Pages

Monday, September 20, 2010

Thân gửi các chú CAM

Các chú CAM ạ, tôi phải thật tình nói rằng tôi thương cho các chú. Tôi biết làm hacker cái sung sướng nhất là hack thiên hạ, nhưng rồi cái cảm giác sung sướng đó chỉ tồn tại vài ngày rồi tan chìm trong mây khói bởi không lâu sau đợt tấn công của các chú, đa phần đã trở lại, mạnh mẽ và đầy quyết tâm hơn xưa. Các chú không biết một điều, thực tế là người Việt vốn không có khả năng đoàn kết và vẫn thường thích đấu đá nhau thay vì tập trung cho một mục tiêu cao hơn, và thế là cuộc tấn công của các chú đã vô tình kéo dân lề trái sát lại gần nhau và càng quyết tâm hơn để đấu tranh cho một nền dân chủ ở nước ta trong tương lai để người dân được thoải mái lên tiếng phản bác và phê bình. Nhiều người khi nghe nói về các vấn nạn diễn ra trong nước vẫn thường viện cớ rằng nước khác cũng có vấn đề; chính xác, nước nào cũng có vấn đề như nhau, quan trọng là báo chí, người dân có được công khai nhắc đến hay không và sau đó cách xử lý như thế nào. Cùng một chuyện cảnh sát đánh dân, ở Mỹ có đăng đầy trên The Washington Post, The New York Times…, ở Việt Nam người ta chỉ có thể kéo nhau lên mạng để biết sự thật và chỉ được nghe báo chí nói loáng thoáng là hết người này đến người khác kéo nhau vào đồn công an treo cổ (như bài viết “Thời buổi sao lắm người ‘treo cổ’?” của blogger Tạ Phong Tần). Các chú tưởng trò tấn công của các chú có lợi, nhưng thực ra các chú chỉ nghĩ ngắn, các chú càng tấn công nhiều người càng biết về những trò bẩn của các chú, đã không khiến những người bất đồng chính kiến im lặng mà ngược lại còn khiến nhiều người ngứa ngáy và bất bình hơn và họ phải thừa nhận thực tế không thể chối cãi là nước ta không có tự do ngôn luận. Các chú tấn công càng hăng sự thật càng phơi bày. Google đã lên tiếng, McAfee đã lên tiếng, và cũng chính ông Vũ Hải Triều tự hào khoe tấn công 300 trang mạng lề trái. Cũng như khi chặn Facebook, các chú thấy bên Trung Quốc thế nào thì làm y lại bên Việt Nam, các chú “ngây thơ” tưởng chặn Facebook khiến người dân không còn tiếp xúc với những thông tin ‘bất lợi cho chế độ’, nhưng, có lẽ vốn không dùng Facebook, các chú không biết Facebook vốn gây nghiện. Từng có thống kê cho thấy nếu Facebook là một quốc gia nó sẽ có dân số thứ ba trên thế giới. Thế nên chặn Facebook dẫn đến hai điều: 1) như tôi đã nói, chẳng còn ai dám bảo đó chỉ do internet trục trặc; 2) bây giờ ai ai cũng biết cách vượt tường lửa để vào Facebook, và thậm chí có thể vào những trang khác cũng bị chặn như Facebook. Lại thêm một cái ngây thơ nữa của các chú, trên Facebook khi các chú thấy trang “Nhật ký yêu nước” phát triển mạnh lên tới 4673 thành viên (cho đến nay), lo ngại, các chú lập thêm các hội “Hội những người là ông nội của Nhật ký yêu nước”, “Hội những người ghét bọn phản động”, “Mặt trận thanh niên chống phản động”… Thực tế cho thấy chỉ một số ít thực sự theo các chú, còn phần nhiều, chưa biết đến trang “Nhật ký yêu nước” là trang gì, nay được nghe tới và bắt đầu tò mò vào xem, ban đầu có thể khó chịu vào tranh cãi nhưng lâu dần cũng phải thấy một số sự thật hiển nhiên không thể chối cãi hay bào chữa, và một số khác không thể không thấy kiểu cách của các chú, kêu gọi tấn công là không tôn trọng tự do ngôn luận, và các chú cũng chẳng làm được gì ngoài chuyện chửi bới thô tục, không thuyết phục được bằng sự thật hay lý lẽ. Các chú rút cuộc chỉ thua toàn thua, công sức và thời gian các chú bỏ ra để tấn công chẳng được xơ múi, mà ngược lại các chú lại còn rầm rộ quảng cáo không công và đưa nhiều người đến với các trang mạng trái chiều hơn.
Các chú quên rằng các chú không đứng về công lý, không đứng về phía sự thật. Mà khi đó có nói gì các chú cũng không thể thắng. Những trò tấn công của các chú không khiến ai im miệng, và nó còn khiến những người bị tấn công tức giận, uất ức, và những cảm giác dồn nén đó đến một lúc sẽ phải bung ra như tức nước vỡ bờ. Càng bị tấn công người ta càng muốn đấu tranh. Để tạo nên một sự thay đổi và tìm kiếm tự do. Các chú có thể tạm thời hoan hỉ khi một trang nào đó bị đánh sập nhưng đó chẳng phải là vấn đề to tát, tất cả đều có thể gượng dậy và, nếu không thể hồi phục, cũng có thể bắt đầu lại từ đầu. Ngay cả nếu có một người, một vài người bị bắt, vẫn còn rất nhiều người đang lên tiếng, vì lương tri buộc họ phải lên tiếng, vì quyền lợi của chính họ họ phải lên tiếng, vì tự do họ phải lên tiếng. Lên tiếng không phải là ngồi nhà phàn nàn ca cẩm cho chẳng ai nghe, mà phải lên tiếng cho nhiều người biết, cho tất cả biết, để sự thật phải được phơi bày và vấn đề phải được giải quyết. Người Việt có tư tưởng và quan điểm chính trị khác nhau vì họ yêu nước theo cách khác nhau, nhưng dù khác thế nào đi nữa cũng chẳng ai muốn Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Các chú có thể bưng bít chuyện này chuyện nọ chuyện kia, nhưng những chuyện đang xảy ra trong chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc là một điểm yếu của các chú. Người dân có thể trở thành vô cảm và không quan tâm đến những khó khăn và bất công diễn ra xung quanh, có thể lờ đi chính trị trong cuộc sống bình thường, nhưng sẽ không ai có thể chấp nhận và tha thứ nếu những nhà cầm quyền tỏ ra hèn nhát trước một nước khác. Banners với hình lính Trung Quốc, tranh cổ động với hình người Trung Quốc, hình ảnh minh họa Hoàng Sa – Trường Sa là hình hải quân Trung Quốc, ngày khai mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long là Quốc khánh Trung Quốc, phim Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long hoàn toàn theo phong cách của Trung Quốc, cho Trung Quốc thuê rừng, cho Trung Quốc sang khai thác bauxite bất chấp kiến nghị phản đối, cắt đất làm khu kinh tế chung với Trung Quốc… Những điều đó là thực tế, dù muốn hay không người dân cũng phải thấy, và thừa nhận. Và khi ấy tôi không tin các chú có thể có bất kỳ một lời bào chữa nào cho sự hèn nhát đó để thuyết phục được bất kỳ ai.
Tôi chẳng có ý định dọa gì các chú, cũng chẳng cần thuyết phục các chú nên nhận ra sự vô nghĩa của những việc các chú đang làm, vì dù sao thì các chú cũng được trả lương để làm việc, tôi chỉ viết một tí để nói về một số chuyện các chú không để ý.
Chúc các chú vui vẻ.
PS: mọi người đều biết CAM là công an mạng, tôi viết CAM chẳng phải vì thói quen viết tắt, cũng chẳng phải do kỵ húy. Chữ CAM gợi liên tưởng tới trái cam. Trái cam bị bóp nát.
© 2010 Joyce Anne Nguyen

No comments:

Post a Comment