Pages

Monday, January 9, 2012

Tản mạn về một nhà báo Việt Nam kỳ cựu


Dường như lời cảnh báo xót xa của cựu ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, Bộ trưởng Ngoại giao nước CHXHCNVN Nguyễn Cơ Thạch: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!” cứ còn hắt mãi lên tiếng thở dài ẩn ức trong lòng nhà báo Bùi Tín. Nhiều năm trước, đã hơn một lần tôi được đọc những dòng viết của Bùi Tín về sự kiện này. Gần đây thấy lại càng như gióng lên liên hồi cái điệp khúc trăn trở, hãi hùng đó:

- Trong bài “Thời kỳ Bắc thuộc mới”: “Cái mốc chuyển từ kẻ thù truyền thống (như được ghi trong Hiến pháp Việt Nam) thành bạn thân thiết là cuộc gặp gỡ bí mật cấp cao Trung – Việt ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào 2 ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, theo sáng kiến của đại mưu sĩ Đặng Tiểu Bình. Đại diện cho phía Việt Nam tại cuộc gặp là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng, còn phía Trung Quốc là Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng.
Có rất ít thông tin chính xác về nội dung thật sự của cuộc gặp này được tiết lộ, nhưng ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Bắc Kinh đến phó hội đối với tương lai của đất nước ta đã không che mắt được ai. Đến nỗi ngoại trưởng Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị gạt ra ngoài rìa của cuộc họp lịch sử này, đã phải than thở: «Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!»”. 
- Trong bài “Bản chất chính quyền Đại Hán”: “Tình trạng bi đát này của nhóm lãnh đạo Việt Nam đã kéo dài từ 21 năm nay, khi cả hai chính quyền độc đảng Bắc Kinh và Hà Nội đều run sợ trước sự sụp đổ của bức tường Berlin và nhất là trước sự tan tành của Liên bang Xô viết và phe Xã hội chủ nghĩa, liền bắt tay nhau dù là mới trải qua cuộc «chiến tranh giữa 2 đồng chí thù địch» đầu năm 1979, để hòng cùng nhau trụ lại trước định mệnh đã an bài. Đó là bước ngoặt trong cuộc hội ngộ Việt – Trung ở Thành Đô – Tứ Xuyên cuối năm 1990, mà ông Nguyễn Cơ Thạch phải la hoảng lên là «một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu» để lập tức bị mất chức ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng, bị gạt khỏi chức ủy viên Bộ Chính trị. Thực chất Thành Đô là cái bẫy cực kỳ thâm hiểm mang bản chất Đại Hán mà một loạt kẻ lãnh đạo mù quáng, mất gốc dân tộc Việt đã dại dột chui vào.
Từ đó đẻ ra bao chuyện nhẹ dạ, hớ hênh, tội lỗi với dân với nước. Hai hiệp định bất bình đẳng, mất đất, mất đảo, mất biển, mất tài nguyên, tạo điều kiện cho lao động Trung Quốc tràn vào khắp mọi vùng, độc chiếm các món thầu béo bở nhất, từ mỏ bauxite đến hàng loạt nhà máy điện, giành vị trí lao động phổ thông của người Việt mặc cho luật pháp ngăn cấm. Lực lượng lao động này lập làng Trung Quốc ở Tây Nguyên, làm đường chiến lược, khai thác hàng chục vạn hécta rừng dọc biên giới và đầu nguồn. Đồng thời hàng giá rẻ kém chất lượng, chứa chất độc tràn ngập đất nước ta, đồng Nhân dân tệ bắt đầu khuynh đảo thị trường tài chính ngầm. Tai họa cực kỳ nguy cấp hiển hiện, rình rập khắp nơi”.
- Trong bài “Tình bạn Mỹ-Việt giữa hiểm họa bành trướng”: “Cuộc đối thoại thứ 5 sẽ diễn ra ở Hà Nội năm 2012. Trong cuộc đối thoại này đại diện phía Việt Nam là Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (con của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; ông Thạch từng nhận xét sau cuộc họp Việt – Trung ở Thành Đô cuối năm 1991 rằng «một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu»)”.
Bùi Tín như cuống quýt lên vì sợ hãi. Bởi vì, theo ông bọn thù địch ngoại bang này còn ghê sợ hơn ngàn lần tất cả những kẻ trước đây ta đã phải đương đầu:
“Nhóm lãnh đạo Bắc Kinh là những người chưa hề chùn tay trước một thủ đoạn thâm độc nào. Ai có thể độc ác hơn những kẻ dám đem đương kim Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ ra đấu tố hạ nhục trên đường phố? Ai có thể tàn bạo hơn những kẻ mang đương kim Nguyên soái Bành Đức Hoài ra hỏi tội, bắt đội mũ lừa, bắt liếm bát mỳ sợi trong chảo, hành hạ cho đến khi chết không có một người thân vuốt mắt? Ai có thể bất nhân, phản dân tộc hơn những kẻ vui mừng khi đặt 200 tên lửa, rồi nay là 600 tên lửa đạn đạo chĩa thẳng vào đồng bào ruột thịt của mình ở Đài Loan, dọa dẫm không chút hổ thẹn là sẵn sàng dìm trong biển máu cả 23 triệu dân mà họ từng leo lẻo là anh chị em chí thiết, còn là một nguồn đầu tư lớn cho lục địa” (1).
“Bản chất lớn nhất của chính quyền Đại Hán là độc đoán bên trong và bành trướng xâm lược bên ngoài. Trong xâm lược bên ngoài, chúng lăm le nuốt chửng mọi nước láng giềng, tự nhận mình là trung tâm của thế giới, không giấu giếm ý đồ lâu dài là làm bá chủ thế giới bằng mọi cách. Chúng thôn tính một phần lớn Mông Cổ, toàn bộ Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu, tiêu diệt quyền tự do, nền độc lập của các nước này, khẳng định láo xược cái tội cướp nước khác bằng lá cờ ô nhục một sao đỏ lớn nằm trên 4 ngôi sao nhỏ.
Sau khi thực hiện chiến tranh với Liên Xô mà chúng từng coi là người anh Cả trong phe Xã hội chủ nghĩa, với Ấn Độ là nước dân chủ lớn nhất ở châu Á, nhưng bị giáng trả và ngăn chặn, hiện nay Bắc Kinh mưu đồ bành trướng xuống phương Nam, ráo riết nô dịch hóa theo hình thức thuộc địa kiểu mới các nước Miến Điện, Việt Nam, Lào, Campuchia bằng những thủ đoạn từ lộ liễu đến tinh vi, từ hợp tác kinh tế, viện trợ kinh tế – tài chính – giáo dục – văn hóa, đẩy mạnh thương mại một chiều, làm đường xá, khai thác khoáng sản, năng lượng, cấy dân cư, đề xướng cư dân lân bang đi lại không hộ chiếu, cho đến thủ đoạn then chốt là mua chuộc nhóm lãnh đạo chính trị của các nước ấy bằng mọi cách thâm hiểm, hủ hóa bằng tiền, gái, rồi đe dọa khống chế bằng tình báo, tập trung vào nhóm lãnh đạo cao nhất, làm cho những người này tê liệt, mất khả năng phản ứng, há miệng mắc quai, vì đã trượt quá sâu vào trong quỹ đạo quy phục làm bộ hạ tay sai của chúng (2).
…cuốn sách mới Death by China (Cái chết từ Trung Quốc) của 2 học giả Peter Navarro và Greg Autry được giới thiệu rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Cuốn sách phơi bày mặt trái của hiện tượng «Phép lạ Trung Hoa» (Chinese miracle), chỉ rõ Trung Quốc là tai họa cho toàn nhân loại, là tên đế quốc mới thực sự, là tai ương cho chính dân tộc đại Hán, đang nô lệ hóa nhân dân Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương, đang bóc lột tận xương tủy dân nước mình, đang xuất khẩu hàng xấu, hàng giả, hàng nhái, hàng chứa độc chất ra khắp thế giới, đang bành trướng sang châu Phi, Nam Mỹ, đang nô dịch hóa Đông Nam Á…”(3)
Trong ký ức Bùi Tín, cái bản chất Đại Hán không ngừng chảy rất ghê sợ trong huyết quản những tên thái thú Trung Quốc. Ông kể:
“Hồi 1951 khi tôi phụ trách trường đạo tạo sỹ quan sơ cấp của Sư đoàn 304 đóng ở Thanh Hóa, một cố vấn Trung Quốc cấp Dinh (tiểu đoàn) được phái đến trường, gọi là đồng chí Triệu. Lúc nào anh ta cũng nói nhũn như con chi chi: «Mao chủ tịch phái chúng tôi đến giúp, nhưng chính là để học tập các đồng chí. Chúng tôi không am hiểu kẻ thù, không am hiểu chiến trường, ý kiến còn thô thiển, chủ quan, mong các đồng chí tuỳ nghi lựa chọn và lượng thứ cho». Nhưng bất kỳ ý kiến lớn nhỏ nào của anh ta mà chưa kịp thi hành anh ta tâu ngay lên thượng cấp để xử lý rất găng. Sinh hoạt cũng vậy. Anh ta ăn riêng có thịt, có cá, có rượu bổ, lại có ngựa cưỡi, có 3 người phục vụ: 1 cần vụ, 1 giám mã, 1 bảo vệ, đi thao trường về là nằm ngửa có cần vụ bưng nước ấm đến để ngâm chân và xoa bóp, nhưng lại luôn hát: chúng ta là con em nhân dân trăm họ, luôn sống giản dị trong lòng dân, hết lòng phục vụ nhân dân, luôn nhường cơm xẻ áo cho dân …” (2)
Song le, ông luôn tự hào về truyền thống chống Bắc thuộc của dân tộc mình: “Nhân dân Việt Nam luôn kiên cường chống lại mọi hiểm họa ngoại xâm đến từ phương Bắc. Lịch sử tồn tại và phát triển của Việt Nam từ xa xưa đến ngày nay đã chứng minh sự thật ấy” (3)
Và vui mừng nhận thấy sức hậu thuẫn vô cùng lớn của quốc tế: “Cả thế giới tiến bộ, từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ, Úc, Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada…đều đứng về phía nhân dân ta chống hành động ngạo mạn phi pháp của phía Trung Quốc…..Thái độ rõ ràng, kịp thời của Hoa Kỳ, cường quốc số một của thế giới, trong cuộc khủng hoảng biển Đông là rất quan trọng. Từ năm ngoái ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng «Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia về thông thương trong vùng biển Đông và Thái Bình Dương», làm cho đại diện Trung Quốc Dương Khiết Trì giận dữ bỏ phòng họp ” (3).
Ông khẳng định: “Việt Nam đã chuyển từ thân Trung Quốc sang thân Âu – Mỹ ư? Thế thì càng tốt hơn nữa. Theo nghĩa thân Trung Quốc là thân Trung Quốc bành trướng kiểu Đại Hán, và thân Âu – Mỹ là thân những giá trị tự do, dân chủ đa nguyên đa đảng trên cơ sở bầu cử thật sự tự do và định kỳ (4) .
Ông nhìn nhận, như những nhà thông thái nhìn nhận: Trung Quốc chỉ là con hổ giấy, là quả bong bóng mỏng bơm căng: “Một số chuyên gia kinh tế, như Robert Fogel, giáo sư đại học Harvard Hoa Kỳ được tặng giải Nobel về kinh tế; nhà bình luận Salvatore Babones cho rằng …Trung Quốc hiện là nước mới giàu lên, nhưng còn rất nghèo, tổng sản lượng lớn là do dân quá đông, hơn 1,3 tỷ dân, nhưng hiện thu nhập tính theo đầu người lại đứng thứ 93 của thế giới – hơn 4.000 đôla/năm – chỉ bằng 1/10 của Hoa Kỳ. Chất lượng phát triển rất thấp. Các nhà kinh tế – xã hội cho rằng từ nghèo lên đến mức trung bình có thể là một bệ phóng, lại có thể là một cạm bẫy. … Điều nguy hiểm ở Trung Quốc hiện nay là chênh lệch giàu nghèo không những không thu hẹp, lại mở rộng ra ở mức quá đáng. Mới cách đây 30 năm, Trung Quốc chỉ có vài tỷ phú đôla, nay đã lên đến gấn 200 tỷ phú, tỷ phú giàu nhất sắp được vào Ban Chấp hành Trung ương đảng CS. Trong khi ở sâu trong nội địa, có vùng thu nhập bình quân chỉ đạt 1/10 mức trung bình. Hiện nay 1% dân số – chừng 12 triệu người thuộc phe nhóm, gia đình, con ông cháu cha thế lực cầm quyền – nắm trong tay hơn 40 % tài sản quốc gia. Bất mãn xã hội tăng rõ rệt. Mất ổn định chính trị do lòng dân không yên thêm trầm trọng. Bùng nổ xã hội là tất yếu. Hiện nay một năm đã có hơn 300.000 cuộc đấu tranh, đình công, bãi công, phá hoại công sở, nhà máy, gấp 6 lần 10 năm trước.Các học giả gọi tình trạng đó là «bị sập bẫy của phát triển», «chui vào cạm bẫy của mức công nghiệp trung bình», lãnh đạo thất bại trong việc «làm chủ chất lượng phát triển», làm thui chột công cuộc phát triển vì không thay đổi cơ chế, không chuyển đổi hệ thống cai trị.….Trung tướng Lưu Á Châu, chính ủy Học viện Quốc phòng, công khai cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sụp đổ như Liên Xô trước đây nếu không sớm từ bỏ chế độ hiện nay” (5).
- 2 -
Là con quan thượng thư dưới triều đình phong kiến nhưng Bùi Tín được kết nạp Đảng rất sớm. Ông sinh ngày 29-12-1927 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, tháng 9 năm 1945 đi bộ đội và tháng 3 năm 1946 ( 19 tuổi) đã được kết nạp vào Đảng.
Ông được Đảng trọng dụng, được phong hàm đại tá khá sớm, được bổ nhiệm Phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân từ năm 1972, được bổ nhiệm Phó tổng biên tập báo Nhân Dân kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ nhật từ năm 1988. Năm 1982 ông được thưởng Huân chương Julius Fuçik của Tổ chức các nhà báo quốc tế (OIJ). Nhân Dân và Quân đội Nhân dân là hai tờ báo lớn nhất và tín cẩn nhất của Đảng.
Việc Bùi Tín được kết nạp Đảng sớm và thăng quan tiến chức nhanh có thể được giải thích bởi hai lý do:
- Tuy là quan thượng thư nhưng lý lịch gốc của cụ Bùi Bằng Đoàn rất cơ bản và trong sạch. Nhà nghèo, thường phải quét lá đa để đốt lên thay đèn đọc sách nhưng 17 tuổi đã đỗ cử nhân Hán học rồi phải khai tăng thêm 3 tuổi để được vào trường Hậu bổ học tiếng Pháp. Được chọn vào triều đình Huế làm Thượng Thư (bộ trưởng) bộ Tư Pháp khi mới 44 tuổi. Suốt mười hai năm ở kinh đô, trông nom việc xử kiện của tất cả các tỉnh Trung kỳ, cụ vẫn giữ một đức tính liêm khiết đến mức tuyệt đối. Hồi đến nhậm chức tri phủ Xuân Trường (1927), cụ cho treo cái bảng ở cổng phủ ghi rõ: “Ai có việc hay đưa đơn, không được mang theo một lễ vật gì qua cổng này”. Sau cách mạng Tháng Tám, chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ ra làm việc. Hai lần đầu cụ từ chối. Cụ làm chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội từ cuối năm 1946 cho đến ngày mất, năm 1955. Người kế nhiệm Bùi Bằng Đoàn là Tôn Đức Thắng, sau đó, đến Trường Chinh.
Hồi ở Việt Bắc, Bùi Bằng Đoàn và Hồ Chí Minh như hai bạn thơ tâm giao. Bài “Tặng Bùi Công” có thể xem là một trong những bài thơ hay nhất của Hồ Chí Minh:
Khán thư sơn điểu thê song hãn 
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì 

Tiệp báo tần lai lao dịch mã 

Tư công tức cảnh tặng tân thi… 
dịch là: 
Xem sách chim rừng ngoài cửa đậu 

Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi 

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa 

Nhớ bạn thơ xuân tặng một bài 
Bài họa của Bùi Bằng Đoàn: 
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc 
Giang sơn vạn lý thủ thành trì 

Tư công quốc sự vô dư hạ 

Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi 
dịch là: 
Một lòng sắt đá phò nòi giống 

Vạn dặm giang sơn giữ thành trì 

Chăm lo việc nước không hề rảnh 

Vung bút thành thơ đuổi giặc thù 

- Bên cạnh nợ nước, Bùi Tín còn có mối thù nhà. Ông kể:
“Tôi đã từng căm thù sôi sục. Mẹ tôi, người mà tôi yêu quý nhất trên đời, nhân ái với hàng xóm và thương yêu những người chiến sĩ như con mình đã từng là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Có lần trong kháng chiến chống Pháp, tôi tạt về thăm mẹ sau hai năm đằng đẳng vắng nhà. Mẹ tôi ra đồng hái những nắm lá khúc về gĩa, làm bánh, hấp cho tôi ăn. Vài ngày sau đó, vào Tết Trung Thu năm 1948, trong trận càn của lính Pháp qua làng, một tên chỉ điểm đã dẫn lính lê dương xộc vào nhà tôi, bắn vào ngực mẹ tôi một tràng tiểu liên. Bà chết ngay trên sân nhà bếp. Từ đó tôi nuôi một ý chí căm thù khôn nguôi. Ra trận, trên chiến trường Trung Bộ, chiến trường Bắc Bộ hay Tây Nguyên, sau đầu ruồi của khẩu súng là tên địch đã giết mẹ tôi. Tôi có những người cháu ruột, con của các chị tôi tử trận ở chiến trường Huế, Quảng Ngãi và Tây Ninh. Và cháu Ngọc mới bốn tuổi, cháu ruột của vợ tôi bị bom Mỹ làm cho tan xác, chết chung cùng với các bạn của cháu ở làng Hưng Dũng (Nghệ An). Khi Mỹ thua trắng tay, tôi vui mừng vì những mối thù của riêng mình đã được trả sòng phẳng” (6)
“Tôi thường nhớ đến những bạn bè thân thiết đã ngã xuống trong bom đạn ở Triệu Phong, Quảng Trị, ở Điện Biên Phủ, trên đường số 9, ở Tây Nguyên và ở miền Đông Nam Bộ…những nơi tôi từng đi qua. Tôi đã được sống sót, may mắn hơn những anh em khác biết bao. Tôi sửng sờ khi nghe tin người lái xe từng cấp cứu tôi đã chết trong một tai nạn xe cộ bất thần hồi tháng 12 năm 1990, để lại 6 người con (4 cháu còn nhỏ), vợ anh lại ở nông thôn cày ruộng, cuộc sống cực kỳ gieo neo. Anh cũng đã từng ở quân đội, chuyển sang báo Nhân dân như tôi và tình đồng đội, tình cựu chiến binh gắn bó hai chúng tôi” (6) .
Ông nâng niu trân quý cái chất lý tưởng xuất phát từ lòng yêu nước trong sáng:
Lý tưởng xâm nhập tôi tự nhiên, sâu sắc ở tuổi 18. Tôi sống từ đó lạc quan, hừng hực cả thời tuổi trẻ. Vào bộ đội, nhẹ tênh, phơi phới, chỉ một bộ quần áo cũ, một chiếc áo len nâu cụt tay, thủng một lỗ ổ bên ngực. Đại đội trưởng ở dịch hậu (hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, Quảng Trị), khi chưa tới 19 tuổi, lo chuyện súng đạn, gạo, muối, lo chuyện trinh sát đồn địch, dẫn anh em đi phục kích, chan hòa với đồng bào sống dọc những bãi cát, sung sướng với củ khoai luộc ăn cùng cà muối của các bọ, các mạ (các bố, các mẹ), cũng có hồi cả đại đội bị sốt rét, bị bệnh ghẻ lở sâu quảng-những vết lở tròn sâu hoắm-mà vẫn vui hát náo nức trong các buổi lửa trại quân dân” (6)
- 3 -
Tháng 9 năm 1990 Bùi Tín sang Pháp dự Hội hàng năm của báo Nhân đạo (l’ Humanité) rồi quyết định ở lại Pháp để có thể công khai đấu tranh cho tự do dân chủ ở quê nhà. Bắt đầu lên tiếng trên BBC với ‘’Kiến nghị của một công dân Việt nam‘’ mỗi ngày ông một quyết liệt hơn qua những bài báo đăng trên Time, Far Eastern Economic Review, Washington Post, Le Monde, Talawas, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Đối thoại, Tổ Quốc …, qua những phát biểu trên BBC, RFI, RFA, VOA. Với tư liệu đầy ắp, với sức viết tràn trề ông còn cho xuất bản hơn chục đầu sách : Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật, Về 3 ông Thánh, Mây Mù Thế Kỷ, Cung Vua và phủ Chúa,’Tâm Tình với Tuổi Trẻ Việt Nam, Following Ho Chi Minh, From Enemy to Friend và La face cachée du régime ….
Cuống cuồng run sợ, người ta kết án ông là chống Đảng, phản bội Tổ quốc, bất mãn, làm tay sai cho các thế lực Diễn biến Hòa bình; hệ thống Tuyên giáo của ĐCSVN mở nhiều chiến dịch bôi bẩn, xuyên tạc, vu cáo ông….
Không, nhà báo Bùi Tín không bất mãn cá nhân, bởi vì, như trên đã thấy, ông từng được Đảng trọng dụng, được thăng quan tiến chức khá nhanh.
Tất cả chỉ là do ông vốn là người tôn thờ cái cốt cách di truyền trong tầng sâu tâm khảm ông: « Tôi không thể nào quên, cha tôi luôn nằm thẳng. Ngủ ban đêm hay ngủ trưa, đều một mực như thế. Hai tay chắp vào nhau đặt trên bụng. Suốt cả một đời người, ông luôn ngủ với một tư thế không thay đổi. Đi từ nhà trên xuống nhà dưới, đi bách bộ ở hành lang, hay ở trong sân nhà, cha tôi bao giờ cũng đi đến góc, rồi rẽ phải hay rẽ trái, không bao giờ đi tắt. Tất cả đều thành nếp sống và nếp nghĩ. Cũng có thể có người cho là lẩm cẩm. Nhưng cái ngay thẳng của người “quân tử” là như thế, phải như thế. Không thể nhượng bộ cho chính mìmh ” ( ), cho nên ông đằng đẵng bị cái “nỗi bất màn thánh thiện” dày vò. Ông từng tâm sự:
“Đã 15 năm nay, từ những ngày Hòa Bình, nhiều nỗi đau giằng xé lòng tôi. Những nỗi đau không vật chất, không thể xác. Những nỗi đau ngấm sâu trong tâm linh. Không phải nỗi đau của sinh, lão, bệnh, tử. Dù cho lưỡi hái của Tử thần đã kề cổ tôi vào đêm 2-6-1989 ấy trong một cơn nhồi máu cơ tim cực hiểm.
Đó là nỗi đau của tinh thần, của trí tuệ…
Đã bao lần tôi thầm thốt lên: Ôi! Số phận của con người!
Cuộc chiến tranh đã hao phí hàng triệu sinh linh, đều là con em đất Việt, đồng bào ruột thịt cả. Để làm gì? Để đến nỗi này chăng? Nói là giải phóng đất nước, giải phóng đồng bào, mà sao hàng trăm nghìn người lại phải vào ngồi tù trong các trại tập trung cải tạo, kéo dài hàng trăm, hàng ngàn ngày, với biết bao tủi cực và khổ đau…Nhân danh lẽ phải? Nhân danh lẽ công bằng? Nhân danh cách mạng? Tôi chẳng sao lý giải nỗi nữa!
Và cách mạng, hy sinh, chiến đấu để làm gì? Để sau toàn thắng, cuộc sống của nhân dân ta còn lầm than, bi đát hơn cả thời chiến tranh, để Nguyễn Du sống lại sẽ còn phải khóc cho thân phận hàng chục vạn nàng Kiều hiện đại, đang nhan nhản trên các hè phố Hà Nội, Sài Gòn khi nắng chiều vừa tắt” (6).
Nếu giành thắng lợi trong chiến tranh để xây dựng một chế độ tiến bộ hơn, mang lại cho nhân dân cả hai miền đã thống nhất trong một nước độc lập thật sự, tự do, ấm no và hạnh phúc thì có thể chấp nhận. Thế nhưng tôi nhận ra rằng nền độc lập vẫn không trọn vẹn. Đất nước đã có độc lập theo nghĩa không còn bị nước ngoài xâm chiếm làm thuộc địa, nhưng đất nước vẫn chưa có độc lập, tự chủ vì còn bị một học thuyết ngoại lai cầm tù. Đây là một nét văn hóa gốc gác bị vi phạm. Bóng ma của chủ nghĩa Mác, nhất là của chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Staline, chủ nghĩa Mao… còn đậm nét trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo. Họ còn bị lệ thuộc. Quyền độc lập tự chủ của nước Việt nam nghìn năm văn hiến đã bị những người lãnh đạo cộng sản dâng cho một học thuyết lạ hoắc từ phương trời xa xăm ập đến! Hơn nữa chế độ xây dựng trong cả nước từ hơn 20 năm nay còn thua kém chế độ ở miền Nam trước khi gọi là “giải phóng!” Vậy thì giải phóng để làm gì? ở miền Nam hồi đó, dù chưa thật đầy đủ, đã có nền chính trị dân chủ, đa nguyên, đã có nền tư pháp tương đối độc lập, nói chung có tự do tín ngưỡng và tôn giáo, có tự do báo chí, ngôn luận. Tất cả đều còn khiếm khuyết nhưng đã khác xa, tiến bộ hơn cái chế độ độc quyền một đảng lộng hành, người dân không có quyền dân chủ, tự do báo chí là con số không, tù chính trị còn rên xiết” (7).
Ông kinh hoàng nhìn thấy những tà thuyết của Mác-Lênin-Mao Trạch Đông- Xtalin không chỉ tàn phá đất nước ông, kìm hãm dân tộc ông mà còn hủy diệt cả đất nước láng giềng:
“Tôi đã vào Campuchia ngày 7-1-1979 cùng một mũi tiến quân lớn của bộ đội Việt Nam, sáng sớm đến sân bay Pochentong, trưa vào Hoàng Cung và sau đó vào sứ quán Tàu, ngôi nhà lớn nhất của Pnompenh. Hàng vạn người gầy ốm, ghẻ lở, ngơ ngác như ở địa ngục trở về, lang thang suốt hơn 3 tháng trời trên các nẻo đường cát bụi, không giầy guốc, giữa nắng gắt và mưa rào. Những hố chôn người tập thể rộng lớn, những cánh đồng đầy đầu lâu, xương sọ vỡ của những người bị đánh chết, ám ảnh tôi hàng chục ngày đêm ròng rã…Tất cả những điều rùng rợn ấy là từ một chủ trương “xây dựng một xã hộ cộng sản trong sạch nhất, công bằng nhất, tinh khiết nhất…”Tôi sững sờ tìm đọc và nhờ mấy anh bạn Campuchia dịch những tập nguyệt san lý luận “Cờ đỏ” xuất bản trong những năm 1977 và 1978 để hiểu rõ những cơ sở lý luận của những hành động tột cùng man rợ ấy, suy nghĩ về khả năng tha hóa đến mức nào của những tư duy bệnh hoạn.Sau đó, tôi sống trên các chốt tiền tiêu dọc biên giới Campuchia, Thái Lan với người lính ” tình nguyện ” Việt Nam, 2 chữ tình nguyện này ngày càng trở nên khó nghe và mĩa mai đối với tôi, chúng tôi chắt từng giọt nước đọng trên lá chuối và lá cây báng súng vào chiếc đĩa nhôm để uống, lau mặt và nấu cơm…Trên những chuyến bay định kỳ An-to-nốp 24 của Liên xô, tôi từng trở về thành phố Hồ Chí Minh cùng anh em thương binh ta, phần lớn bị cụt một hoặc hai chân do vấp mìn cá nhân của Trung Quốc chế tạo, ở bên trong biên giới” (6).
Cho nên, năm 1982 ông đã gặp đại sứ Ngô Điền và thiếu tướng Lê Hai phụ trách công tác chính trị quân Tình nguyện Việt Nam nêu nhận định và phát biểu ý kiến khẩn thiết: “Tình hình hiện nay là bộ đội ta bị sa lầy, chỉ có cách là rút sớm toàn bộ các đơn vị ta về nước, giao lại cho bạn, và chuyển sớm cho Liên Hợp Quốc cùng Cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề Campuchia, nếu không tình hình sẽ còn gay go cho đất nước ta hơn nhiều”
Năm 1986, sau khi ông Lê Duẩn mất, ông Trường Chinh được cử làm quyền Tổng Bí Thư, Bùi Tín đã viết một bản kiến nghị dài 5 trang đánh máy, đề nghị giảm số quân từ trên 1,6 triệu xuống 60 vạn trong 3 năm cho ngang với mức trung bình của thế giới, đề nghị đổi mới một cách mạnh mẽ, dứt khoát cả về kinh tế và chính trị, thực hiện hòa giải với tất cả các nước thù địch cũ: Nhật, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Được mời thỉnh giảng ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tại Hội trường lớn ở đây, tháng 4 năm 1990, nhà báo Bùi Tín đã dõng dạc phê phán: “Đảng đã bao biện, ôm dồm, dẫm chân lên chính quyền quá lâu rồi, đã đến lúc phải trả lại toàn bộ chính quyền cho các cơ quan dân cử. Có thể nói chính đảng đã vi phạm có hệ thống hiến pháp là luật cơ bản của đất nước, trong một thời gian dài. Hiến pháp chỉ rỏ rằng: nước ta, toàn bộ chính quyền thuộc về tay nhân dân, thông qua các cơ quan dân cử là hội đồng nhân dân và quốc hội. Nhân dân không bầu ra trung ương đảng và không bầu ra bộ chính trị. Trung ương đảng và bộ chính trị quyết định những nội dung, biện pháp, chỉ số, chính sách, về kế hoạch nhà nước trong 5 năm hay trong 1 năm về nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp v. v…đều là sai nguyên tắc, làm vậy là lấn quyền của quốc hội và hội đồng nhân dân…” (6)
Dẫu sao, người ta vẫn thấy Bùi Tín chưa bao giờ gay gắt, cay cú, chưa bao giờ nặng lời, thậm chí nhiều lúc ông thiết tha như day dứt chính mình:
“Và xin bạn hãy yêu thương cả những người bất đồng chính kiến với bạn, đừng bao giờ giận dữ, ghét bỏ, chửi mắng hay trong lòng khinh bỉ và xỉ vả họ. Họ chỉ là nạn nhân của cả một học thuyết có mục đích rất nhân văn (người không bóc lột người) nhưng với những biện pháp rất phi nhân tính (đấu tranh giai cấp không khoan nhượng, kích động căm thù ngút trời, chiến tranh là phương pháp cơ bản, độc quyền chân lý) ; họ là nạn nhân của thời cuộc, của một ảo tưởng khổng lồ, dai dẳng, của những điều kiện lịch sử khách quan, ngoài ý muốn của họ; rồi mới đến họ là nạn nhân của thái độ bị động, theo đuôi, nhu nhược, mù quáng dai dẳng của chính họ” (8).
*
Thế đấy, Bùi Tín không hề phản động, cũng không bất mãn, không cơ hội, ông chỉ thực hiện sứ mệnh cao cả của một công dân chân chính, một trí thức có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc mình. Những người lãnh đạo trước đây do nhận thức kém cỏi lại hợm hĩnh, ‘kiêu ngạo cộng sản’ khi có chức có quyền nên đã đối xử rất tệ bạc với những người như Bùi Tín. Thế hệ lãnh đạo hiện nay như Đinh Thế Huynh. Nguyễn Phú Trọng ….- thuộc hàng học trò, hàng em nhỏ của ông – hãy khách quan hơn, tỉnh táo hơn mà nhìn nhận lại để sám hối, sửa sai, công khai xin lỗi ông và mời ông trở về. Đấy là những bước cơ bản cần thực hiện trong tiến trình hòa hợp, hòa giải ngõ hầu xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngày Bùi Tín bước vào tuổi 85
Hà Nội 29 tháng 12 năm 2011
© Đoàn Hưng Quốc

No comments:

Post a Comment