Pages

Saturday, November 27, 2010

Khủng hoảng gay gắt ở đỉnh cao quyền lực

 Chưa bao giờ lãnh đạo cao nhất của đảng CS và của chính quyền độc đảng trong nước bị bủa vây bởi những vấn đề gay gắt nan giải như hiện nay.
Đây không phải là mong muốn chủ quan, cũng không phải là bịa đặt có ác ý của một ai. Đây là sự thật rành rành, một thực tế bướng bỉnh không ai che dấu được.
Có thể nói từ khi thành lập đảng CS từ năm 1930 đến nay, chưa có khóa Bộ Chính trị nào của đảng phải đương đầu với một loạt cuộc khủng hoảng gay gắt chồng chất như hiện nay, vào cuối năm 2010 này.
Những khủng hoảng gay gắt hiện nay trên đỉnh cao quyền lực được biểu hiện ra sao?
Thứ nhất là: khủng hoảng chính trị gay gắt biểu hiện ở 3 văn kiện cơ bản của Đại hội XI là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh quá độ lên CNXH, Chiến lược 10 năm đều bị bác bỏ toàn bộ, tận gốc, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Các quan điểm nòng cốt của Bộ Chính trị: kiên định chủ nghĩa Mác–Lenin, kiên định CNXH, kiên định một đảng duy nhất độc quyền, kiên định kinh tế quốc doanh là chủ đạo… đều bị coi là sai lầm cơ bản, là tai họa hiển nhiên. Để nguyên Cương lĩnh không thể được. Sửa chữa, vá víu không ổn. Mà viết lại thì ê chề mất mặt. Đây là vấn đề nát óc biểu hiện bế tắc trọn vẹn của đảng về lý luận, về đường lối, về trí tuệ. Nó thúc đẩy cuộc khủng hoảng niềm tin đối với đảng lên đến tột đỉnh.
Hai là về tổ chức, Bộ Chính trị hiện nay được xã hội, được đông đảo đảng viên CS đánh giá là «những người lùn» so với tất cả các khóa trước. Về thành tích chống thực dân, về công lao đóng góp cho đất nước, về trình độ kiến thức và giao tiếp quốc tế, về sáng kiến trong lãnh đạo, về lập luận để truyền đạt chính kiến, cả 15 vị hiện nay đều lu mờ, yếu kém, không ai gây được một ấn tượng gì đáng kể ra. Cả 15 vị không ai viết nên một cuốn sách, một bài báo đặc sắc, nếu không phải là những công thức tẻ nhạt, mòn vẹt. Xin nhớ chúng ta cùng thế giới đã bước sang nền văn minh của kiến thức, của truyền thông. So sánh với các nhà lãnh đạo các nước dân chủ châu Á và thế giới, các nhà lãnh đạo nước ta càng «lùn», «lùn tịt». Mà Việt Nam nhân tài thật sự có bao giờ hiếm.
Vậy mà chính những người này vừa đóng cửa họp kín chọn ra những ủy viên Trung ương đảng, những ủy viên Bộ Chính trị sẽ thay thế họ trong khóa XI sắp tới. Họ lựa chọn ra sao? Trước hết họ chọn người trong phe nhóm của họ, theo chính hình ảnh, tiêu chuẩn riêng của họ, theo nhóm lợi ích riêng, không hề đếm xỉa đến đạo đức, tài năng như họ rêu rao. Xin chờ xem. Nông Quốc Tuấn con trai ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng bị gạt ra khỏi Trung ương khóa X, Nguyễn Chí Vịnh đầy tai tiếng từng bị chặn lại, hãm lại không cho chức trung tướng và thứ trưởng Quốc phòng hồi năm 2006, nay đã được lặng lẽ lên cấp lên chức, để có thể vào Trung ương khóa XI. Đây là một sự khiêu khích ngang ngược toàn đảng, toàn xã hội.
Về tổ chức nhân sự, hiện vẫn còn chưa ngả ngũ hẳn trong nội bộ Bộ Chính trị về toàn bộ số ủy viên Trung ương mới, về Bộ Chính trị mới. Ai đi? ai ở? ai ra, ai vào? Cho đến cả Tổng bí thư, sẽ là ông Trọng, ông Việt, ông Sang hay ông Dũng? Không ai được đa số khi thăm dò. Ai là Chủ tịch nước mới, là Chủ tịch Quốc hội mới? là Thủ tướng mới? Chả lẽ vào ra vẫn những người ấy?
Ba là - điều này mới thật là hệ trọng - Bộ Chính trị hiện tại vấp phải khủng hoảng toàn diện nặng nề, lâm vào bế tắc giữa lúc xã hội đang thức tỉnh nhanh, công luận không còn im lìm, cam chịu, bị động như xưa nữa. Nền văn minh nghị trường lan vào Quốc hội độc đảng, để nhiều đại biểu dám đàng hoàng chất vấn chính phủ, thủ tướng, hỏi vặn các bộ trưởng, đòi lập Ủy ban điều tra, đòi bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ.
Một em gái 16 – nay 17 tuổi – công khai đặt 13 câu hỏi chân thực cho những người lãnh đạo (mời các bạn đọc bài: 15 bác đỉnh cao líu lưỡi trước em gái 16 tuổi, trên VOA).
Nguyên phó Chủ tịch nước, 7 ông tướng quân đội và công an, nguyên ủy viên trung ương, nguyên bộ trưởng, thứ trưởng tham gia ký Kiến nghị lần 2 về bauxite, gia nhập hàng ngũ gần 3 ngàn trí thức, viên chức, đảng viên, thanh niên ngoài đảng, ủng hộ mạng bauxite dẻo dai, mạng đã có 20 triệu lượt người vào đọc. Mạng bị Công an lườm nguýt, liên tục tìm cách ngăn chặn, chống phá không xong, còn vu cáo là bị bọn phản động mua chuộc!
Lại còn cư dân blog, Internet ngày càng đông đảo, ngày càng quan tâm đến tình hình chính trị, theo dõi chặt từng phiên họp Quốc hội, bình luận rôm rả, đưa tin tỷ mỷ, chính xác mọi sự kiện chính trị của đất nước, tự mình nhận làm nhiệm vụ giám sát đảng và nhà nước. Đây là hình ảnh sinh động nhất về xã hội công dân, xã hội dân sự đang vươn dậy như Phù Đổng, được nhà văn hóa Nguyễn Hưng Quốc phong cho là «quyền lực thứ 5». Cũng có tin mừng là mạng Talawas nổi tiếng hấp dẫn, có tác dụng đổi mới tư duy văn hóa- xã hội theo hướng nâng cao dân trí dân chủ, đang chuẩn bị «tái xuất giang hồ» thành một mạng văn hóa – chính trị hẳn hoi, khi mà hoạt động chính trị trong ước trở nên cấp bách nhằm cứu vãn đất nước khỏi cuộc trầm luân toàn diện, đe dọa hủy diệt độc lập dân tộc và hủy diệt luôn nền văn minh và văn hóa truyền thống Minh Triết Việt.
Cuộc thức tỉnh của toàn xã hội đang diễn ra hàng ngày. Các bạn thân của tôi, các nhà báo trẻ trong nước cho biết chỉ trong vòng mấy tháng nay, công luận theo dõi chăm chú, thích thú các sự kiện Vinashin, khai thác bauxite, cho thuê rừng biên giới 30 vạn héc-ta với giá bèo bọt 10 đôla/1 ha, vụ cưỡng dâm tập thể nữ sinh ở Hà Giang, vụ Trần Khải Thanh Thủy bị vu vạ, Vụ Điếu Cày hết hạn tù vẫn bị giam, vụ luật sư Hà Vũ «mua dâm»… và tất cả đã làm cho mọi người hiểu rõ về luật pháp. Thế nào là bị cáo, bị can, là khởi tố, là chánh án, công tố, là luật sư, thế nào là phiên họp công khai, là nguyên tắc chỉ bị xem là có tội sau khi tòa tuyên án, là quyền bảo vệ, quyền kháng cáo, là chứng cớ giả và chứng cớ tin cậy được, thế nào là tranh tụng, là quyền tố cáo, khiếu nại, là bình đẳng giữa mọi công dân. Xưa kia bao giờ cũng phải coi đảng, nhà nước việc gì cũng đúng, cũng công bằng, cũng không chê vào đâu được. Bây giờ mỗi người phải tự suy nghĩ, xét đoán, nhận định, và chỉ cái gì mình nhận ra là đúng mới đáng tin.
Cho nên các cuộc họp Trung ương 13 B, C hay 14, 15 sắp đến để chuẩn bị cuối cùng cho Đại hội XI, và mọi diễn biến của Đại hội XI, từ nội dung các văn kiện trình bày, việc bầu bán các cơ quan lãnh đạo, và tình hình «hậu Đại hội XI» sẽ được chăm chú theo dõi, nhận xét, bình luận. Sẽ có khối chuyện mới mẻ, có khi khó lường trước. Công luận không còn như trước, xã hội thời đổi mới, mở cửa không còn như trước, khi xã hội công dân tự phát lớn phổng lên để tự khẳng định mình, khi giới trí thức tư nhận ra vai trò kẻ sỹ thời nhiễu nhương, khi nữ nhi – hơn một nửa số dân – không cam tâm ngồi trong bếp, khi em gái 16 tuổi dám chất vấn các bác ở trên cao…
Cái họ sợ nhất, lo nhất, ngăn chận bằng mọi cách mà không xong, đó là một thế lực đối lập tuy còn hơi tản mạn đang hình thành trên thực tế, sinh động, nhiều hình nhiều vẻ, thành một thế lực chính nghĩa, có tâm, có tầm, ngang nhiên thách thức thế lực cầm quyền sa sút lung lay, chỉ còn dựa vào ngụy biện, lừa dối, nói lấy được, dựa vào súng ống và nhà tù, mỗi khi đuối lý.
15 vị lãnh đạo cao nhất đang tìm cách cứu đảng nhằm mục đích duy nhất là tìm ra lối thoát riêng cho cá nhân và phe cánh. Nhưng toàn dân, bị họ dồn vào đường cùng sẽ tự tìm ra cách cứu mình, cứu nước. Thế cùng tất biến.
Quan nhất thời. Đảng cũng nhất thời. Chỉ có Nhân dân là vạn đại. Khi đông đảo nhân dân muốn thoát Đại nạn, đó sẽ là ý trời vậy. Có nghĩa là không có thế lực hung hãn nào ngăn nổi ý dân.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment