Ngô Nhân Dụng
Nhiều người Thái Lan lại chết vì khát vọng dân chủ. Lần sau cùng dân Thái Lan đổ máu là trong những cuộc biểu tình năm 1992. Những người đã chết vì tự do dân chủ đó không chết uổng.
Sau đó, đời sống chính trị đã thay đổi và đạt được nhiều tiến bộ. Một bản Hiến Pháp mới được ban hành. Nhiều định chế được thiết lập để kiểm soát chính quyền, ngăn chặn tham nhũng, không cho quân đội can thiệp vào việc chính trị như trước đó nữa. Từ 1992 đến năm 2006, Thái Lan là một quốc gia tự do dân chủ nhất Á Châu.
Năm 2006, quân đội lại đảo chính để lật đổ ông Thủ Tướng Thaksin Sinawatra, nhưng các tướng lãnh đã trao trả quyền hành cho các chính phủ dân sự. Những người ủng hộ ông Thaksin tiếp tục chống chính phủ, mặc dù chính ông ta đã lưu vong, và bị kết án về tội tham nhũng, lạm quyền. Hai phe chống và thân Thaksin thay phiên nhau biểu tình. Có lúc phe chống Thaksin mặc Áo Vàng chiếm phi trường, cho đến khi một thủ tướng thân Thaksin phải từ chức. Quốc gia từ từ rơi vào tình trạng hỗn loạn, cho tới những cuộc biểu tình Áo Ðỏ kéo dài trong 2 tháng qua, kết thúc vào sáng Thứ Năm, 20 Tháng Năm, 2010, khi quân đội bắn chết nhiều người và các lãnh tụ biểu tình chịu đầu hàng để tránh đổ máu thêm.
Những cuộc biểu tình năm 1992 quy tụ dân trung lưu thành phố, rất nhiều sinh viên, học sinh, đông đảo hơn năm nay và ôn hòa hơn. Có lúc 200 ngàn người đi biểu tình tiến tới trụ sở Quốc Hội. Khi bị quân đội ngăn không cho qua cầu, các thanh niên biểu tình chống lại bằng cách nổ xe gắn máy, quay ống phun khói về phía những người lính cầm súng đứng dàn hàng. Năm nay, số người biểu tình chỉ dưới 10 ngàn, đa số từ nông thôn miền Bắc và Ðông nước Thái Lan cùng với một số dân nghèo ở Bangkok; nhiều người có võ trang súng, lựu đạn, có lúc họ đã bắn cả vào những người lính cứu hỏa. Trong đám biểu tình cũng len lỏi nhiều phần tử bất hảo, lợi dụng để trộm cướp.
Tuy những cuộc biểu tình năm nay khác lần trước, nhưng ý nghĩa và hậu quả sẽ không kém quan trọng. Nhiều người dân Áo Ðỏ biểu tình vì bất mãn với chính quyền và họ có những quyền lợi chính đáng phải đòi hỏi, không khác gì năm 1992. Những người Thái đã chết trong những ngày qua sẽ được hậu thế ghi nhận là họ đã chết vì khát vọng tự do dân chủ. Các cuộc biểu tình còn tiếp tục ở các tỉnh, miền Ðông và Bắc Thái Lan cho thấy các khát vọng tự do dân chủ có thật. Nước Thái Lan sẽ phải thay đổi. Ðời sống chính trị sẽ phải cởi mở hơn, chế độ dân chủ cần tạo ra những thành quả cụ thể hơn đối với nhiều nông dân, những người đã bị bỏ quên trong những thập niên qua. Nhờ những người bị đổ máu mấy hôm nay, đa số nông dân sẽ được hưởng những quyền lợi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, mà trước đây dân thành thị đã phải tranh đấu cho họ.
Nhưng nói như vậy không phải để đổ hết tội lỗi cho chính phủ Thái Lan hiện nay. Họ chỉ làm những việc không thể tránh được; sử dụng quân đội khi không thể thỏa hiệp với những người biểu tình bạo động. Trong quá trình xây dựng Dân Chủ ở một quốc gia, tại những khúc quanh thường gây ra đổ máu, lịch sử các quốc gia tự do dân chủ phần lớn đều cho thấy như thế. Trên thế giới chỉ có nước Mỹ là sau khi chế độ dân chủ được thiết lập, không có một cuộc đảo chính nào xóa bỏ Hiến Pháp, thay bằng Hiến Pháp mới. Có lẽ vì dân Mỹ trong 200 năm qua được thừa hưởng một lục địa giàu tài nguyên. Các vụ tranh chấp quyền lợi ở Mỹ không gay go, nặng nề, như ở các nước mà dân số đông, phải sống chen chúc hàng ngàn năm, chia nhau những tài nguyên có giới hạn. Tuy vậy, ở nước Mỹ vẫn xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu vì những xung đột quyền lợi kinh tế.
Vậy nguyên nhân nào gây ra những biến cố gần đẫm máu ở Thái Lan trong thời gian qua?
Cựu Thủ Tướng Thaksin Sinawatra chịu trách nhiệm lớn nhất. Có thể tin lời tố cáo của chính phủ Thái rằng chính ông Thaksin đã thúc đẩy những người ủng hộ ông tổ chức biểu tình, chính một lãnh tụ biểu tình cho biết họ được ông ta tài trợ. Ông Thaksin lại ngăn cản không cho các người điều khiển cuộc biểu tình Áo Ðỏ thỏa hiệp sau khi Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva đã đồng ý sẽ giải tán Quốc Hội và bầu cử lại vào Tháng Mười Một năm nay.
Nhưng ông Thaksin không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho nhiều người dân Thái đi xa hàng ngàn cây số về thủ đô biểu tình đòi chính phủ từ chức. Người dân vùng Ðông Bắc có nhiều lý do đích thực khi ủng hộ ông Thaksin. Bởi vì từ nhiều thập niên qua, nông dân đã bị giới lãnh đạo chính trị trong nước bỏ quên. Nhiều người Áo Ðỏ biểu tình cũng công nhận ông Thaksin có tham nhũng, lạm quyền, khi làm thủ tướng. Nhưng chính ông ta, một chính trị gia xuất thân từ miền Bắc Thái Lan, đã là vị thủ tướng đầu tiên đem lại những lợi ích thiết thực cho nông dân. Ông đã mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế cho toàn thể dân chúng, lần đầu tiên các nông dân chỉ phải trả mấy đô la Mỹ cũng được khám bệnh. Ông cũng tổ chức mạng lưới tín dụng nhỏ, cho nông dân được vay vốn ngân hàng, do chính phủ cung cấp. Ðó là những thứ “xa xỉ” mà trước đó chỉ dân thành phố được hưởng.
Có thể nói ông Thaksin đã “đánh thức” nông dân Thái Lan dậy, để họ thấy có quyền được hưởng những thành quả của chế độ dân chủ và sự phát triển kinh tế của nước Thái Lan. Nếu không có ông, chắc nông dân Thái Lan phải chờ nhiều năm để nuôi ý thức về các quyền lợi của họ. Sau khi ông ta bị lật đổ, các chính phủ sau đều tiếp tục các chính sách đó, nhưng người dân nông thôn đã coi Thaksin là người hùng của họ, và họ thấy những lợi ích ông ta mang lại quan trọng hơn là những mánh khoé làm giầu mang lại cho gia đình ông hàng tỷ Mỹ kim trong thời gian ông nắm quyền. Các chính trị gia khác có thể trong sạch hơn, nhưng không làm được như ông Thaksin.
Ông Thaksin là người được hưởng những thành quả của các cuộc tranh đấu đòi dân chủ trước kia, đặc biệt là những cuộc biểu tình năm 1992 và năm 1997, đưa tới các bản Hiến Pháp mới. Chính nhờ xã hội trở thành dân chủ hơn mà ông Thaksin leo lên được ghế thủ tướng. Nhưng các cuộc tranh đấu trước, nhiều lần cũng đổ máu, chỉ mang lại lợi ích cho dân thành phố, nơi người ta có trình độ học vấn cao và được thông tin đầy đủ hơn vùng thôn quê. Một lớp trung lưu thành hình ở thủ đô và các tỉnh, họ tranh đấu thiết lập và bảo vệ các định chế dân chủ nhưng họ không quan tâm đến việc chia sẻ các thành quả của quá trình dân chủ hóa đó cũng như sự tiến bộ về kinh tế với các đồng bào của họ ở các vùng thôn quê xa xôi. Thaksin đã sử dụng các định chế chính trị và kinh tế mà chế độ dân chủ thiết lập để mang lại những ích lợi mới cho nông dân; đó là điều mà các chính phủ Thái Lan trước kia không làm.
Cho nên, không thể nói các cuộc biểu tình Áo Ðỏ gần đây chỉ do một cá nhân ông Thaksin Sinawatra gây ra. Vì vậy, muốn tránh những cuộc biểu tình khác diễn ra tại các thành phố lớn ở Thái Lan, nhất là vùng phía Bắc và phía Ðông, để tránh không rơi vào một cuộc nội chiến, thì chính phủ Thái Lan phải tìm các giải đáp chính trị để yên lòng những người đang bất mãn
Từ trước đến nay, mỗi khi nước Thái Lan có biến loạn thì người ta lại trông vào Vua Bhumibol Adulyadej ra tay can thiệp. Năm 1992, sau khi người biểu tình bị bắn chết, Vua Thái Lan đã lên tiếng chỉ trích cả các lãnh tụ biểu tình và chính phủ quân nhân. Họ đều nhận lỗi, và các tướng lãnh từ chức, một chính phủ dân sự ra đời, tổ chức bầu cử và soạn một bản Hiến Pháp mới. Vua Thái Lan được mọi người kính trọng, cho nên dù theo Hiến Pháp ông đứng ngoài chính trị nhưng vẫn có một địa vị rất quan trọng.
Nhưng năm nay, Ðức Vua Bhumibol đã 82 tuổi và nằm bệnh viện từ nhiều tháng qua. Ðiều khó khăn nhất cho ông năm nay là chính những người thân cận của ông lại ra mặt chống Cựu Thủ Tướng Thaksin từ lâu. Những cuộc biểu tình chống Thaksin trước đây đều mặc Áo Vàng, mầu của hoàng gia, và được mặc nhiên công nhận.
Chính vai trò của vị vua quá mạnh, trong một chế độ quân chủ lập hiến, là một nhược điểm của hệ thống chính trị tại Thái Lan. Người ta không thể đổ lỗi ở nhà vua, ngược lại, chính ông đã sử dụng vai trò đó để giúp nước nhiều lần khi cần giải quyết các xung đột chính trị phe đảng. Nhưng một quốc gia dân chủ không thể để cho một cá nhân (ông vua) hay một định chế (hoàng gia) đóng vai trò quan trọng vượt lên trên các định chế khác như vậy. Ðó không phải là một hiện tượng lành mạnh. Nhất là trong thời gian này, khi hoàng gia còn đang lo vấn đề kế vị nhà vua. Con đường thoát của Thái Lan hiện nay nằm trong tay các nhà chính trị. Nếu họ biết bày tỏ thái độ hòa giải đối với những người chống đối, và tìm được các biện pháp cụ thể, thì nước Thái Lan sẽ thoát nạn.
Thái Lan phải có một bản Hiến Pháp mới, Hiến Pháp thứ 18 kể từ năm 1932 khi thành lập chế độ quân chủ lập hiến. Trong Hiến Pháp đó phải củng cố vai trò của các định chế do pháp luật quy định, và hợp lý hóa vai trò của nhà vua trong đời sống chính trị.
Nhưng dù Hiến Pháp được soạn thảo ra sao, chế độ dân chủ ở Thái Lan sắp bước qua một quãng đường mới. Chế độ dân chủ không thể chỉ quan tâm đến hình thức mà phải thể hiện qua các chương trình cụ thể của người cầm quyền, để mọi người dân được tham dự. Chính sách quốc gia phải tạo bình đẳng về cơ hội cho toàn dân và mang lại những lợi ích tốt nhất cho những người yếu kém nhất trong xã hội.Ðược như vậy, thì những người dân đã chết trong những cuộc biểu tình vừa qua không chết uổng. Người ta không thể chờ sống tự do dân chủ như nằm chờ sung rụng. Muốn hưởng các thành quả chế độ dân chủ mọi người phải tranh đấu.
No comments:
Post a Comment