Tết tới gần. Bao chuyện thương tâm cứ dồn dập suốt trong những ngày đầu năm 2012 này!
Nọc Nạn quay về trên Tiên Lãng
Trên trang Facebook khá đông đảo bạn đọc chia sẻ với tôi những nhận
định về vụ anh Đoàn Văn Vươn đã sử dụng vũ khí chống lại lệnh cưỡng chế
của chính quyền làm bị thương 6 công an và bộ đội trong ngày 5/01/2012.
Về sự manh động và dại dột của anh Vươn, dư luận nói chung tỏ ra
thương cảm, cho rằng, chính quyền đã đẩy một con thú bị trọng thương tới
đường cùng, đấy một cựu quân nhân lương thiện, siêng năng tới tận cùng
của sự phẫn uất do cảm thấy mình bị lật lọng, bị cướp đoạt bất nhẫn
thành quả mà anh đã xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt, tiền bạc và cả sự
mất mát người thân trong cuộc chinh phục biển cả gian nan suốt mấy thập
niên.
Nhiều vấn đề cần phải được mổ xẻ cẩn trọng để đánh giá đúng và hợp lý
về nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của anh Vươn.
Những người nông dân có thể đã không hiểu hết tính pháp lý, ngộ nhận ý
nghĩa của biên bản hoà giải giữa họ với Uỷ Ban Nhân dân huyện Tiên Lãng
do Toà phúc thẩm dàn xếp và hiệu lực của Toà sơ thẩm khi đơn kháng án đã
được huỷ bỏ.
Thật đáng tiếc, chỉ trừ một hai tờ báo chính thống hiếm hoi, hầu như
bộ máy truyền thông nhà nước có vẻ như muốn định hướng dư luận theo một
cách khác, bất lợi cho anh Vươn.
Nhà nước Việt Nam có thể lo ngại ảnh hưởng xấu của vụ án sẽ lan toả
trong xã hội, như là điển hình của người nông dân nổi dậy chống lại bạo
quyền. Thế nhưng định hướng dư luận thiếu công bằng, cung cấp thông tin
một chiều, thiếu trong sáng, là thái độ vô nhân đạo.
Nói về con người “kỳ tài vùng Tiên Lãng” đã bền bỉ đối diện với biển cả để tìm nguồn sống trong loạt bài 3 kỳ: “Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển” 44 tháng trước nay không thể truy cập được nữa, nhà văn Phạm Thị Hoài viết:
“Không phải ngẫu nhiên mà vụ xung đột đổ máu tại khu đầm Cống Rộc
thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1/2012 được so sánh với Vụ án
Nọc Nạn tại làng Phong Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu năm 1928. Nọc Nạn đã lên
phim, lên tuồng, lên di tích lịch sử. Nhà báo và luật sư độc lập đóng
vai trò quyết định trong kết cục của Vụ án Nọc Nạn. Họ có thể ở đâu
trong Vụ án Cống Rộc? Tiếp diễn của Vụ án Cống Rộc sẽ cho chúng ta biết,
lịch sử đã làm gì sau 84 năm với nông dân Việt Nam, sau tất cả những
cuộc cách mạng, giải phóng, đổi đời, nhân danh họ“.
Nhà báo Huy Đức đã rơi nước mắt khi đọc báo Pháp Luật:
“Mấy ngày nay, ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy
xã Vinh Quang, cứ bần thần khi nghe tin cả gia đình anh Đoàn Văn Vươn
lâm vào vòng lao lý khi nổ súng vào lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đầm.
“Cậu ấy đã có công với bà con xóm làng chúng tôi, nếu không có cậu ấy
làm bờ kè tạo tấm lá chắn thì không biết bao giờ người dân Vinh Quang
mới hết cảnh vỡ đê, chạy bão”!
Còn trong bài “Thời thổ tả” nhà văn Thuỳ Linh viết:
“Rồi đây anh Vươn sẽ ra sao ở trong lao lý? Nỗi uất nghẹn có thể
phá tung gan ruột một người để dẫn người ta đến cái chết. Mình cam đoan
anh Vươn sẽ khóc. Những giọt nước mắt còn hơn cả nỗi tuyệt vọng và đau
khổ. Nó vượt qua sự chịu đựng và nỗi đau đớn của kiếp người”.
Mùa Xuân đầu tiên
Không chỉ riêng nhà văn Thuỳ Linh, đau xót, thất vọng trước nghịch
lý, tai chướng trong xã hội Việt Nam hôm nay, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng
tự vấn trong một bài trên Facebook.
Nhờ đọc bài của Đỗ Trung Quân mà tôi biết đến ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên”
của Văn Cao, danh nhân văn hoá Việt Nam, một nghệ sĩ đa tài đã trải qua
bao kiêu hãnh, lạc quan của thời trai trẻ cầm súng lên đường theo Vệ
Quốc quân chống thực dân Pháp, nhưng rồi tắt lịm trong cay đắng, đày đọa
tinh thần và vật chất, có lúc cười ra nước mắt, sau biến cố nhà nước
Việt Nam dập tắt phong trào Nhân văn – Giai Phẩm vào năm 1956.
Tôi tiếc là mình đã không biết sớm hơn ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên”
đầy tính nhân văn, giàu lòng nhân ái, mang sứ mệnh tình yêu đến cho mỗi
người trên khắp mọi miền khi đất nước thống nhất vào năm 1975.
Tìm hiểu, tôi biết thêm ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” đã phải chịu
nhiều thăng trầm, “chấp nhận thời gian dần dà phủ bụi” qua gần hai thập
niên.
“Mùa Xuân đầu tiên” ra đời đầu 1976, nhân dịp Xuân Bính Thìn, hình
như theo đơn đặt hàng của báo Sài Gòn Giải Phóng, “nhưng ca khúc bị phê
bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách mạng”,
vì thế đã không được phổ biến, ít nhất cho tới cuối thập niên 80, khi
tôi còn sống ở Sài Gòn.
Thì ra mãi đến năm 1991, tức là 4 năm trước ngày ông qua đời (1995),
ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” mới được tới rộng rãi quần chúng.
Bốn năm trước trên tờ “Nhịp cầu Thế giới” Hoàng Linh đã viết:
“Trong khúc hoan ca dặt dìu ấy, thoảng nỗi nghẹn ngào, xao xuyến
của người mẹ nhìn những đứa con, với giọt nước mắt người thiếu nữ sưởi
ấm bờ vai chàng trai trong ngày gặp mặt – nhưng, đã có biết bao người
con, người anh ra đi mà không bao giờ trở về? Văn Cao ý thức được sâu xa
cái giá của cuộc chiến, khi ông ước mơ về “một cuộc đời êm ấm”…
Và ghi lại cảm xúc của nhà thơ Thanh Thảo:
“Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ồn ào, mà như lắng
lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn
nhủ cái gì, báo trước điều gì. Chợt sáng, chợt nhòe, ánh tượng ấy chập
chờn trong tôi, ám vào tôi day dứt. Cuộc đời này rồi sẽ ra sao, chúng ta
rồi sẽ đi về đâu. Liệu cái thời khắc trẻ thơ kỳ diệu ấy có đủ sức nâng
đỡ ta trong những ngày nặng nề của cuộc đời?”. Như thế, “Mùa xuân đầu
tiên” không chỉ là một ca khúc mừng xuân, mà còn mang thông điệp khải
huyền của tương lai một dân tộc mà chúng ta hằng mong mỏi“…
Lời của ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” có những câu:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Từ đây người biết yêu người…
37 năm sau “bỗng hiểu thêm tại sao một ca khúc hay đến thế, rung động
đến thế lại mang giai điệu nao lòng đến thế, một điệu valse buồn man
mác, mang nhiều niềm cầu mong”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết:
“Sau 37 năm. Người biết yêu người ra sao? Yêu thế nào mà cái
thiện ngày càng ít đi, cái ác ngày càng dương đôi cánh dơi khổng lồ của
nó phủ bóng lên tình nhân ái. Người ta hành hạ trẻ con, kẻ sát nhân còn
quá trẻ chém rụng cả tay đứa trẻ mới chỉ vài tuổi, thua bạc đòi mẹ không
xong, bọn côn đồ chém vỡ óc đứa con vài tháng tuổi, người ta dội nước
sôi vào cả bà giúp việc già mà có gì phải hành hạ đến thế. Nếu không hài
lòng sự phục vụ, đơn giản chỉ cần đuổi việc“.
“Khoan bảo tay nhà thơ này toàn bơi móc những chuyện xấu xa của
xã hội. Khi tôi viết những dòng này thì Blogger Mai Thanh Hải đang lặn
lội khắp nơi vận động, quyên góp áo ấm cho lũ trẻ vùng cao. Blogger Trần
Đăng Tuấn cũng đã kêu gọi “bữa ăn có thịt“ cho những đứa bé nghèo ở nơi
xa xôi mà chỉ nhìn vào chén cơm không có bất cứ gì khác dù là muối cũng
đủ để ta rơi lệ. Nhà nhiếp ảnh Nason bao lâu nay cũng lặn lội cùng bạn
bè mình đến những nơi hẻo lánh nhất của Tây Bắc mang quà cứu trợ cho trẻ
con thiếu ăn người dân tộc… và nhà văn Nguyên Quang Vinh lâu nay cũng thế. Họ vẫn âm thầm lặn lội từ lâu. Từ rất lâu“…
(Tuy ở nước ngoài và chưa thể trở về, mấy anh em cầm bút chúng tôi
không thuộc những người giàu có, dư dật, nhưng cũng đáu đáu nỗi nhớ quê
hương và số phận bất hạnh của đất nước anh Quân ạ! Chúng tôi cũng đã và
đang âm thầm, kín đáo làm những công việc nhỏ bé như các anh em hảo tâm
đồng nghiệp trong nước. Nhiều năm nay rồi. Trong khả năng tài chính của
từng người. Đôi khi chúng tôi nói với nhau, chỉ cần 50 USD, chưa đủ một
bữa nhậu hai người ở Mỹ, là một trẻ nghèo ở Việt Nam có thể trang trải
cả năm học phí).
Đỗ Trung Quân viết tiếp:
“Niềm an ủi về cái tình “người biết yêu người…“ vừa sưởi cho ta
chưa kịp ấm thì vụ Tiên Lãng lại cộng thêm vào cái bất nhẫn, bất tín,
bất nhân của chính quyền với chính những người dân đã gắn bó, đổ mồ hôi
từ bao đời tìm miếng cơm manh áo trên mảnh đất của mình… Con giun xéo
quá cũng quằn, huống chi là con người cùng khổ“.
“Hôm nay năm 2012, cũng vẫn còn là cầu mong “Từ đây người biết yêu người…”
Cám cảnh nhân tình thế thái, cùng tâm trạng như Đỗ Trung Quân tôi đã
kết thúc ý kiến của mình trên Facebook bằng mấy câu thơ của nhà thơ Bùi
Minh Quốc, cũng một cựu chiến binh:
“Tổ Quốc hỡi tình chi đau đớn vậy
Con yêu Người, ngục tối nuốt trời xanh
Ôi Tổ Quốc vào tay quỷ dữ
Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình“.
Những người không có mùa Xuân
Tôi nghĩ đến chị Bùi Thị Minh Hằng. “Hơn một tháng nay, thằng con trai của Bùi Hằng bỏ cả nhà cả cửa
ở Vũng Tàu để ra ngoài này nhờ cậy luật sư và tìm cách gặp mẹ. Lần gặp
thứ hai vừa rồi, nó nói mẹ nó tay bị sưng tím, khắp người bắt đầu lở
loét và hắc lào. Nó nói khi mẹ nó yêu cầu được chữa bệnh, cán bộ trại có
tiêm thuốc nhưng không nói tên thuốc cũng như xuất xứ và công dụng, thế
là Bùi Hằng không đồng ý tiếp tục chữa bệnh nữa”.
Vào ngày cuối cùng của năm 2011, hơn 20 nhân sĩ, trí thức đã ký tên gửi kiến nghị tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề
nghị chấm dứt tình trạng sử dụng tuỳ tiện các Nghị định vi hiến bắt giữ
công dân không qua xét xử của toà án và trả tự do cho chị Minh Hằng.
Tới hôm nay, sự im lặng đáng sợ vẫn là câu trả lời truyền thống của nhà
chức trách Việt Nam!
Không chỉ bi kịch Nọc Nạn trở về Tiên Lãng, mà cái thời Nhân Văn –
Giai Phẩm tối tăm, lạc hậu tái diễn với chị Minh Hằng trong âm thanh
chói tai của hệ thống loa phát thanh, cùng với khẩu hiệu đỏ rực, vô hồn
tràn ngập phố phuờng: “Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công
bằng, dân chủ, văn minh”!
Gần 50 năm sau, các “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”
được trao cho nhân sĩ trí thức của Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm đã
từng bị đọa đày oan ức: Cao Xuân Huy, Văn Cao, Trần Đức Thảo, Đào Duy
Anh, Nguyễn Văn Tý, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm … Nhưng chưa
đủ để những người lãnh đạo đất nước hôm nay tỉnh ngộ!
Tôi nghĩ về nhà báo Hoàng Khương, trụ cột kinh tế của gia đình, vào
tù vì tai ương nghề nghiệp, vì dấn thân cho cuộc chiến chống quốc nạn
tham nhũng, trong khi vợ đang mang thai, con nhỏ khác bị bệnh máu trắng,
mẹ già đau ốm…
Tôi nghĩ đến blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đã hơn một năm tính từ
lúc anh mãn hạn 30 tháng tù về tội “trốn thuế” vào ngày 19/10/2010, rồi
bị bắt giam tiếp, tới nay vẫn bặt âm vô tín.
Thư thỉnh nguyện gửi Chủ tịch nước ngày 10/12/2011,
đề nghị Chủ tịch cho biết quy trình pháp lý trong việc giam giữ anh và
trả tự do cho anh, với 824 chữ ký của công dân Việt Nam, trong đó của
381 người sống trong nước, trọn 1 tháng rồi, không có hồi âm.
Cách cư xử của lãnh đạo nhà nước Việt Nam sao lạ lùng, vô tâm đến
thế! Hiểu sao đây, nếu không phải như giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói nhà
nước coi quần chúng như những con bò?
Tôi nghĩ đến Đỗ Minh Hạnh với cái án 7 năm tù giam và bị đối xử tàn nhẫn trong tù. Những lời của Hạnh được mẹ thuât lại như
xé lòng những ai có lương tâm: “Má ơi, con không tin gì hết ở những
người nầy. Má hãy nhìn thân xác con bây giờ như thế nầy nè… Má ơi, con
không buồn về thân phận tù đày của mình, ở đời chỉ chết một lần thôi,
con buồn là họ dám coi thường sự bất khuất của dân tộc”…
Tôi nghĩ về gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn, sau khi khiếu nại quyết
định xử phạt 270 triệu đồng bằng cáo buộc vi phạm hành chính bất công
của Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và thái độ “cay cú” của Thanh tra
tỉnh Quảng Nam hôm 6/1/2012, liệu anh và các con Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu có được bình an đón Tết?
Làm sao có thể tin nhà chức trách để yên khi nhớ lại cảnh cả trăm
công an chìm nổi hùng hổ, bao vây, lục lọi căn nhà nơi anh ở nhờ, chỉ để
trao một cái quyết định xử phạt!
Tôi nghĩ đến phiên toà vào ngày 13/1/2012 xét xử trung tá công an
Nguyễn Văn Ninh, con người đại diện cho pháp luật mà giữa chốn công
quyền đã đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì dám can ngăn công an đã
thô bạo xử lý một người bị cho là không đội mũ bảo hiểm, và ông Tùng đã
chết ít ngày sau đó! Công lý sẽ được đưa lên bàn cân ra sao trong phiên
toà này?
Dư luận suốt mấy tháng nay bức xúc, phẫn nộ. Nhưng dư luận ư? “Cũng
chỉ là của phận con sâu cái kiến, phận những “ông chủ, bà chủ” không thể
mở miệng nói lại với đám “đầy tớ” ít hơn nhưng nắm toàn bộ các “công
tắc” có thể tắt mở ánh sáng công lý”! (Thuỳ Linh)
Rồi biết bao nhiêu người khác nữa cũng không có mùa Xuân: Phạm Thanh
Nghiên, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn
Trội…
Lời kết
Tôi chua chát đọc comment của Nguyễn Thông (dưới bài của nhà thơ Đỗ Trung Quân): “Em nghĩ nó là mùa xuân đầu tiên và mãi mãi đầu tiên, hay nói cách khác, là mùa xuân cuối cùng luôn“…
Chả lẽ dân tộc Việt Nam phải cam chịu một tương lai bất định, một viễn cảnh mù mịt, mãi như vậy sao?
Chả lẽ “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, cũng là mùa xuân cuối cùng
của mơ ước, hy vọng “người biết thương người, người biết yêu người”?
Có lẽ thế thật! Nhà văn Thuỳ Linh đã chẳng viết như thế là gì:
“Thời thổ tả của Gabriel Garcia Marquez, nhà văn vĩ đại người
Colombia, vẫn còn tình yêu. Chứ bây giờ ở đây, trên mảnh đất này còn lại
gì? Đành dùng tạm dù biết thời nay còn hơn cả thổ tả… Táng tận lương
tâm đến mức có nhiều kẻ chưa thể tiến hóa làm người“! ●
Ngày 10 tháng 1 năm 2012
© Lê Diễn Đức – RFA Blog
No comments:
Post a Comment