Nguyễn Thị Thanh Dương
Căn nhà vách gỗ nằm bên chân núi,
Chênh vênh như kiếp sống đã chênh vênh,
Bốn bề là mây, là núi bao quanh,
Đâu phố chợ ? Đâu ánh đèn đô thị ?
Cửa đóng, cửa che hơi lạnh không vào,
Không gian ẩm ướt, rừng núi lao xao,
Có tiếng thở dài đôi vợ chồng trẻ.
Họ ở đây nghề giáo viên gieo chữ,
Như nhà nông đi gieo hạt cấy cày,
Cho những con em miền núi xa xôi,
Như cây mọc hoang cần người chăm sóc.
Người chồng là giáo viên dạy tiểu học,
Người vợ giáo viên dạy trường Mầm Non,
Mỗi ngày ba giờ đi bộ xuyên rừng,
Từ trường mầm non đến trung tâm xã.
Lương giáo viên nghèo, quen đời khốn khó,
Cơm trắng ăn với muối lạc khô khan,
Rừng mênh mông nhưng không đủ rau ăn,
Lá chuối non nấu canh cho mát ruột.
Mấy năm ở rừng chưa về ăn Tết,
Ai chẳng nhớ quê? chẳng muốn về xuôi?
Mường Tè, Lai Châu, thương lắm rừng ơi,
Thương những con người vùng cao thiếu chữ.
Nhưng hi sinh mà đời chưa cho đủ,
Bị lãng quên như cây cỏ trong rừng,
Nhiều năm qua họ đã sống mỏi mòn,
Chỉ ràng buộc vì miếng cơm manh áo.
Tình vẫn thừa, nhưng bạc tiền túng thiếu,
Đứa con xa, Tết không thể về nhà,
Tiền đâu đi xe? tiền đâu mua quà?
Tết rừng núi ngậm ngùi mây cũng khóc.
Quà tết nhà trường tặng cho tờ lịch,
Treo trên tường ngắm bằng mắt đón Xuân,
Miếng thịt, bó rau vẫn qúa xa
xăm,
Như mây đỉnh núi nào ai bắt được?
Tết ở lại căn nhà trên dốc ngược,
Vẫn sương mù, vẫn gío núi hoang vu,
Không có lịch nào biết ngày tháng qua !
Không có lịch nào biết đời hoang phí !
Nguyễn Thị Thanh Dương.
No comments:
Post a Comment