Pages

Tuesday, March 22, 2011

Việt Nam và Hoa Kỳ, cuộc hòa giải kéo dài

Richard Halloran,
cựu phóng viên nước ngoài
tại châu Á của tờ New York Time

By Richard Halloran 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ gặp nhau ở Hawaii để xây nên quan hệ đối tác chiến lược mới từ đống tro tàn của chiến tranh.

10 ngày trước đây, khi đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, bay sang Hawaii để bàn bạc với tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương là Đô đốc Robert Willard, ông mang theo một thông điệp xúc tích: “Cẩn thận với Trung Quốc”.

Theo một ngôn ngữ ngoại giao hơn, các quan chức Mỹ và Việt Nam cho biết đại sứ Phụng đã khẳng định: “Việt Nam và Hoa Kỳ nên cùng hợp tác để chống lại những yêu sách về lãnh thổ và nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở tự do hàng hải trên Biển Đông”,
Hạm đội Thái Bình Dương của Williard phụ trách mảng quan hệ quân sự với Trung Quốc và có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi sự gây hấn của Trung Quốc nếu mối quan hệ đó xấu đi. Nghe nói Williard đã đón nhận ý kiến của đại sứ Phụng. Không tiếp xúc được với Willard bởi vì, theo các nhân viên của Williard, ông ta đang bận chỉ đạo các hoạt động nhân đạo của Mỹ ở đông bắc Nhật Bản sau trận sóng thần.
Mỹ và Việt Nam đã và đang dần dần xúc tiến một quá trình hòa giải mà chỉ có thể đánh giá bằng từ “đáng ghi nhớ”, sau một cuộc chiến tranh rất dài giữa hai nước, kể từ năm 1954 tới năm 1973, làm 58.000 lính Mỹ và khoảng 1,1 triệu người Việt chết.
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã có lời nhân một chuyến thăm tới Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái. “Chiến tranh đã qua” – ông phát biểu tại Đại học Quốc gia Việt Nam. “Những nước nào đủ sáng suốt để bỏ lại những cay đắng và khổ đau trong quá khứ đều có thể tìm thấy ở nhau mối quan hệ hữu nghị và đối tác tương lai”.
Đại sứ Phụng thể hiện quan điểm của Hà Nội và ký ức khó quên của người Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng gần như cả Việt Nam trong suốt 1000 năm cho đến năm 939 Công nguyên. Gần đây hơn, vào năm 1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam, và trong gần 10 năm sau đó, giữa hai nước đã nhiều lần xảy ra giao tranh.
Đối với Mỹ, sự hiếu chiến của Trung Quốc đã và đang mạnh thêm lên, kể từ khi chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa bùng nổ trong Thế vận hội Bắc Kinh tháng 8/2008. Bắc Kinh dường như có ý đẩy các lực lượng Mỹ cùng ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi châu Á. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, một cách lặng lẽ nhưng liên tục, đã cảnh báo Trung Quốc đừng nên tính nhầm, vì Mỹ dự định vẫn tiếp tục làm một siêu cường ở Thái Bình Dương.
Để nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác về an ninh đang hình thành giữa Mỹ và Việt Nam, Không lực số 13 của Mỹ tại Căn cứ Không quân Hickam đang có kế hoạch triển khai một đội “Ngựa Đỏ”, gồm toàn những kỹ sư hàng đầu, sang Việt Nam hè này để hợp tác cùng kỹ sư Việt Nam tu sửa lại một số trường học và bệnh viện.
Giới chức Mỹ cho hay, kế hoạch của Không lực và các lực lượng quân sự Mỹ khác là nhằm thiết lập quan hệ hợp tác với những đơn vị phi quân sự của Việt Nam, sau đó sẽ dần dần tăng cường thành hoạt động huấn luyện cho các lực lượng chiến đấu. Chốt lại, quân đội Mỹ muốn có căn cứ không quân ở Việt Nam.
Lực lượng Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở Ft. Shafter thì lên kế hoạch tập hợp các đại diện từ Việt Nam và những nước Đông Nam Á khác tại một hội thảo về phòng chống thiên tai. Kế hoạch này kêu gọi mở rộng những hội thảo tương tự trong vòng hai năm tới. Lục quân cũng có kế hoạch hỗ trợ hoạt động kỹ thuật và y tế của các đơn vị khác.
Hạm đối Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ ở Trân Châu cảng – đơn vị từng gửi 6 tàu chiến đến thăm cảng biển ở Việt Nam trong những năm gần đây – có kế hoạch tổ chức một hội nghị với đối tác Việt Nam trong mùa xuân này để chuẩn bị cho nhiều chuyến thăm nữa. Một bước đột phá: Việt Nam vừa thông báo rằng cảng biển của họ ở vịnh Cam Ranh đã mở rộng cửa chào đón hải quân nước ngoài.
Để một hàng không mẫu hạm năng lượng hạt nhân, nặng tới 90.000 tấn, đến cảng Cam Ranh, sẽ là một hành động mang tính biểu tượng rõ nét cho quá trình hòa giải Mỹ-Việt, bởi vịnh này từng là nơi Mỹ đóng một căn cứ khổng lồ trong suốt chiến tranh. Chuyến thăm sẽ nhằm mục đích gửi tín hiệu tới các quốc gia Á châu rằng Mỹ thúc đẩy an ninh khu vực, và để nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ sẽ là một đối thủ đáng gờm.
Năm ngoái, máy bay cất cánh từ tàu khu trục U.S.S. George Washington đã đưa vài nhà lãnh đạo về quân sự và chính trị của Việt Nam đến một tàu đóng ngoài khơi. Năm 2009, tàu khu trục U.S.S. John Stennis cũng hành động tương tự. Cả hai vụ đều bị Bắc Kinh – kẻ có yêu sách chủ quyền trên phần lớn vùng biển khu vực – phản đối.
Cũng thời gian đó, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển U.S.S. John S. McCain neo đậu ở Đà Nẵng. Tàu này được đặt theo tên ông nội của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, một đô đốc hải quân, và bố ông John McCain, vị đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương trong chiến tranh Việt Nam. Thượng nghị sĩ McCain vốn là phi công hải quân bị bắn hạ trên vùng trời Hà Nội và đã từng bị tù 6 năm.
Một tín hiệu khác khó thấy hơn nhưng cũng có ý nghĩa về sự hiện diện tăng cường của Mỹ là việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mở văn phòng liên lạc (liason office) ở Hà Nội.
Không phải người Việt Nam nào cũng thích hòa giải với Mỹ, đặc biệt là các đảng viên cộng sản cao tuổi, vốn sợ Mỹ sẽ phá hoại chính quyền của họ. Hồi tháng 12, một quan chức Việt Nam đã chỉ trích nghị quyết của Mỹ về tự do tôn giáo, nói rằng nghị quyết đó không phản ánh đúng thực trạng ở Việt Nam.
Tuy thế, ngay tại Mỹ thì nhiều cựu chiến binh – những người mà chúng ta có thể tin rằng họ sẽ phản đối việc hòa giải, đặc biệt những người từng là tù binh chiến tranh – lại tỏ ra thờ ơ, hoặc ủng hộ hòa giải.
“Chúng tôi không có nhiều oán hận đối với họ” – một lính thủy đánh bộ từng hai lần chiến đấu ở Việt Nam nói. “Chúng tôi là quân nhân, do các chính trị gia điều đến Việt Nam để đánh nhau, nhưng sau đó, chính chúng tôi lại bị lên án vì chiến tranh, chứ không phải giới chính trị gia. Chúng tôi bị dư luận Mỹ phê phán”.
Người dịch: Đỗ Quyên


No comments:

Post a Comment