên cớ khiến thế giới lên án, mà ngay cả người dân Hoa Kỳ cũng lên án.
Mở rộng vấn đề chiến thuật trong tác chiến trong thành phố ra toàn bộ cuộc chiến tranh nổi dậy mà chiến tranh trong thành phố là một thành phần, người ta cũng gặp những khó khăn và  hiểm nguy tương tự. Chiến tranh nổi dậy thường là một tên gọi khác của chiến tranh nhân dân (People’s War or Guerrilla warfare), tức là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và diễn ra vào mọi lúc, ở mọi nơi. Một cuộc chiến tranh nhân dân như thế sẽ giảm đi rất nhiều sự hữu hiệu của ưu thế kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ. Ngoài ra, đối phó với một cuộc chiến tranh nổi dậy lực lượng chiếm đóng sẽ không được sự hợp tác của đại đa số dân địa phương, một yếu tố đưa tới thất bại.
Một điều may mắn cho Hoa Kỳ là Hoa Kỳ không có truyền thống xâm chiếm lãnh thổ làm thuộc địa. Philipines bị Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ vào năm 1898 sau khi thua trận, nhưng ngay vào năm 1916, đạo luật Jones Law đã tạo cho Philipines một chính phủ tự trị để chuẩn bị cho sự trao trả hoàn toàn độc lập cho Philipines. Do đó vấn đề phải đối phó với chiến tranh nổi dậy ở những quốc gia Hoa Kỳ tham chiến chỉ là tạm thời và ở tầm mức thấp.
Nói cách khác, cái gọi là hệ thống vũ khí có khả năng tàn phá khốc liệt, mau chóng và chính xác các mục tiêu ở xa tuy là một lợi khí tấn công tuyệt hảo nhưng thực chất lại chỉ hữu hiệu trong một cuộc chiến tranh phòng thủ chứ không hữu hiệu trong một cuộc chiến tranh xâm chiếm lâu dài (vì chiếm đóng lâu dài sẽ phải đương đầu với chiến tranh nổi dậy của dân chúng và khi đó vũ khí tối tân không hữu dụng).
Như thế, trong ý nghĩa chiến lược “tấn công để phòng thủ”, khả năng tấn công quân sự  từ xa hiện nay của Hoa Kỳ rất hữu hiệu trong việc bảo đảm tự do lưu thông trong vùng Biển Đông (East Viet Nam Sea) mà “đường lưỡi bò” của Trung quốc tự vẽ muốn chiếm trọn vẹn chủ quyền, đồng thời bảo đảm an ninh cho các quốc gia liên minh vùng Ven Thái Bình Dương (Pacific Rim), nơi được Hoa Kỳ coi là có các lợi ích thiết thân của quốc gia.
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt
——————————————–
Ghi chú:
(1): (http://news.yahoo.com/moammar-gadhafi-dead-rebels-killed-dictator-081350571.html) -Moammar Gadhafi Dead: How Rebels Killed the Dictator
By JEFFREY KOFMAN and KEVIN DOLAK | ABC News – Thu, Oct 20, 2011
(2): (http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/2930997.stm) (2)
9 April, 2003, 08:53 GMT 09:53 UK-US army to move S Korea base
(3): (http://en.wikipedia.org/wiki/U.S._Naval_Base_Subic_Bay#Closure)
(4): http://www.cato.org/pubs/fpbriefs/fpb012.pdf
(Cato Institute Foreign Policy Briefing No. 12:The U.S. Military Presence in the Philippines:Expensive and Unnecessary)-Foreign Policy Briefing-July 29, 1991

Ghi chú:
Mầu đỏ: các quốc gia đã có căn cứ quân sự Hoa Kỳ
Mầu vàng: các quốc gia có đề nghị lập căn cứ Hoa Kỳ
Ghi chú quan trọng của tác giả: Có sự trùng hợp với việc Hoa Kỳ tìm kiếm thỏa thuận cho căn cứ tầu hải quân tại vùng biển Việt Nam (…and seeking agreements to base Navy ships in Vietnamese waters and ground troops in the Philippines.)” (http://en.wikipedia.org/wiki/Okinawa_Prefecture) với hình ảnh nước Việt Nam được tô mầu vàng trên bản đồ này.
http://blog.hiddenharmonies.org/2010/08/map-of-u-s-military-bases-around-the-world/

No comments:

Post a Comment