Pages

Wednesday, September 22, 2010

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế “tư bản độc quyền”

Tiểu Sa (Dân Làm Báo) Tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là thúc đẩy quá trình hình thành giai cấp tư sản độc quyền. Một thành phần tư sản ra đời dưới hình thức tư hữu hóa tài sản toàn dân chứ không phải qua quá trình tích luỹ tư bản thuần túy. Một cơ chế chính sách chỉ phục vụ cho một nhóm người theo tôn chỉ nhất thân nhì tiền tam quyền tứ chế. Góp phần tạo ra sự phân hóa giàu nghèo ở nước ta ngày một rõ nét hơn. Vậy còn có gì gọi là xã hội chủ nghĩa? còn có gì là chủ nghĩa Mác – Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường đi lên chủ nghĩa không tưởng? Nên chăng đổi tên nước ta thành “Tư bản độc quyền Việt Nam”*
Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng đó chính là tương lai của nước ta trong năm năm tơí. Còn quá nhiều điều cần phải bàn, nhưng chỉ xin nêu ra một vấn đề nhỏ để thảo luận.

Vẫn không có gì thay đổi so với nghị quyết đại hội Đảng lần thứ X. Mục IV.1 trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH Trung ương khóa X tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (CS) có đoạn viết: “ 1. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội…” – Trích Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Ưu điểm của kinh tế thị trường là tính cạnh tranh cao, cá nhân hoặc cơ sở sản xuất có trình độ chuyên môn cao, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm càng cao thì gía thành sản phẩm càng thấp, từ đó tính cạnh tranh sẽ tốt hơn. Để có được tính cạnh tranh thì các cá nhân, các cơ sở sản xuất đều phải ngày càng hoàn thiện chính mình để nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, điều đó có nghĩa nó thúc đẩy xã hội phát triển. Khi có sự quản lý và điều hành của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường thì tính ưu việt đó đã mất đi, cũng có nghiã là năng lực cạnh tranh ít được cải thiện. Dẫn tơí việc hạn chế sức sáng tạo của con người. Mặt khác chính sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường sẽ dẫn đến hàng loạt các tiêu cực như chạy quota, chạy dự án, tạo ra chính sách để trục lợi…
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mảnh đất màu mỡ sinh ra những nhà “tư bản độc quyền”. Đây chính là những nhà tư bản nòng cốt và cũng là thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân hiện nay. Còn duy trì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là còn bảo kê cho tầng lớp “tư bản độc quyền” ngày càng phát triển và đẩy nhanh sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Các nhà “tư bản độc quyền” đó là:
Sản phẩm đầu tiên của nền kinh tế “tư bản độc quyền” của chúng ta chính là những nhà tư bản được hình thành từ quá trình tư hữu hóa (cổ phần hóa) tài sản xã hội chủ nghĩa (tài sản của nhân dân). Những nhà tư bản này là những người nằm trong bộ máy quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, hoặc họ là con cháu, là thân thế của các lãnh đạo các cấp trong bộ máy chính quyền. Họ mua lại doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức cổ phần hóa với giá rất thấp và bán lại hoặc đang sở hữu nó với giá trị thật rất cao. Cho nên có rất nhiều người đã trở thành tư bản kếch sù mà không cần trải qua quá trình tích lũy tư bản thuần tuý. Họ trở thành nhà tư bản qua sự kết tinh của chế độ, của đường lối phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Trong nhóm này điển hình có các công ty cổ phần viễn thông, dầu khí, khoáng sản…
Một nhóm các nhà tư bản mới nữa được hình thành từ chế độ chính sách này là các nhà “tư bản dự án”. Kể từ ngày nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra đời, từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây đi đến đâu chúng ta cũng thấy các dự án này dự án nọ. Đó chẳng phải là công cuộc phát triển đất nước hay sao? Đó chính là cơ sở để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là việc cần đẩy mạnh phát huy nếu như đằng sau nó không ẩn chứa rất nhiều tiêu cực. Bỏ qua các tiêu cực trong các dự án phát triển dân sinh như đường, trường, trạm, điện, nước…Chỉ xét riêng mảng các dự án về khu dân cư, khu resort, khu du lịch sinh thái cũng đủ thấy rõ cái cơ chế nó đã sản sinh ra “tư bản dự án” nhanh như thế nào. Những nhà tư bản này được hình thành từ quá trình “chạy” dự án để thu hồi đất của nhân dân với giá rẻ mạt sau đó đổ đất, đổ cát rồi phân lô, xây cao ốc… và bán lại cho người dân với giá cao gấp hàng trăm hàng ngàn lần vốn mà họ bỏ ra để đền bù và xây dựng. Thậm chí họ cũng chẳng cần phải đổ đất, đổ cát mà chỉ cần sang tay dự án thôi cũng đã thu lợi bằng thu nhập của hàng vạn người dân cộng lại. Những nhà tư bản này xuất thân từ những ông chủ doanh nghiệp có quan hệ thân thích “bằng tiền” với cán bộ chính quyền và một số xuất thân từ tầng lớp COCC mà ra.
Nhóm các nhà tư bản thứ ba được hình thành từ cơ chế này chính là các nhà “tư bản đỏ”, họ chính là các nhà lãnh đạo các cấp của nhà nước mà trên mình họ đang khoác chiếc áo đỏ có hình chiếc búa liềm. Khác với hai nhóm trên, họ chỉ việc ngồi ở nhà nhận “thư cảm ơn” từ hai nhóm đó và nghiễm nhiên trở thành tư bản. Từ hình thức “tích lũy tư bản đỏ” kết hợp với cơ chế xin cho, cơ chế tạo ra luật để lách luật nhằm thao túng thị trường dưới các doanh nghiệp mang tên con em, thân bằng cố hữu của họ đã hình thành một nhóm nhà “tư bản đỏ” hùng mạnh ở Việt Nam. Việc thao túng thị trường rõ nét nhất là cách tạo ra luật để lách luật. Như những chính sách điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu để đầu cơ trục lợi là một điển hình. Xin đưa ra một ví dụ: Một doanh nghiệp A biết trước có chính sách tăng thuế nhập khẩu xe hơi lên thêm 10%. Họ sẽ nhập về 100 xe với gía gốc mỗi xe là 1tỷ đồng, và họ găm hàng tại kho. Như vậy chỉ khi chính sách đó được thi hành họ đã lời 10tỷ đồng. (tất nhiên doanh nghiệp A phải là sân sau của các cụ cho nên mới biết trước thông tin), ai dám nói họ phạm luật hay tham ô nào?
Qua đó cho chúng ta thấy tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là thúc đẩy quá trình hình thành giai cấp tư sản độc quyền. Một thành phần tư sản ra đời dưới hình thức tư hữu hóa tài sản toàn dân chứ không phải qua quá trình tích luỹ tư bản thuần túy. Một cơ chế chính sách chỉ phục vụ cho một nhóm người theo tôn chỉ nhất thân nhì tiền tam quyền tứ chế. Góp phần tạo ra sự phân hóa giàu nghèo ở nước ta ngày một rõ nét hơn. Vậy còn có gì gọi là xã hội chủ nghĩa? còn có gì là chủ nghĩa Mác – Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường đi lên chủ nghĩa không tưởng? Nên chăng đổi tên nước ta thành “Tư bản độc quyền Việt Nam”.
Tiểu Sabạn đọc Dân Làm Báo

No comments:

Post a Comment