Pages

Sunday, September 26, 2010

Lệ Thuộc - Đồng Hóa – Nô Lệ

Mẹ Nấm 's
Vài ngày qua, có khá nhiều bài báo, bài viết nói về bộ phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" được đăng trên Tintuconline.
Không kể các bài viết có tính học thuật để chứng minh việc "giống Tàu - lai Tàu" hay "thuần Việt". Đa phần các ý kiến đóng góp mang nặng cảm tính. Có cả một bài viết đóng góp cho rằng, việc  lên án và kêu gọi không công chiếu bộ phim này, là cực đoan và mang tính "bài Hoa".
Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình ở entry này, xin chia sẻ đôi chút ý kiến cá nhân và mong nhận được sự góp ý chân thành.
Nếu xét về mặt ý nghĩa xã hội, việc công chiếu bộ phim "Đường tới thành Thăng Long" trên sóng truyền hình, phải tính đến yếu tố khán giả : già - trẻ, lớn - bé đủ cả. Kiến thức lịch sử của mỗi người có được còn tùy vào trình độ, độ tuổi, và khả năng tiếp nhận thông tin (từ các loại sách báo, tài liệu nghiên cứu lịch sử, tài liệu lưu truyền trong dân gian qua hình thức : nghe - kể, chép tay...).
Ở đây mình nói về kiến thức lịch sử của những người trẻ trước.
Con em chúng ta biết gì về thời Lý qua các bài học lịch sử ở trường? (chỉ tính giai đoạn Trung  học cơ sở - tức là từ lớp 6 trở lên).
Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, thuộc chương trình giảng dạy lớp 7, chiếm một chương sách:
Chương II. Nước Đại Việt thời Lý (Thế kỷ X-XII)
Bài 10 - Nhà Lý đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước
Bài 11 - Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075 -1077)
Bài 12 - Đời sống kinh tế, văn hóa
Trong bài 10, ngoài sự thành lập nhà Lý và lý do nhà Lý dời đô về Thăng Long, có thể tìm thấy những dòng sau:
"Các cung điện thời Lý đều làm bằng gỗ, lợp ngói ống, có đầu bịt ngói hình rồng, hình phượng, hình hoa sen tạo thành một diềm mái mỹ lệ trước lầu rồng, gác phượng. Ngoài một số cung điện, còn có lầu gác hai - ba tầng, từ xa đã thấy cung điện vua ngự cao đến bốn tầng."
(Sách Lịch sử lớp 7 - trang 36)
"Rồng mình trơn, toàn thân uốn khúc, uyển chuyển như một ngọn lửa là hình tượng nghệ thuật độc đáo, phổ biến thời Lý.
Phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo và linh hoạt của nhân dân ta thời Lý đã đánh dấu sự ra đời của một nền văn hóa riêng biệt của dân tộc - văn hóa Thăng Long." (Sách Lịch sử lớp 7 - trang 49)
(Không thấy chú giải hay diễn giải thêm gì về văn hóa Thăng Long.)
Trong sách Lịch sử lớp 10 - Phần hai : Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX.
Chương II - Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV
Nói chung, và sơ sài, không tìm thấy tài liệu về thời nhà Lý nhiều.
Mình đưa ra những dẫn chứng trên, để thấy rằng, thế hệ con - em của mình, khó có khả năng nhận biết sự khác biệt giữa nhà Lý của người Việt - và nhà Lý của người Tàu trên phim vì không có kiến thức. Việc thiếu hụt kiến thức này là một câu hỏi lớn, và là trách nhiệm của những người viết chương trình dạy - học  lịch sử.
Việc yêu cầu người xem nhận ra các yếu tố Việt Nam thời Lý qua trang phục, phục sức... dường như là quá khó khăn với nền tảng kiến thức lịch sử đại trà như trên.
Nếu mục đích chính yếu nhất của những người làm bộ phim này là để quảng bá cho lịch sử Việt Nam - như họ nói: "Chúng tôi muốn quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam. Khi thế giới biết đến Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều có lợi, trong đó có chúng tôi. Người Hàn Quốc  từng  thúc đẩy kinh tế bằng điện ảnh, tại sao chúng ta lại không? Chúng tôi sẽ bán bản quyền 19 tập phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho các nước bạn sau khi phim phát sóng tại Việt Nam" (1). Thì có lẽ phải đầu tư để in thêm một tập tài liệu thật dày, để thuyết minh và chứng minh cho người xem đâu là yếu tố "thuần Việt" giữa rừng ngoại cảnh và đám đông "rặt Tàu" kia. Bởi vừa xem phim, vừa phải  rà soát lại bản sắc Việt trong phim (2) thì thật là khốn  đốn và là thất bại thảm hại cho ý tưởng quảng bá văn hóa - lịch sử Việt Nam.
Không thể quảng bá cho đất nước mình khi vay mượn và cố tình lệ thuộc văn hóa của nước khác - nhất là từ đất nước luôn có dã tâm đồng hóa dân tộc Việt Nam này.
Có thể tránh khỏi sự đồng hóa văn hóa cho con cháu về mặt nhận thức từ bây giờ tại sao lại không làm? Những Bao Thanh Thiên, Càn Long, Tào Tháo trên sóng truyền hình.. đã đánh bạt Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung... ra khỏi tư tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam chưa đủ hay sao mà lại phải đưa Lý Công Uẩn sang tận bên Tàu để Ngài tìm đường về Thăng Long xa xôi như vậy?
Những lập luận bào chữa cho tính "thuần Việt" và "bản sắc Việt" trong một vỏ áo Tàu của bộ phim "Đường tới thành Thăng Long", với mình, đó là sự  thỏa hiệp đồng hóa.
Rất lạ là thường có kiểu lập luận "bài Hoa" - để dẫn tới yếu tố nhạy cảm và cực đoan. Nếu  ai  tỉnh táo khi đọc những bài viết này sẽ thấy, người viết thường vận dụng yếu tố "bài Hoa" để đánh lạc hướng và thuyết phục người đọc chấp nhận những điểm "giống Tàu" và "yếu tố Trung Quốc". Với mình, những bài viết dạng này, thực sự là những liều thuốc độc tinh thần.
Hãy nhìn bài học tồn vong để bảo vệ bản sắc văn hóa và dân tộc người Duy Ngô Nhĩ , người Tây Tạng trước chính sách Hán hóa của Trung Quốc để thấy rằng, một khi chưa phải lưu vong để bảo vệ bản sắc thì hãy còn may mắn lắm. Cớ gì lại buộc cả dân tộc phải chấp nhận đồng hóa từ từ  bằng cách phân biệt yếu tố Việt và yếu tố Tàu giữa một rừng lẫn lộn?
Mình nghĩ, đã là người Việt, không ai không biết dã tâm xâm lược từ bạn láng giềng phương  Bắc. Tuy nhiên, từ biết đến hành động chống lại dã tâm đó lại là một chuyện khác.
Không biết thì không sao, biết mà vẫn làm ngơ, cúi đầu, đó là hèn - nhục - và có tội với cả dân tộc.
Con người có bị lệ thuộc và bị nô lệ trong tư tưởng hay không, ngoài yếu tố khách quan - ngoại cảnh, còn có yếu tố chủ quan là muốn - hay không muốn - từ chính bản thân mình nữa.
(*) Lời bài hát "Gia tài của mẹ" - Trịnh Công Sơn.

No comments:

Post a Comment