Pages

Sunday, September 26, 2010

Trung cộng: tứ diện thọ địch

Ảnh: chinadigitaltimes.com

Tôi viết những dòng này để trang trải mối ưu tư day dứt trong lòng vì tương lai của dân tộc Việt nam tùy thuộc vào viễn tượng của một trật tự sẽ hình thành trong tương lai: mà ở đó sẽ quyết định vận mệnh của bản thân mình, gia đình mình và cả đất nước. Hạnh phúc hay bất hạnh, tồn tại hay tiêu vong tất cả tùy thuộc vào cục diện của khu vực và thế giới.

Trong trật tự thế giới ngày hôm nay, nước Mỹ đóng vai trò quyết định, không những quyết định đối với bản thân họ, bạn bè và đồng minh của họ mà còn có vai trò quyết định đối với vận mệnh của một quốc gia xa lơ xa lắc, và chẳng có quan hệ gì về chủng tộc và văn hóa đối với họ, đó là Việt nam.
Đầu thế kỷ 21, người ta chứng kiến sự trỗi dậy của Trung cộng, một con sư tử sau một giấc ngủ dài đầy mộng mị và đắng cay. Con sư tử mang trong ký ức mình một  quá khứ vàng son và đầy tủi nhục trong 100 năm của thế kỷ 20.
Lịch sử của Trung quốc là lịch sử của chiến tranh, chính vì lẽ đó người Trung quốc phát triển một tư duy chiến tranh mãnh liệt. Binh pháp Tôn tử là “nghiệp báo” của dân tộc Trung Hoa và theo như ông Lưu Á Châu nói: người Trung Hoa không có tư tưởng, chỉ có mưu lược!. Việt nam chúng ta lại nằm cạnh anh khổng lồ vừa tham lam, tàn bạo, lại đầy mưu lược này. Đây là hiểm họa của dân tộc chúng ta. Để tồn tại, dân tộc chúng ta phải có đầy đủ Trí và Dũng.
Tự thân sự phát triển của dân tộc Trung hoa tạo nên mối đe dọa đối với Việt nam, các nước láng giềng và cả nước Mỹ. Người Hán muốn thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới, buộc lòng họ phải vượt qua một trở lực lớn là Mỹ, nói theo ngôn ngữ của “xã hội đen” là “bước qua xác chết của Mỹ”. Nước Mỹ ngày hôm nay là khắc tinh của Trung Hoa cho dù đó là một nước Trung hoa dân chủ  hay cộng sản. Nhưng nếu là một nước Trung hoa cộng sản thì nguy hiểm hơn  nhiều.
Trung cộng và Mỹ cách xa nhau về địa lý, khác biệt về chủng tộc và văn hóa. Họ không có sự tranh chấp về lãnh thổ và quyền lợi trực tiếp như quan hệ Trung-Nhật, hay Trung-Ấn, Trung-Nga. Nhưng có một thực tế là quyền lợi của Mỹ trải rộng ra khắp thế giới. Người Mỹ chỉ có lợi khi trật tự thế giới được ổn định. Nhưng Trung cộng lại muốn có sự thay đổi và họ cố gắng tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng có lợi cho họ.
Cuộc sống thì luôn luôn vận động và thay đổi, thế giới cũng vậy. Một điều hiển nhiên là trong tương lai sẽ hình thành một thế giới đa cực, đó là một điều tốt. Nhưng hiện nay một thế giới đa cực chưa định hình. Trong tương lai gần chỉ có hai thế lực có sức hút mãnh liệt, có tương tác mãnh liệt và cũng có mâu thuẫn mãnh liệt, đó là Mỹ và Trung quốc. Nếu không có gì xảy ra, thì Trung cộng sẽ là một thế lực làm thay đổi tương quan lực lượng rất nhanh chóng và nó sẽ tiếp tục thay đổi nhanh chóng để hình thành một cục diện mới, mà Trung cộng chiếm ưu thế.
Một câu hỏi lớn đặt ra là: Trung cộng sẽ làm gì với ưu thế này. Không ai yên tâm và vui mừng cho dù đó là người lạc quan nhất. Một chế độ độc tài toàn trị và cực kỳ hung ác mà mọi quyết sách lớn nhỏ đều do một nhóm người quyết định thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Một nền kinh tế do một nhóm đặc quyền kiểm soát trên danh nghĩa nhà nước sẽ không có động cơ gìn giữ hòa bình vì lợi nhuận. Một xã hôi bị kiểm soát và cai trị bởi một Đảng cầm quyền sẽ không có chỗ cho những tiếng nói bình tĩnh, sáng suốt để có sự lựa chọn đúng đắn và thông minh. Một thế lực như vậy mà có trong tay sức mạnh áp đảo kinh người thì sẽ là một hiểm họa khôn lường cho thế giới, tương lai của nhân loại sẽ bị tuyệt diệt vì sự điên khùng của thế lực này.
Sự phát triển và tham vọng cộng với một chính sách đối ngoại mờ ám như: bảo trợ cho các chế độ toàn trị như Việt nam, Miến điện, Bắc Hàn, Iran ở châu Á, các nhà nước bất  hảo ở châu Phi, và những “phi vụ” làm ăn với các nước Hồi giáo cực đoan chống Mỹ. Một mặt Trung cộng làm ăn (và nhờ đó mà giàu có) với Mỹ và phương Tây, mặt khác họ tìm mọi thủ đoạn để làm cho Mỹ và phương Tây suy yếu bằng một chính sách kinh tế bất bình đẳng, và chính sách đối ngoại bất hợp tác và thù địch.
Gần đây Trung cộng gây ra những nghi ngờ, lo ngại và tranh chấp với các quốc gia lớn trong khu vực. Chúng ta hay nghe chính phủ và các nhà lãnh đạo các nước láng giềng lớn nói gì về sự trỗi dậy của Trung cộng (TC).
1/ Nhật Bản:Trong báo cáo thường niên về Quốc phòng được công bố hôm 10 tháng 9 Nhật đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của TC.
Tranh chấp chủ quyền biển đảo giửa 2 nước Nhật-Trung là một hồ sơ dai dẳng, tiềm ẩn một nguy cơ xung đột trong tương lai khi tương quan lực lượng thay đổi, hoặc nhu cầu về tài nguyên trở nên bức bách.
Ngoài ra còn có vết thương do lịch sử để lại từ thời kỳ chiếm đóng của Nhật (đây là một điều hệ trọng và nhạy cảm trong quan hệ 2 nước vì người Hoa là một dân tộc đầy lòng tự tôn vẫn mang nặng trong tiềm thức điều sỉ nhục này).
2/ Ấn độ: Quan hệ Ấn-Trung là quan hệ đầy sóng gió và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, việc TC hậu thuẩn cho đồng minh của họ là Pakistan (kẻ thù nguy hiểm của Ấn độ) là một nhức nhối trong quan hệ 2 nước. Trước Quốc hội Ấn ngày 31/8, Ngoại trưởng Ấn độ S.M Krishma đã tuyên bố rằng: “Trung quốc có v ẻ quan tâm hơn mức bình thường đến khu vực Ấn độ dương. Chúng tôi sẽ theo dõi sát những ý đồ của Bắc kinh và sẽ chú ý đặc biệt đến khu vực này”.
- Ngày 7/9 vừa qua Thủ Tướng Ấn độ Mamohan Singh vốn nổi tiếng về sự ôn hòa đã có lời tuyên bố rất mạnh mẽ “Trung quốc muốn lấn sân tại Nam á. Người Trung quốc ngày càng tự tin về bản thân, họ muốn kìm hãm Ấn độ. Thật khó nói điều này sẽ đi đến đâu, điều quan trọng là cần phải chuẩn bị.”
3/ Nga: Nhóm Valdai (một nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập về chiến lược) thì cảnh báo về nguy cơ từ Trung quốc, trước mắt đối với vùng Viễn đông Nga. Viễn đông là vùng đất giàu tài nguyên như than, dầu mỏ, khí đốt, những thứ mà TC rất cần cho sự phát triển ồ ạt về kinh tế, ở đây đất rộng người thưa và làn sóng di dân người Hán có nguy cơ biến người Nga thành thiểu số ở trên chính đất nước của họ!
Thủ tướng Putin một người thân TC và chống Phương Tây với lời lẽ lạc quan khi nói về TC, nhưng cũng không giấu nổi sự lo lắng hoang mang về ý đồ thực sự của TC với nước Nga! (theo RFI)
Còn  Mông Cổ: một quốc gia to lớn về diện tích, giàu có về tài nguyên nhưng chỉ có bốn triệu dân. Ở đây, một làn sóng bài người Hán lên cao đến mức báo động. Họ ý thức rõ ràng cái hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu người Mông cổ.
Ngày hôm nay không biết trong nhãn quan chiến lược của người Mỹ họ coi Trung cộng là gì: đối tác hay đối thủ, là bạn hay thù. Người Mỹ là một dân tộc cởi mở, thực dụng, không hề có tham vọng lãnh thổ, nên sự phát triển của nước Mỹ không những làm cho an ninh thế giới được  bảo đảm, trật tự thế giới được ổn định mà nó còn mang lại sự phồn vinh cho cả nhân loại. Đó là một thực tế mà ai cũng công nhận. Tất nhiên người Mỹ luôn vì quyền lợi của nước Mỹ. Quốc gia nào mà chẳng vậy!
Nước Mỹ sẵn sàng sống hòa hợp với mọi quốc gia trên thế giới, kể cả Trung Hoa, nhưng không ai có thể tin chắc rằng người Trung Hoa sẽ chấp nhận chung sống hòa bình, chia sẻ không gian sinh tồn với Mỹ trong 20 năm nữa không? Người Việt chúng ta có đủ kinh nghiệm để đưa ra câu trả lời chính xác là: Không!!
Đối với người Trung Hoa, thế giới này không thể có hai mặt trời. Cho nên tự thân sự phát triển của Trung Hoa tạo ra mối hiểm họa đối với nước Mỹ và thế giới.
Tuy nhận thức được hiểm họa tiềm tàng từ phía Trung Cộng nhưng các nước như Nga-Nhật-Ấn cũng không tìm ra đối sách đơn phương ứng phó với Trung Cộng vì họ còn thua kém TC.
Hiện nay chỉ có Mỹ mới có đủ thực lực đương đầu với hiểm họa này nhưng chẳng lẽ Mỹ lại “thúc thủ” chờ đợi cái hiểm họa chắc chắn sẽ đến?!
Tham vọng và ý đồ của Bắc Kinh đang đẩy họ vào thế tứ diện thọ địch!
Chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai gần khó mà biết được nhưng một điều chắc chắn là sẽ đầy sóng gió… đứng trước thế giới bất ổn và đầy mâu thuẩn, những ai quan tâm đến vận mệnh và tương lai của đất nước không thể không âu lo. Một câu hỏi lớn đang đặt ra là: Liệu CSVN có đủ bản lĩnh và khôn ngoan để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn đầy sóng gió trước mặt?
Đảng CSVN luôn đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của dân tộc nên đối sách và sự chọn lựa của họ sẽ đi theo hướng này.
Để biết được hành động của TC trong tương lai chúng ta cần phải xác định, mục đích tối hậu của Trung Cộng là gì?
- Đó là mở rộng không gian sinh tồn của người Hán, chiếm đoạt tài nguyên của các quốc gia khác và thống trị thế giới. Như vậy các nước đất rộng người thưa và giàu tài nguyên sẽ là mục tiêu mà Trung Cộng nhắm tới. Trước tiên là Kadactan, Mông cổ và các nước Trung Á, tiếp theo sẽ là nước Úc (Không nghi ngờ gì khi Úc là miền đất mà TC sẽ “đặc biệt” quan tâm) TC sẽ dùng Chiến tranh để nuôi dưỡng chiến tranh! Nếu ngày hôm nay Mỹ không đủ bản lĩnh để đánh phủ đầu Trung Cộng thì 10 năm nữa điều này khó khăn hơn nhiều nếu không muốn nói là bất khả!
Nhưng có những chỉ dấu cho thấy tuy bên ngoài Mỹ  “tỏ vẻ” không lo lắng nhiều về TC, nhưng họ đang ráo riết chuẩn bị đối đầu với TC trong một ngày không xa. Nói như chuyên gia Rick Rozoff: Chiếc thòng lọng đang siết chặt dần chung quanh TC.
Quan hệ Trung-Mỹ những ngày tháng tới sẽ đầy sóng gió.
Đối với dân tộc VN, sự thắng thế của Trung cộng hoàn toàn bất lợi và nguy hiểm cho đất nước Việt Nam. Hiện nay tập đoàn CSVN là cây tầm gởi trên cây cổ thụ Trung Cộng. Trung cộng sụp đổ sẽ tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của Việt cộng, chính vì vậy mà VC không muốn TC sụp đổ nhưng cũng không biết đối phó như thế nào trước tham vọng quá lộ liễu của TC nhất là ở Biển Đông.. Đây chỗ bế tắc của CSVN.
- Giải pháp cho dân tộc VN là cần có ngay một hội nghị Diên Hồng… và mọi quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước cần phải được trưng cầu dân ý.
© Huỳnh ngọc Tuấn

No comments:

Post a Comment