Tổng thống Obama nói chuyện với binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc ngày 11/11/2010.
Trong vòng công du 9 ngày tại châu Á, bắt đầu từ ngày 7/11/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đi thăm 4 nước là Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo giải thích của Washington, lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ ghé qua « các nước dân chủ » chứ không có ý tránh né Trung Quốc. Vào lúc Tổng thống Mỹ đặt chân đến Ấn Độ, một phái đoàn chính phủ Mỹ rất hùng hậu bay đến Úc và ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng và kêu gọi Trung Quốc phải ứng xử như một cường quốc có trách nhiệm.
Theo giới phân tích, những sự kiện kể trên không hẳn là ngẫu nhiên.Đúng là trên đường đi dự hội nghị G20 tại Hàn Quốc và APEC tại Nhật Bản, Tổng thống Obama nhân tiện ghé Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất địa cầu mà từ ngày đắc cử ông chưa đến. Còn Indonesia là nơi « Barry » sống 4 năm lúc còn thơ ấu. Tuy nhiên cả 4 quốc gia kể trên đều có hai mẫu số chung : trái với Trung Quốc, đây là những nước theo chế độ dân chủ và có cùng vấn đề trước tham vọng của Trung Quốc.
Tại New Delhi, Tổng thống Mỹ đã có những động thái thắt chặt quan hệ với Ấn Độ mà ông gọi là « một cường quốc thế giới » và là một đồng minh tự nhiên của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Ông Obama tuyên bố ủng hộ Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nới rộng.
Quan hệ Mỹ - Ấn, khá lạnh nhạt trong thời chiến tranh lạnh, đã được hai Tổng thống Mỹ là Bill Clinton và George W. Bush liên tiếp nỗ lực cải thiện, với đỉnh điểm là hợp tác hạt nhân dân sự.
Theo AFP, giới chuyên gia địa lý chính trị thẩm định là Washington ủng hộ Ấn trên các lãnh vực kinh tế và ngoại giao trong chiều hướng New Delhi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Nhất cử nhất động của Tổng thống Mỹ tại Ấn không tránh khỏi được Bắc Kinh phân tích kỹ lưỡng trước cuộc gặp tay đôi Obama-Hồ Cẩm Đào bên lề G20 tại Seoul.
Sau Ấn Độ, Tổng thống Mỹ đến Indonesia. Ngoài vấn đề tình cảm gắn bó lúc tuổi thơ, quần đảo Nam Dương là một chặng viếng thăm quan trọng vì có tính chiến lược. Phụ tá cố vấn an ninh Tổng thống, ông Ben Rhodes nhận định là với vị thế là một chế độ dân chủ có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới, một cường quốc kinh tế của Đông Nam Á, Indonesia giữ vai trò đồng minh càng ngày càng cần thiết đối với Mỹ trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Song song với chuyến viếng thăm châu Á của chủ nhân Nhà Trắng, một phái đoàn ngoại giao, quân sự Mỹ gồm Ngoại trưởng Hillary Clinton đang công du trong vùng, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Đô đốc Michael Mullen , Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đến nước Úc, cường quốc khu vực ở phía Nam Thái Bình Dương.
Qua thông cáo chung, Mỹ - Úc ký nhiều hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, thảo luận về nỗ lực giúp các đối tác trong vùng về “an ninh hàng hải”.
Theo AFP, vụ va chạm tại Senkaku/ Điếu Ngư hồi đầu tháng 9 và thái độ độc đoán của Trung Quốc tại Biển Đông làm cho các nước trong vùng và Hoa Kỳ vô cùng quan ngại.
Trong cuộc họp thường niên Mỹ - Úc tại Melburn, hai nước cùng kêu gọi Trung Quốc hành xử như một “cường quốc có trách nhiệm”. Bộ trưởng Robert Gates tuyên bố thêm là Hoa Kỳ dự kiến tăng cường hiện diện quân sự tại Á châu.
Để tìm hiểu thêm ván cờ địa lý chính trị của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương , mục tiêu và đối tượng của Washington, RFI Việt Ngữ đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
No comments:
Post a Comment