Pages

Monday, May 10, 2010

Binh pháp Tôn Tử thời hiện đại: Giơ tay biểu quyết

 Chúng ta đang bàn đến dân chủ như một lối sống văn minh của loài người. Và cao hơn thế, nó là sự sống còn của đất nước ta như các nhà lãnh đạo của đất nước nhấn mạnh và kêu gọi. Nhưng như nhiều người nhận xét: dân chủ ở nhiều nơi, nhiều cấp đã và đang bị thực thi một cách đầy tính “binh pháp”.

Để áp đảo hay thậm chí đe dọa những người không phục tùng mình trong nhiều quyết định hay trong nhiều cuộc bình bầu, nhiều ông bà thủ trưởng chọn binh pháp cho tập thể "giơ tay biểu quyết". Đây quả là cao tay. Bởi hầu hết nhân viên đều sợ bị trù úm hoặc phiền phức đến mình nên khi ông bà thủ trưởng chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đó hay để bình bầu đó ngồi trên ghế cao nhìn khắp lượt và nói: "Ai đồng ý quyết định này (hay đồng ý bầu người này hay người nọ hay bầu tôi) các đồng chí cứ biểu quyết thẳng thắn bằng cách giơ tay. Nếu không đồng ý thì không phải giơ tay. Chúng ta hết sức dân chủ nhé".
Than ôi! Lời nói thật "dân chủ" và thật "ngọt ngào" ấy được dịch chính xác là: "Để tôi xem anh chị nào không đồng ý nào. Cứ giỏi thì không giơ tay đi". Sau câu nói đó, có không ít người vừa cúi mặt vừa giơ tay đồng ý.


Thảo Dân


Có một vấn đề mà ai cũng nhận thấy là trong không ít cơ quan nhà nước nhân viên vô cùng ngại hoặc sợ thủ trưởng nhưng lại không... trọng. Chính cái hiện tượng ngại và sợ thủ trưởng đã cho thấy dân chủ ở những nơi cần dân chủ nhất và phải được dân chủ hóa trước tiên đang là một vấn đề.
Ai cũng biết, khi nhân viên sợ thủ trưởng thì sẽ nẩy sinh ra hai cái nạn: Cái nạn thứ nhất là thói nịnh bợ. Sợ thủ trưởng thì phải tìm cách nịnh thủ trưởng. Hành động nịnh bợ đương nhiên đồng nghĩa với sự dối trá. Một ông hay bà thủ trưởng mà có nhiều nhân viên tìm cách nịnh bợ thì hầu như là một ông bà thủ trưởng thích nịnh bợ. Khi thủ trưởng thích nịnh bợ thì những kẻ nịnh bợ (những kẻ dối trá) đương nhiên là lên ngôi. Như thế thì cái cơ quan ấy nó như thế nào mọi người đều hình dung ra.
Cái nạn thứ hai là khi ông hay bà thủ trưởng thích nịnh bợ thì không thể nào thu phục được những người có đức có tài. Vì lẽ đương nhiên, những kẻ có đức có tài không cho phép mình sống dối trá. Khi một cơ quan, một tổ chức hoặc một đất nước mà không sử dụng được những người có đức có tài thì cái cơ quan ấy, tổ chức ấy và đất nước ấy nó như thế nào mọi người đều rõ.
Cả hai cái nạn trên vô tình phá hủy tính dân chủ trong những cơ quan, tổ chức... và trong một đất nước [có nhiều cơ quan tổ chức kiểu] đó đương nhiên là [sẽ] phá hủy tinh thần dân chủ của xã hội. Khi một xã hội mất dân chủ thì mọi ý nghĩa tốt đẹp của xã hội đó cũng tàn lụi theo.
Có quá nhiều vấn đề về việc thực thi méo mó dân chủ trong các khu vực xã hội. Một trong những vấn đề đó là việc "giơ tay biểu quyết" trong các cuộc họp, các cuộc bình bầu ở nhiều cấp mà những người đã chứng kiến gọi nó là Binh pháp Tôn Tử thời hiện đại.
Để áp đảo hay thậm chí đe dọa những người không phục tùng mình trong nhiều quyết định hay trong nhiều cuộc bình bầu, nhiều ông bà thủ trưởng chọn binh pháp cho tập thể "giơ tay biểu quyết". Đây quả là cao tay. Bởi hầu hết nhân viên đều sợ bị trù úm hoặc phiền phức đến mình nên khi ông bà thủ trưởng chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đó hay để bình bầu đó ngồi trên ghế cao nhìn khắp lượt và nói: "Ai đồng ý quyết định này (hay đồng ý bầu người này hay người nọ hay bầu tôi) các đồng chí cứ biểu quyết thẳng thắn bằng cách giơ tay. Nếu không đồng ý thì không phải giơ tay. Chúng ta hết sức dân chủ nhé".
Than ôi! Lời nói thật "dân chủ" và thật "ngọt ngào" ấy được dịch chính xác là: "Để tôi xem anh chị nào không đồng ý nào. Cứ giỏi thì không giơ tay đi". Sau câu nói đó, có không ít người vừa cúi mặt vừa giơ tay đồng ý. Giơ tay mà lòng vừa uất ức và vừa sợ hãi. Cũng có người không giơ tay nhưng rồi sau đó một hai năm cứ nhìn thấy anh ấy, chị ấy là thấy vò đầu bứt tai than thở: "Sao đời mình dại dột thế. Giá ngày ấy cứ giơ béng cái tay lên thì bây giờ đỡ khổ thế này".
Chẳng phải nói ai xa lạ, chính tôi là nạn nhân "ngọt ngào" của cái Binh pháp Tôn Tử thời hiện đại "giơ tay biểu quyết". Tuy nhiên có những nơi, ông bà thủ trưởng có "dân chủ" hơn một chút bằng cách bỏ phiếu kín. Nhưng lại không cho kiếm phiếu ngay sau đó mà thu phiếu về để Chi ủy có trách nhiệm kiểm phiếu và công bố tới các đồng chí sau. Bởi ở cơ quan, Chi ủy là cấp cao nhất khi thủ trưởng cơ quan thấy Chi ủy cần thiết cho kế hoạch của cá nhân mình.
Phương pháp "Chi ủy sẽ thông báo sau" là phương pháp tôi đã nhiều lần được chứng kiến và "thừa hưởng". Và kết quả thông báo như thế nào thì không nói các bạn cũng quá hiểu nó là cái gì. Nếu kết quả bỏ phiếu kín trúng với ý của ông bà thủ trưởng cơ quan thì sẽ được công bố "rầm rộ". Nếu kết quả không đúng ý thì sẽ được "xử lý" tinh tế với châm ngôn "Chi ủy chịu trách nhiệm". Đã là Chi ủy chịu trách nhiệm rồi thì đố ai dám cãi. Mà anh chị nào có giỏi thì cãi đi, kiến nghị đi...
Những Binh pháp Tôn Tử thời hiện đại quá phổ biến đến nỗi khi tôi nói về chuyện này thì tất cả cười và bảo: "Chuyện quá quen thuộc. Chẳng có gì mới thì viết để làm gì?".
Đúng. Nó không hề mới. Nhưng cái chết là ở đây vì nó ăn sâu vào máu thịt nhiều người. Với những hành động được gọi là Binh pháp Tôn tử thời hiện đại như thế thì công cuộc tiến hành dân chủ trên đất nước ta còn nhiều gian nan, vất vả lắm.


http://boxitvn.blogspot.com/2010/05/binh-phap-ton-tu-thoi-hien-ai-gio-tay.html

No comments:

Post a Comment