Ko Ko Gyi, một
trong những lãnh đạo phong trào nổi dậy
của sinh viên 1988, được trả tự do cùng vớiít
nhất 200 tù
chính trị khác, trong đợt ân xá vào tháng
12/2011.- Reuters
|
Ngô Nhân Dụng
Nghe (13:52)
Nhà báo Ngô Nhân Dụng nhấn mạnh đến yếu
tố nội tại trong xã hội Miến Điện : Tập đoàn quân sự tàn bạo nhưng
không dối trá. Khi thấy rằng cần phải mở cửa để khỏi bị Trung Quốc
khống chế, họ đã tạo được sự tin tưởng nơi dân chúng và phe đối lập
chính trị.
Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà bình luận của báo Người Việt tại
California - Hoa Kỳ - đã không ngần ngại đánh giá rằng Miến Điện đang
nổi lên thành một điểm sáng nhất trong tiến trình dân chủ hóa ở Đông
Nam Á.
Ngô Nhân Dụng : Từ mấy tháng nay có thể coi Miến
Điện là điểm sáng nhất trong việc giải phóng các dân tộc ở Đông Nam Á
khỏi chế độ độc tài. Miến Điện đã chịu chế độ độc tài suốt từ những
năm 1960. Các ông tướng đã cai trị nước này như một lãnh địa riêng của
họ : đàn áp đối lập, cấm đoán dân chúng, không chịu mở cửa để giao
tiếp với bên ngoài. Nhưng bây giờ, Miến Điện đã thay đổi hoàn toàn.
Cách đây một năm, vào khoảng thời gian này, chúng tôi có sang bên
Miến Điện. Lúc đó tình hình vẫn còn hoàn toàn đen tối, và đời sống rất
cơ cực. Ngay việc đi vào Internet cũng rất khó khăn, và ở đâu người
ta cũng sợ công an. Thế nhưng, chỉ trong vòng mấy tháng nay, nhiều dấu
hiệu đã xuất hiện cho thấy rằng Miến Điện đang thay đổi thật sự.
Vị tổng thống mới của Miến Điện, ông Thein Sein, đã mở đầu quá
trình thay đổi này, nhưng có thể nói rằng những tướng lãnh già trong
Đảng cầm quyền cũng phải chấp thuận, thì ông Thein Sein mới có thể bắt
đầu quá trình hoà giải với phe đối lập.
Điều mà người ta nhận ra là hai bên - tức là giữa ông Thein Sein
và phe quân phiệt với những lãnh tụ đối lập mà người nổi bật là bà
Aung San Suu Kyi – đều đã có tham khảo với nhau, tiếp xúc với nhau,
để đưa tiến trình này ra trước công chúng, chứ không phải là một
chuyện đột ngột. Việc họ tham khảo với nhau có thể cũng kéo dài cả năm
trời.
Chính quyền và đối lập đã biết tin nhau
Đến bây giờ, ta thấy rõ ràng là hai bên đã thiết lập được một niềm
tin, đặc biệt là phía bên đối lập. Từ mấy tháng nay, người ta thấy rõ
là giữa bà Aung San Suu Kyi với phe cầm quyền, mà tiêu biểu là ông
tổng thống Thein Sein, hai bên đã thiết lập được một sự tin tưởng vào
nhau. Đó là điều khiến cho cả thế giới cũng như trong nước Miến Điện
phải kinh ngạc.
Trong quá trình dân chủ hóa bắt đầu ở Miến Điện, phải nói là nước
Mỹ có đóng góp thúc đẩy rất lớn, bởi vì từ trước đến giờ, chính phủ Mỹ
vẫn cấm vận Miến Điện. Tiếng nói ở Mỹ muốn hoà giải với Miến Điện là
Thượng nghị sĩ Jim Webb. Trước đây 2 năm, ông đã yêu cầu chính phủ Mỹ
bắt đầu tìm cách hoà giải với Miến Điện, bớt cấm vận. Thế nhưng vào
lúc đó, tổng Thống Bush đã không ủng hộ việc này, và chính quyền Obama
cũng rụt rè, bởi vì cả nước Mỹ, nhất là Quốc hội, đều thấy là phải
tiếp tục cấm vận Miến Điện.
Nhưng sau đó, vào năm 2011, Ngoại trưởng Miến Điện và đại sứ Miến
Điện ở Liên Hiệp Quốc đã tìm cách liên lạc với bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,
và có lẽ đó là những bước tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với chính quyền
Mỹ để bày tỏ ý muốn hoà giải, và đặc biệt là ý định sẽ chấp thuận đòi
hỏi là phải dân chủ hóa nước Miến Điện.
Biến cố làm cho cả thế giới kinh ngạc là hồi tháng 11/2011, bà
ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đi thăm Miến Điện, không những gặp
giới cầm quyền, mà còn gặp cả bà Suu Kyi, người tiểu biểu cho phía đối
lập và dân chủ Miến Điện. Đấy là một biến cố lớn.
Hai bên dò dẫm nhau từng bước một. Sau khi được chính quyền Miến
Điện hứa thì Ngoại trưởng Mỹ sang thăm Miến Điện. Rồi đến lúc chính
quyền Miến Điện thực hiện điều mà Hoa Kỳ đòi hỏi là trả tự do cho các
tù nhân chính trị - trong đợt hồi tháng giêng 2012 này, họ đã trả tự
do thêm cho 300 tù chính trị nâng tổng số lên đến 600 người - chính
phủ Mỹ liền « đặt » ngoại giao chính thức, sẽ cử đại sứ sang Miến
Điện v.v…
Đó là những điều khích lệ cả người dân Miến Điện lẫn quốc tế, và
sau đó, các nước khác như Liên Hiệp Châu Âu, ở Đông Á cũng như Ấn Độ
đã tái lập liên lạc mật thiết với Miến Điện hơn. Đó là những những
điều khích lệ cho chính quyền Miến Điện, khiến cho nền dân chủ có thể
sẽ có ngày mở ra ở đất nước Miến Điện.
RFI : Nguyên do sâu xa của các thay đổi ? Phải chăng là để phá vỡ thế kèm kẹp của Trung Quốc ?
Ngô Nhân Dụng : Có lẽ áp lực Trung Quốc là một
cái nguyên nhân chính, khiến cho các tướng lãnh ở Miến Điện lùi bước
và chịu trả lại quyền tự do cho dân. Nhưng mà cũng có thể có những
nguyên do quan trọng hơn ở trong nội bộ của giới tướng lãnh, bởi vì từ
năm 1962 đến giờ, những vị tướng cầm quyền cũng thấy một cách rõ ràng
là họ không mang lại sự thịnh vượng cho dân chúng - Miến Điện vẫn là
một nước cơ khổ nhất thế giới, và thứ hai nữa là bị cả thế giới cô
lập, tẩy chay – và họ thấy rằng đến lúc phải thay đổi.
Một điều mà người ta cũng phân tích ra ở Miến Điện là những vị
tướng ấy cũng lo sợ rằng tương lai của chính họ và gia đình họ, con
cháu họ, sau này cũng sẽ không yên ổn, nếu quốc gia vẫn nằm tiếp tục
trong chế độ độc tài. Bởi vì chế độ độc tài không tôn trọng pháp luật,
không có gì bảo đảm cho sinh mạng, tài sản của người dân, cho nên
biết đâu về sau này, chính con cái của những tướng lãnh đó sẽ bị những
viên tướng khác lên cầm quyền sát hại hoặc là cướp của.
Thành ra, muốn bảo đảm được sinh mạng cũng như tài sản của con
cháu, họ thấy rằng chỉ có một đường duy nhất là Miến Điện phải trở
thành một nước có dân chủ, có tự do, và tôn trọng quyền làm người, tôn
trọng luật pháp của quốc gia. Đó có lẽ là một lý do khác khiến cho
những vị tướng lãnh ở Miến Điện thấy rằng cải tổ để dân chủ hóa thì có
lợi cho chính gia đình họ, chứ không chỉ đơn thuần là đáp ứng nguyên
vọng của người dân.
Trong cả lý do quốc tế lẫn quốc nội đó, hiện nay chúng ta chú ý
nhất là nguyên nhân có tính cách quốc tế, tức là Miến Điện muốn thoát
khỏi sự kềm kẹp, lấn áp của Trung Quốc. Biến cố nổi bật là cái việc
ngưng khai thác một đập nước do một công ty Trung Quốc thầu xây dựng.
Quyết định đó - chỉ mới được chính quyền Miến Điện báo cho chính phủ
Trung Quốc vào năm ngoái thôi - là do áp lực của dân chúng.
Chính quyền Miến Điện không muốn mang tội phản quốc
Miến Điện rất sợ cái cảnh mà người Trung Quốc tràn sang nước họ.
Đến thành phố Mandalay, người ta thấy là người di dân Trung Quốc rất
đông, và đại đa số là người Trung Quốc sang đó ở « lậu », và họ làm ăn
rất là khá giả. Họ khai thác tài nguyên Miến Điện. Công ty Trung Quốc
mua gỗ, ngọc thạch, quặng mỏ của Miến Điện, mang về nước. Người dân
Miến Điện đã trông thấy tất cả những cái đó và họ sợ hãi.
Chính chính quyền Miến Điện cũng thấy rằng họ không thể nào phạm
tội phản quốc, cho nên họ phải tìm cách tách ra khỏi áp lực của Trung
Quốc. Trung Quốc là một nước quá lớn, lại là một nước độc tài, cũng
không tôn trọng, không chấp nhận những quy tắc dân chủ, cho nên khi
gặp một nước nhỏ bên cạnh cũng độc tài như mình, thì Trung Quốc sẽ tìm
cách vuốt ve mua chuộc chính quyền của những nước độc tài đó, để lợi
dụng khai thác người dân bản xứ.
Cái may mắn cho nước Miến Điện là chính quyền của họ cũng nghĩ đến
dân và thấy rằng phải tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc để nước
họ độc lập hơn. Mà muốn tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc thì phải
liên lạc nhiều hơn với các nước Tây phương. Và muốn liên lạc với các
nước Tây phương thì điều kiện đặt ra là phải dân chủ hóa. Đó là một
nguyên do khiến cho Miến Điện có thể mở đường đi tới dân chủ.
RFI : Lạc quan về triển vọng Miến Điện dân chủ hóa ?
Ngô Nhân Dụng : Vâng, hiện nay thì tin tức về biến
chuyển ở Miến Điện còn rất ngắn hạn, tức là chúng ta chỉ mới thấy
những chứng cớ cho thấy chính quyền Miến Điện muốn dân chủ trong vòng
mấy tháng vừa qua mà thôi. Tất nhiên là thời gian ngắn như vậy không
đủ để chứng tỏ là nước Miến Điện sẽ thật sự dân chủ hóa. Ngay ở trong
nội bộ Miến Điện, người ta cũng biết là trong giới quân sự độc tài, có
những tay gọi là cứng rắn vẫn không muốn thay đổi nhiều. Còn tất
nhiên cũng có những người muốn thay đổi nhiều và thay đổi nhanh.
Nhưng điều may mắn trong trường hợp Miến Điện, là ở trong nước,
người ta vẫn còn tin nhau. Sự kiện mà ta thấy là bà Aung San Suu Kyi
tỏ ra rất tin là Tổng thống Thein Sein sẽ giữ lời hứa. Điều đó làm cho
mấy trăm người tù chính trị vừa được trả tự do – rất kính trọng bà
Aung San Suu Kyi - cũng tỏ ra tin tưởng là bên quân phiệt muốn thay
đổi.
Điều ngạc nhiên là sự thay đổi của chế độ quân phiệt đến rất
nhanh. Năm ngoái ở Miến Điện, việc vào Internet còn rất khó khăn,
nhưng gần đây, từ tháng 10, tháng 11 vừa rồi đến nay, tin tức cho biết
là mạng lưới bên Miến Điện giờ hoạt động rất tự do. Ngay cả những tờ
báo ở Miến Điện trước đây hoàn toàn do chính quyền kiểm soát, bây giờ
cũng đã được tự do hơn, và được trình bày những tin tức và ý kiến rất
tự do.
Điều đáng mừng nữa là chính quyền Miến Điện đã ngưng không tấn
công lực lượng người thiểu số, mà lại mở ra các cuộc đàm phán hòa
giải. Tất cả những cái đấy cho thấy là họ muốn tiến rất nhanh.
Chế độ độc tài ở Miến Điện tuy tàn bạo nhưng không dối trá
Có thể là trong nội bộ giới tướng lãnh, những người chủ trương dân
chủ hóa đang thắng thế muốn làm mọi việc rất nhanh, để phe chống đối
không có cơ hội thay đổi được cuộc cờ. Thì đó là lý do khiến người ta
tin tưởng là chuyện dân chủ hóa này là có thật.
Nhưng mà điều mà chúng ta thấy đáng lạc quan là người Miến Điện họ
còn tin nhau. Có lẽ bà Aung San Suu Kyi, bị tù mấy chục năm mà vẫn
còn tin được giới quân phiệt, những người đàn áp bà vì bà muốn dân chủ
hóa, thì điều đó cho thấy là cả dân tộc Miến Điện còn may mắn, họ có
niềm tin vào nhau, đó là điều mà những dân tộc khác phải tự hỏi mình
có thể tạo được hay không.
Sở dĩ dân Miến Điện có thể tin nhau, đặc biệt là giới đối lập -
ngay cả những người tù chính trị mới được thả ra - cũng tin rằng cái ý
nguyện thay đổi dân chủ hóa là có thật, đó là vì chế độ độc tài ở
Miến Điện là một chế độ do những nhà quân sự lập ra, không theo một
chủ thuyết chính trị nào cả, họ chỉ lo quyền lợi của họ mà thôi, không
cần phải dối trá với dân.
Bởi vì một đảng chính trị độc tài, mà dùng một chủ thuyết nói toàn
những điều đẹp đẽ, thì bộ máy độc tài đó phải kèm theo một guồng máy
chuyên môn nói dối để che đậy những cái xấu xa. Còn chế độ quân phiệt
tàn ác, nhưng họ không nói dối. Thành ra ở Miến Điện, phe đối lập vẫn
có thể tin khi mà chính quyền nói rằng họ muốn dân chủ hóa, chính là
nhờ không khí đạo đức trong xã hội không bị suy sụp một cách kinh
khủng, như là tại những nước độc tài khác.
No comments:
Post a Comment