“Đừng để có thêm những Việt Nam”, Richard Nixon Nguồn: Nixon |
Ngũ Phương ‒ Nếu tìm sách trên Amazon.com về đề tài “Vietnam War” sẽ được con số 9,447. Nếu đọc 1 cuốn sách mất 8 tiếng như một ngày làm việc thì sẽ mất 75,576 ngày, nghĩa là phải làm việc không ngưng nghỉ trong 207 năm. Và con số không dừng tại đó, mỗi năm vẫn có thêm sách mới về “Nam”. Điều này cho thấy Chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng mạnh đến thế nào đối với người Mỹ, nhất là những thế hệ ít nhiều có tham dự.
“Don't Quit as We Did in Vietnam” (Đừng bỏ cuộc như chúng ta đã bỏ Việt Nam) (1) phần nào nói lên những băn khoăn, ray rứt của người Mỹ về người bạn đồng minh Nam Việt họ đã bỏ rơi. Dù tác giả, David Gelernter, có thể đúng hay sai trong quan điểm cổ vũ cho sự tham chiến của Hoa Kỳ ở Iraq, nhưng bài viết của ông vẫn gợi lên đôi điều quan trọng, không thể mượn cớ còn quá trẻ để quay lưng với những điều ác, cần can đảm nhìn nhận lỗi lầm của mình dù đó là do vô tình hay thiếu hiểu biết, và nhất là, đừng bỏ rơi bạn mình trong tay kẻ dữ.
Qua bài này, người dịch xin được đặt một câu hỏi tới bạn đọc, “Việt Nam nên chọn làm bạn với một Hoa Kỳ từng lầm lỗi nhưng biết hối hận, hay một Trung Quốc thân cận nhưng luôn luôn phách lối?”
***
Chắc chắn bóng ma Việt Nam vẫn còn lởn vởn trong chính sách của Mỹ về Iraq. Đó là lý do tại sao người Mỹ ủng hộ cuộc chiến này và sẽ còn ủng hộ nó cho tới khi thắng. (“Thắng” là một động từ ít được dùng tới trong thời chiến tranh Việt Nam).
Chúng ta bị ám ảnh bới hình ảnh những người Việt đã từng tin tưởng và ủng hộ chúng ta đã phải hốt hoảng cố kiếm một chỗ trên chiếc trực thăng cuối cùng xắp bay đi; bởi hình ảnh những người Việt phó mình cho biển trên những chiếc thuyền nan thay vì vui hưởng “Thiên đường Công Nông” của Bác Hồ thêm một ngày nữa. Chúng ta bị ảm ảnh bởi những hậu quả xảy ra sau sự xụp đổ của miền Nam Việt Nam. Cả chục ngàn người bị xử tử (có lẽ đến 60,000), cả trăm ngàn người chết trong trại cải tạo, và một triệu thuyền nhân vượt biên.
Chúng ta đã bỏ họ xuống những con thuyền nan ấy - chúng ta, những kẻ biểu tình phản đối chiến tranh, những kẻ hiểu biết và thông minh. Chiến tranh đã gần tàn khi tôi tốt nghiệp trung học. Nhưng học sinh trung học đã đủ lớn để đi biểu tình. Đủ lớn để cảm thấy mình oai hơn những gã điên đang điều hành nhà nước. Và đủ lớn để đáng lẽ phải hiểu biết nhiều hơn thế. Họ đủ lớn để đáng lẽ phải hiểu rằng những chế độ Cộng Sản gây nên biết bao đau thương cho nhân loại, từ những ngục tù Havana cho đến những trại giết người Siberia.
Ngày hôm nay, khi nghĩ tới Iraq, chúng ta vẫn còn bị ám ảnh vì trong quá khứ có một thiểu số to mồm, ngạo mạn, ích kỷ, đã thuyết phục được nước Mỹ phản bội đồng minh. (Sự trung tín chẳng có ý nghĩa gì lắm với những người biểu tình phản chiến; danh dự cũng chẳng to tát gì). Chúng ta phản bội bạn mình rồi thì lẹ lẹ chạy về nhà, rồi thì tự kiểm. Còn họ ở lại, chịu đựng. Chúng ta hăm hở “make love, not war”, nhưng những người Việt miền Nam chẳng được như thế. Họ chỉ có quyền chọn hoặc đầu hàng, hoặc cái chết.
“Khám xét ban đêm” trong trại tập trung Gulag - Liên Xô Ký họa của Eufrosinia Kersnovskaya
Nguồn: mentalfloss.com/blogs
Đó là lỗi của tôi, lỗi riêng của mình tôi; Tôi đã tham gia cái đám phản chiến ngày đó và tôi thật xin lỗi. Một lời xin lỗi quá muộn màng vì Nam Việt đã chết. Bây giờ điều tôi chỉ có thể làm là cùng thét lên “No More Vietnams!” (2) Đừng chạy trốn bọn độc tài; đừng bỏ rơi chiến hữu; đừng quay lại làm nhiệm vụ của chúng ta như là quốc gia mạnh nhất Trái đất.
Trước khi thay thế tướng William C. Westmoreland bằng tướng Creighton Abrams, chúng ta đã tiến hành chiến tranh Việt Nam một cách ngu dốt; ý nghĩ đó cũng đang ám ảnh chúng ta, và đó là lý do tại sao người ta thích Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld chỉ huy trận đánh tại Iraq, còn ông Robert S. McNamara, người chỉ huy trong chiến trận Việt Nam, và các bạn của ông ta thì không. Chúng ta bị ám ảnh vì chúng ta đã nhảy vào Việt Nam mà thật ra không có ý định muốn nhảy vào, mà rồi cũng không hề bàn thảo kỹ lưỡng với toàn dân.
Đó là lý do tại sao ngay lúc ban đầu chính quyền Bush đã trình bày chính xác những gì cần đạt được (thay đổi thể chế) - và tại sao Hoa Kỳ đã suy nghĩ nhiều tháng trước khi khai chiến. Regime change là điều người Mỹ muốn, và chiến đấu cho, và chiến thắng. Regime change là điều chúng ta sẽ bảo vệ, dù bằng bất cứ giá nào.
Có phải Iraq đã đem trở lại những ký ức về Việt Nam? Những người phê bình Tổng thống nói có, và họ nói đúng. Việt Nam đã hiện về khi chúng ta thấy cảnh thu hình lính Saddam tra tấn tù binh. Trách nhiệm lương tâm một quốc gia hùng cường nhất thế giới vụt bừng lên khi chúng ta nghe tả về những căn phòng hiếp dâm và những nhà giam trẻ em, khi chúng ta nghe kể về tù binh bị nhét vào máy nghiền công nghiệp và phụ nữ bị lôi từ ngoài đường vào những nhà tra tấn.
Voltaire từng cho mình cái trách nhiệm phải đánh động cả Âu châu về việc luật pháp đã hành hạ một người (3). Châu Âu giờ đây vẫn tỏ ra bối rối rất ư duyên dáng như ngày nào, Làm gì mà ầm ĩ dzữ dzậy?Thiệt mờ, chuyện đó hổng có dính dáng tới mình đâu.
Những người phê bình Bush bảo rằng “Iraq hóa chiến tranh” sẽ thất bại và cũng sẽ như “Việt Nam hóa chiến tranh” thôi. Họ lầm. Thực tế thì Việt Nam hóa chiến tranh là một chiến lược thành công. Nhiều năm trước, nhà phê bình chính trị Fred Barnes trong một bài viết trên The Weekly Standard đã điểm hai cuốn sách về Việt Nam đã xét lại những ý tưởng thông thường về cuộc chiến. Ông Barnes đã viết tóm tắt, “Điều thực sự hữu hiệu là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Saigon nắm lấy tình hình trong khi quân đội Mỹ từ từ rút về nước.” Ông nhắc lại lời của Lewis Sorley, một trong những tác giả, “Rồi sẽ tới lúc (chúng ta) thắng trận. Chiến cuộc tuy chưa chấm dứt, nhưng chúng ta sẽ thắng. Thắng lợi đạt được có lẽ tốt nhất là vào những năm cuối 1970, sau khi tiến công vào Cam-Bốt.”
Thế nhưng chúng ta đã chán ngán và đã rút cầu. Chúng ta để “biu” lên bàn rồi bước thẳng, và đồng minh chúng ta phải trả bằng máu.
Đúng thế, chúng ta đã và đang bị Việt Nam ám ảnh, và Chúa cấm chúng ta không còn bao giờ được bỏ rơi bạn mình vào tay bọn độc tài khát máu. Hay không bao giờ được rút khỏi những nơi mà người dân đang phải kháng cự chỉ để được sống tự do. Hay không bao giờ được báo với những người dân đó bằng cách nói với lại trong khi chân bước ra: Nghe này, cái này là sự chọn lựa của anh, nếu anh chọn bị cai trị bởi kẻ giết người khát màu thì đó là chuyện của anh, không mắc mớ gì tới tôi.
Đúng thế, Hoa Kỳ sẽ còn mãi mãi bị Việt Nam ám ảnh. Mãi mãi.
Nguồn: Don't Quit as We Did in Vietnam
(1). David Gelernter là một giáo sư môn Computer Science tại Đại học Yale. Ông viết “Don't Quit as We Did in Vietnam” vào tháng 11-2003, tám tháng sau khi cuộc chiến Mỹ-Iraq bùng nổ. Sau khi có trên 2.900 binh lính Mỹ hy sinh tại mặt trận Iraq, dư luận Mỹ phản đối cuộc chiến. Trong diễn văn 10-11-2007, Tổng Thống George W. Bush dù công nhận có nhiều sai lầm nhưng vẫn thông báo đưa thêm 21,500 binh sĩ đến Iraq.
(2). “No More Vietnams” (1986) của Tổng thống Richard Nixon có đoạn “North Vietnam held one decisive advantage over the United States: Its leaders had a limitless capacity for barbarity and tenacity. ... Our enemy could never defeat us; he could only make us quit.” (p. 45) - (Bắc Việt đã nắm được ưu thế chắc chắn so với Hoa Kỳ: những lãnh đạo của họ có khả năng vô hạn về sự man rợ và dai dẳng... Địch thủ không bao giờ có thể đánh bại chúng ta, họ chỉ có thể làm cho chúng ta bỏ cuộc)
(3). Văn hào Voltaire đã viết báo chống đối việc nhà nước Pháp tra tấn và giết chết Jean Calas. Cuối cùng người chết được minh oan và gia đình nạn nhân được bồi thường.
No comments:
Post a Comment