dongasg (danlambao) – Xin được gửi đến các bạn câu chuyện có thật về con đường dấn thân đầy nhiệt huyết của ba người bạn Hùng – Hạnh – Chương, cùng những hoạt động khiến họ bị kết án nặng nề
Ngày mai, thứ Sáu 18/3, Tòa án Nhân dân Trà Vinh (171 đường Phạm Hồng Thái P2, TXTV, tỉnh Trà Vinh) sẽ mở phiên phúc thẩm xử án 3 người bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương với tội danh: “Phá rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Năm ngoái, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 27/10/2010, tòa đã kết án 3 bạn với những mức án nặng nề: Hùng bị 9 năm tù giam, Hạnh và Chương cùng bị 7 năm.
Theo cáo trạng, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2010, Hùng – Hạnh – Chương đã “rải truyền đơn kêu gọi công nhân biểu tình, đình công” tại Nhà máy Mỹ Phong (Trà Vinh), dẫn đến cuộc đình công của hơn 10.000 công nhân kéo dài liên tiếp trong 1 tuần, nhằm đòi hỏi quyền lợi, nhân phẩm chính đáng mà họ đã bị tước đoạt.
Cuộc đình công tại Trà Vinh là kết quả của những cố gắng âm thầm của cả ba người bạn, trong nỗ lực không mệt mỏi nhằm giúp đỡ người lao động hiểu được quyền lợi chính đáng của mình.
Tôi may mắn có một quãng thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với cả Hạnh và Hùng. Xin được viết lại đôi dòng về con đường mà các bạn ấy đã đi qua, đã hy sinh và cống hiến.
Lý tưởng & dấn thân
Hạnh và Hùng ngày còn ở bên nhau |
Hạnh là một người con gái nhỏ nhắn với đôi mắt rất đẹp, trên khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười hồn nhiên. Còn Hùng là người thanh niên cao lớn, chững chạc và ít nói, sau cặp mắt kính, đôi mắt anh dường như luôn đăm chiêu suy nghĩ.
Từ cuộc hẹn lần đầu tiên đó, Hạnh và Hùng luôn đồng hành cùng nhau, khi thì tìm đến những vùng quê miệt vườn để hỗ trợ dân oan mất đất, có khi họ lang thang trong những khu công nghiệp, hay vào dãy nhà trọ tồi tàn trong những xóm lao động nghèo… Cứ thế, hai bạn không bao giờ ở cố định một nơi, sáng còn ghé Đồng Nai thăm chùa của thầy Nhật Bạn đêm hôm bị côn đồ ném đá, chiều lại thấy hai bạn ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với những công nhân Bình Dương vừa bị đuổi việc…
Sau một thời gian dài tiếp xúc, trước thực trạng đời sống công nhân ngày càng trở nên bi đát, nhân phẩm bị xúc phạm nặng nề, hai bạn quyết tâm dấn thân để tạo nên sự thay đổi, nhằm giúp những người lao động hiểu được quyền lợi chính đáng của mình.
Khi vừa được thả ra khỏi đồn công an, Hùng nhanh chóng quay trở lại với công việc còn dở dang. Vết thương chưa lành, anh vẫn không hề tỏ ra sợ hãi. Có lần tôi lo lắng hỏi thăm, anh chỉ cười đáp: “Những chuyện này chỉ làm tăng thêm quyết tâm của mình”. Sau vai anh, Hạnh mỉm cười tự hào, dù đôi mắt chị vẫn còn đầy sự lo lắng
Hạnh luôn tin tưởng rằng, không ai đơn độc trên con đường chính nghĩa. Thực vậy, sau quãng đường không ngừng nghỉ, hai bạn đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn đồng hành mới, trong đó có anh Đoàn Huy Chương. Chương vốn là người sáng lập “Hiệp hội Đoàn kết Công nông”, từng đứng ra tổ chức nhiều cuộc đình công, vì vậy mà anh đã bị bắt và kết án 18 tháng tù. Giữa năm 2008, Chương ra khỏi tù, mang theo chứng bệnh nặng sau 1 năm bị giam giữ, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền của người trụ cột gia đình. Dù vậy, ngọn lửa nhiệt huyết trong anh không bao giờ tắt.
Hùng – Hạnh – Chương và những người bạn tiếp tục dấn thân mạnh mẽ vào con đường hỗ trợ, bảo vệ người lao động. Dù vấp phải nhiều khó khăn, vì sự sợ hãi luôn là rào cản lớn nhất nơi những người dân thấp cổ bé họng, nhưng các bạn vẫn kiên trì, nhẫn nại. Bằng cái tâm trong sáng và nhiệt huyết của những người hoạt động cho quyền lợi công nhân, các bạn luôn tỏ ra cảm thông trước nỗi lo âu hay những khó khăn mà người lao động gặp phải. Kết quả của những nỗ lực ấy dần dần gặt hái được thành công, người công nhân dần dần hiểu được những quyền lợi chính đáng của mình, và họ biết cần phải làm điều gì.
Vụ đình công tại Nhà máy Mỹ Phong
Nhà máy giày da Mỹ Phong là công ty có vốn 100% của Đài Loan, với 2 chi nhánh cùng đặt tại Trà Vinh, tổng cộng có khoảng 11.000 công nhân.
Đầu năm 2010, tại đây liên tục xảy ra nhiều trường hợp chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan chửi bới, đánh đập lao động Việt Nam. Một số công nhân nữ bị chuyên gia nước ngoài ném giày vào mặt gây thương tích, số khác bị chửi bới, xúc phạm bằng cách phải chui xuống gầm bàn để nhặt những lô giày mà các chuyên gia này vừa ném đi. Nhiều trường hợp bị ngất xỉu vì làm việc quá sức… Những hình ảnh này đều diễn ra trước mặt đại diện công đoàn nhà máy, nhưng phía công đoàn vẫn tỏ ra vô cảm.
Công nhân nhà máy Mỹ Phong kéo ra ngoài đình công |
Cuối tháng 1/2010, trước tết nguyên đán 2 tuần, ban giám đốc công ty Mỹ Phong ngang nhiên ăn chặn tiền lương và thưởng tết của công nhân, điều này đã tạo nên làn sóng bất bình trong công ty. Một số người đã nhờ công đoàn nhà máy can thiệp, nhưng đáp lại vẫn là những cái lắc đầu vô cảm.
Nhận được lời cầu cứu của một số anh chị em công nhân, ba bạn Hùng Hạnh Chương đã mau chóng đến nơi. Sau khi lắng nghe chia sẻ, các bạn đã hỗ trợ những người lao động hiểu được quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời lên kế hoạch giúp đỡ.
Ngày 28/01/2010, một thanh niên trong màu áo công nhân bất ngờ xuất hiện & lên tiếng kêu gọi đình công. Lời kêu gọi ngay sau đó đã được hưởng ứng, dẫn đến những cuộc đình công kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày. Đáp lại, ban giám đốc đã ra lệnh khóa chặt cổng các phân xưởng, không cho công nhân được ra ngoài. Việc đóng kín cổng đã khiến 16 nữ công nhân ngộp thở và ngất xỉu, buộc họ phải phá cổng để đưa những người ngất xỉu đi cấp cứu.
Trước các cuộc đình công kéo dài liên tục, phía công ty phản ứng bằng cách đuổi việc và giao nộp cho công an hai công nhân tham gia kêu gọi đình công. Hành động này càng làm tăng sự bất mãn, khiến công nhân càng tỏ ra đoàn kết hơn.
Nội dung truyền đơn kêu gọi đình công và đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho người lao động tại nhà máy Mỹ Phong |
Ngày 31/1 và 1/2/2010, xung quanh nhà máy Mỹ Phong xuất hiện hàng ngàn truyền đơn kêu gọi đình công và những đòi hỏi chính đáng của giới công nhân. Những truyền đơn này sau đó đã được truyền tay đến rất nhiều người.
Ngoài việc đòi hỏi mức lương cùng chế độ lao động hợp lý, đây là lần đầu tiên xuất hiện một cuộc đình công mà người lao động yêu cầu trách nhiệm của giới công đoàn, đồng thời đòi hỏi phải được tôn trọng nhân phẩm. Chính điều này đã khiến phía công ty tỏ ra lúng túng khi bắt đầu xuống nước đối thoại với công nhân. Ngay cả khi phía công ty chấp nhận các yêu sách về lương & thưởng, các cuộc đình công vẫn tiếp diễn vì công ty chưa đáp ứng đòi hỏi được tôn trọng nhân phẩm. Mãi cho đến khi Liên đoàn Lao động cùng đại diện chính quyền Trà Vinh kéo đến can thiệp, tất cả các yêu sách đã được đáp ứng thì công nhân mới quay trở lại làm việc sau khi đình công 7 ngày liên tục.
Cuộc đình công của hàng vạn công nhân Mỹ Phong kết thúc thắng lợi, gây được sự ảnh hưởng tương đối tích cực. Tuy nhiên, sự thành công đó cũng là nguyên nhân khiến ba người bạn Hùng Hạnh Chương bị kết án nặng nề, trong một bản án mang tính áp đặt, trả thù
Bị bắt và đánh đập
Trước và sau tết nguyên đán, hàng chục ngàn truyền đơn kêu gọi dân chủ xuất hiện tại các tỉnh thành, nghi ngờ các bạn Hùng Hạnh Chương tham gia, cơ quan công an lên kế hoạch bắt giữ
Ngày 11/02/2010, công an bắt giữ anh Đoàn Huy Tâm, em trai của Chương. Theo tường thuật, vì không biết Chương đang ở đâu, nên họ bắt giữ Tâm để áp lực Chương phải xuất hiện. Ngày 13/02/2010, Chương đến cơ quan công an trình diện để cứu em, ngay lập tức anh bị giam giữ từ đó.
Nghe tin Chương bị bắt, Hạnh biết rằng sắp đến lượt mình. Chị dành những ngày ít ỏi còn lại để trở về Di Linh an ủi và chăm sóc mẹ. Trong những ngày đó, chị tâm sự với bạn bè “Ước gì có thêm thời gian, mình sẽ làm được nhiều việc hơn cho đất nước”, có lẽ khi ấy không ai hiểu điều chị nói. Ngày 23/02/2010, Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, chị bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng chị vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt.
Vài tiếng sau, lúc rạng sáng ngày 24/02, Hùng bị bắt khi đang lái xe qua Đồng Nai. Ngay đêm hôm đó, anh bị công an đánh đập và tra khảo hết sức tàn nhẫn. Hùng bị biệt giam suốt 8 tháng trời, gia đình không được tiếp xúc. Ngày ra tòa, anh trông tiều tụy với những bước đi khó nhọc, anh tố cáo việc mình bị bức cung và tra tấn, thế nhưng, vừa dứt lời thì chiếc micro bị cắt
Phiên tòa áp đặt, trả thù
Ngày 26/10/2010, phiên tòa sơ thẩm không có luật sư, không báo chí… được mở ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Đây là một phiên tòa hoàn toàn mang tính chất trả thù, cả ba người bạn Hùng Hạnh Chương không được tự bào chữa cho chính mình, ngoài những câu hỏi áp đặt, chỉ được trả lời “có” hoặc “không”. Thỉnh thoảng, phiên tòa bị ngắt quãng bởi những lời động viên của Hạnh dành cho 2 bạn của mình, theo sau tiếng quát tháo của người chủ tọa
Phiên tòa sơ thẩm ngày 26/10/2010 tại Tòa án nhân dân Trà Vinh |
Nhân chứng có mặt tại phiên tòa hôm ấy là một công nhân Mỹ Phong từng bị đuổi việc vì đình công. Trong phần xét hỏi, anh công nhân chỉ một mực nói rằng Chương đến chỉ giúp anh ta tìm một công việc tốt hơn tại TP. HCM, ngoài ra không nói thêm điều gì bất lợi cho Chương.
Phiên tòa diễn ra chóng vánh, với một bản án nặng nề cho cả ba bạn. Lố bịch ở chỗ, cả viện kiểm soát và tòa án cho rằng Hùng là người “chủ mưu, cầm đầu” chỉ vì anh lớn tuổi nhất trong nhóm. Cuối phiên tòa, Hạnh chia tay hai bạn mình bằng cách hát một bài hát nói về tình bạn, ngay lập tức luật rừng được thực thi, Hạnh bị một nhóm công an lôi ra xe, nắm tóc đập đầu vào thùng xe nhiều lần.
Lời kết
Ngày mai, cả ba bạn sẽ bước ra tòa, họ sẽ vẫn bước đi hiên ngang, với trái tim đầy nhiệt huyết như những ngày mới dấn thân. Dù bản án thế nào đi nữa, tôi tin rằng, người ta luôn nhìn nhận việc làm của các bạn bằng sự trân trọng và thán phục.
“Không ai đơn độc trên con đường chính nghĩa” – Đúng vậy, các bạn không hề đơn độc !
No comments:
Post a Comment