Pages

Wednesday, November 17, 2010

Nhận diện “đối lập dân chủ”

Các lực lượng “đối lập dân chủ” là ai?
Đang ở đâu?
Tình trạng họ như thế nào?

Việt Hoàng 

“…Nếu những người Việt Nam yêu nước không nhìn nhận và kiểm điểm lại bản thân cũng như con đường đang đi, rồi cơ hội sẽ lại bị bỏ qua như bao lần đã bị bỏ qua…”

Đảng cộng sản Việt Nam có thể tự thay đổi và chuyển hóa về dân chủ (một cách thật sự, như mong muốn của một số người) được không? Với việc bắt giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 05/11/2010, chính quyền Việt Nam đã cho chúng ta câu trả lời là: Không. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là lớp người “con ông cháu cha”, có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh… Ông Cù Huy Hà Vũ là người có tiếng nói mạnh mẽ đòi dân chủ cho Việt Nam. Sỡ dĩ ông mạnh miệng như vậy ắt phải có những thế lực che chở và khuyến khích phía sau, thế nhưng khi thấy ông đi quá nhanh và mọi người ca ngợi ông quá nhiều thì vì sự “đồng thuận” trong việc “duy trì sự lãnh đạo độc nhất của đảng” nên chính quyền đã quyết định bắt và truy tố ông. Chúng ta rút ra được bài học gì sau sự kiện này? Bài học đó là: Không nên trông đợi vào sự chia rẽ hay bất đồng trong nội bộ đảng cộng sản để hy vọng có dân chủ. Tranh chấp nội bộ trong Đảng đã xảy ra trong nhiều năm và sẽ tiếp tục xảy ra. Nhưng không phải vì vậy mà Việt Nam sẽ có dân chủ. Các tranh chấp về quyền lợi (chứ không phải vì lý tưởng) dù có gay gắt nhưng đứng trước sự sống còn của Đảng các phe phái trong nội bộ Đảng sẽ tìm được đồng thuận chung.

Như vậy, để có dân chủ thật sự cho Việt Nam thì bắt buộc phải có các lực lượng “đối lập dân chủ”. Khi các lực lượng “đối lập dân chủ” đủ mạnh sẽ gây được sức ép buộc Đảng cộng sản phải chấp nhận luật chơi “dân chủ” và sau đó là sự cố gắng để các lực lượng “đối lập dân chủ” dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Người dân Việt Nam quyết định ai, lực lượng nào sẽ là người lãnh đạo đất nước.

Thế nhưng, các lực lượng “đối lập dân chủ” là ai? Đang ở đâu? Tình trạng họ như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau thử nhận diện các lực lượng “đối lập dân chủ” này.




Chúng ta phải thừa nhận một sự thật đáng buồn là ảnh hưởng của các lực lượng “đối lập dân chủ” đối với người dân Việt Nam chưa được bao nhiêu. Phần thì do thông tin không đến được người dân do sự bưng bít của chính quyền, phần thì do các lực lượng “đối lập dân chủ” chưa đủ sức thuyết phục đối với dân chúng (kể cả với thành phần trí thức, vì vậy họ chỉ biết kêu gọi Đảng cộng sản thay đổi, dù rằng chuyện này không mang lại kết quả gì). Một lý do nữa cũng rất quan trọng khiến “đối lập dân chủ” ít được quan tâm đó là do người dân Việt Nam bị ảnh hưởng quá lớn văn hóa Khổng Giáo. Văn hóa Khổng Giáo là văn hóa hướng về quá khứ, tâm lý của những nạn nhân chiến tranh là phẫn uất, hận thù. Một lập trường chính trị hướng về tương lai với tinh thần hòa giải-hòa hợp (như cương lĩnh chính trị của Tập Hợp dân Chủ Đa Nguyên) là một lập trường mâu thuẫn với văn hóa và tâm lý Khổng Giáo. Kêu gọi hận thù, kích thích lòng căm thù luôn dễ thành công hơn là vận động cho hòa giải-hòa hợp. Đây cũng là lý do thành công của chủ nghĩa cộng sản và phát xít. Không ít tổ chức lợi dụng tâm lý và văn hóa này để xây dựng hay cũng cố quyền lợi của họ. Một lý do nữa cũng quan trọng không kém đó là Việt Nam vẫn đang “thiếu vắng nhân sự chính trị và trí thức có tầm vóc”. Những người có hiểu biết, uy tín và ảnh hưởng vẫn né tránh những vấn đề ‘nhạy cảm chính trị’. Ông Nguyễn Gia Kiểng có lý do để nói rằng: “Đối lập dân chủ đang trước một thực trạng rất đáng thất vọng ”.

Một tổ chức “đối lập dân chủ” thực sự muốn đấu tranh để mang lại thắng lợi sau cùng cũng như tìm được sự đồng thuận trong dân chúng phải đi qua năm giai đoạn:

1. Xây dựng một cơ sở tư tưởng
2.
Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt
3.
Xây dựng các phương tiện.
4.
Xây dựng cơ sở quần chúng
5.
Tiến công giành chính quyền
Trong năm giai đoạn đó thì hai giai đoạn đầu rất quan trọng, khó khăn và cần nhiều thời gian. Hai giai đoạn này được ví như xây móng cho một ngôi nhà. Giai đoạn ba và bốn như xây tường và các tầng, giai đoạn năm là lợp mái. Hai giai đoạn đầu rất khó khăn và mất thời gian nên hầu hết các tổ chức “đối lập dân chủ” đều bỏ qua. Phần lớn đều tập trung vào giai đoạn năm: Tiến công và mong giành được chính quyền. Đây là những điều hoàn toàn không tưởng. Đấu tranh dân chủ không giống “chơi xổ số” nên không có sự ăn may rủi ở đây. Mọi thành quả lớn nhỏ có được đều do cả quá trình đấu tranh gian khó.

Sau khi đã có được một tổ chức “đối lập dân chủ” đúng nghĩa thì còn phải cần đến bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng dân chủ thành công:


-
Thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tai hại và phải thay đổi.

-
Thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và mất bản năng tự tồn của một đoàn thể, một tổ chức.

-
Thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng tình về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

-
Thứ tư là có một tổ chức chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Nhìn vào thực tế Việt Nam chúng ta thấy rằng đã hội đủ hai điều kiện đầu. Điều kiện thứ ba cũng đã có, tuy chưa được chung tay phổ biến rộng rãi. Những “Đồng thuận nền tảng” và “Những định hướng lớn” đã có trong
Dự Án Chính Trị Thành Công Thế Kỷ 21 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Xin tóm tắt qua:
Dự Án Chính Trị
Thành Công Thế Kỷ 21
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đồng thuận nền tảng cho một Việt Nam mới
1.Quốc gia Việt Nam phải được quan niệm như là một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Nhà nước chỉ là công cụ để thực hiện một đồng thuận dân tộc. Nhà nước ấy phải ở trong và ở dưới quốc gia, và phải xuất phát từ chọn lựa tự do của dân chúng.

2. Thể chế của Việt Nam phải là thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi khác biệt và dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Nhà nước phải thực sự tản quyền, cho phép các địa phương tự tổ chức sinh hoạt của mình theo những điều kiện đặc biệt. Nhà nước đặt nền tảng trên thỏa hiệp thay vì xung khắc. Nhà nước coi công bằng xã hội là một ưu tư thường trực. Nhà nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước nhẹ, tuyệt đối tôn trọng và thực thi luật pháp, tập trung vào sứ mệnh hòa giải những tranh chấp, trọng tài các quan hệ trong xã hội dân sự và chế tài những vi phạm.

3. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc. Hòa giải để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích do lịch sử để lại giữa các sắc tộc, giữa các địa phương, giữa các tôn giáo, giữa người dân và chính quyền. Quan trọng nhất là hòa giải những hận thù do cuộc chiến và các chính sách phân biệt đối xử mà chế độ cộng sản để lại. Hòa giải để tiến tới hòa hợp trong cố gắng xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Một tương lai mà mọi người đều có thể chấp nhận và chung sống hòa bình với nhau.

4. Phát triển đất nước đặt nền tảng trên kinh tế thị trường, lấy ý kiến và sáng kiến cá nhân làm động cơ và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Ổn định chính trị là có một hiến pháp dân chủ và ổn vững, luật pháp không thay đổi đột ngột và tùy tiện. Sinh hoạt kinh tế thị trường phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư nhân, nhà nước không có chức năng kinh doanh.
Những định hướng lớn cho một nước Việt Nam mới
- Xây dựng đất nước trên những giá trị tiến bộ thay vì trên một chủ nghĩa. Những giá trị tiến bộ đó là hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, liên đới và môi trường.

- Lấy tự do làm động lực để phát huy óc sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Trên đất nước Việt Nam sẽ không thể có ý kiến nào cấm nêu ra và cũng không thể có đề tài nào cấm bàn đến.

- Phát huy lòng yêu nước tự nguyện. Lòng yêu nước là sức mạnh để chinh phục tương lai của dân tộc với điều kiện là phải tự nhiên và tự nguyện. Trách nhiệm chính của nhà nước là làm cho đất nước ngày càng cần thiết, đáng yêu và đáng tự hào.

- Tôn trọng và phát huy xã hội dân sự. Xã hội dân sự là toàn bộ những kết hợp của người dân và được coi là nền tảng của đất nước. Nhà nước tự coi là có vai trò tạo điều kiện để xã hội dân sự tạo phúc lợi cho đất nước chứ không định đoạt và làm thay cho xã hội dân sự.

- Xác định Việt Nam là đất nước của các cộng đồng. Đất nước Việt Nam không phải là của riêng sắc tộc Kinh. Cộng đồng người Việt hải ngoại phải được coi là thành phần khăng khít của đất nước. Mọi người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại phải được coi là những công dân với đầy đủ quyền lợi và nhiệm vụ.

- Chọn lựa dứt khoát kinh tế thị trường. Những gì tư nhân có thể làm nhà nước sẽ không làm.

- Không ngừng cảnh giác bảo vệ công bằng xã hội. Bảo vệ những người yếu kém, bảo đảm cơ may thăng tiến đồng đều cho mọi người, trước hết là qua giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế.

- Tiến tới một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Một quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho ba ngành : tin học, du lịch và hàng hải. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không tán thành việc thiết lập những khu kinh tế đặc biệt mà chủ trương dành tất cả mọi dễ dãi cho kinh doanh trên toàn lãnh thổ.

- Theo đuổi một chủ nghĩa nước nhỏ. Khiêm tốn và hòa hoãn với mọi quốc gia, nhẫn nhục hôm nay để giàu mạnh ngày mai.

- Thực hiện một chính sách đối ngoại hòa bình và một chính sách láng giềng tốt. Tìm mọi cơ hội để thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước đã phát triển mạnh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Phát huy mọi sáng kiến để hóa giải những vấn đề còn tồn đọng với Lào, Campuchia và Trung Quốc, đi đến quan hệ láng giềng tốt.

- Ngăn chặn đà gia tăng dân số, chủ yếu qua cố gắng thăng tiến phụ nữ và bảo trợ người già.
Như vậy trong bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ chúng ta đã có ba, còn lại điều kiện thứ tư, và đây là điều kiện quan trọng nhất: “Có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới”. Vì sao đây lại là điều kiện quan trọng nhất? Bởi vì: Thiếu điều kiện này, ba điều kiện đầu sẽ “mai một” dần đi với thời gian. Lý do:

-Trong một thời gian dài, nếu người dân không thấy có hy vọng nào về “đối lập dân chủ” thì họ sẽ thỏa hiệp với chính quyền, bằng cách luồn lách để sống. Họ không còn quan tâm đến việc phải thay đổi chính quyền vì không hy vọng thực hiện.


- Trong thời gian tới, đảng cầm quyền sẽ mất đồng thuận trên lý tưởng chung nhưng họ cũng có thể tìm được đồng thuận trên quyền lợi, và cho dù có những xung đột vì quyền lợi, họ vẫn tìm được “tiếng nói chung” khi cần. Nếu không có điều kiện thứ tư, thì các nhóm lợi ích và các phe nhóm trong Đảng vẫn xung đột nhau và đưa đến kết quả: 1/ Phe thắng sẽ cầm quyền. 2/ Nếu hai phe ngang ngữa thì chia quyền. Khi nào có dịp thì họ sẽ tiếp tục tranh chấp. Và sẽ cứ tái diễn như vậy.


- Nếu trong một thời gian tới mà “đối lập dân chủ” không xây dựng được một lực lượng có tầm vóc thì người dân cũng quên, hay không còn tin vào “một chế độ mới” và “những mục tiêu quốc gia mới”.


Như vậy muốn xây dựng điều kiện quan trọng thứ tư này thì phải trở lại tiến trình năm giai đoạn. Nhìn lại quãng đường đã qua, và thực tế tại Việt Nam thì ta thấy rằng “đối lập dân chủ” chưa có được vị trí đáng có để người dân có thể tin vào, cũng bởi vì lý do “đối lập dân chủ” không thực hành theo tiến trình năm giai đoạn. Vì nôn nóng, vì chủ quan, vì chú trọng quan tâm đến “hoa lá cành” hơn “gốc rễ” nên “đối lập dân chủ” đã không xây dựng lực lượng đối lập vững mạnh. Cũng như một ngôi nhà xây trên một nền móng yếu, xây cao được vài ba mét rồi sụp, rồi xây lại.


Những yếu kém và sự tham nhũng của đảng cộng sản ngày càng bộc lộ trầm trọng, lòng dân ngày càng ly tán. “Đối lập dân chủ” đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Nếu những người Việt Nam yêu nước không nhìn nhận và kiểm điểm lại bản thân cũng như con đường đang đi, rồi cơ hội sẽ lại bị bỏ qua như bao lần đã bị bỏ qua. Đảng cộng sản dù thoi thóp và vớ vẩn nhưng vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng và ngạo mạn trên nỗi đau và bất lực của tất cả chúng ta.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

No comments:

Post a Comment