Ngô
Nhân Dụng
Sau
vụ anh Ðoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng bị cướp đất rồi bị bắt,
nhiều người Việt trong nước đã đặt câu hỏi trên các mạng lưới: “Liệu vụ này có
bị chìm xuồng không?” Rồi tự trả lời, “Chúng tôi chả còn biết tin vào đâu nữa!”
Một độc giả khác trấn an: “Hãy tin vào đảng vào trung ương...” Nhưng có người
phản bác ngay: “Các bác vẫn còn cái trung ương để tin. Em thì chẳng. Dứt khoát
như thế cho nó nhanh. Còn tin vào đâu?”
Một cách cụ thể, một vị độc giả trên mạng đề nghị: “Hãy làm một cuộc
trưng cầu dân ý bằng cách cho mọi người bỏ phiếu với hai khả năng
(chọn lựa): Tin - Không tin.” Và vị này đoán kết quả sẽ “có đến 90 %
người dân không tin vào vai trò lãnh đạo của đảng nữa.” Một vị khác
đồng ý: “Tôi nghĩ... việc mất lòng tin của dân là nhãn tiền.”
Thực sự bây giờ mà đặt câu hỏi dân Việt Nam còn tin hay không tin
đảng cộng sản thì hơi phí thời giờ. Ðó là một vấn đề chẳng cần nêu ra
làm gì nữa, câu trả lời ai cũng biết rồi. Có thể đặt ngay một câu hỏi
là “Ðảng cộng sản có còn tin vào đảng nữa hay không?” Và có thể trả lời
ngay là KHÔNG. Cũng trả lời “Dứt khoát như thế cho nó nhanh!”
Hãy thử tự đặt mình vào địa vị các đảng viên và lãnh tụ cao cấp của
đảng mà tự hỏi: “Nếu TIN thì TIN vào cái gì? Có cái gì để TIN hay
không?” Hỏi rồi, nhìn quanh nhìn quẩn, thực tình, chẳng thấy có cái gì
để tin hết! Chính họ cũng không thấy có gì để tin vào đảng của họ nữa,
“Nói dứt khoát như thế cho nó nhanh!”
Trước hết, đảng viên cộng sản còn ai tin vào mục đích sau cùng của
các đảng cộng sản là làm cách mạng vô sản toàn thế giới hay không? Các
đảng viên cộng sản bây giờ còn tin rằng kinh tế tư bản đang rẫy chết,
sắp sụp đổ như ông tổ Karl Marx đã tiên đoán trước đây hơn 150 năm hay
không? Các đảng viên cộng sản bây giờ còn ai muốn nghiên cứu học tập
những lý thuyết viển vông như Duy Vật Biện Chứng hay Duy Vật Lịch Sử
nữa hay không?
Những giáo điều căn bản của đảng cộng sản, họ không tin, thì họ tin
vào cái gì? Ngay cả những lãnh tụ cao cấp nhất trong đảng cũng chỉ chăm
chắm lo làm giầu, lo củng cố địa vị cho con cháu; có ai bây giờ còn tự
xưng mình là một “chiến sĩ vô sản?”
Cơn khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt
đầu ngay từ khi họ chiếm được miền Nam Việt Nam. Những đảng viên người
miền Bắc thấy rõ người dân trong Nam từng có mức sống cao hơn và có
nhiều quyền tự do hơn trước khi “được Ðảng giải phóng.” Những chính
sách kinh tế thất bại gây ra nạn đói, cho thấy chủ trương và tài cán
của các lãnh tụ là số không. Các cuộc chiến tranh với Khờ Me Ðỏ và
Trung Cộng cho thấy cái gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản là hoàn toàn
dối trá, bịp bợm. Cảnh sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản ở Âu Châu đã
mở mắt tất cả những đảng viên vẫn còn mơ hồ. Khi đảng cộng sản quyết
định “đổi mới” thì người ta đã thấy chẳng qua chỉ là trở về với những
phương pháp cũ, trước bị đảng cộng sản thay đổi! Nếu còn ai tin tưởng
vào đảng cộng sản thì niềm tin đó cũng chấm dứt khi người ta nhìn thấy
cảnh các cán bộ từ trên xuống dưới chạy đua trên con đường biến thành
tư bản đỏ. Không phải tất cả các đảng viên cộng sản đều hy vọng thành
tư bản đỏ, vì chỉ có một thiểu số giành được quyền làm giầu. Những
người còn lại phải bám vào đảng để sống.
Riêng đám lãnh tụ đầu đảng bây giờ chỉ còn lo củng cố địa vị mà làm
giầu. Họ tìm cách học tập rồi chắp vá những mánh khóe của các chế độ
độc tài khác trên thế giới, cố làm sao bảo vệ quyền hành, và bảo đảm
đám con cháu sẽ còn được hưởng thụ như họ càng lâu càng tốt. Tất cả là
một mạng lưới kết hợp chặt chẽ với nhau để giữ quyền và đục khoét. Ở
cấp xã, cấp huyện thì tiêu biểu là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ở
cấp cao hơn thì tiêu biểu là bọn những tập đoàn PMU 18, Xa lộ Ðông Tây ở
Sài Gòn, Vinashin. Tất cả đều nhắm mục đích vơ vét thật nhanh, vì biết
ngày sụp đổ không còn xa nữa. Leo lên ngồi được vào một cái ghế rất
tốn kém, thời gian kiếm chác không biết được bao lâu, cho nên phải nhất
trí vơ vét thật nhanh! Như một người dân đã viết trên mạng: Họ đầu tư
thì họ phải cố thu hồi!
Tóm lại, bây giờ, đảng cộng sản cũng không còn tin vào chính nó nữa.
Những bài diễn văn vẫn đề cao những chủ nghĩa lạc hậu, vẫn hô to các
khẩu hiệu rỗng tuếch; chính họ cũng không còn tin lời họ nói nữa. Ngay
việc họ vẫn tự gọi tên đảng của họ là đảng cộng sản đã là một điều dối
trá trơ trẽn rồi. Người dân coi họ chỉ là một bè lũ Mafia.
Nhưng một hậu quả thê thảm sau hơn nửa thế kỷ cộng sản cai trị, là
họ cũng phá vỡ hết cả niềm tin của mọi người dân Việt Nam. Ðảng cộng
sản ngay từ đầu đã chủ trương phá các tôn giáo, vì sợ lòng trung thành
với đảng bị chia sẻ. Họ hủy bỏ trật tự của các gia đình, là nơi vẫn
chứa đựng các giá trị nhân bản như tình thương yêu giữa cha mẹ và con
cái, niềm tin vào phúc đức tổ tiên, truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác. Họ biến công việc giáo dục thành một khí cụ tuyên truyền, xóa
sạch tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà các tiền nhân từ Chu Văn An đến
Nguyễn Ðình Chiểu đã xây dựng trong hàng ngàn năm. Họ bỏ mặc các giáo
chức sống nghèo khổ, phải lo kiếm ăn nhiều hơn là lo giáo dục; làm mất
uy tín của các thầy giáo, cô giáo, mà từ đời xưa vẫn được coi là lớp
người làm gương mẫu cho thanh thiếu niên Việt Nam. Họ coi cả hệ thống
tư pháp là một dụng cụ cai trị, không người dân nào tin tưởng vào luật
pháp nữa. Trật tự xã hội chỉ dựa trên nỗi sợ hãi trước guồng máy công
an.
Hậu quả của các chính sách cộng sản là tạo nên một xã hội bơ vơ
không còn ai tin vào các giá trị tinh thần. Trước đây 30 năm, tập
truyện Thằng Người Có Ðuôi của nhà văn Thế Giang đã cho thấy những thứ
tội ác diễn ra lạnh lùng, ngay cả cảnh người lớn đối xử ác độc với trẻ
em. Trước đây 25 năm Nguyễn Huy Thiệp đã mô tả tình trạng con giết cha,
vợ bỏ chồng, anh em, bạn bè lợi dụng lẫn nhau; trong một xã hội hoàn
toàn không có các tiêu chuẩn luân lý. Nhưng trong văn chương của Nguyễn
Huy Thiệp cũng như Thế Giang độc giả còn thấy bóng dáng của lòng từ
bi, của những khát vọng hướng về Cái Thiện. Ngày nay, đọc tiểu thuyết
Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương chúng ta thấy ông cực tả tình
trạng trống rỗng tinh thần ở một mức độ kinh hoàng hơn nữa. Cái Thiện
hoàn toàn vắng mặt. Các nhân vật trong Xe Lên Xe Xuống không quan tâm
đến một giá trị luân lý nào cả. Ðộng cơ của họ khi cư xử với nhau, khi
đối phó với hoàn cảnh bên ngoài, đều là do lòng tham và nỗi sợ. Họ chỉ
đi tìm tiền bạc, quyền hành, và nhục dục. Họ nhìn người khác đều chỉ
thấy đó là những vật có thể dùng để thỏa mãn các mục đích này. Hình ảnh
duy nhất còn mang lại niềm tin trong toàn cảnh tiểu thuyết này là tình
anh em ruột thịt, qua những ký ức về thời thơ ấu của nhân vật chính,
khi hai anh em đối xử với nhau như những con người, không vụ lợi.
Có thể đó là một điều mà Nguyễn Bình Phương nêu lên như mầm mống để
nuôi hy vọng cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Cuốn tiểu thuyết đặt
trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Hoa tàn khốc những năm 1979, và
1984, cuối cùng, chứa đựng một nỗi khát khao: Phải sống lại tình anh em
máu mủ, như thời chúng ta còn là những đứa trẻ thơ.
Bởi vì các chế độ chính trị sau cùng đều tàn lụi cả. Các chủ nghĩa,
các lý thuyết đều chỉ có giá trị nhất thời. Những người giầu có nhất,
quyền lực cao nhất, sau cùng cũng sẽ bị lãng quên. Quyền hành, danh
vọng, tiền bạc, khi chết không ai mang theo được. Nhưng tình tự dân
tộc, tình thương yêu giữa người Việt Nam với nhau giống như tình anh em
ruột thịt, vẫn tồn tại. Mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước
ngoài đều chia sẻ những nỗi nhục nhằn cay đắng của các nhân vật trong
Xe Lên Xe Xuống, trong cơn hoạn nạn đất nước bị xâm lăng. Tất cả đều
xúc động khi đọc tin tức về gia đình ông Ðoàn Văn Vươn. Tình đồng bào
đó vượt lên trên mọi bức tường chia rẽ chúng ta, dù là tường lửa.
Bây giờ chẳng cần đặt ra câu hỏi người dân còn tin chính quyền cộng
sản hay không nữa. Nhưng chúng ta có thể tin vào tình thương yêu giữa
đồng bào với nhau. Mối quan tâm lớn là chính chúng ta phải xây dựng lại
niềm tin giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Bắt đầu bằng tấm lòng
thành thật, bằng lời nói đúng sự thật, và thái độ sẵn sàng tin tưởng
vào những người cùng thành tâm thiện chí. Chỉ có sự thật xây dựng được
niềm tin.
No comments:
Post a Comment