Trong 12 con giáp thì 11 con là Thực, chỉ có Rồng là Mộng, do con
người tưởng tượng mà ra. Rồng được lấy gốc từ một loài bò sát như rắn
nhưng lại có chân, na ná như thằn lằn, như con kỳ nhông, lại phảng phất
một chú khủng long Dinosauria tiền sử.
Có lẽ lấy một thân hình như vậy làm “cốt” (armature draft)
người ta dễ chế tác, dễ chắp thêm những cấu tạo, những chi tiết, những
chức năng…tuỳ theo trí tưởng tượng của mình để tạc nên một hình tượng biểu trưng cho sức mạnh phi thường.
Con người thuở xưa mơ ước một hình tượng của sức mạnh là điều dễ
hiểu, khi thấy mình quá nhõ bé và yếu ớt trước những sức mạnh của thiên
nhiên và những trói buộc của xã hội. Những sức mạnh của mãnh thú như hổ
báo, như voi ngà, như tê giác, cá voi, như chim ưng…quả là đáng quý
nhưng tất cả những sức mạnh có thật ấy không đủ để chế ngự những tai hoạ
mà con người phải đương đầu, con vật mạnh mặt này thì yếu mặt khác. Con
người hằng ước mơ có một“đấng sinh vật” hoàn thiện như thần
thánh, tổng hợp được mọi sức mạnh của muôn loài gộp lại. Những thần dân
lao động thấp cổ bé họng cần một sức mạnh như thế đã đành, nhưng giới
vua chúa cũng cần một uy vũ tuyệt đối như vậy để bảo chứng, bảo kê cho
cái ghế oai phong tột đỉnh của mình khỏi bị xâm phạm.
Được thúc đẩy bởi khát vọng ấy, con người từ thế hệ nọ sang thế hệ
kia cứ mặc sức đem trí tưởng tượng mà tô vẽ, mà điểm xuyết vào cơ thể
một con vật tưởng tượng, từ đó mà thành Con Rồng với những mẫu mã thiên
biến vạn hóa.
Rồng trở thành một lối thoát tâm linh. Thật vậy, chỉ trong tưởng
tượng con người mới có thể hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào bất
cứ quy luật thực tế nào, con người được bay lên khỏi mặt đất, thấy mình
hoàn toàn sung sướng, thấy mình như có sức mạnh vô biên, như được làm
chủ hết cả thế giới.
Chẳng thế mà Rồng vừa biết trườn như rắn, lại thêm chân, thêm móng,
vừa có cánh bay trên trời, vừa bơi trong nước, vừa chạy băng băng trên
bộ như khủng long…Rồng có thể hút nước, phun mưa, lại khạc ra lửa, làm
chủ trên mọi môi trường, trên mọi địa hình địa vật. Một mình Rồng kiêm
cả Thuỷ Lục Không quân. Rồng vừa mềm mại nhu thuận như đấng quân vương
chở che dân lành, lại vừa trừng mắt, nhe nanh, múa vuốt để sẵn sàng xé
xác bất cứ kẻ nào chống lại.
Về hình thể có lúc như rắn, biến màu như kỳ nhông, như khủng long bay
Pterosaurus, có lúc như chim, như bướm, có khi như cá, có khi như hổ
báo, có khi như ngựa, như người…Chỉ trong tưởng tượng, trong khát vọng,
người ta mới có quyền, và có thể vô lý đến như thế, nghĩ ra một thứ
không thể có thực trên đời.
Rồng là bản ghi chép thật đầy đủ, nó cho biết con người đang thiếu
thốn những gì, đang yếu ở những điểm nào, đang ở trình độ ra sao và đang
ước muốn những gì. Khát vọng đương nhiên là chân chính, nhưng chỉ có sự
PHI LÝ đến tận cùng, mâu thuẫn đến tận cùng, mới thoả mãn được sự “tổng hoà” những
ước vọng vô cùng vô tận ấy. Ví dụ một con vật có cấu trúc chắc nịch và
hùng dũng để làm chúa trên mặt đất làm sao có thể nhẹ nhàng bay trên
trời, làm sao một con vật chuyên hút nước tưới cho mùa màng như Rồng
nhưng ở nơi khác lại phun ra lửa…Rồng cũng có đôi, sóng đôi như âm với
dương, nhưng hài hoà đến mức con người phải ghen tỵ: “Thế gian được vợ hỏng chồng, đâu có như Rồng mà được cả đôi?”. Ra thế, Rồng là tượng trưng của sự hoàn thiện.
Cho nên nhìn bộ sưu tập Rồng con người sẽ nhận ra hình bóng mình
trong đó, rất gần gũi trong tâm tưởng, nhưng lại cao xa như ở chốn Bồng
lai, vừa hữu lý lại vừa vô lý (mời xem thêm ở phần phụ bản).
Mười một con giáp có thật chính là thế giới thật, nhưng thế giới thật
không đủ thỏa mãn cho con người. Con người cần một thế giới giả, một
thế giới tưởng tượng không bị ràng buộc để được tha hồ bơi trong đó, để
bay trong đó, tung tăng chạy nhảy trong đó, để thư giãn, để hồi tỉnh, để
phục hồi năng lượng trước khi trở về thực tế với những con Chuột tiểu
nhân, con Hổ bạo lực, con Khỉ tinh ranh, con Dê tự do, con Trâu hiền
lành, con Lợn ụt ịt…
Trong lịch sử của mình, con người đã nhiều lần muốn hiện thực hóa cái
thế giới siêu hình lý tưởng ấy, tìm cách đem cái thế giới tưởng tượng,
đem “THẾ GIỚI RỒNG” về giữa thế gian. Đã từng có những nhà khoa
học viễn tưởng vĩ đại như Saint – Simon, Fourier, Owen, và cuối cùng là
Karl Marx…đưa ra những đề án đẹp như Rồng nhưng cuối cùng cũng theo
Rồng giã từ hạ giới mà lên tiên, vì những mô hình ấy cũng phi lý như
Rồng vậy.
Người dân Việt có thể kể lại sự tích Lý Công Uẩn nhìn thấy “Rồng lên”
như một huyền thoại đẹp, nhưng xin chớ ba hoa rằng sáng nay ra ngõ gặp
Rồng, rằng Rồng trên toàn thế giới đang liên hiệp lại để cứu rỗi cái
nhân loại chưa biết cách làm người.
Những ảo tưởng muốn đưa loài người bay lên ấy bề ngoài là lạc
quan (lạc quan tếu) kỳ thực là những tiếng kêu thương bế tắc của con
người trước những vấn nạn của thiên nhiên và xã hội, mà trình độ nhận
thức xã hội và khoa học kỹ thuật lúc ấy chưa đủ sức để gỡ ra. Ước mơ chân thành, dù là viễn vọng hay ảo vọng cũng đáng ghi nhận và thấu hiểu, nhưng giữa ước mơ và ‘ma tuý’ phải có một khoảng cách!
Rồng gắn bó với con Người vì đó chính là ước muốn, là tư duy của
Người, nên Rồng chẳng những được thêu lên Long bào, Long cổn, thêu lên
tà áo dài phụ nữ thướt tha, được tạc vào đồ thờ, được xăm lên ngực lên
tay…mà con Người còn muốn chính mình biến thành Rồng, một thứ Rồng có
nhân hình, nhân diện nữa mới thỏa. Có Rồng hình Người, lại có Người hình
Rồng. Diễn viên huyền thoại của sức mạnh và võ nghệ Trung quốc Lý Chấn
Phiên 李振藩 lấy hiệu là Lý Tiểu Long 李小龍(tức con Rồng nhỏ) đủ biết vai trò thần tượng lôi cuốn của Rồng như thế nào. Người với Rồng gắn bó tuy hai mà một vậy.
Rồng là Người, chẳng thế mà con Rồng châu Âu cũng rành mạch như tính
tình của người phương Tây, Rồng ở Tây hiện hình đầy đủ chứ không khuất
trong mây. Khác với Rồng châu Á nghiêng về Thiện, Rồng châu Âu lại là
nghiêng về Ác, vì nó có quyền lực phi thường, có lẽ vì hiểu như thế nên
người châu Âu đã đi đầu trong phương án “phân chia quyền lực” để các quyền lực kiềm chế lẫn nhau và cái Ác không thể lộng hành chăng?
Tại sao cũng con Rồng mà phân ly hai ngả: Rồng Âu phần lớn tượng
trưng cho Ác, Rồng Á thì phần lớn tượng trưng cho Thiện. Đây cũng là một
triết lý, quyền lực dù được tập trung để làm điều Thiện thì chính nó
cũng dễ dàng biến thành sức mạnh để làm điều Ác, đó là nguyên lý “lạm quyền” cố
hữu của quyền lực. Đối với quyền lực như Rồng thì ranh giới giữa Thiện
hay Ác cũng chỉ mong manh như sợi tóc, Thiện đấy mà Ác đấy nên Rồng châu
Á không chỉ có Thiện, Rồng châu Âu không chỉ có Ác.
Tại sao châu Âu coi Rồng là Ác thì chính nơi đây lại
đi đầu trong quá trình Dân chủ hoá, tức là sớm đạt đến cái Thiện (thân
thiện) với con người và với thiên nhiên, trong khi Rồng châu Á khuyến
thiện thì cái Thiện trong Dân chủ ở châu Á lại đến quá muộn? Triết lý
là: Đặt cái Ác lên bàn để mổ xẻ thì tránh được cái Ác, đấy là nguyên lý
của Pháp trị. Trái lại cứ bầy cái Thiện lên bàn để ngợi ca và phủ dụ thì
sớm muộn Thiện cũng bị biến thành cái vỏ rất đẹp để Ác chui vào và
chiếm lĩnh, đấy là nguy cơ của Đức trị trong xã hội tinh khôn ngày nay.
Cái Thiện được kết tinh vào Luật pháp đáng giá hơn mọi điều Thiện trên
môi.
Con Rồng châu Á đã dài lại uốn khúc hình “Sin”, uốn lượn
nhiều khúc nhưng vẫn luân hồi, luân hồi nhưng thường ẩn hiện trong mây,
khó lòng nhìn thấy trọn vẹn khuôn hình của nó. Giấu mình giữa những làn
mây, Rồng châu Á vừa mềm mại, nhu thuận như ôm lấy để chở che ta, vừa
muốn cuốn tất cả thiên hạ vào trong nanh vuốt…
Các cụ nhà ta có câu “Người làm sao, của Chiêm bao làm vậy”. Hiểu theo nghĩa “Chiêm bao” là
sức tưởng tượng, là nằm mơ, là ước vọng trong giấc ngủ nửa vời thì đem
câu ngạn ngữ ấy chiếu vào con Rồng châu Á châu Âu sao mà nghiệm vậy! Dân
ta “vốn không rành mạch bao giờ” (lời thơ Nguyễn Duy) nên con Rồng
Thiện với con Rồng Ác cứ lồng vào nhau như một “cặp đôi hoàn hảo” cứ nhùng nhằng ổn định, khiến cuộc canh tân bị bùng nhùng mãi chỉ vì “cái dân tộc mình nó thế” (Hoàng Ngọc Hiến).
Con đường cứu nước của thiên tài Phan Chu Trinh không vội vã đuổi ngay kẻ thù tàn bạo phương Tây, tất nhiên sẽ phải “đánh cho Pháp cút” nhưng trước khi “cút” hãy tận dụng phần văn minh của nó, để tiếng kèn văn minh châu Âu ấy góp phần đánh thức “giấc chiêm bao” chìm đắm của dân mình, một thứ “chiêm bao” chỉ được đánh thức bởi những giá trị của văn minh, chứ không thể bằng gươm giáo. Cụ Phan phải viết “Tỉnh quốc hồn ca” cũng
nhằm việc đánh thức ấy, vì dẫu cho đã đuổi được một kẻ thù này mà hồn
Dân chưa thật tỉnh (hoặc lại chuyển sang mê một cái gì đó) thì biết đâu
lại chẳng sa vào tay một kẻ thù khác còn nguy hại gấp vạn lần, như bài
học nhỡn tiến đó thôi!.
Năm Rồng, lục lại gia phả nhà Rồng mà quên mất anh Rồng bằng gốc tre
thì e sai sót. Tháng 6 năm 1922, vào dịp vua Khải Định sang Pháp dự Hội
chợ Thuộc địa, nhóm mang tên chung Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác vở kịch Con Rồng tre với nội dung đả kích bọn phong kiến bù nhìn bán nước, tóm tắt như sau: “Có
những cây tre thân hình quằn quẹo, những người chơi đồ cổ lấy về đẽo
gọt thành con Rồng. Nó là một đồ chơi. Là con Rồng nhưng thật ra chỉ là
khúc tre. Là khúc tre nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con Rồng.
Tuy vậy chỉ là một quái vật vô dụng”. Câu chuyện “con quái vật” này đã qua tròn một thế kỷ mà nghe chừng vẫn như viết cho hôm nay.
Kỷ nguyên Internet đang soi rọi vào từng centimet của cuộc sống nhân
loại, những huyền thoại còn được lưu lại chăng cũng chỉ bởi cốt lõi là
cái hồn Ái quốc và Nhân văn trong đó. Chứ dựng huyền thoại như cha con “Ủn-Ỉn” bên nước Triều Tiên Cộng sản thì cũng chỉ là một trò con nít lố lăng. Tích “Rồng lên” giữa
đất Thăng Long còn sức sống là bởi người dân Thăng Long vẫn giữ được
cái hồn Lý Thái Tổ yêu nước thương dân nên soi rọi vào “Lá cờ Trung quốc thừa sao” là thấy hiện ngay ra hình bóng một Lê Chiêu Thống đang chui vào ống tay áo của Đại Hán tham tàn.
Kẻ sĩ Thăng Long đã nhiều phen vạch trần tính mị dân và phản quốc trong “16 chữ vàng” và“láng giềng 4 tốt” đầy tính giả mạo, nhưng vải thưa ấy không che được “mắt thánh” của một Dân tộc đã giành kỷ lục Guiness 1000 năm…Bắc thuộc. Ngôi “tiểu tinh” xuất hiện trên lá cờ Trung quốc thừa sao lập tức bị tóm quả tang còn ví như tóm một tên Việt gian đặc công đang chơi trò ú tim “lộng giả thành chân” đùa giỡn, toan chơi những “sự đã rồi” cho quen dần đi. Dân đã nhìn rất rõ, nhưng Dân chưa đủ sức lôi cổ những trò sàm ngôn – ngụy thuyết ấy ra trị tội mà thôi.
Tết con Rồng đã đến gần. Cũng nghĩ ngày Xuân chỉ nên nói chuyện vui,
chẳng nỡ làm mọi người bận tâm những điều nợ…nước. Vì thế mà đắn đo,
viết xong lại bỏ. Nhưng lại nghĩ, nếu cứ sợ chuyện lo buồn làm “sái” ngày
vui thì làm gì có chiến thắng Đống Đa hiển hách, đánh tan 20 vạn quân
Thanh giữa ngày Tết Kỷ Dậu 1789, cùng lúc sánh vai với cuộc Cách mạng
Pháp 1789 và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” vang dội (26.8.1789), mà Hồ Chí Minh đã tôn vinh nhân ngày Quốc Khánh sau này? Thôi thì “Ngày Xuân bàn chuyện nước non, nhớ ngày Giỗ Trận Tây sơn thì về”.
Lại cũng chính Hồ Chí Minh năm 1948 (khi cuộc đánh Pháp mới bắt đầu và chưa nối liền với Trung Quốc) đã nói “Một người yêu nước thì không sợ gì hết, và nhất thiết không được sợ gì”.
Câu này các biểu tình viên yêu nước nên biết, anh em công an đang phải
ngăn cấm biểu tình lại càng nên biết và nên nhớ. Thử hỏi yêu nước là
cái “quái” gì mà oai thế? Vì người có tấm lòng thiết tha yêu
nước thì có sức mạnh phi thường như thần Ăng Tê dẫm chân lên đất Mẹ. Nơi
ấy cũng có những con RỒNG huyền thoại sẵn sàng nâng cánh ta lên.
Đà Lạt ngày 1/1/2012
Hà Sĩ Phu
No comments:
Post a Comment