Pages

Friday, September 24, 2010

SỰ THA THỨ.

mẹ Nấm 
Cứ mỗi lần gội đầu xong có thời gian để ngồi hong tóc chứ không phải sấy khô như thường lệ, mình lại nhớ hoài cái cảnh phải gội đầu ở trong trại tạm giữ Sông Lô - tỉnh Khánh Hòa.
Vốn dĩ, tóc mình mảnh và rất nhiều, nếu không hong tóc bằng quạt, hoặc lau thật khô bằng khăn lông dày, nó sẽ ẩm ướt suốt ngày, và đến ngày kế tiếp, tóc sẽ bị bóng nhờn, kiểu như bị dính dầu.

Lúc mới bị bắt, ba ngày đầu, mình quá mệt mỏi vì căng thẳng dù đã cố dỗ giấc ngủ ở ngày thứ hai, nhưng cái cảm giác đau ong ong ở trong đầu nó cứ xuất hiện âm ỉ. Mình biết, nếu ở nhà, chỉ cần gội đầu, sấy tóc, cảm giác này sẽ biến mất. Vậy là mình gội đầu, gội xong, túm hết mớ tóc trong lòng bàn tày, vắt tới vắt lui vài chục bận, lau đi lau lại bằng cái khăn sữa bản to của con được đặc cách mang theo, mà tóc vẫn ẩm ướt. Chị ở cùng phòng thấy vậy, cho mượn luôn khăn mặt của chị để lau, mà vẫn chẳng có tác dụng gì, vậy là mượn thêm một cái áo thun của chị nữa, mình xoa đầu, chị ngồi quạt, cứ thế quá nửa đêm.
Mình nhớ, mình đã rất hoảng hốt khi thấy trong tay một túm tóc rụng. Chị trấn an mình: "Đó là chuyện bình thường thôi em, tóc em nhiều vậy, chắc không sao đâu". Mình túm mái tóc chị trong tay, chỉ còn bằng 1/4 tóc của mình.
Mấy ngày sau có kinh nghiệm hơn, cỡ 4-5 giờ sáng thì mình gội đầu, rồi trong lúc đợi tóc khô thì mình cầu nguyện. Đến cỡ 8-9h sáng thì tóc cũng khô được phần nào.
 Về nhà, mỗi lần gội đầu, tóc vẫn rụng, và mình lại nhớ chuyện đã qua.
Chị H. đã hỏi mình rằng: "Nếu nhắc lại những gì đã trải qua, em có quên không?"
Mình nói: "Không bao giờ em quên".
Làm sao có thể quên được?
 Chị nói, chị hỏi mình câu này để đi tìm câu trả lời cho sự tha thứ.
Tha thứ - không có nghĩa là quên những gì đã xảy ra.
Và không quên những gì đã xảy ra, không có nghĩa là không chấp nhận tha thứ.
 Tha thứ - là hành động nên có của con người đứng trước sự hối lỗi và ân hận.
Có thể, có những người không cần người khác hối lỗi hay ân hận, mặc nhiên cũng đã thứ tha. Loại người này, mình nghĩ không nhiều, nếu có, thì hình như đã đắc đạo.
 Tha thứ - với mình, là có cái nhìn bao dung hơn, và để lòng mình nhẹ hơn.
Thật ra thì giữ mãi trong lòng những chuyện khó tha thứ, nó sẽ khiến mình thấy cuộc đời chật hẹp và ngắn ngủi hơn. Vậy đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài tha thứ, để làm nhẹ cuộc sống của chính mình.
Hay nói cách khác, không tha thứ thì làm gì được? Nói tha thứ là nói cho cao thượng vậy thôi.
 Tha thứ - với mình, không có nghĩa là cho qua mọi chuyện gì dù sao chuyện cũng đã qua rồi.
 Tha thứ không cần phải nói bằng lời, nhiều lúc chỉ cần bằng cử chỉ, hành động, đối phương cũng sẽ hiểu. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng, mọi thứ khó mà trở lại nguyên vẹn như trước, ngay cả khi đã chấp nhận thứ tha.
 Có những con người không bao giờ xứng đáng được nhận sự thứ tha vì không bao giờ học được hai tiếng xin lỗi hay tỏ ra ăn năn hối lỗi với những việc mình làm.
Phải hiểu rằng, có những tội ác không bao giờ tha thứ được. Bởi nếu có thể dễ dàng tha thứ tất cả, thì ai cũng là Chúa, là Phật hết rồi.

Mình nói vậy, để thấy rằng, tha thứ là một hành động không phải dễ thực hiện, và quên là một hành động khó thực hiện hơn rất nhiều lần.
 Đừng lạm dụng sự tha thứ của người khác, để tiếp tục phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Lúc đó, vô phương cứu chữa.
 Những con người chấp nhận tha thứ, có thể tạm quên, có thể không nhớ đến các biến cố đã xảy ra làm ảnh hưởng đến bản thân mình ở một thời điểm nhất định nào đó.
Họ không thể xóa sạch hoàn toàn ký ức về chuỗi thời gian đó khi đã chấp nhận thứ tha.
Không ai có thể làm nhẹ lòng mình bằng chính bản thân mình, vì vậy, dù khó khăn, cũng hãy ráng mỉm cười để tập tha thứ (dù chỉ trong chốc lát).

Viết tặng chị H.
Trưa ngày 23/09/2010
mẹ Nấm

No comments:

Post a Comment