Pages

Monday, January 9, 2012

Mã độc đe doạ các cơ quan Nhà nước

Sau khi quên được thân phận tha hương của mình, có lẽ nỗi đau trớ trêu và lớn nhất của người Việt hải ngoại như tôi là vẫn dõi mắt nhìn về quê nhà và nhiều lúc cảm thấy nhục nhã và phẫn uất vì những chuyện khuất tất và nghịch lý vẫn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam, thí dụ như chuyện phần mềm hiểm độc đang đe dọa các cơ quan nhà nước sau đây. Tuy bài viết không nói ra nhưng tôi đoan chắc các hệ thống tin học, vi tính và phần mềm đều đến từ Trung Quốc (1), một người bạn và láng giềng 4 tốt và 16 chữ vàng được nhiều lãnh tụ đỉnh cao trí tuệ Việt Nam khắc ghi vào tâm não – nếu không, thì cũng khắc ghi trên hầu bao, nhắc họ không quên trọng lượng của đồng kim tiền đến từ đâu!
Trong khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, thì lãnh đạo – không khác gì dân đen không-được-họ-chăm-lo – vẫn đổ xô tìm mua hàng rẻ và kém phẩm chất từ Trung Quốc và bỏ túi riêng ngân khoản còn lại. Do đó Việt Nam mới bị gán cho các con vi-rút độc địa của Trung Quốc, và các ông lớn bị tiêm nhiễm một loại vi khuẩn khó chữa hơn mà dân gian gọi là bị Tàu phù. Trong khi hệ thống vi tính và tin học nhà nước bị cấy bởi các con vi-rút Trung Hoa ác hiểm thì các ông lớn và an ninh quốc phòng Việt Nam bị gài những phần tử thân Trung Quốc mà người dân gọi nôm na là tay sai gián điệp, vốn dĩ độc hại không kém những con ngựa thành Troie/Troy (Trojan horse).



Dân làm báo cũng như những người có tiếng nói trung trực, yêu nước lâu nay cũng chẳng lạ gì các vụ tấn công của tin tặc có lẽ xuất xứ từ phía nhà nước Việt Nam bằng virus và những cài đặt phần mềm khác. Cho nên trong vụ thiệt hại và thất thoát tin học quốc phòng này, mà thủ phạm có lẽ không ai khác hơn bác láng giềng khổng lồ Trung Quốc, thì có người mà trước giờ e-mail hay các trang điện tử và server của họ đã bị thiệt hại vì bị công an mạng tấn công cũng nên đặt câu hỏi với nhà nước: so sánh số tiền và khoản thời gian khổng lồ mà Bộ Nội vụ đã bỏ ra cũng như chi trả cho các vụ đánh phá công dân mạng Việt Nam và hải ngoại xem có bằng số tiền mà họ dùng để chống trả các lực lượng thù địch không (tôi cũng không hiểu ngoài Trung Quốc ra, các lực lượng thù địch khác là ai, có phải là Hoa Kỳ hay công dân nhập tịch to mồm của họ không?). Vì nếu thật sự CIA hay tình báo Mỹ có dự phần trong chuyện cài đặt vi-rút (một xác suất quá nhỏ!) thì cá nhân tôi cũng mừng, bởi vì tôi quan niệm rằng không có kẻ thù của Việt Nam nào thâm hiểm hơn kẻ thù truyền kiếp ngàn đời Trung Quốc, lúc nào cũng âm mưu thôn tính hay đồng hóa dân Việt! Và nếu Hoa Kỳ có biết được những âm mưu lấn át của Bắc triều với Việt Nam thì âu đó là một điều đáng mừng giúp cho họ có cách đối phó với âm mưu bành trướng và mua chuộc này từ phía trong hàng ngũ Việt Nam.
Xin nói thêm: Công ty tin học Hua Wei của Trung Quốc – dưới quyền điều khiển của ông tổng giám đốc Nhậm Chính Phi (任正非 Ren Zhengfei), một cựu sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Trung Quốc – trong vòng từ 2000 đến nay đã nhảy vọt lên đứng thứ nhì trên thế giới (chỉ sau công ty Eriscsson của Thụy Điển), có hơn 110.000 nhân viên, thu nhập năm 2010 của công ty Hua Wei lên đến 28 tỉ Mỹ kim. Đã buôn bán khắp toàn quốc Trung Hoa kể cả Hồng Kông, Anh Quốc, Nhật và Liên hiệp Âu châu. Hua-Wei đã đưa nền tin học và hệ thống điện thoại viễn liên của Phi châu từ một kỹ nghệ phôi thai lên đẳng cấp quốc tế, và có thể sẽ qua mặt Ericsson để giữ vị trí thượng phong trong những năm tới, ngang hàng với những đại công ty vi tính và tin học truyền thông viễn liên thế giới như Cisco, IBM, và HP. Ở Việt Nam điện thoại di động của Hue Wei đang được giới tiêu thụ ưa chuộng, vì giá rẻ và nhiều công dụng. Nhiều chiếc điện thoại di động có đến sim và IP khác nhau (một số để liên lạc với công sở, một số với người nhà, một số cho người yêu hay vợ bé – một người bạn ở Việt Nam khoe với tôi như vậy). Cũng như các công ty công nghệ hay điện tử khác của Trung Quốc, lý do cho sự lớn mạnh của Hua Wei tùy thuộc vào sự điều khoản chuyển nhượng thông tin công nghệ của các công ty Tây phương và Hoa Kỳ khi họ đầu tư vào Trung Hoa, phần nữa do Trung Quốc không tôn trọng bản/tác quyền sáng chế (intellectual property) của các nước khác.
Cũng vì lý do này và chủ trương cài đặt virus trong linh kiện và phần mềm của Hua Wei mà hiện nay chính phủ Hoa Kỳ đã bác bỏ giao kèo hàng tỉ Mỹ kim của Hua Wei khi họ ký hợp đồng hợp tác với công ty SprintNextel của Mỹ vào tháng 11 vừa qua, cũng như khi Hua-Wei trả 2 triệu mua bản quyền của 3Leaf, một công ty trong vùng Silicon (thung lũng Hoa Vàng) thuộc San José, Santa Clara ở bang California.
Còn ở Việt Nam thì càng nguy hại hơn vì các router (dùng cho Internet) và switch (dùng cho các hãng điện thoại) thường mua của Huawei do giá rẻ và do tiền bôi trơn.
Có nhiều nguồn tin cho thấy Huawei cài spyware vào router và switch của họ để nghe lén khách hàng … Xin xem ở đây, và ở đây.
Nguyễn Khoa Thái Anh

No comments:

Post a Comment