Pages

Saturday, December 31, 2011

Chuyện buồn vào lúc cuối năm

Tưởng Năng Tiến
Vi nhân nan (Khổng Tử)


Báo Người Lao Động, số ra ngày 5 tháng 12, có đăng một mẩu tin ngăn ngắn:

Sáng ngày 5-12, ông Nguyễn Kim Hùng (79 tuổi, trú tổ 2, khu vực 4, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định) đi đánh cá tại đoạn sông gần cầu Mới thuộc phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn thì mất tích.

Theo người nhà nạn nhân, sáng sớm mỗi ngày ông Hùng thường dùng sõng nhỏ bơi ở đoạn sông này để đánh cá. Lúc 8 giờ 20 sáng nay, nhiều người dân ở đây cho biết chỉ thấy chiếc sõng của ông Hùng trôi tự do trên sông mà không thấy ông đâu.

Nghi ngờ có điều chẳng lành nên người nhà và mọi người chia nhau lặn tìm. Đến 11 giờ 20 phút cùng ngày, xác ông Hùng được mọi nguời tìm thấy giữa sông. Có thể trong quá trình đánh cá, sõng của ông Hùng bị lật làm ông rơi sông chết đuối. Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

“Nguyên nhân vụ việc,” theo tôi, không cần phiền đến “lực lượng chức năng” phải “điều tra làm rõ.” Ông Nguyễn Kim Hùng không bị ám hại vì tiền, hoặc vì tình. Cũng không có kẻ xấu, hay thế lực thù địch nào, dìm ông ấy xuống sông để cướp vài con cá. Nạn nhân, chả qua, chết vì … nghèo. Thế thôi!

Sắp 80 mà sáng nào cũng phải đi lưới cá mưu sinh thì làm sao mà sống được, mấy cha?  Không chết thì mới là chuyện lạ.

Tôi nghe nói, có thời, ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Thời đó, tiếc thay, không còn nữa. Bây giờ bước ra khỏi là thấy ngay những cảnh đời rách nát: bà Phan Thị Lành bán vé số nuôi con ở tuổi chín mươi lăm, ông Đặng Huyền đạp xích lô nuôi vợ khi đã chín mươi tám tuổi, bà Phạm Thị Đờn mò cua bắt ốc nuôi thân dù đã sắp bước vào tuổi tám mươi…

Ông Đặng Huyền. Ảnh: vnexpress.net
Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân là ba phạm trù luôn luôn đi liền, và gắn bó mật thiết với nhau, ở Việt Nam. Đâu cần nhân dân có, đâu khó có nhân dân. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong. Nhưng chuyện sống còn và an sinh của mỗi công dân – vào lúc cuối đời – lại là chuyện … khác!




Những công dân lão hạng, ở xứ sở này, đều bị bỏ quên vào lúc cuối đời chăng? Không nhất thiết đã thế  đâu.

Bốn ngày sau, sau khi ông Nguyễn Kim Hùng đi lưới cá rồi bị chết chìm – tại khúc sông Cầu Mới (Qui Nhơn) trên trang mạng Bauxite Việt Nam người ta đọc được một bức thư sau – của một công dân lão hạng khác:

Bà Phạm Thị Đờn. Ảnh: Tuổi Trẻ
Ngày 16-12-2011

Kính gửi Ban Biên tập Bauxite Việt Nam và Bác Huệ Chi kính mến,

Tôi là XXX thầy giáo nghỉ hưu tại YYY xin đề nghị với Bác Huệ Chi và BBT trang Blog việc sau:

Sau khi tôi tham gia biểu tình 5 lần tại Hà Nội và một vài lần ra Bờ Hồ cùng với bạn bè, ngành công an tỉnh YYY đã theo dõi. Hai ngày qua tôi được triệu tập lên cơ quan để làm việc. Trên Blog của tôi có lưu trữ nhiều bài với ý định để đọc dần. Tiếc là trong đó có bài về Tổng cục 2 Bộ QP và bài Cộng sản là gì cùng với tập khảo cứu giảo đính Truyện Kiều của ông Đàm Duy Tạo. Ngoài ra cơ quan công an quy cho tôi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy (vì tôi lưu 4 đoạn clip ngắn “Thư giãn cuối tuần” của Trannhuong.com). Chiều qua họ cũng kiểm tra máy vi tính của tôi nhưng không phát hiện được gì.

Ngoài việc phạt hành chính (theo luật quản lý Internet gì đó) mà sáng mai họ mới đưa Quyết định cho tôi, hôm nay ngành công an yêu cầu tôi mấy điều sau (tôi đành chấp nhận và ký):

- Xóa hết các trang Blog (cả hình ảnh và bài viết, dù từ tháng 8 năm 2010 tôi đã không viết bài nào)

- Không tham gia biểu tình khi chưa có luật biểu tình

- Rút tên trong bản kiến nghị thả TS Cù Huy Hà Vũ và Blogger Điếu Cày

Vì sự bình yên trong gia đình và cuộc sống của cá nhân tôi, mong Bác Chi và BBT thông cảm, hãy xóa tên tôi trong danh sách đề nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ.

Một lần nữa mong Bác và BBT lượng thứ cho tôi về chuyện này. Nếu không thì chắc tôi còn phải lên công an dài dài…

Mong bác và BBT giúp tôi.

Xin chân thành cám ơn.

XXX

TB:

Cơ quan an ninh đã nắm mật khẩu hòm thư này của tôi. Nên BBT không cần phải Hồi âm cho tôi.

Bức thư thượng dẫn khiến tôi thốt nhớ đến lời giới thiệu ‘Bức Đơn Thư Yêu Cầu Trợ Giúp Của Gia Đình Điếu Cầy” trên trang Đàn Chim Việt:

Bà Dương Thị Tân vừa gửi đơn thư yêu cầu trợ giúp tới các Cơ quan ngoại giao tại Việt Nam và các Tổ chức nhân quyền quốc tế về tình trạng của chồng mình, ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày.

Điếu Cày bị án 2 năm 6 tháng tù và đã mãn hạn tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên chiếc xe chở ông ra khỏi trại giam đã đưa ông đi mất hút kể từ đó. Không một ai, kể cả những người thân trong gia đình có thể nhìn thấy hay nghe thấy ông kể từ thời điểm đó.

Theo tường trình của bà Dương Thị Tân, bà đã 27 lần làm đơn thư mà không nhận được câu trả lời. Hàng tháng bà tới phòng tiếp dân hỏi và chỉ nhận được câu nói nhấm nhẳn của chính quyền rằng, ông Điếu Cày vẫn khỏe.

Chính tình trạng hết sức khó hiểu này đã làm rộ lên những lời đồn đoán như Điếu Cày bị mất tay, thậm chí bị cho là đã thiệt mạng.

Một chiến dịch thu thập chữ ký do Blogger Mẹ Nấm khởi xướng nhằm kêu gọi nhà nước trả tự do cho ông vừa mới kết thúc. Những chữ ký thu được cùng một thỉnh nguyện thư đã được Mẹ Nấm gửi tới chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Song, những thỉnh nguyện thư như thế này, trên thực tế, chưa bao giờ đem lại kết quả như mong đợi. Gần đây nhất, thỉnh nguyện thư kêu gọi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ đã không đem lại chút kết quả nào, trái lại, một số người tham gia ký kết gặp những rắc rối nhất định.

Quả là rắc rối thật, và rắc rối lắm, và (không chừng) còn có thể rắc rối lớn chứ không phải bỡn đâu. Cả hai bức cuối năm – không dưng – khiến tôi lại lan man nghĩ đến tai nạn mới xẩy ra cho ông Nguyễn Kim Hùng, vào ngày 5 tháng 12 ở Qui Nhơn. Kẻ thì chết ngộp dưới sông, những người còn lại nếu không phải sống trong tù thì cũng phải chịu cảnh tù túng và ngột ngạt… trong căn nhà của chính mình – nơi mà mật khẩu hòm thư cũng không có quyền giữ kín –nếu không muốn phải đạp xích lô, bán vé số hay mò cua bắt ốc mưu sinh, dù đã qua tuổi tám mươi!

Vi nhân nan. Làm người, quả nhiên, không dễ. Nhưng phải là người Việt  – dưới chế độ hiện hành – mới thấm thía hết nỗi khó khăn, cơ cực, và tủi nhục của kiếp nhân sinh.
© Tưởng Năng Tiến

No comments:

Post a Comment