Pages

Thursday, October 27, 2011

Lời người ra đi


Cột đèn mà cũng đòi đi
Hỏi xem chế độ còn gì để ưa
Nguyễn Bá Chổi Xin thưa ngay để qúy bạn đọc nào còn bị “người” với “bác” ma ám chữ nghĩa chớ vội thất vọng với bài viết, càm ràm rằng, “lại phải đọc di chúc của bác Hồ”: “Người” đây là Cột Đèn Hà Nội, “kẻ” vừa rồi đã làm đơn gửi nhà nước xin-cho đi khỏi Hà Nội càng sớm càng tốt.

Tính đến nay đơn gửi đi đã mon men gần bốn tháng trời rồi, nhưng chưa thấy “thẩm quyền” nổi tăm hơi một tiếng. Cột đèn mà còn biết nói, chả nhẽ đầu gối là vốn qúy của loài người lại chẳng biết nghe. Có lẽ các chú ấy đang bận lo đại sự ấy thôi, vì cỡ “kiến nghị” như của Đại Tướng Điện Biên, của bao tướng tá, lão thành cách mạng cộng lại cả đống, đã bao năm mà đã có cái nào ra cái nào đâu.

Nhưng mà đầu gối có nghe hay không, trả lời dzét hay nâu (1) thì Cột đèn vưỡn cứ ra đi tìm đường... thoát nước. Chủ bãi vượt biên năm nào hồi này làm ăn lớn, lo chuyện trên trời tức chuyện thiên triều, lợi nhuận từ bán rừng vàng, buôn bô xít bạc tỷ US Đô, chẳng còn thiết tha với chuyện dưới biển cò con dăm bảy cây như thời tem phiếu, đánh kẻng ra đồng, không phải để hưởng tập thể cái thú thứ nhì sau quận công(2) mà hồi mới nghe chứ chưa được sống cứ tưởng thiên đường vô sản “đã quá xá”như vậy, tức xoá sạch giai cấp quận công, ai cũng sướng như ai hết trơn, nhưng để chổng mông cuốc theo chỉ tiêu.

Không mua được bãi đáp thì Cột đèn mua “Giấy Ra Trại” đi diện HO bằng máy bay “hoành tráng” hơn nhiều, mặc dầu sau này HO cũng lác đác những anh bị ho ra máu, rồi ho lao đi không nổi sau khi phải bá thở với đủ thứ thủ tục “đầu tiên”. Riêng Cột Đèn thì cầm chắc cái đi, vì thời buổi này còn hơn thời nào hết, như lời cụ Nguyễn Du:

“Trong tay sẵn có đồng tiền
Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì”

Có những chuyện khó hơn đổi trắng thay đen mà người ta còn làm được nữa là. Như con cháu Đại tướng Giáp, con du kích Dũng, con cháu lão thành cách mạng có công nhớn “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” mà còn đổi từ trường các nước XHCN anh em sang học trường Mỹ Cút, làm xui gia với Ngụy Nhào được, huống chi là cái hộ chiếu xuất cảnh cho... Cột đèn. Nên chi, Cột đèn xin có đôi lời người ra đi.


Thưa các bác Dây Điện, Dây Điện Thoại, Cáp Quang, Cục Gạch,

Trước hết Cột Đèn xin thú thật vơi các bác là chỗ xóm giềng thân thích cảm xúc của mình lúc này là còn đau buồn hơn lúc cha chết mẹ chết. Cha mẹ chết là chuyện không thể tránh được, ai cũng phải mất cha mẹ, không sớm thì muộn; là định luật của Trời. Còn mất nước, trên thế gian này hỏi có mấy ai. Mình lại vừa sắp mất nước và cái hồn nước thì đang như vất va vất vưởng, vì còn được mấy con dân dám “chứa chấp”: ai yêu nước là bị đạp lên mặt, cướp giật nón, và cứ cái đà “quyết giữ thành phố hoà bình”, chẳng còn xa mấy, chuyện giật xú giật xì.

Cột Đèn đau buồn chẳng còn buồn nói năng chi; chỉ muốn kết cỏ ngậm miệng,chờ ngày ra đi. Nhưng “đi là chết trong lòng”, và cũng có thể là chết luôn ngoài thịt da, sụm luôn xương cốt trước khi có cơ hội quay về quê cha đất tổ, nên xin ngỏ đôi lời chào giã biệt không dám với người quyền cao chức trọng thì ít ra cũng với chỗ xóm giếng đã bao năm kẻ bá vai choàng cổ, người ngữa mặt nhìn lên suốt đêm ngày chẳng quản nắng mưa. Xin các bác Dây đủ thứ và bác Cục Gạch niệm tình tha thứ cho Cột Đèn tuy mình sắt da xi măng nhưng sức chịu đựng cũng có hạn.

Sau hàng trăm năm “theo vận nước” từ thời Tây cai trị đến mưa bom B.52 Mỹ, nhất là cảnh “tôi bước đi chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” do Đấu Tố, Nhân Văn, Xét Lại ... nay đã đến cái giới hạn chịu không thấu. Không phải vì tuổi già sức yếu, nhưng vì những nhố nhăng vượt quá khả năng thính thị; nghe nhìn tiếp mắt sẽ mù tai sẽ điếc và đầu óc sẽ điên với những dấu hỏi tại sao tại sao.

Như chốn Văn Miếu nay đã rơi mất chữ “i” . Tiến sĩ bây giờ vàng thau lẫn lộn; nói vậy cũng oan cho “ thau”. Xin lỗi thau một cái vì đã ví thau với đám tiến sĩ gian manh tấm bằng. Thau có giá trị của thau. Tiến sĩ mà định nghĩa hai chữ “nhân dân” như kẻ điên khùng (3) thì còn thua xa “cứt sắt”, thứ vứt đi nhưng còn hữu ích làm phân bón cho cây ăn trái.


Như người người bày tỏ lòng yêu nước thì bị đối xử thậm tệ hơn cách người ta đối xử với súc vật, trong khi con rùa dưới hồ ao thì kêu bằng cụ, “cụ Rùa”; đến khi con vật bị lở loét vì nước hồ nhiễm độc thì huy động cả một đạo quân bác sĩ nghiên cứu cách chữa trị.

Như cách đối xử với kẻ thù cũ ngoại bang còn “nhân đạo” hơn với cựu thù người cùng dòng giống tổ tiên, qua việc nhận tiền viện trợ của Mỹ để tìm hài cốt Mỹ chứ nhất quyết không tìm hài cốt của quân sĩ người Việt miền Nam như đòi hỏi của người phát cho US Đô la.

Như xưa nay phe thua trận có chịu cảnh “nước mất nhà tan “ chứ chưa dân tộc nào lại bị thêm nạn đào luôn mồ mả như đảng CSVN sau khi “đại thắng mùa xuân” hầu hết nghĩa trang Quân Đội tại các tỉnh thành Miền Nam bị giải toả tức đào xới.

Như với đồng bào mình thì coi như rơm rác, với ngoại bang thì còn thua tư cách của người nô lệ đối vớ chủ nô . Cùng là hàng quốc trưởng, thủ tướng, hay đảng trưởng nhưng khi bắt tay lại phải tay bắt tay sờ trong khi người ta chỉ có một.


Bỗng Cột Đèn nhớ tới chuyện hồi còn chiến tranh “giải phóng Miền Nam”, gặp lúc máy truyền tin của “ta-địch” giao thoa nhau, anh bộ đội “Giải Phóng” lợi dụng dịp may hiếm có, chửi anh “quân Ngụy” một mạch, đại khái Miền Nam bị nô lệ đế quốc Mỹ, anh “Ngụy” liền đáp lại, rằng “Miền Nam nô lệ Mỹ nhưng trong nhà dân không ai treo hình tổng thống Mỹ cả, không giống như đồng bào miền Bắc phải treo mấy ông Mác, ông Lê, ông Xít ông Mao, và tôi hô “đả đảo đế quốc Mỹ” cho anh nghe đây này. Bây giờ anh có dám hô như vậy với Liên Xô, Trung Quốc không?” Thế là anh giải phóng im luôn. Trước 75 Cột Đèn cũng muốn vào Nam nhưng ngày ấy có vào được thì giờ cũng đòi đi thôi.

Đại khái là như thế, không nói ra các bạn Dây Điện, Dây Điện Thọai, Dây Cáp Quang, Cục Gạch có khi còn “minh triết” hơn Cột Đèn nữa; có điều là các bạn giỏi chịu đựng hơn Cột Đèn nên còm im ỉm cam phận ấy thôi.

Chào các Bạn nhé.

Một lần nữa xin các bạn tha thứ cho. Chẳng qua tôi ra đi vì cảnh chặng đặng đừng, chịu không nổi nữa đành đoạn chia... chân.

Nhớ liên lạc với nhau qua email.

Cột đèn mà cũng đòi đi
Hỏi xem chế độ còn gì để ưa...
Nguyễn Bá Chổi

No comments:

Post a Comment