Pages

Friday, November 12, 2010

G20 Seoul, Hàn Quốc tránh né cuộc đọ sức Mỹ Trung

Nguồn : http://www.seoulsummit.kr/
Thanh Hà
Tại thượng đỉnh G20 Seoul, lần đầu tiên các bên phác họa ra một trật tự kinh tế mới nhằm bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và cân đối. Hàn Quốc tránh né cuộc đọ sức về tỷ giá hối đoái giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng xem việc bảo vệ quyền lợi của các nền kinh tế đang phát triển là một ưu tiên hàng đầu.
Hàn Quốc là nền kinh tế đầu tiên đứng ngoài nhóm bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới được vinh dự tổ chức thượng đỉnh G20. Đây là một thắng lợi về phương diện ngoại giao đối với nền kinh tế lớn thứ tư của Châu Á.
Đối với dư luận Hàn Quốc, hội nghị G20 tổ chức tại Seoul trong hai ngày 11 và 12/11 là sự kiện quan trọng không kém so với việc năm 1991, Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc. Cho dù đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 15 địa cầu, nhưng hiếm khi nào Seoul thực sự có tiếng nói quyết định đối với trật tự kinh tế của thế giới.

Với G20 lần này, Hàn Quốc đang từ vị trí của một quốc gia phải tuân thủ luật chơi do các siêu cường phương Tây hay các định chế tài chính quốc tế như IMF, hay Ngân Hàng Thế Giới áp đặt (như sau khủng hoảng tiền tệ Á châu 1997-1998), để cùng với các đối tác tầm cỡ khác đề xướng ra những luật chơi chung cho kinh tế toàn cầu.

Từ khi khủng hoảng toàn cầu bùng nổ vào cuối 2008, đây là lần thứ năm các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ khối G20 gặp lại nhau. Khác với các thượng đỉnh Washington, Luân Đôn, Pittsburgh hay Toronto trước đây, tại Seoul lần này, không chỉ tập trung vào các biện pháp để đối phó với khủng hoảng.

Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hàn Quốc sẽ là lần đầu tiên các bên phác họa ra một trật tự kinh tế mới với chủ đích là làm thế nào để bảo đảm cho toàn nhân loại một mô hình phát triển kinh tế bền vững và cân đối.

Một đặc điểm khác của thượng đỉnh Seoul là nước chủ nhà coi việc bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đang phát triển, của các nền kinh tế đang vươn lên vắng mặt trong đại gia đình G20 là một mối ưu tiên hàng đầu do các quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng cao và là những thị trường có khả năng thu hút các sản phẩm của các nước công nghiệp phát triển. Chính vì vậy Seoul đặc biết quan tâm đến hồ sơ trợ cấp cho các nước nghèo.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc muốn tận dụng lợi thế và kinh nghiệm từng trải để trở thành cầu nối giữa các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang lên.Trong quá khứ, Hàn Quốc đã nhanh chóng thoát khỏi hai cuộc khủng hoảng tài chính 1997 và gần đây hơn là cơn bão tài chính 2008.

Ưu tiên của Hàn Quốc tại thượng đỉnh G20 Seoul

Trả lời báo chí, ông Il Sakong, chủ tịch Ủy ban tổ chức G20, trực thuộc phủ tổng thống xác định rõ các mục tiêu của thượng đỉnh G20 Seoul như sau :

- Thứ nhất hội nghị G20 lần thứ tư này là sự tiếp nối của thượng đỉnh Pittsburgh và Toronto để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tiếp tục thảo luận về chương trình cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, đưa ra những điều khoản giới hạn rủi ro, tránh để một cuộc khủng hoảng như 2008 tái diễn.

- Phần thứ nhì tập trung vào những định hướng cho tương lại : các bên cùng xét tới những điều kiện để bảo đảm và duy trì tăng trưởng một cách lâu bền. Để đạt được mục tiêu đó thì G20 bắt buộc phải hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ ngân sách đến tài chính, từ tiền tệ tới chiến lược phát triển v.v.

Bối cảnh không thuận lợi

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trong hai ngày 11 và 12 sắp tới đây sẽ diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi.

- Một số thành viên G20, điển hình là Trung Quốc, luôn trong tình trạng xuất siêu và dư thừa ngoại tệ. Ngược lại, cán cân thanh toán của một số khác - tiêu biểu nhất là Mỹ - thì lại trong tình trạng thiếu hụt kinh niên.

- Thế mất cân đối này khiến nhiều thành viên trong nhóm G20 sử dụng đơn vị tiền tệ để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị truờng, hỗ trợ xuất khẩu. Ở đây các chuyên gia nói đến một « cuộc chiến hối đoái đang mở màn, và đang dẫn tới chiến tranh thương mại » ở quy mô lớn.

Bản thân nước chủ nhà đón tiếp hội nghị Seoul cũng đã bị chỉ trích đã tung ra hàng tỷ đồng để mua đô la, làm hạ giá đồng won với mục tiêu sau cùng là để yểm trợ hàng xuất khẩu « made in Korea ».

- Thêm một yếu tố bất lợi thứ ba là Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm 3/11 đã quyết định bơm thêm 600 tỷ đô la từ nay cho đến tháng 6/2011 để tiếp sức cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Trung Quốc và cả Liên Hiệp Châu Âu cùng chỉ trích Washington về điểm này.

Đứng ngoài cuộc đọ sức Mỹ-Trung

Dù sao, các yếu tố trên đặt Seoul trong thế khó xử, đặc biết là trên hồ sơ « chiến tranh tiền tệ » đang nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trên thực tế, Hàn Quốc không muốn để cuộc chiến ngoại hối làm lu mờ hai trọng tâm của G20 mà Seoul đang hướng tới. Hai ưu tiên đó là kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính thế giới và việc xây dựng một « lưới an toàn tài chính - safety net » cho các quốc gia đang phát triển.

Là một nền kinh tế lệ thuộc đến 43% vào khu vực xuất khẩu, trước mắt Hàn Quốc vẫn chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng tiền để chiếm ưu thế về mặt cạnh tranh, đặc biệt là đối với hàng Nhật chẳng hạn. Trong hoàn cảnh đó Seoul chưa bị dồn đến chân tường để phải lao vào cuộc chiến hối đoái. Hơn nữa, Trong cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh về đồng nhân dân tệ, Seoul rất ngại phải đứng ra làm trọng tài giữa một bên là đồng minh quân sự của Hàn Quốc và bên kia là nước láng giềng và cũng là đối tác thương mại trọng yếu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Theo các nhà phân tích, G20 tại Seoul khó có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh hối đoái đang nhen nhúm. Điểm son duy nhất là lần đầu tiên 20 siêu cường kinh tế thế giới đồng ý cải tổ cơ cấu vận hành của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, theo hướng để cho định chế này có nhiều phương tiện hơn trong trường hợp IMF cần can thiệp để hỗ trợ các nền kinh tế lâm vào khủng hoảng đồng thời tăng cường trọng lượng của các nước đang trỗi dậy trong định chế đa quốc gia này.

Lao động

Nếu như các nước chậm phát triển lo ngại phương Tây và các nước lớn như Trung Quốc áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, thì ngược lại ưu tư hàng đầu của các nền kinh tế phát triển là giải quyết việc làm cho người dân. Đây cũng sẽ là một chủ đề được nhắc tới tại G20 Seoul lần này.

Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT) trông đợi G20 có nhưng biện pháp cụ thể nhằm đẩy lui thất nghiệp. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong hai năm qua đẩy thêm 30 triệu người ra ngoài thị trường lao động, và trên thế giới hiện nay, có 210 triệu người không có việc làm ; mức lương trung bình sút giảm 4%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi vững chắc, OIT lo ngại tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới tiếp tục gia tăng.

Riêng đối với khối G20, theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, các nền kinh tế đang trỗi dậy đã khắc phục được vấn đề thất nghiệp. Cụ thể là tỷ lệ thất nghiệp tại các khu vực này hiện nay còn thất hơn cả so với thời kỳ trước khủng hoảng 2008. Thế nhưng đối với các quốc gia công nghiệp phát triển, thì tình hình không được khả quan bằng. Các nước này phải mất ít nhất là 5 năm nữa mới tìm lại được tỷ lệ thất nghiệp của thời kỳ tiền khủng hoảng.

Cả trên vấn đề lao động, mậu dịch lẫn tiền tệ, hai ngày truớc khi hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc, các chuyên gia cho rằng, tình trạng mất cân bằng trong cán cân thanh toán của các thành viên G20 còn tiếp tục kéo dài, chiến tranh hối đoái không dễ khép lại. Vai trò trọng yếu của một hội nghị thượng đỉnh quốc tế chẳng qua chỉ nhằm trấn an thị truờng, thể hiện quyết tâm cải thiện tình hình chung ở cấp các lãnh đạo.

Trọng tâm của nước Pháp trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G20

Thượng đỉnh G20 lần thứ tư tổ chức tại Seoul sẽ chỉ đạt được những đồng thuận tối thiểu để rồi những hồ sơ nóng bỏng lại được trao lại cho Pháp. Paris sẽ lên giữ chức chủ tịch luân phiên, một khi thượng đỉnh Seoul khép lại.

Thượng đỉnh G20 Seoul sẽ bế mạc vào tối ngày 12/11, ngay sau đó đến lượt nước Pháp trở thành chủ tịch luân phiên G20. Kể từ ngày 01/01/2011 Paris phải đảm nhiệm luôn cả vai trò chủ tịch nhóm G8.

Chính quyền của tổng thống Nicolas Sarkozy đề ra ba mục tiêu chính cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 và G8 sắp tới của mình :

- Thứ nhất là đẩy mạnh công cuộc cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Cụ thể là đưa ra những công cụ nhằm giới hạn những rủi ro bắt nguồn từ chỗ các đơn vị tiền tệ quốc tế giao động quá mạnh. Mục tiêu của Pháp trên thực tế là nhắm vào tỷ giá của nhân dân tệ và đồng đô la. Paris muốn giới hạn khả năng Trung Quốc và Hoa Kỳ thao túng đơn vị tiền tệ, tự do điều chỉnh tỷ giá so với đồng euro, qua đó gây tổn hại cho ngành xuất khẩu của Châu Âu.

- Điểm thứ nhì nước Pháp đang hướng tới liên quan đến giá cả nguyên liệu, nhiên liệu và nhu yếu phấm ; giới hạn các hoạt động đầu cơ dẫn đến bạo động như khủng hoảng lương thực vào mùa xuân 2008 tại Haiti và một số quốc gia ở Châu Phi, Nam Mỹ.

- Cuối cùng, Paris mong muốn thuyết phục các đối tác mở rộng cửa Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để đón nhận thêm một vài thành viên.

Sức thuyết phục ngày càng lớn của Paris ?

Cụ thể hơn, từ cuối tháng tám vừa qua, tổng thống Pháp đã nhấn mạnh đến nhu cầu đưa ra những « công cụ cho phép đề phòng và nhanh chóng đối phó với khủng hoảng một cách có hiệu quả » Điều tất yếu là phải cải thiện đối thoại giữa các quốc gia, đẩy mạnh hợp tác trong chính sách kinh tế và tiền tệ.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tổng thống Pháp thì đã đến lúc hệ thống tiền tệ toàn cầu không thể chỉ lệ thuộc vào mọt đơn vị tiền tệ duy nhất là đồng đô la. Những đề xuất nói trên của điện Elysée khi đó không mấy được hưởng ứng. Nhưng từ đó đến nay, chiến tranh ngoại hối giữa các siêu cường kinh tế trên thế giới ngày càng rõ nét, khiến lập luận của Paris thêm tính thuyết phục.

Nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu coi việc « nới rộng biên độ của tỷ giá hối đoái là điều cần thiết» . Bản thân chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới thì chính thức cho rằng đã đến lúc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phải có một vị trí xứng đáng trong hệ thống tiền tệ quốc tế, bên cạnh các đơn vị tiền tệ khác như là đô la, yen, euro và đồng bảng Anh; đồng thời hệ thống tiền tệ đó nên lấy vàng làm chuẩn mực quốc tế.

No comments:

Post a Comment