Pages

Friday, May 28, 2010

Tội “chống nhà nước” và nỗi đau của Khổng tử


Phạm Hồng Sơn
Nhà nước hay triều đình thì thời nào cũng có thể là một trong hai loại, hoặc là công minh, thương dân hoặc là bất chính, hại dân. Ấy vậy mà thời nào khi một người đã bị khép vào tội “chống nhà nước” hay “chống triều đình” thì coi như mạng sống đã nằm trong tay kẻ khác. Tội ấy luôn là một tội chết.  Nhưng lại hầu như thời nào cũng vẫn có người dám cả gan chống lại Triều đình, Chính phủ hay Nhà nước.

Những người cả gan ấy, chắc phải quá mải mê chạy theo chữ Nhân, chữ Nghĩa lắm, nên mới quên khuấy mất chữ Chết. Vì nào có ai lại không sợ chết? Người nào dám khinh cốt nhục bản thân và gia quyến? Lại còn có kẻ nào dại dột đến mức đi chạy theo chữ Lợi đang có chữ Chết lủng lẳng ngay phía trước? Ngay Khổng tử, “vạn thế sư biểu” (người thầy mẫu mực cho muôn đời), người đã răn người ta phải sống theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, còn phải sợ cái hà khắc của triều đình đương thời đến mức lại đi khuyên người ta phải “Chính danh” trong mọi chuyện, nhất là trong những việc “chính trị”. Đã làm vì Nhân, vì Nghĩa thì còn xá gì Danh? Nếu đây không phải là nỗi đau đời không nói ra của Khổng tử  thì chắc chắn là một mâu thuẫn, một khiếm khuyết lớn trong tư tưởng của “vạn thế sư biểu”.
Chắc lúc đó Khổng tử không biết (hoặc biết mà chưa kịp nói với các môn đệ) rằng loài người sau ông sẽ giải quyết được mâu thuẫn đương thời của ông- mâu thuẫn giữa thân phận bé nhỏ của kẻ Tiện dân với khao khát làm những việc Nhân, Nghĩa to lớn cho Xã hội. Các hệ thống chính trị dân chủ tự do ngày nay đã không chỉ thừa nhận mà còn đảm bảo để người dân được tự do thực hiện quyền chống (phản đối) sự đồi bại của chính phủ, chống chính sách sai lầm, ác độc của nhà nước hay chống bất cứ cái gì một cách hòa bình và được tự do tham gia, tác động vào mọi công việc điều hành đất nước, quản lý xã hội, bất chấp vị thế hay thân phận. Những điều đó đã được toàn thế giới công nhận là một Quyền đương nhiên của loại động vật có tên là Người[i]. Nói cách khác, loài người nói chung đã đi đến chỗ coi chuyện công khai bày tỏ sự yêu, ghét, ủng hộ hay phản đối bất kỳ cái gì một cách ôn hòa là chuyện thường tình, hữu ích cho loài người và không thể cấm được. Ngay các chính thể hà khắc nhất, bất nhân nhất cũng đâu có ngăn được “bia miệng” và các loại “bia” để đời khác vẫn cứ sừng sững dựng lên dành cho chúng.
Khổng tử chắc phải đang ngậm cười khi thấy mâu thuẫn, khiếm khuyết của ông đã được hậu thế ở nhiều nước hóa giải bằng lý luận và thực tiễn. Ở những nước đó lý tưởng “dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi.[ii] đã được thực hiện rất dễ dàng đúng như mơ ước của Khổng tử. Chỉ có khác, ở những nước đó, người dân không chỉ ước mong hay cầu xin như ông mà họ đã lập được những thiết chế buộc kẻ làm “vua” phải biết “hiếu chi” và “ố chi”, bằng không kẻ đó phải “về vườn” ngay tức khắc.
Nhưng Khổng tử chắc cũng đang đau xót lắm khi “triều đình” trên chính quê hương ông và “triều đình” chư hầu của vài nước lân bang vẫn không chịu hóa giải nỗi đau đời cho ông. Những “triều đình” đó vẫn muốn khép tội chết cho người dám vạch trần sự đồi bại của “triều đình” hay chỉ đơn giản bày tỏ hộ nỗi lòng dân muốn có một “triều đình” khác bớt tham tàn hơn, bớt đớn hèn hơn. Nhưng chết thì ai mà cuối cùng chả phải chết. Chỉ thật thương cho vong linh của Khổng tử và kiếp người tại những nước đó, vẫn chưa thoát được sự đọa đày, trói buộc vì lòng tham của một số kẻ có quyền, mà thôi.
Phạm Hồng Sơn
27/05/2010

No comments:

Post a Comment