Xã luận bán nguyệt san Tự do
Ngôn luận số 139 (15-01-2012)
Trên báo Nhân Dân số ra ngày thứ bảy, 05-11-2011, bà
“Giáo sư Tiến sĩ” Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, đã trình bày bản chất Nhà
nước CHXHCN Việt Nam như sau: “Nhà
nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa
dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm
cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Bà Phó Chủ tịch nước muốn khẳng định tính
chất “pháp quyền” của “nhà nước ta” để làm cho toàn dân và quốc tế tin tưởng Việt
Nam là một đất nước có pháp luật và pháp luật rất ưu việt (gấp vạn lần so với bọn
tư bản bóc lột kia mà!). Thế nhưng, luật gia nhân quyền Trần Thanh Hiệp đã từng
cảnh báo trước đó: “Muốn hiểu rõ nội dung chữ “pháp quyền” thì không thể chỉ
căn cứ vào nghĩa riêng của hai từ đơn “pháp” và “quyền” rồi kết luận vội vàng
và đại khái – nhưng rất sai lầm – rằng “pháp quyền” có nghĩa là pháp luật với
quyền cao nhất. Phải đặt chữ
này vào trong hệ thống các văn bản qui chuẩn cấu thành chế độ xã hội chủ nghĩa
đương hành, trong ý hệ cộng sản mới làm lộ rõ được nội dung đích thực của nó.
Nếu làm như thế thì sẽ thấy ngay rằng “pháp quyền” không biểu thị loại pháp
luật mà chúng ta biết và chấp nhận – nghĩa là loại pháp luật của các nước dân
chủ tự do. Trái lại, nó biểu thị thứ pháp
luật riêng của cộng sản hoàn toàn khác tới mức độ trái ngược với pháp luật
không cộng sản”
(Bài thuyết trình tại Viện Việt Học, Little Saigon, HK, ngày 8-5-2011)
Thành thử chẳng lạ gì mà thời gian gần
đây, vì nhận thấy “một số người đã cố tình
lợi dụng dân chủ để gây rối, chia rẽ làm tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội”
do chưa được “tuyên truyền, giáo dục cho
hiểu đúng về dân chủ đi liền với kỷ cương” (cũng lời bà Doan), nhà nước
pháp quyền đó đã có nhiều động thái rất ngoạn mục, và phải nói là “lô-gích” với
quan niệm “pháp quyền” của họ ! Cuộc biểu tình sáng 27-11-2011 tại Hà Nội với nội
dung "Ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội ra luật biểu tình" đã nhanh chóng
bị công an đàn áp thô bạo. Hàng chục người xuống đường đã bị bắt đưa lên xe
bus, sau đấy bị áp giải về "trung tâm lưu trú Lộc Hà" (“Trại phục hồi
nhân phẩm”) thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là nơi giam giữ trá hình trực thuộc
sự quản lý của công an thủ đô. Cùng lúc đó, tại Sài Gòn, một biểu tình viên nổi
tiếng -chị Bùi Thị Minh Hằng- chỉ vì cầm biểu ngữ “Phản đối đàn áp người ủng hộ
Quốc hội ra luật biểu tình” mà đã được công an “hỏi thăm sức khỏe”, sau đó áp giải
ra Hà Nội. Rồi chị bị tống lên tỉnh Vĩnh Phúc, bị giam giữ trong thời hạn 24
tháng tại cơ sở Giáo dục Thanh Hà (cũng là một nhà tù giả dạng) theo quyết định
của Ủy ban Nhân dân Hà Nội. Đó là trò giấu nhẹm các nhà đối kháng của nhà nước
pháp quyền Việt cộng, theo bình luận mới đây của báo Wall Street Journal
(12-01-2012): “Bà Hằng là một trường hợp đáng
quan tâm trong chiến thuật đối phó của Hà Nội đối với những nhà đối kháng trong
nước. Thay vì đi qua tiến trình phô diễn thường lệ là xử án và kháng án, bà Hằng
đã bị kết tội một cách hấp tấp vội vã qua một thủ tục hành chánh thường được áp
dụng đối với những kẻ phạm tội về ma túy hay các tội hình sự khác. Dù không biết
lý do chính xác của việc thay đổi thủ tục này, người ta dự đoán là Hà Nội lo sợ
vụ xử bà Hằng trở thành một màn trình diễn… Vì vậy, bà Hằng đã bị lặng lẽ tống
vào trại lao động mà gia đình không hề được biết… Điều đáng quan tâm hiện nay
là Hà Nội sẽ áp dụng hình thức mà họ đã áp dụng đối với bà Hằng với những nhà đối
kháng khác. Thế giới cần lưu ý đến mưu toan ém nhẹm để che giấu việc vi phạm
nhân quyền của Hà Nội”.
Cũng vì nhân danh “nhà nước pháp quyền” kiểu
Cộng sản như thế mà trước đó, ngày 08-11-011, gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn
đã bất ngờ bị hàng chục CA đủ loại ập vô nhà đọc lệnh khám xét, lấy đi nhiều
máy móc, đồ đạc. Tin cho biết khoảng gần 40 CA đủ loại, kết hợp với cán bộ sở
Thông tin tỉnh Quảng Nam đã xông vào tư gia, lục soát thô bạo với cáo buộc ông
cùng hai con Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu đã "vi phạm luật thông
tin", mặc dầu cả 3 chỉ thẳng thắn trình bày sự thật, một công việc cần thiết
để bảo vệ lẽ phải. Tiếp đó, ngày 2 tháng 12, công an ập vào gia đình các
bloggers này lần nữa để lại đánh đập và cướp bóc thêm máy móc tiền bạc, rồi
ngang nhiên và vô lý ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng.
Nhạc sĩ trẻ Việt Khang (tên thật là Võ
Minh Trí) cũng là nạn nhân tiếp theo của nhà nước pháp quyền đó. Ngày 23-12-2011,
công an tỉnh Tiền Giang đã bao vây nhà của anh tại phường 8, thành phố Mỹ Tho,
tỉnh Tiền Giang, rồi bắt anh đi giam giữ nơi đâu không ai hay biết. Lý do là vì
từ lâu anh đã sáng tác nhiều bản nhạc mang nặng tình quê hương dân tộc trong nỗi
trăn trở trước những bất công xã hội và nỗi ưu tư trước họa xâm lược của ngoại
bang Tàu. Đặc biệt hai bài “Việt Nam Tôi
Đâu?” và “Anh Là Ai?” (do anh tự biểu diễn trên video clip) đã làm rung động
tâm hồn nhiều đồng bào trong và ngoài nước.
Mở đầu năm 2012, nhà nước pháp quyền lại
ra tay kiểu “tặng quà cho nhân dân năm mới”. Trưa ngày 02-01-2012, nhà báo Hoàng Khương,
phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã bị Công an thành Hồ khởi tố và tạm giam với tội
danh cáo buộc “đưa hối lộ”. Đồng thời, nhà riêng của anh tại quận Phú Nhuận
cũng bị khám xét và bị thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi sách nhiễu
của các “bạn dân đứng đường”. Việc bắt giam đó đã được dự báo từ trước, như một
hành động trả thù của công an thành Hồ sau những loạt bài chống tiêu cực mạnh mẽ
của người phóng viên đầy bản lĩnh này. Như vậy ngày đầu năm 2012, lực lượng
công an đã thiết thực lập thành tích mừng Đảng mừng Xuân với chiến công khởi tố
tạm giam một cây bút chống tiêu cực nổi tiếng trong làng báo Việt. Từ đây chắc
chắn sẽ chẳng còn nhà báo nào dám đụng đến ngành công an (công cụ số một của
nhà nước pháp quyền) và như vậy các anh CSGT cứ yên tâm mà đòi mãi lộ, và ngành
công an sẽ an toàn mà phục vụ và bảo vệ đảng!
Chỉ vài hôm
sau, sáng ngày 5-1-2012, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, nhà cầm
quyền huyện đã điều động một đoàn khoảng 100 người, gồm cán bộ, công an, quân
lính, bộ đội biên phòng và đại diện các ban ngành chức năng, tiến hành “cưỡng
chế” thu hồi hơn 50 ha đất đầm nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả của ông Ðoàn Văn
Vươn, tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang. Lực lượng “cưỡng chế” (=cưỡng bức áp chế”)
này đã gặp sự chống trả của gia đình ông. Một quả mìn tự tạo và nhiều phát súng
hoa cải đã khiến 6 người của nhà nước bị thương nặng nhẹ. Điên tiết lên, nhà nước
pháp quyền đã vội ra uy bằng cách san bằng ngôi nhà của những người đối kháng,
đánh đập dã man các phụ nữ và trẻ em trong gia đình, tống ngục ông Vươn (bị bắt
tại Viện Kiểm sát thành phố khi ông đến đó nộp hồ sơ khiếu nại) cùng với các
anh em, và mau chóng truy tố họ về tội “sát nhân và chống người thi hành công vụ”.
Nhưng ai cũng biết “Kỳ tài đất Tiên Lãng” này, người từng “chắn sóng, lấn biển,
ngăn bão, trồng rừng, mở đầm” không thua gì tiền bối Nguyễn Công Trứ tại Tiền Hải
ngày xưa, đã phản ứng mạnh mẽ chỉ vì bị dồn vào bước đường cùng do tay của những
cường hào ác bá đỏ mà cụ thể là hai anh em chủ tịch huyện và xã Lê Văn Hiền và
Lê Thanh Liêm. Nhân danh “nhà nước pháp quyền”, áp dụng “nghiêm minh pháp luật”
(Lê Văn Hiền trả lời báo chí), chúng muốn cướp công sức lao động và tàn hại cuộc
sống của những nông dân giỏi giang này. Những người, như giáo sư Hà Văn Thịnh,
đã tưởng và mong chúng sẽ chịu ngay hình phạt: “Phá hoại tài sản
công dân trắng trợn như thế mà vẫn nhởn
nhơ được sao? Thì ra không cần luật pháp, ưa chi làm nấy là cái thực của xã hội
bây giờ sao? Tại sao càn rỡ như thế mà không bị cách chức, đuổi việc ngay tức
thì?”. Thế nhưng giáo sư hẳn đã thất vọng.
Cũng như mới
hôm kia thôi, ngày 13-01-2012, hầu như ai nấy đều phẫn nộ trước cái án quá nhẹ
dành cho tên trung tá sát nhân Nguyễn Văn Ninh, kẻ đã đánh gãy cổ công dân vô tội
Trịnh Xuân Tùng chỉ vì tội không đội mũ bảo hiểm khi nghe điện thoại. Thế
nhưng, từ tên giết người này -vốn ung dung ngồi trước vành móng ngựa, lì lợm bảo
mình đã làm đúng, và chẳng hề ân hận mà xin lỗi gia đình nạn nhân- cho đến toàn
bộ các chánh thẩm và phụ thẩm, tất cả đều thản nhiên nghĩ rằng mình đang thi
hành và bảo vệ pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa!
Cái nhà nước
pháp quyền này (mà chỉ có các chế độ độc tài và cộng sản mới có) hoàn toàn trái
ngược với nhà nước pháp trị. Theo lời của luật sư Trần Thanh Hiệp, Nhà nước pháp trị là nhà nước sinh ra để chống chuyên chế,
bắt đầu bằng việc chống thần quyền, quân quyền. Nó là sự biểu lộ khát vọng của
loài người muốn chinh phục phẩm giá, quyền lực cho con người, nạn nhân của thần
thánh, vua chúa, thiên nhiên, đồng loại, v.v… Đó là nhà nước của mọi con dân
trong một nước, và bởi thế được coi như là nhà nước của quốc gia dân tộc, không
phải của riêng một cá nhân, một giòng họ, một tôn giáo, một giai cấp, một đảng
phái, một tập đoàn cầm quyền nào. Nó thiết lập và thượng tôn một trật tự xã hội
dựa trên pháp luật, trật tự pháp lý; trong hệ thống pháp luật của trật
tự pháp lý này, các quy phạm có đẳng cấp trên dưới rõ rệt (hiến pháp,
luật, văn bản dưới luật, v.v…) không ai có thể tùy tiện đảo lộn hay
xóa bỏ. Bởi thế, nhà nước pháp trị phân chia quyền hành minh bạch (lập
pháp, hành pháp, tư pháp) và hành sử các quyền này theo đúng kỷ cương, có sự kiểm
soát nghiêm mật để tránh lạm quyền, bảo đảm cho các “nhân quyền”, thành văn hay
không thành văn, được thực sự tôn trọng, để cho con người, mọi người, có cơ
hội hành sử tự do của mình, để cho có đa nguyên về tư tưởng, về tổ chức. Và như
lịch sử đã chứng minh, Nhà nước pháp trị
cho đến nay là nhà nước của dân
chủ tự do.
Thế thì xin hay đòi nhà nước pháp quyền cộng
sản tôn trọng luật pháp chính đáng, bảo vệ dân chủ chính danh, cổ vũ công lý
chính hiệu chỉ là ảo tưởng. Muốn những điều này thực hiện trên đất nước Việt
Nam, chỉ có cách duy nhất là xóa sổ cái chế độ đã tạo nên nhà nước pháp quyền độc
tài, độc đảng và vô pháp trị.
BAN BIÊN TẬP
No comments:
Post a Comment