Bà Aung San Suu Kyi tại trụ sở đảng LND, Rangun ngày 15/11/2010 Reuters |
Đức Tâm
Việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tạo ra một làn sóng hy vọng về khả năng thay đổi tại Miến Điện nhưng không làm suy yếu chính quyền. Giải Nobel Hòa Bình 1991 không còn là một mối đe dọa đối với giới tướng lãnh Naypyidaw.
Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do vài ngày sau khi có tổng tuyển cử, một cuộc bỏ phiếu do giới tướng lãnh dàn dựng và bị phương Tây phản đối.
Chẳng cần phải đợi cho đến khi có thông báo kết quả cuộc bầu cử, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp - USDP, do giới tướng lãnh lập ra, đã tuyên bố là họ sẽ chiếm tới 80% số ghế tại nghị viện. Theo hướng này, không có gì ngăn cản được chính quyền quân sự tiếp tục thực hiện lộ trình được đưa ra năm 2003, hướng tới một « nền dân chủ có kỷ luật » và sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát tuyệt đối đất nước.
Theo giới quan sát, mọi việc đã được sắp xếp, trơn tru : Từ nay đến cuối năm, Hạ viện Miến Điện sẽ được triệu tập với nhiệm kỳ 5 năm và sau đó, đến lượt Thượng viện nhóm họp. Tổng thống được bổ nhiệm và nhân vật này sẽ chỉ định một chính phủ. Nói một cách khác, vẫn những viên tướng lãnh trước kia, nhưng giờ đây, có người đã thay đổi sắc phục, hoặc đeo ít huân huy chương hơn, sẽ tiếp tục quyết định số phận người dân Miến Điện.
Ông Aung Naing Oo, chuyên gia Miến Điện, hiện sống lưu vong tại Thái Lan, được AFP trích dẫn, nhận định, « nghị viện mới sẽ do giới tướng lãnh và đồng minh của họ kiểm soát » và « nếu bất kỳ ai tìm cách làm trật đường ray con tàu quân sự này, họ sẽ phải đối mặt với một thực tế phức tạp ».
Vẫn theo chuyên gia Aung Naing Oo, thì ngay cả bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình, cũng không thể làm gì được bởi vì : « giới tướng lãnh hiện đang ở thế mạnh và họ sẽ không thả bà ra nếu họ không tự tin như vậy ».
Tại Rangun, thủ đô cũ của Miến Điện, niềm vui của dân chúng khi thấy bà Aung San Suu Kyi được trả tự do cũng không làm quên một một thực tế phũ phàng : Lãnh đạo đối lập đã từng hai lần được trả tự do, vào năm 1995 và 2002. Những thành viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vẫn ngưỡng mộ bà nhưng chính sách trấn áp thẳng tay của chính quyền vẫn gây ra nhiều lo sợ. Vào năm 2007, cuộc nổi dậy của các nhà sư đã bị dìm trong biển máu, cũng giống như làn sóng trấn áp, giết chóc, năm 1988 - thời điểm bà Aung San Suu Kyi bước vào hoạt động chính trị.
Một người dân thổ lộ với AFP, « chính phủ này rất tàn bạo. Họ giết người chỉ để tiếp tục nắm giữ quyền lực (...) giới tướng lãnh cầm quyền cho dân chúng một chút tự do nhưng họ theo dõi rất chặt ».
Các nhà phân tích đều có cùng nhận định : bà Aung San Suu Kyi sau khi được trả tự do, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Ông Renaud Egreteau, thuộc đại học Hồng Kông cho rằng, sau bầu không khí hứng khởi, không dễ dàng gì đối với bà Aung San Suu Kyi trong việc tập hợp phe đối lập hiện bị chia rẽ về văn hóa và tư tưởng.
Hôm qua, 14/11/2010, lãnh đạo đối lập tuyên bố sẵn sàng làm việc với các lực lượng dân chủ Miến Điện. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra về chiến lược hoạt động chính trị của bà trong thời gian tới.
Ông Egreteau nhận định : « Bà Aung San Suu Kyi luôn tìm cách đẩy lùi đường cấm đỏ mà giới lãnh áp đặt. Nhưng lần này, có thể trong thời gian đầu, lãnh đạo đối lập sẽ tìm cách tránh đối đầu trực diện với giới tướng lãnh ». Sách lược uyển chuyển này sẽ cho phép bà tập hợp lại lực lượng, kiên trì cuộc đấu tranh vì dân chủ hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh giới tướng lãnh tìm mọi cách bám giữ quyền lực.
Chuyên gia Miến Điện Maung Zarni, thuộc trường Kinh tế và Khoa học chính trị Luân Đôn nhắc nhở, bối cảnh bà bà Aung San Suu Kyi được trả tự do không giống như trường hợp lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Sau 27 năm bị tù đầy, ông Mandela được trả tự do và trở thành tổng thống của một nước Nam Phi hòa giải dân tộc. Còn hiện nay, chính quyền quân sự Miến Điện lại không hề có dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận tiến trình hòa giải dân tộc.
No comments:
Post a Comment