Pages

Monday, May 17, 2010

THẾ CHIẾN LƯỢC CHÂN VẠC MỸ-NGA-TÀU Ở VÙNG CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG

Thế chân vạc là thế ba chân. Đó là thế cái kiềng. Người Việt Nam chúng ta có câu : « Mặc người nói ngả, nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân . » Cái kiềng là một cái vòng tròn, có 3 chân, bằng sắt, dùng để đặt cái nồi lên, đốt lửa ở dưới, để nấu cơm, nấu đồ ăn. Ba chân dựa vào nhau, quân bằng nhau, làm cho cái nồi ở trên vững chắc, không sợ bị nghiêng sang bên nào, không bị lật
.Theo giòng lịch sử thế chân vạc được dùng nhiều trong những cuộc tranh hùng chính trị, vừa chống đối nhau, vừa tạm thời dựa vào nhau để tồn tại. Thế chân vạc nổi tiếng trong lịch sử Tàu là thời Tam quốc : 3 nước Ngụy, Ngô, Thục vừa chống đối nhau, vừa dựa vào nhau để tồn tại.

Chính vì lẽ đó mà ngày hôm nay, nói đến cuộc tranh hùng giữa những cường quốc ở vùng châu Á Thái Bình Dương, có người nghĩ đến thế chân vạc Nga Mỹ Tàu.


Có phải thế không ? Chúng ta hãy nhìn qua lịch sử đông tây, rồi cùng nhau xét vấn đề hiện tại.


Nói về thế chân vạc, trong lịch sử đông phương, đặc biệt là Tàu, như đã nêu ở trên, người ta không thể quên thời Tam quốc (213-280), được tiểu thuyết và bình dân hóa về 3 nước : Nước Ngụy, đại diện bởi Tào Tháo, ở Trung nguyên ; nước Thục ở phía tây, đại diện bởi Lưu Bị ; nước Ngô, ở phía đông, đại diện bởi Tôn Quyền. Chúng ta biết danh xưng Ngụy của Tào Tháo là thiên vị và sai lầm. Tam quốc là cuối đời nhà Hán, nhà Hán thoái trào, không còn lãnh đạo được quốc gia, dân tộc, nên quần hùng ở khắp nơi nổi lên. Tào Tháo chỉ là tể tướng của nhà Hán thoái trào, được nhà Hán phong đất, phong công hầu và sau đó phong vương, nên quyền hành ở trong tay ông. Theo đúng ra Tào Tháo mới là chính thống theo nghĩa cổ điển, vì vẫn đại diện cho nhà Hán. Những người viết sử và viết truyện, vì không có cảm tình với Tào Tháo trước sự lộng quyền áp chế vua nhà Hán, nên sau đó đã đồng hoá chữ Ngụy với Tào Tháo, có nghĩa là không chính thống, không phải là cái thật, như ngụy quân tử có nghĩa là không phải quân tử thật. Cũng như cộng sản dùng chữ Ngụy để chỉ 2 chế độ Cộng hòa ở miền Nam ; nhưng ngày hôm nay, nếu xét dưới con mắt hiện đại, thì một chính thể chính thống, không ngụy, là một chính thể do dân bầu ra, lo cho dân, lo bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, không bán nước, không làm khổ dân. Chính chế độ cộng sản từ ngày Hồ chí Minh lập nên, mới chính là ngụy, vì không lo cho dân, dân phải tứ tán khắp nơi, bị xuất cảng lao động, bị làm ô xin, ở trong nước không thể sống được, phải cam tâm đi lấy ngoại quốc, nhiều khi là những ông già, bị lâm vào cảnh làm nô lệ, trẻ em thì thay vì được đi học, lại phải bán vé số, đánh giày, lượm lon, tệ nhất là phải bán thân nuôi miệng ở bên Căm Bốt, mà báo chí đã phơi bày ra dư luận, một nỗi vô cùng ô nhục cho dân Việt, trong khi đó chính quyền cộng sản cố tình làm ngơ, các quan chức còn thông đồng với những tú bà, những cơ quan bán người ra ngoại quốc. Thêm vào đó, chế độ cộng sản còn dâng đất, nhượng biển cho Trung Cộng, qua công hàm, đề ngày 14/9/1958, của Phạm văn Đồng, thủ tướng cộng sản Việt Nam, gửi Chu ân Lai, thủ tướng Trung Cộng ; và qua 2 hiệp ước ký với Trung cộng bởi Lê khả Phiêu, vào năm 1999 và 2000, dâng cho Trung Cộng cả ngàn cây số vùng biên giới trong đó có ải Nam quan và thác Bản dốc, và cả chục ngàn cây số vùng biển.


Ngược lại 2 chính thể cộng hòa ở miền Nam mới chính là chính thống theo nghĩa hiện đại, không phải là ngụy, vì đã lo cho dân và đã cố gắng bảo vệ bờ cõi đến giây phút cuối cùng, qua sự bảo vệ những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chống lại sự xâm chiếm của Trung Cộng. Không những vậy, 2 chế độ này vào thời đó vẫn là chế độ tương đối dân chủ, chỉ thua Nhật và những nước dân chủ tân tiến tây phương, nhưng hơn tất cả những chế độ đông phương về đủ mọi phương diện : phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, trái với chế độ cộng sản hiện nay là chế độ thua kém tất cả những chế độ trong vùng về đủ mọi phương diện.


Về thế chân vạc, nếu chúng ta nhìn xa trong lịch sử Tàu, thì chúng ta đã thấy mầm mống của nó từ thời cuối đời nhà Tần, trong thời Hán Sở tranh hùng (206-202 trước Tây Lịch). Hai lực đánh Tần là lực của Sở vương Hạng Võ và lực của Hán vương Lưu Bang. Lực của Lưu Bang lúc đầu yếu hơn lực của Hạng Võ, nhưng Lưu Bang nhờ có những quân sư và tướng giỏi như Trương Lương và Hàn Tín, nên đã dần dần chiếm được ưu thế. Khi cuộc phân tranh chưa ngã ngũ, thì có một số quân sư của Hàn Tín khuyên Hàn Tín tách khỏi Lưu Bang, không tấn công Hạng Võ nữa, tuyên bố thành một quốc gia độc lập, tạo thế chân vạc, kiềng ba chân. Nhưng Hàn tín không nghe. Sau này Hàn Tín bị bà Lã Hậu, vợ của Lưu Bang giết chết.


Nhà Tống ( 960-1278) cũng ở bên Tàu sau này, lúc đầu mạnh, gọi là Bắc Tống, nhưng sau tranh chấp với nhà Hạ ở phía tây bắc, còn gọi là Tây Hạ, trở nên yếu dần, phải dời đô vế phía nam, nên được gọi là Nam Tống. Nhà Hạ lúc đầu có quân Mông Cổ giúp nên mạnh, sau đó quân Mông Cổ tách ra, tạo nên nước Mông Cổ, quay lại đánh nhà Hạ. Nhà Hạ cầu cứu Nam Tống, triều đình nhà Tống có người khuyên vua nên giúp nhà Hạ, để tạo thành thế chân vạc. Tuy nhiên, vua Tống vì thâm thù cá nhân, nên không chịu. Nhà Hạ bị tiêu diệt, sau đó quân Mông Cổ quay lại diệt nhà Tống, thống nhất nước Tàu, tạo nên nhà Nguyên ( 1280-1341).


Về lịch sử Tây phương, cũng có nhiều thế chân vạc, nhưng ở đây tôi chỉ nói đến thế chân vạc vào thời sau cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, ba đế quốc Anh, Áo Hung và Nga, mặc dầu có những chống đối nhau, nhưng đã dựa vào nhau để sống còn, tồn tại hơn một thế kỷ, cho tới Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918). Đây cũng là đề tài luận án tiến sĩ của ông Henry Kissinger, có thời làm Cố vấn Anh Ninh, rồi Ngọai trưởng Hoa Kỳ.


Theo ông : « Tất cả những chiến lược chính trị đều bắt đầu bằng địa lý chính trị. »


Trở về đề tài : « Thế địa lý chính trị chân vạc Mỹ Nga Tàu tại châu Á Thái Bình Dưong « , câu hỏi được đặt ra là tại sao có người lại có suy nghĩ như vậy ?


Chúng ta hãy cùng nhau xét vấn đề.


Không ai chối cãi rằng hiện nay Hoa Kỳ là đệ nhất siêu cường trên thế giới. Và lẽ tất nhiên, ở địa vị này, Hoa Kỳ muốn duy trì nó càng lâu càng tốt. Cường quốc hiện nay muốn thách thức địa vị độc tôn của Hoa Kỳ như ai cũng biết là Trung Cộng. Trong quá khứ, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, Hoa kỳ đã chủ động đưa đến sự thất bại của 3 đế quốc Anh, Pháp và Liên Sô. Người ta còn nhớ, trước và cả sau Thế Chiến Thứ Nhất, Hoa kỳ đã bán võ khí cho cả 2 phe : Đức, Pháp-Anh ; và đợi cho khi gần tàn cuộc, nhìn rõ thắng bại bên nào, Hoa Kỳ mới nhảy vào sau, với ý định tạo dựng một trật tự thế giới mới, do Hoa Kỳ cầm trịch, qua bài Diễn văn 14 diểm của Tổng thống W. Wilson và việc thành lập ra Hội Quốc Liên (SDN=Société des Nations).


Tuy nhiên, sau đó Hoa Kỳ nhận thấy trong Hội nghị Versailles, họp vào năm 1919, hai đế quốc Anh, Pháp chưa yếu, ý đồ thực hiện trật tự thế giới mới chưa có thể thực hiện. Thượng viện Hoa kỳ không phê chuẩn Thỏa ước về Hội Quốc Liên, Hoa kỳ không có chân trong hội này, làm cho nó yếu hẳn đi ; và đây cũng là một trong những lý do chính đưa đến Đệ Nhị Thế Chiến.


Đệ Nhị thế Chiến bùng nổ, Hoa kỳ cũng nhảy vào một cách muộn màng. Sau cuộc chiến này, 2 đế quốc Anh, Pháp quả đã yếu ; nhưng lại xuất hiện đế quốc thứ ba, Liên Bang Sô Viết. Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt đế quốc này trong Chiến Tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỳ.


Đầu năm 1991, đế quốc cộng sản Liên Sô sụp đổ. Hiện nay, quốc gia có tham vọng đế quốc duy nhất, thách thức sự độc tôn của Hoa Kỳ đó là Trung Cộng.


Phần lớn chiến lược ngoại giao của Hoa kỳ hiện nay là làm thế nào để sự thách thức này không còn nữa và để trật tự thế giới mà Hoa kỳ chủ trương từ thời lập quốc, nếu chúng ta lấy đồng tiền giấy 1$, quan sát kỹ thì chúng ta thấy rõ : một mặt có hình Tổng thống Washington, mặt khác có hình kim tự tháp và hình con ó. Hình kim tự tháp ở trên có hình con mắt, ở dưới có đề Novus Ordo Seclorum có nghĩa là trật tự mới muôn thưở. Hình con ó, bên chân phải mang ngành dương liễu biểu hiệu cho hòa bình, bên chân trái mang bó tên biểu hiệu cho chiến tranh. Những biểu tượng này là những kim chỉ nam cho chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ từ ngày lập quốc đến giờ : Hoa kỳ muốn tái lập một trật tự thế giới mới do Hoa Kỳ cầm trịch, Hoa Kỳ chủ trương hòa bình nhưng lúc nào cũng sửa soạn chiến tranh, đúng như lời một chính khách đã nói, và câu này được ông Obama nhắc lại khi nhận giải Nobel Hòa bình : « Nếu anh muốn có hòa bình thì anh phải sửa soạn chiến tranh « , như hình ảnh con ó, một chân quặp ngành dương liễu, một chân quặp bó tên.


Nhiều người cứ thấy hình ảnh anh cao bồi, tay cầm súng, rồi nghĩ chính giới, những nhà làm chiến lược Hoa Kỳ thích giải pháp chiến tranh. Họ đều lầm. Hoa Kỳ là nước đầu tiên có hiến pháp hành văn và trong đó ghi rõ tổng thống là tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Mặc dầu người Hoa Kỳ không phải là tác giả của quyển « Bàn về chiến tranh « ( De La Geurre) và quyển Binh Thư Tôn Ngô (1); nhưng chính giới Hoa Kỳ áp dụng rất nhiều những nguyên tắc của Clausewitz, theo đó : « Chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác « ( La geurre est la continuation de la politique par d’autres moyens – Clausewitz) ; và của Tôn Tử : « Thượng sách là công tâm, thứ đến công lương, rồi mới tới công thành « . Công tâm đây chính là dùng chính trị để khuất phục quân người trước, sau đó mới dùng tới biện pháp kinh tế, đối đế mới phải dùng đến quân sự.


Nếu chúng ta nhìn vào 3 cuộc chiến Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến và nhất là Chiến tranh Lạnh, thì chúng ta thấy Hoa Kỳ rất là chính trị. Không ai chối cãi là Hoa Kỳ đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh, một cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ, trong đó Hoa Kỳ kiên nhẫn be bờ qua Chính sách Be Bờ ( Containment Policy ), của Paul Nitzé và Georges Kennan, một người là Cố Vấn An Ninh của tổng thống, một người là cố vấn đặc trách về vấn đề cộng sản của Bộ Ngoại giao, vào thời Tổng thống Truman. Chính sách được gói ghém trong Chỉ Thị số 68 của Hội đồng An Ninh và được coi như kim chỉ nam của chiến lược Hoa Kỳ suốt gần nửa thế kỷ. Không những Hoa Kỳ kiên nhẫn be bờ, mà còn chọn đúng lúc để tấn công, theo đúng câu mà người Hoa Kỳ thường nhắc tới : « Người đúng, vào chỗ đúng và đúng thời « ( The right man at the right place, in the right time ).


Thời gian Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến là làm yếu các cường quốc Âu châu, không phải chỉ có mình Đức mà cả Anh, Pháp, thời gian Chiến Tranh Lạnh là để giật sập đế quốc cộng sản Liên Sô.


Phải chăng thời gian hiện nay là để giật sập đế quốc cộng sản còn lại là Trung Cộng ?


Tuy nhiên người Hoa Kỳ rất là thực tế, thực tiễn, biết khai thác tối đa sự mâu thuẫn của địch, của hàng ngũ địch, « biết người, biết ta, trăm trận không thua « , như Tôn Tử nói.


Việc chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ chuyển mình qua Châu Á Thái Bình Dương, việc này gần như ai cũng thấy, vì kinh tế thế giới chuyển mình về khu vực này, và khi nói đến kinh tế thì vấn đề vận chuyển rất quan trong, nhất là vận chuyển hàng hải, biển Đông trở nên quan trọng , là đầu mối tranh chấp là như thế. Đấy là chưa nói dưới lòng biển đông có dầu hỏa.


Cái hay cuả Hoa Kỳ đó là họ lúc nào cũng giữ mục đích tối hậu ; nhưng uyển chuyển thực hiện nó, tùy theo từng lúc, tùy theo đối phương ; nếu đối phương còn mạnh, thì có thể bắt tay, đợi thời cơ thuận tiện, Chiến Tranh Lạnh đã chứng tỏ điều này.


Từ đó có người cho rằng hiện nay Hoa kỳ bắt tay với Nga, dùng Nga để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng ở châu Á Thái bình dương ; và cũng đồng thời bắt tay với Trung Cộng, dụ nước này vào một cuộc chơi mới, tạo thế chân vạc, dùng thượng sách là chính trị để thay đổi Trung Cộng, buộc nước này chấp nhận mô hình tổ chức xã hội dân chủ, tự do và kinh tế thị trường ; nếu không chấp nhận thì dùng áp lực kinh tế. Biện pháp cuối cùng mới tới quân sự.


Việc dùng Nga để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng sang các nước Trung Á, đe dọa trực tiếp Nga, và xuống các nước Đông Nam và biển Đông, làm mất ổn định trong vùng; nhất là dùng Nga để quân bằng ảnh hưởng của Trung Cộng trong đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một nước cờ chiến lược rất giỏi của Hoa Kỳ trong bàn cờ tay ba Mỹ-Nga-Tàu.


Cũng không phải là một việc tình cờ khi Hoa Kỳ tổ chức Hội Nghị nguyên tử, gần đây, gồm gần 50 quốc gia trong đó có Việt Nam, và đã mời Nguyễn tấn Dũng họp tay ba Obama – Medvedev – Dũng, để khuyến khích Việt Nam tách khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng. Tuy nhiên giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, có đủ trí khôn, sáng suốt và can đảm để đi con đường này hay không, thì chưa rõ. Trong quá khứ thì đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để đưa nước Việt đến độc lập, tự do, dân chủ và phú cường.(1) Cộng sản Việt Nam chỉ giỏi trong việc làm tôi tớ cho Đệ Tam Quốc tế Nga Tàu, tự biến mình thành một con tốt cho chiến lược bành trướng cộng sản, đến chỗ ông Nixon có nói câu :


« Trung cộng chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng !"


Phải nói rằng nước Việt chúng ta từ cuối đời nhà Nguyễn tới nay có những giới lãnh đạo và sĩ phu trí thức quá tồi tệ. Vào cuối đời nhà Nguyễn, thay vì nghe những lời chân thật của những nhà cải cách, canh tân như Nguyễn trường Tộ, thì lại cúi đầu đi theo Triều đình nhà Thanh bên Tàu, không biết rằng chính nhà Thanh cũng bị lạc hậu, bị liệt cường xâu xé. Ngày hôm nay, giới lãnh đạo và sĩ phu cộng sản, trong khi chủ thuyết Mác Lê bị ngay cả những nước là cái nôi của nó như Nga Sô, Đông Đức vứt bỏ, thế mà Hiến pháp hiện hành Việt Nam vẫn ghi : « Lý thuyết Mác Lê là ánh sáng soi đường, là nền tảng của chế độ. » Tất nhiên ở đây tôi không vơ đũa cả nắm.


Trở về thế chiến lược tay ba Mỹ – Nga – Tàu, mục đích tối hậu của Hoa Kỳ vẫn là thực hiện trật tự thế giới mới, như đã được ghi trên đồng 1$ bằng giấy ; tuy nhiên Hoa kỳ rất thực tế, thực tiễn và kiên trì. Thực tế ở chỗ chấp nhận Trung Cộng như một đối tác chính trong thế chiến lược chân vạc tại vùng châu Á Thái Bình Dương, rồi kiên trì, hợp tác với Nga để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng, và đồng thời dùng chính trị thay đổi Trung Cộng. Nếu Trung Cộng thay đổi theo chiều hướng đại để tổng quát những điểm mà gần đây bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi viếng thăm Trung Cộng cách đây độ 1 vài năm, đã nói thẳng với giới lãnh đạo Trung Cộng. Đó là : 1) Hãy ngừng đàn áp những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền hay nói một cách khác là phải dân chủ hóa chế độ ; 2) Hãy ngừng sao chép trái phép, làm hàng giả, xuất cảng hàng giả ra ngoại quốc và bán ngay ở quốc nội. Chính bà Merkel nói việc Trung Cộng làm chiếc xe BMW giả, bán cho dân và tặng dân cái biệt hiệu BMW giả để về nhà máng vào xe; 3) Hãy ngừng giúp đỡ những tổ chức khủng bố và những chính quyền khủng bố như Iran và Soudan. 4) Hãy bình thường hóa đồng Nhân dân tệ so với đồng $ và những ngoại tệ khác để giữ quân bình về ngoại thương, giảm bớt thặng dư xuất khẩu ra ngoại quốc.


Nếu quả thực Trung Cộng thay đổi như vậy, thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chấp nhận Trung Cộng vào trong cộng đồng thế giới tự do. Vì đây là chiến thắng của những người giỏi trong những người giỏi, vì nó « khuất phục được quân người, mà không làm tan quân người ; lấy được thành người mà không làm bể thành người ; lấy được nước người mà không làm vỡ nước người « ( Tôn Tử) ; Việc này người Hoa Kỳ có thể làm được, vì họ đã chứng tỏ trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, trong việc chiến thắng Liên Sô. Bằng không, thì theo tôi nghĩ, Hoa Kỳ đủ phương tiện, tài trí để bắt buộc Trung Cộng thay đổi, từ áp lực kinh tế, đến áp lực quân sự.


Trong cuộc tranh hùng tương lai, giữa những cường quốc, kẻ nào thắng đó là kẻ có một hạ tầng khoa học kỹ thuật và một đội ngũ chuyên viên đông và cao, từ đó có một nền kinh tế mạnh.


Không ai chối cãi rằng từ ngày mở cửa và được thế giới chấp nhận vào tổ chức Thương mại Quốc tế, Trung Cộng đã tăng trưởng mạnh với 2 con số. Tuy nhiên sự tăng trưởng của Trung Cộng đầy mâu thuẫn và chủ yếu là do những yếu tố sau đây :


Trung cộng đã hy sinh thợ thuyền và nông dân cho sự tăng trưởng, mặc dầu đảng cộng sản Trung Cộng vẫn nhân danh thợ thuyền và nông dân. Ngày hôm nay, thợ thuyền tại nước này bị bóc lột nhiều nhất, không những bởi những ông tư bản trắng từ nước ngoài, mà ngay cả những ông tư bản đỏ, con ông cháu cha của các ông lớn ở trong nước.


Trung cộng đã hy sinh những vùng lục địa cho những vùng duyên hải, hy sinh môi trường, môi sinh cho sự tăng trưởng. Thật vậy nông dân, những vùng nông thôn ở Trung cộng là nạn nhân của chính sách kỹ nghệ hóa rừng rú. Gần 80% sông ngòi ở Trung cộng bị ô nhiễm. Dân uống nước ô nhiễm đã có nhiều bệnh tật.


Trung cộng đã kìm giá giá, cố hạ thấp đồng Nhân dân tệ để xuất cảng.1/3 tổng sản lượng quốc gia của Trung Cộng là nhờ vào xuất cảng. Được như vậy là vì nhân công rẻ và nhờ Trung Cộng đi theo chính sách tiền tệ kìm giá thấp đồng Nhân Dân tệ so với đồng $, vì 1/3 xuất cảng là sang Hoa Kỳ và chỉ có xuất cảng sang xứ này mới thặng dư, còn phần đông là thất thâu.


Hiện nay Trung Cộng là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, với khỏang 800 tỷ $. Từ điểm này có người cho rằng Trung Cộng có thể đánh xập kinh tế Hoa Kỳ và làm rung chuyển kinh tế thế giới. Đây là điều lạc quan quá độ và cũng là luận điệu của một số trí thức và lãnh đạo cộng sản Việt Nam trình độ quá thấp, thấy sang bắt quàng làm họ, ngày xưa thì lớn tiếng hết lời chửi Trung Cộng, ngày nay thì tâng bốc Trung Cộng lên trời.


Để làm sập kinh tế Hoa Kỳ và làm lung lay kinh tế thế giới không phải dễ, vì nếu kinh tế Hoa Kỳ sập, thì kinh tế Trung Cộng sập trước, « Nhà giàu xổ mũi, thì nhà nghèo lên cơn xốt. » Thêm vào đó, tiền nợ mua công trái phiếu này phần lớn lại là tiền các ông lớn, con ông cháu cha ăn hối lộ, chuyển ra nước ngoài, mà chỗ vững chắc vẫn là Hoa Kỳ, chứ không muốn mang về nước.
Không ai chối cãi rằng kinh tế thế giới hiện nay tương thuộc lẫn nhau và đang bị khủng hoảng, ngay cả ở Hoa kỳ. Vì tình trạng đó, mà Hoa Kỳ có thể coi Trung Cộng là đối tác trong ngắn hạn, tạo ra thế chân vạc Mỹ-Nga -Tàu, đồng thời dùng Nga để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng ở vùng châu Á Thái Bình Dương, cũng như quân bình ảnh hưởng của Trung Cộng ở Việt Nam. Thế chân vạc này kéo dài được bao lâu ? Và Cộng sản Việt Nam có khôn ngoan đi theo một đường lối độc lập, trung lập giữa những cường quốc hay vẫn làm thân nô lệ, tôi mọi, như lịch sử cận đại đã chứng minh ?
Đây là một câu hỏi lớn cần nhiều người Việt yêu nước suy nghĩ và đóng góp.

Paris ngày 11/05/2 010
Chu chi Nam

No comments:

Post a Comment